V
I Ê N N G Ọ C Q U Ý B Á U G I Ữ A Đ Ờ I
Tôi là kẻ
sống dai. Cho nên những gì tôi viết về bè bạn thuần là những kỷ niệm về họ, phần
nhiều là những người đã khuất. Tôi viết trước hết là để cho mình, như một lời
nhắc. Rằng trong sự hình thành cái thằng tôi hôm nay, người nào cũng có phần
trong đó.
Nhớ đến
Nguyên Ngọc là tôi nhớ đến mấy truyện ngắn Chị Nèn, Mùa Xuân Hoa Trắng. Không
phải Đất Nước Đứng Lên. Không phải Rừng Xà Nu.
Tinh chất của ngôn ngữ Việt không nằm trong những
tác phẩm dính dấp với chính trị.
Các nhà phê bình thì lại hay xoáy vào cái thứ vô duyên ấy để đánh giá tác phẩm.
Sai lầm của họ là ở chỗ này. Tôi nghĩ thế và tin mình nghĩ không sai.
Lập trường
chính trị ở nhà văn có cuộc sống ngắn ngủi của loài vờ. Vào một ngày mưa xuống
nắng lên những con vờ vỡ tổ. Chúng áo ào bay loạn xạ trong không trung để rồi đột
ngột khép cánh lại, rơi xuống chết tốt. Xác chúng lềnh bềnh trên mặt sông.
Lập trường
là cái nay đúng, mai sai. Tốt nhất là tránh xa nó ra để giữ lấy cái trong trẻo
của trái tim người.
Nhớ đến
Nguyên Ngọc là tôi nhớ đến văn tà mùa xuân của anh: “Cỏ non nhọn và sắc, tưởng
chừng những chú nai tơ lạc vào đấy chân cũng rớm máu”. Tôi không nhớ đúng chữ,
nhưng ý thì không sai.
Ngôn ngữ
là hồn cốt của tác phẩm. Văn chỉ có đẹp và không đẹp, hay và không hay. Văn của
Nguyên Ngọc có cả hai: đẹp và hay.
Tôi không
nhớ mình đánh bạn với Nguyên Ngọc khi nào. Hình như cùng một thời với Nguyễn Khải
thì phải. Chúng tôi chơi với nhau như người cùng trà lứa, do hợp tính hợp tình,
chứ không do một tiêu chí nào đó, văn chương hay vị trí xã hội. Hai người kia
khi ấy đã là hai trái núi. Bên cạnh họ, tôi là con chuột.
Trong một
đêm nằm chung phòng trong khách sạn Leningrad ở Moskva, Nguyên Ngọc nói về Đất
Nước Đứng Lên:
– Nó là một
tableau. Không có văn chương. Đọc làm gì.
Ý anh nói
cuốn ấy chỉ là phác thảo một cảnh tượng.
– Thế thì
viết làm gì – tôi nói.
Nguyên Ngọc
nín lặng.
Thời chúng
tôi còn trẻ, cái anh có để mà khoe, nói cách khác là cái anh cần phải trưng ra
để được sống yên là lập trường chính trị của anh. Nó bị đặt dưới kính lúp của
những người cầm cân nảy mực toàn xã hội. Sự lựa chọn chỉ có một – hoặc anh theo
họ, hoặc anh bị tống ra rìa.
Thế mà,
đùng một cái, như sấm giữa trời quang, Nguyên Ngọc tuyên bố bỏ cái đảng mà anh
gắn bó gần như cả đời. Nhiều người ngơ ngác. Tôi thì không.
Với Nguyên
Ngọc mà tôi biết điều đó ắt phải xảy ra, không trước thì sau. Tôi chỉ nghĩ: nó
xảy ra khí chậm.
Trong cái
xã hội chia hai: đảng và không đảng, có đảng là sang, là oai, ngoài đảng là
hèn, là kém, sự bỏ đảng, cái tài sản tinh thần mà người có nó khư khư ôm chặt,
đòi hỏi một dũng khí. Dũng khí ấy vốn có ở Nguyên Ngọc, nó chỉ tiềm ẩn, chưa đến
lúc bùng phát mà thôi.
Trên đường
đời nhiều ngả rẽ đi lạc là chuyện thường. Nó xảy ra với bất kỳ ai. Lạc thì quay
lại, có thế thôi. Nguyên Ngọc lạc vào đảng cộng sản. Biết mình lạc, anh đi ra.
