Thursday, 15 September 2022

TRÍ THỨC QUỐC GIA và TRÍ THỨC CỘNG SẢN (Lê Mạnh Tường / Thông Luận)

 



Trí thức quốc gia và trí thức cộng sản

Lê Mạnh Tường

13/09/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/26130-tri-th-c-qu-c-gia-va-tri-th-c-c-ng-s-n

 

Cách đây vài ngày người viết bài này đã có một bài viết "Nguyên Ngọc, trí thức hay công bộc ?" phản ứng về một lời "thổ lộ" của nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức cộng sản gạo cội, với bà Nguyễn thị Bình, một trí thức cộng sản gạo cội khác và nguyên Chủ tịch Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam - Chủ tịch bù nhìn cho một Mặt trận con rối - gây xôn xao dư luận như một hành động can đảm của một trí thức, một trí thức thật sự biết nhận sai và sửa đổi : "Chúng ta đã sai từ Đại hội Tua (Tours!". Ý muốn nói sai ngay từ lúc chọn chủ nghĩa cộng sản cho Việt Nam năm 1920 của ông Hồ Chí Minh trong Đại hội Đệ tam Quốc tế cộng sản được tổ chức tại thành phố Tours, Pháp.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52345211174_96d218896b.jpg

Nhà văn Nguyên Ngọc và bà Nguyễn Thị Bình - Ảnh minh họa

 

Nếu quan sát những phát biểu "ấn tượng" đầu voi đuôi chuột khác của ông như "Đảng đã phản bội lại lí tưởng ban đầu", "Đảng càng ngày càng chuyên quyền nên tôi không thể tiếp tục ở trong tổ chức đó nữa", và nếu đã sai ngay từ đầu thì làm gì có lý tưởng ? Như ai cũng đều biết chủ nghĩa cộng sản dựa trên chuyên chính vô sản, có nghĩa là chuyên quyền từ bản chất thì làm gì có chuyện càng ngày càng chuyên quyền ?

 

Nhưng những phát biểu "ấn tượng" đó đã biến thành một sự cố bởi những trí thức cộng sản đã nhìn thấy nó như những cái phao để bám, những tấm bình phong để không phải đối mặt với những chất vấn của lương tâm. Và điều này, phải công tâm nhìn nhận, chứng tỏ họ vẫn còn lương tâm nhưng chỉ thiếu can đảm để thẳng thắn nhìn nhận sai lầm của mình.

 

Không một chủ thuyết nào tự nó trở thành một tai họa cho một quốc gia nào cả. Nếu nó trở thành một tai họa là hoàn toàn do con người. Không chỉ người chọn mà chủ yếu là những người đã đóng góp cho nó thành công, những người đã, đang tiếp tục duy trì và bảo vệ nó.

Rất nhiều nước trên thế giới cũng đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào quê hương họ nhưng không có bao nhiêu nước đã thành công ; chủ nghĩa cộng sản đều thất bại ở những nước văn minh tiến bộ.

 

Nhắc nhở một lần nữa là vấn đề không phải ở Đại hội Tua (lỗi ở chủ nghĩa) mà ở những năm tháng tiếp theo và bởi những người tiếp nối, là những trí thức cộng sản như ông Nguyên Ngọc.

 

Trí thức cộng sản Việt Nam chỉ thực sự ăn năn một khi đã rũ bỏ cái bình phong chủ nghĩa hay sự tha hóa của đảng cộng sản ; phải can đảm như họ đã từng can đảm đứng thẳng người, nhìn thẳng vào mặt mình để ăn năn (((để đồng hành cùng dân tộc))).

 

Hãy tạm chỉ hiểu khái niệm trí thức theo cách hiểu phổ thông là người có một trình độ học vấn nào đó, có khả năng phân tích, suy luận cao hơn mức trung bình. Có nghĩa là cùng đồng ý với nhau rằng ông Nguyên Ngọc và những người bạn phản tỉnh của ông là trí thức, trí thức cộng sản hay trí thức xã hội chủ nghĩa.

