Friday, 8 November 2024

NHIỆM KỲ 2 CỦA TRUMP : TƯƠNG LAI NÀO CHO CÁC ĐỒNG MINH CỦA MỸ Ở CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG (Thanh Hà / RFI)

 



Nhiệm kỳ 2 của Trump: Tương lai nào cho các đồng minh của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương?

Thanh Hà  –  RFI

Đăng ngày: 07/11/2024 – 14:18

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241107-nhi%E1%BB%87m-k%E1%BB%B3-2-c%E1%BB…..BB%B9-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-%C3%A1-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng

Năm 2017, vì khẩu hiệu America First, một trong những quyết định đầu tiên của tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump là Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trở lại Nhà Trắng, liệu chính quyền Trump 2 có sẽ bỏ rơi bộ Tứ Quad Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, bỏ rơi liên minh quân sự AUKUS, một sáng kiến của Joe Biden với Anh và Úc để kềm tỏa ảnh hưởng và tham vọng quân sự của Trung Quốc?

HÌNH :

Ứng cử viên Donald Trump tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, West Palm Beach, Hoa Kỳ, ngày 06/11/2024. AP – Julia Demaree Nikhinson

Donald Trump và đảng Cộng Hòa đã thắng lớn trong các cuộc bầu cử Mỹ 2024, chẳng những nắm giữ chìa khóa Nhà Trắng, mà còn chiếm đa số rộng rãi ở Thượng Viện và rất có thể là tiếp tục kiểm soát cả Hạ Viện. Câu hỏi đối với các đồng minh của Washington trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương là, với quyền lực gần như tuyệt đối đó, trong nhiệm kỳ 4 năm tới, chính quyền Trump sẽ coi Châu Á Thái Bình Dương là « một ưu tiên » về chiến lược, là những « cánh tay nối dài » và là những « công cụ cần thiết » trong cuộc tranh hùng với Trung Quốc, hay chỉ là những « cộng sự viên » của Mỹ, thậm chí chỉ là « những gánh nặng » tài chính ?

Trong bài tham luận đăng hôm 28/10/2024 trên trang mạng của viện nghiên cứu Úc Lowy Institute, Charles T. Hunt và Aiden Warren nhìn nhận những nỗ lực của chính quyền Trump 1 tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á Thái Bình Dương. Dù vậy châu Á vẫn còn bị ám ảnh vì chính sách đối ngoại ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump, một chính sách « khó lường » mà ở đó tiếng nói của những gương mặt hàng đầu như ngoại trưởng Rex Tillerton, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, hay cố vấn An ninh Quốc Gia của Nhà Trắng H.R. McMaster thường không được lắng nghe, cho nên phản ứng của Mỹ thường « muộn màng và không thích hợp » về vấn đề Trung Quốc và chính sách của Washington ở Ấn Độ Thái Bình Dương. Do vậy các đồng minh của Mỹ tại châu Á không biết rằng những nền tảng vững chắc gầy dựng được với chính quyền sắp mãn nhiệm của tổng thống Joe Biden bên đảng Dân Chủ có sẽ bị « trật đường rày » sau bầu cử ở Mỹ hôm 05/11/2024 hay không.

« Bốn nền dân chủ và cũng là những cường quốc hải quân »

Từ 2021, ông Biden đã nâng cao đối thoại an ninh trong Bộ Tứ Quad (Mỹ, Nhật Ấn Độ và Úc) lên một tầm cao mới, xem đây là một công cụ quý giá để kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc. « Bốn nền dân chủ và cũng là những cường quốc hải quân » này đã mở rộng hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến an ninh mạng và cùng theo đuổi một mục đích: « đối phó với thái độ càng lúc càng hung hăng của Bắc Kinh ».

Cũng Joe Biden năm 2021 đã bất ngờ mời thủ tướng Anh và Úc đến Washington để khai sinh liên minh quân sự AUKUS. Trong ba năm qua, liên minh này đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực thuộc về « tương lai », như công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, hay an ninh mạng… Nhưng đấy là những chương trình hợp tác còn « non trẻ » mà chìa khóa được đặt ở Washington. Không hiểu rằng, trong hai tháng nữa, chính quyền sắp tới của đảng Cộng Hòa sẽ có tiếp tục xem những liên minh này là « trụ cột » trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ nữa hay không ?

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã mau mắn gửi điện chúc mừng ông Trump đắc cử và theo nhiều nguồn tin từ Tokyo thì ông Ishiba đang kỳ vọng sẽ là một trong những lãnh đạo đầu tiên trên thế giới được hội kiến Donald Trump ngay trong những tuần lễ tới, tựa như cố thủ tướng Shinso Abe từng làm khi nhà tỷ phú địa ốc Mỹ vừa đắc cử tháng 11/2016. Ông Abe đã khéo léo khai thác quan hệ cá nhân hữu hảo để duy trì « mối quan hệ ổn định » trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Hàn Quốc tuy không tham gia đối thoại an ninh Bộ Tứ, hay liên minh quân sự AUKUS, nhưng lại là nơi mà hơn 28.000 lính Mỹ đang hiện diện. Tổng thống Yoon Suk Yeol bắt buộc phải tin rằng liên minh giữa hai nước dưới sự dẫn dắt của ông Trump sẽ « tươi sáng hơn ». Seoul vẫn nhớ Donald Trump đã hai lần bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Nhìn từ Đài Bắc, chính quyền của tổng thống Lại Thanh Đức cũng đang dò xét những ý định của ê kíp lãnh đạo Mỹ sắp tới. Vào lúc mà Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận sát Đài Loan, trong một phát biểu gần đây, ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa từng tuyên bố muốn được Hoa Kỳ bảo vệ, Đài Loan phải « chi tiền ».

Một ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử, Châu Á – Thái Bình Dương đứng trước một khúc quanh quyết định, như ghi nhận của hai nhà nghiên cứu Úc trong bài tham luận của Viện Lowy. Đây trước hết là một bài toán trắc nghiệm về mức độ vững chắc của hợp tác an ninh giữa Hoa Kỳ với khu vực trước « những chuyển biến của thể giới hiện nay », trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

—————————–

Các nội dung liên quan

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Phản ứng quốc tế sau khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ

NGA – HOA KỲ

Mỹ-Nga: Điện Kremlin thận trọng đối với tổng thống đắc cử Donald Trump

CHÂU ÂU – HUNGARY

Thượng đỉnh Cộng đồng chính trị Châu Âu tại Budapest: Châu Âu trước thách thức Donald Trump

.

.




No comments:

Post a Comment

View My Stats