Tôi không
bao giờ vào cái đảng ấy. Không phải vì tôi ghét các thứ chủ nghĩa. Trong sự yêu
ghét tôi không chọn bên. Ai yêu cứ việc yêu. Ai ghét cứ việc ghét. Nhưng khi đảng
cộng sản xưng hùng xưng bá cai trị đất nước, thì tôi ghét nó.
Trong mọi
câu nói của Lê Duẩn, tín đồ nhiệt huyết của bạo lực, bạo lực cách mạng cũng như
bạo lực không cần cách mạng, có một câu tôi thích: “Chân lý chỉ là hiện tượng lịch
sử, nay nó đúng, mai nó sai”.
Tôi không
phải thần tử của thuyết cái quan định luận. Chẳng cần phải đóng nắp áo quan ta
mới có thể nói lời cuối về một người. Ta hoàn toàn có thể nhận định về họ khi họ
còn sống. Họ có thể đúng, có thể sai. Họ có lúc đúng, có lúc sai. Ai chả thế.
Ta không phải và không nên vội nhận vai trò phán xét.
Tôi có đọc
một vài bài báo mạng phê phán Nguyên Ngọc. Lập luận xác đáng, không cãi được.
Đáng tiếc là người ta chỉ nói về lập trường chính trị, về thái độ của Nguyên Ngọc
với việc này việc khác. Nhưng đó không phải là Nguyên Ngọc. Trong Nguyên Ngọc
có vài Nguyên Ngọc. Ở chỗ này chỗ khác, khi này khi khác.
Nhìn bức ảnh
chót của Nguyên Ngọc bắt gặp trên mạng xã hội, tôi buồn. Tôi không thấy trong bức
ảnh ấy Nguyên Ngọc mà tôi từng biết.
Tuổi già
chẳng tha ai. Chúng tôi, bạn cùng thế hệ với Nguyên Ngọc, đều đã già. Người xưa
nói về tuổi chín mươi là tuổi cưỡi hạc về trời. Một hình ảnh thật đẹp. Nhưng chẳng
ai cưỡi cái của khỉ gì khi rời bỏ trần thế. Chúng tôi chẳng còn sức để tự mình
bò vào quan tài nữa kìa.
Tôi nhớ cuộc
gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi ở một gian nào đó trong ngôi nhà quen thuộc của
Văn nghệ Quân đội ở đường Lý Nam Đế. Sau cuộc gặp gỡ ấy tôi không gặp Nguyên Ngọc
lần nào nữa.
Hôm ấy
chúng tôi trò chuyện lan man về đủ thứ – về văn chương, về những tác giả đáng đọc,
ở trong nước, ở ngoài nước. Chẳng hiểu sao mọi chuyện linh tinh lang tang ấy rốt
cuộc lại dẫn tới một đề tài hết sức bất ngờ – trạng thái cận tử.
Nguyên Ngọc
dường như có nghiên cứu về hiện tượng này – bằng đọc sách hoặc nghe kể.
– Khi linh
hồn rời bỏ thể xác, ông ạ – anh nói bằng giọng khẳng định – nó sẽ trở thành nhẹ
bỗng khi bay vào một đường ống khổng lồ trong tiếng nhạc êm dịu để rồi thoát ra
một vùng đất tuyệt đep, nơi mọi màu sắc đều tươi sáng – trời rất xanh, mây rất
trắng, và những bông hoa đều ánh lên sắc màu tinh khiết.
Tên cúng
cơm của Nguyên Ngọc là Nguyễn Ngọc Báu.
Các cụ khéo thật. Nguyên Ngọc đúng là một vật báu mà các cụ tặng cho quê hương
Việt Nam.
Mừng
Nguyên Ngọc bước vào tuổi chín mươi.
Cầu Trời
cho anh có sức khoẻ dẻo dai để luôn có mặt bên chúng ta. Viết thêm nữa cũng được.
Không viết cũng chẳng sao.
Miễn vẫn
có thể nghe được giọng láu táu quen thuộc của anh:
– Tin nhảm
ấy mà. Mình đang chuẩn bị cho một chuyến thăm lại Tây Nguyên đây.
Kèm theo
là một tràng cười giòn giã. Như của một đứa trẻ.
Thế là vui
rồi.
Thế là đủ
vui rồi.
Velbert
(Germany) 9.2022
.
No comments:
Post a Comment