 

Trước hết cần phải nói rõ một điều đang được chứng minh bằng thực tế là trí thức cộng sản đã từng chứng tỏ bản lãnh và một số phẩm chất cao như có lý tưởng (dù sai thì một lý tưởng vẫn có sức mạnh của một lý tưởng), quyết tâm, kiên trì, sẵn sàng chấp nhận mọi cam go cho lý tưởng của họ khi tham gia cách mạng. Nếu khách quan thì khó có thể không khâm phục họ (không có bà Nguyễn thị Bình trong thành phần này).


Hiện nay Tổ Quốc đang sa đọa về mọi mặt và mọi lãnh vực có nguyên do sâu xa do chính họ gây ra nhưng những phẩm chất ấy không được thấy trong họ nữa thì phải hiểu là Tổ Quốc không phải là cứu cánh cho sự dấn thân của họ ngày xưa mà là chủ nghĩa cộng sản. Họ yêu chủ nghĩa cộng sản hơn yêu nước. Thậm chí không yêu nước. Làm sao có thể yêu nước, yêu Tổ quốc khi hăng say phục vụ cho một chủ nghĩa chủ trương giải thể ý niệm Tổ quốc, giải thể Quốc gia ?

 

Nhắc lại phải công tâm nhìn nhận một số phẩm chất của những trí thức cộng sản mà hàng ngũ trí thức quốc gia không có, hoặc có ít, và bởi một số rất ít người : có lý tưởng (dù sai một lý tưởng vẫn có sức mạnh của một lý tưởng), quyết tâm, kiên trì, sẵn sàng chấp nhận mọi cam go cho lý tưởng của họ. Và, cần nhấn mạnh, một sự thông minh đặc biệt hơn hẳn những trí thức quốc gia là họ hiểu được, để thành công, dù bắt đầu từ con số không thì phải biết sánh vai, kết hợp : Đấu tranh chính trị phải là đấu tranh có tổ chức.

 

Lý tưởng và sự thông minh này đã là hai yếu tố quyết định cho sự chiến thắng của họ trước một đối thủ có nhiều phương tiện và điều kiện hơn họ.

 

Sau 47 năm, một thời gian đủ dài để trí thức quốc gia, nhắc lại là trí thức, đã rút ra được bài học nào cho sự thất bại của mình ?

 

Thực tế đôi khi rất phũ phàng. Nhìn vào tình trạng rệu rã của hàng ngũ trí thức quốc gia, đặc biệt ở hải ngoại, nơi không bị sự kiềm chế của Đảng cộng sản Việt Nam, buộc chúng ta phải xấu hổ cúi đầu mà thú nhận rằng họ đã chẳng học được bao nhiêu, ít ra là hai bài học quan trọng nhất đã là yếu tố quyết định cho sự thất bại của mình : 1, lý tưởng  2, đấu tranh chính trị là phải đấu tranh có tổ chức.

 

Nếu có lý tưởng thì một người thông minh ở mức trung bình cũng phải nhận ra một điều rất đơn giản rằng lý tưởng chính trị là một mộng ước vô cùng cao lớn mà một cá nhân không bao giờ có thể thực hiện được mà phải qua một tổ chức. Hoặc cùng lắm là tự đánh lừa mình bằng những ảo tưởng lý tưởng và điều này thì cũng chẳng cần tổ chức để làm gì cho mất thời giờ. Trí thức quốc gia đã đánh mất lý tưởng ! Trong tình trạng đất nước hôm nay, một trí thức không có lý tưởng khó có thể khẳng định mình là một người yêu nước.

 

(Xin mở một dấu ngoặc là khi nêu danh ông Nguyên Ngọc không phải vì cá nhân mà vì hiện tượng trí thức cộng sản mà ông là người tiêu biểu cũng như phần kế tiếp nhắc đến tên một người quốc gia khác cũng chỉ là cách để nói về một hiện tượng trí thức quốc gia).

 

Tệ hại hơn, một vài trí thức, để che đậy cho sự "hụt hẫng" (tránh viết đúng cho nhẹ) của mình, không ngần ngại chê bai, dèm xiểm một tổ chức hiếm hoi vẫn miệt mài cố gắng cho đất nước là tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải vì nó đã phạm một lỗi đạo đức nào đó, mà chỉ vì những lý do vu vơ như "kiêu căng", "không thực tế", "thiếu hiểu biết về cộng sản, về tình hình quốc nội", "bao nhiêu năm mà vẫn chưa lớn được", v.v.

 

Xin trích một phát biểu vu vơ đã trở thành một điệp khúc nhàm tai ở nhiều nơi, nhiều lúc của một số người tương tự như góp ý của ông Trần Trung Đạo, một trí thức quốc gia khá có uy tín trong cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại. Trích lại :

 

"Nóng lòng cho một giải pháp là điều dễ hiểu trong tâm lý của những người có khuynh hướng hoạt động tổ chức. Nhưng có bao giờ các bạn ngồi xuống thật trầm tĩnh, lắng lòng, không tự ái, không cảm thấy bị xúc phạm, khách quan để suy nghĩ lại tại sao tổ chức mình mấy mươi năm vẫn không phát triển được như ý mình. Khi nào các bạn trả lời được, lúc đó hãy nghĩ tới giải pháp. Bởi vì, đơn giản, căn bệnh không thể trị hết nếu không biết nguyên nhân gây ra bệnh" (Hết trích).

 

Thú thực những lời khuyên, chất vấn như thế này đâu phải là ý kiến, cũng không phải là phê bình, vì nó không đưa ra một lập luận nào cả, mà đơn giản là một phê phán, một thành kiến, một niềm tin, có nghĩa là nó chưa/không được trải qua một sự khảo sát tri thức nào cả. 

 

Chỉ đơn giản là hãy "xét lại". Nhưng xét lại cái gì và tại sao ? Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong mỏi những đề nghị đó được đi kèm với những lý lẽ, lập luận. Chúng ta không thể thảo luận với nhau như những ông thầy bói. Thú thật là chúng tôi không biết và cũng không hề muốn làm việc như thầy bói bao giờ cả.

 

Cho tới nay Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chỉ nhận được những phê phán đại loại như thế mà thôi và sau những phê phán đó chúng tôi đã không làm theo những yêu cầu sửa sai của họ khiến họ giận lẫy, rồi kết luận rằng chúng tôi không có khả năng tiếp thu ý kiến và sửa sai.

 

Khó có thể thảo luận, tiếp thu, sửa sai hoặc phản biện một cái không phải là ý kiến ; không tiếp thu một cái không phải là ý kiến không phải là không có khả năng tiếp thu ý kiến.

 

Vả lại chúng ta cũng cần một số kiến thức căn bản về khái niệm thảo luận. Thảo luận công cộng cũng như trong một tổ chức chỉ là một cuộc trao đổi ý kiến để mọi người học hỏi lẫn nhau, cùng trau dồi kiến thức, tiếp nhận hiểu biết của người khác, phát hiện ra sự khiếm khuyết của mình… Một cuộc thảo luận không đòi hỏi phải có một kết luận, quyết định chung rồi sau đó người ta phải thi hành nó. Đó thường là những cuộc thảo luận trong phạm vi riêng tư và nhỏ của những ban tham mưu các tổ chức chẳng hạn, và một vài trường hợp hiếm hoi đặc biệt của những đại hội đảng phái.

 

Do đó chúng ta nên dành cho mình một vai trò khiêm tốn nhất định nào đó của một cá nhân tham dự vào một cuộc thảo luận công cộng mà thôi. Không nên có ảo vọng bắt người đối thoại phải chấp nhận và thi hành những ý kiến của mình. Đó là chức năng của những thành viên trong tổ chức.

 

Và sau hết : xác tín là kẻ thù của thảo luận ý kiến ; chỉ một xác tín có thể được chấp nhận trong thảo luận là ý kiến có thể sai do đó mới cần thảo luận.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52355456865_353db842e7_w.jpg

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải và cũng không thể là tổ chức duy nhất có trách nhiệm đề nghị những giải pháp cho những vấn đề của đất nước. 

 

Nhưng dù sao những câu hỏi, đề nghị này chứng tỏ, một cách nhìn nào đó, sự quan tâm của những người này với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nên để đáp lại tấm thịnh tình đó đòi hỏi chúng tôi phải có một trả lời.

 

Xin trả lời cho những câu hỏi, đề nghị vừa nói ở trên và cũng là dịp để chúng tôi giải thích cho những ai quan tâm.

 

"Nóng lòng cho một giải pháp là điều dễ hiểu trong tâm lý của những người có khuynh hướng hoạt động tổ chức. Nhưng có bao giờ các bạn ngồi xuống thật trầm tĩnh, lắng lòng, không tự ái, không cảm thấy bị xúc phạm, khách quan để suy nghĩ lại tại sao tổ chức mình mấy mươi năm vẫn không phát triển được như ý mình. Khi nào các bạn trả lời được, lúc đó hãy nghĩ tới giải pháp. Bởi vì, đơn giản, căn bệnh không thể trị hết nếu không biết nguyên nhân gây ra bệnh".

 

Nếu là một người, đặc biệt cho một trí thức, thực sự quan tâm tới mệnh hệ của đất nước mình thì đó là những vấn đề người ta phải đặt ra cho chính mình trước hết, sau đó mới cho Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải và cũng không thể là tổ chức duy nhất có trách nhiệm đề nghị những giải pháp cho những vấn đề của đất nước. Đó phải là bổn phận của mọi trí thức Việt Nam ; sự thất bại của một giải pháp cho đất nước, nhất là nó còn là một giải pháp duy nhất đã được đề nghị, phải được coi như là một thất bại của mọi người Việt Nam mong muốn dân chủ, của mọi trí thức Việt Nam chứ không chỉ của một tổ chức. 

 

Một người có trách nhiệm với xã hội, đất nước không thể và không có quyền được hài lòng với những phê phán suông sự trì trệ (theo họ) của những người hiếm hoi đang miệt mài cố gắng đóng góp cho đất nước mà còn phải tỏ ra một sự liên đới tối thiểu nào đó. Đó là thái độ phải có của một trí thức, của những người còn nặng lòng với đất nước.

 

Là một trí thức, với khả năng suy nghĩ sâu xa, người ta sẽ đặt vấn đề một cách khác cho sự yếu kém, trì trệ (theo nhận định của ông Trần Trung Đạo và vấn đề này cũng cần một cuộc thảo luận riêng) của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên : 

 

a) Tại sao, từ gần nửa thế kỷ nay, vẫn chưa có một tổ chức nào ra đời để song hành với một hai tổ chức như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị những giải pháp khác, bằng những phương pháp khác cho công cuộc dân chủ hóa đất nước mà tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không đáp ứng đủ nguyện vọng của họ ? 

 

b) Tại sao tới nay đất nước vẫn chưa có dân chủ chứ không phải chất vấn, phê bình Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã không thành công mang dân chủ đến cho Việt Nam ? Nếu không, trí thức Việt Nam tự đặt mình trong tư cách một người ngoài cuộc.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52353809202_4407ce2b8f.jpg

Sự khan hiếm các tổ chức chính trị của cộng đồng Việt Nam khát vọng dân chủ cũng phải là một vấn đề cốt lõi mà một trí thức phải đặt ra cho chính mình trước hết

 

Nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phát triển được trong khi nhiều tổ chức chính trị khác phát triển tốt thì chắc chắn là nó có vấn đề ; nhưng một khi nó là tổ chức duy nhất đề nghị những giải pháp cho Việt Nam mà không được hưởng ứng đủ như phải có thì có hai vấn đề được đặt ra 1, giải pháp không phù hợp với nguyện vọng chung, 2, người Việt Nam không ý thức được tổ chức là điều kiện trước hết và cốt lõi cho một cuộc đấu tranh chính trị thành công.

 

Về điểm 1, không thuyết phục vì từ cả bốn mươi năm trời nay không có một đề nghị cho một giải pháp thay thế nào cho giải pháp "không phù hợp" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, thậm chí cũng không có một cuộc thảo luận đúng nghĩa, nghiêm chỉnh nào để phản bác những bất cập của nó với những suy nghĩ, lập luận có cơ sở mà chỉ toàn những phê phán suông. Do đó vấn đề cần phải nhìn ở điểm 2 : người Việt Nam không có văn hóa tổ chức và, buồn lòng hơn, trí thức Việt Nam cũng không ý thức được sự cần thiết của tổ chức. Về vấn đề nhận thức này thì sự bình đẳng tuyệt đối đã được phơi bày giữa trí thức và toàn xã hội.

 

Sự khan hiếm các tổ chức chính trị của cộng đồng Việt Nam khát vọng dân chủ cũng phải là một vấn đề cốt lõi mà một trí thức phải đặt ra cho chính mình trước hết : Khái niệm tổ chức có tầm quan trọng nào trong nhận thức của người Việt Nam, đặc biệt của trí thức ? Để trả lời câu hỏi này buộc trí thức Việt Nam phải tìm hiểu cặn kẽ, sâu xa hơn về khái niệm tổ chức trước đã. 

 

Từ đó họ sẽ ngộ ra sự tiến hóa của loài người chủ yếu nhờ tổ chức ; sự thành bại của các quốc gia chủ yếu cũng là vấn đề tổ chức ; tổ chức là điều kiện cốt lõi trong tất cả mọi cuộc tranh đấu chính trị cho tất cả mọi lí do ở mọi nơi. 

 

Chỉ cần nhìn nhanh thực tế rệu rã của cộng đồng Việt Nam khát vọng dân chủ cũng đủ cho người ta kết luận mà không sợ sai lầm rằng trí thức Việt Nam không hiểu hay chỉ hiểu rất hời hợt về khái niệm tổ chức nói chung và tổ chức chính trị nói riêng. Nhưng nó cũng không hẳn là một vấn nạn, họ có thể học và hiểu rất nhanh. Vấn nạn của Việt Nam là đa số thành phần trí thức không ý thức được vai trò cốt lõi của tổ chức trong công cuộc đấu tranh chính trị. Với Việt Nam, nó không phải chỉ là cốt lõi mà là tất cả.

 

Câu hỏi mà trí thức Việt Nam phải đặt ra cho mình, nhắc lại là đặt ra cho chính bản thân mình, ngay lập tức để tìm câu trả lời : Tại sao những tổ chức chính trị khó thành hình trong xã hội Việt Nam ? Và vai trò và trách nhiệm nào của trí thức đối với thảm trạng vô ý thức này trong xã hội Việt Nam ?

 

Thưa ông Trần Trung Đạo, về khả năng suy nghĩ và đặt vấn đề cho chính mình, với tất cả sự khiêm nhượng, thì phải nói là chúng tôi đã vượt rất xa cá nhân ông bởi một sự kiện mà có lẽ ông chưa ý thức được : từ những cá nhân đơn lẻ nhờ biết suy nghĩ và biết đặt vấn đề, chúng tôi đã trở thành một tổ chức chính trị Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ; ông Trần Trung Đạo vẫn chỉ là một cá nhân. Một cá nhân, dù có xuất sắc như thế nào đi nữa, cũng không thể so sánh với một tổ chức về trí tuệ cũng như sức lực, về khả năng suy nghĩ và đặt vấn đề. Và điều này giải thích tất cả.

 

Bắt đầu từ những cá nhân đơn lẻ, chúng tôi đã biết tìm đến nhau bởi một thôi thúc chung có nghĩa là bằng những suy nghĩ cá nhân cho một vấn đề chung : giải thoát dân tộc Việt Nam ra khỏi ách độc tài cộng sản và dân chủ hóa đất nước. 

 

Không có gì khó để ý thức được rằng sự bất thăng bằng lực lượng giữa chúng ta, những cá nhân đơn lẻ, và đối thủ là chính quyền cộng sản như trứng chọi đá. Sự ý thức đó đã buộc chúng tôi phải suy nghĩ về mình và cả đối thủ ; những điểm yếu và mạnh ; những tiềm năng và bất lợi ; những bài học lịch sử đấu tranh của mình cũng như của thế giới ; những quan sát về sự thành bại của những quốc gia, v.v. để đồng ý cho một kết luận. Thực ra, qua ánh sáng lịch sử, đã được coi như một định luật, vấn đề là hiểu hay không hiểu mà thôi : đấu tranh chính trị trong bối cảnh Việt Nam là một công cuộc đầy gian lao, khó khăn đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, những cố gắng bền bỉ chắc chắn còn dài hơn quỹ thời gian của một số thành viên. Do đó một cá nhân không bao giờ có khả năng cáng đáng mà phải là tổ chức ; đấu tranh chính trị trước hết phải và chỉ có thể là một cuộc đấu tranh có tổ chức chứ không bao giờ là đấu tranh cá nhân nếu muốn thành công.

 

Do đó đấu tranh không cần tổ chức chứng tỏ không có niềm tin cho sự chiến thắng của mình có nghĩa chỉ là một đấu tranh nghiệp dư, hay chỉ để giải tỏa sự oán hận của mình.

 

Cứu cánh của một cuộc đấu tranh chính trị không phải là một thắng lợi trước đối thủ, nó chỉ là một điều kiện. Đấu tranh chính trị trước hết và trên hết là đấu tranh cho một tương lai mong muốn phải có (công thức hóa mục đích này thực sự không mấy khó khăn) ; nhưng cứu cánh đó cũng không thể lý giải cho mọi phương tiện. Và đó mới thực sự là một vấn đề hóc búa cho mọi tổ chức chính trị đúng đắn, nghiêm chỉnh và trách nhiệm. Điều này lại đặt chúng tôi trước một vấn đề khác là tổ chức phải đấu tranh như thế nào, bằng cách nào, với những phương tiện nào, v.v. 

 

Và chúng tôi cũng đồng ý với nhau rằng : Một tổ chức chính trị đúng đắn phải được nuôi dưỡng bằng một lý tưởng, một hệ tư tưởng, hay một hệ giá trị trong sáng đặt nền tảng trên Con người và Đạo đức chính trị. Một Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã hình thành sau hai năm trời suy nghĩ, thảo luận và luôn được cập nhật. Hiện thời là dự án "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai".

 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức chính trị có lý tưởng ; tổ chức duy nhất hội đủ hai điều kiện bắt buộc để một cuộc đấu tranh chính trị có thể thành công ; trước mặt nó là một đối thủ, Đảng cộng sản Việt Nam, chỉ còn tổ chức nhưng không còn lý tưởng. Thêm một lý do nữa để những ai còn khao khát cho một cuộc đổi đời bằng chiến thắng của dân chủ lạc quan (((tiếp tay))) và ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

 

Xin lỗi đã phải dài dòng như thế để nói với Quý vị là tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã chỉ công khai thành lập sau hai năm trời dày công nghiên cứu, suy nghĩ, đặt vô số vấn đề cho mình và tìm những câu trả lời…Nói cách khác, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là thành quả của một tiến trình nghiên cứu, suy nghĩ, đặt vấn đề.

 

Suy nghĩ, đặt vấn đề không phải là những điều xa lạ mà còn là thói quen, thậm chí là căn cước của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. 

 

Xin quý vị an tâm cho chúng tôi. Và xin quý vị, cũng như mọi trí thức Việt Nam, quốc gia cũng như cộng sản, với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng nhau quan tâm nhìn thẳng căn bệnh vô văn hóa tổ chức của dân tộc Việt Nam nói chung và của trí thức nói riêng.

 

Để kết thúc, xin được dẫn một lời khuyên của ông Trần Trung Đạo để chứng tỏ chúng tôi không hề từ chối những lời khuyên chính đáng : "căn bệnh không thể trị hết nếu không biết nguyên nhân gây ra bệnh".

 

Lê Mạnh Tường

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

(13/09/2022)

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats