Tôi
mách bác Tổng cho anh nhé, anh Thưởng!
Bình luận của Nguyễn Thần Dân
2022.09.10
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/i-will-tell-the-chief-09092022174253.html
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại
hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP
Anh Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số
80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Nhưng so với Nghị quyết Hội nghị TW 7 Khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp
thì Quy định 80 vừa rối rắm vừa tự mâu thuẫn, thậm chí gây ấn tượng nó nhằm hướng
dẫn người ta chạy quyền, chạy chức cho đúng chỗ. Thế nên sau bài phân tích này
tôi sẽ mách bác Tổng cho anh nhé, anh Thưởng!
Đầu tiên
xin tóm tắt về Nghị quyết 80 cho bà con nắm.
“Đồng chí Sơn Tinh là con đồng chí nào?”
Quy định
này gồm sáu chương, 34 điều, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017
của Bộ Chính trị, nhằm để quản lý cán bộ. Nó được áp dụng trong các trường hợp:
Phân cấp quản lý cán bộ; Đánh giá cán bộ; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
Tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử,
chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân
hàm; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn
nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; Kiểm
tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Giải quyết khiếu nại,
tố cáo trong công tác cán bộ, quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ
Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường
trực Ban Bí thư.
Tóm lại,
nó bao hàm toàn bộ mọi động thái trong quản lý cán bộ các cấp, từ cán bộ cơ sở
đến lãnh đạo cao cấp nhất.
Trong đó,
giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ là quy trình được quan tâm nhất. Ở Việt Nam trước
mỗi kỳ đại hội Đảng, từ các quán chè bồm vỉa hè đến các phòng khách sang trọng
và kín đáo, chỗ nào cũng sôi sục luận bàn ông nào lên, bà nào xuống.
Quy định 80 đưa ra quy trình rất phức tạp, gồm tận năm bước. Tóm tắt, mỗi nhân
sự được giới thiệu cho mỗi vị trí đều phải trải qua quá trình nhận xét, đánh
giá, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy
trình nhân sự của người chủ trì cùng với tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Tiếp đó,
căn cứ trên yêu cầu về số lượng, cơ cấu, điều kiện, tiêu chuẩn và danh sách, mỗi
vị lãnh đạo cơ quan, đơn vị (mặc nhiên được xem là người có quyền trong việc giới
thiệu và bổ nhiệm nhân sự) được quyền giới thiệu một người. Lá phiếu này được
giữ kín. Ai chiếm trên 50% số phiếu bầu thì được chọn. Nếu không ai đạt thì hạ
xuống chọn người được trên 30%. Nếu vẫn không có ai thì không chọn nữa và báo
cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Nếu ở bước đầu tiên, vị A được chọn nhưng đến bước bỏ phiếu kín vị B áp đảo thì
sao? Quy định 80 đưa ra giải pháp rất thú vị. Đó là tập thể lãnh đạo sẽ “họp,
thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn”
nhân sự để giới thiệu ở bước tiếp theo (vẫn bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và
chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đây chính
là những điểm lạc hậu và vô lý đầu tiên mà tôi phải mách bác Tổng cho anh Thưởng.
Đấy là vì
trong Nghị quyết TW 7 khóa XII, bác Tổng nhấn mạnh việc tuyển chọn cán bộ phải
theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả. Tóm
lại là như Tây: ai muốn ứng tuyển vào một vị trí trong bộ máy Nhà nước phải đưa
ra được kế hoạch hành động cụ thể. Thậm chí ở đây, bác Tổng còn yêu cầu cao hơn
là kế hoạch hành động đã được thực hiện và được khảo sát kết quả.
Cổ tích thời
xưa, mỗi khi vua chọn rể đều không phân biệt người đó xuất xứ từ đâu, lai lịch
hoàn cảnh như thế nào mà luôn luôn ra những đề bài cụ thể: chém một con rồng,
giết một quái vật, chinh phục một kho báu, giải một câu đố chưa ai giải được.
Không làm được thì bị con rồng ăn thịt, bị biến thành tảng đá, bị đông cứng
vĩnh viễn.
Ngay cả
trong cổ tích Việt Nam, dù rõ ràng là thiên vị Sơn Tinh nhưng khi công khai chọn
rể, vua Hùng cũng phải đề ra tiêu chí có các đặc sản quý lạ mang đến (voi chín
ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao) cho hai ứng viên thi thố. Chứ ông cũng
chưa bao giờ hỏi “Đồng chí Sơn Tinh là con đồng chí nào?” rồi cứ thế đề cử đầy
trách nhiệm đến nỗi mỗi vị trí chỉ có một ứng viên duy nhất.
Tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm là chịu bằng
cách nào?
Quy định
80 yêu cầu tập thể lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về quyết định giới thiệu nhân
sự của mình.
Mong anh
Thưởng giải thích hộ: Chịu trách nhiệm bằng cách nào?
Cơ chế tuyển
dụng ở Việt Nam theo nhiệm kỳ năm năm một lần. Nên mỗi vị lãnh đạo cứ qua năm
năm thì hầu hết đã thay đổi, lên xuống hoặc luân chuyển đi nơi khác. Nếu không
còn làm việc chung cơ quan, cùng lĩnh vực thì họ chịu trách nhiệm với nhân sự từng
giới thiệu bằng cách nào?
Ví dụ một
vị phó giám đốc sở Công thương giới thiệu trưởng phòng, sau đó vị này chuyển
sang Ngân hàng làm giám đốc. Ông ta theo dõi quá trình làm việc và phát triển của
vị trưởng phòng cũ ra sao?
Đó là chưa
kể trong suốt nhiệm kỳ năm năm, một vị lãnh đạo phải chọn lựa và giới thiệu biết
bao nhiêu nhân sự. Đòi hỏi vị này phải chịu trách nhiệm với mỗi nhân sự từng được
giới thiệu, mới nghe qua thì tưởng là đầy sự ràng buộc trách nhiệm, nhưng thực
chất lại là quy định hình thức nhất vì không thể thực hiện được.
Thay vào
đó, quy trình đánh giá năng lực cán bộ phải gắn chặt với thực tiễn hành động của
họ, tại chính đơn vị họ đang làm việc. Đánh giá này phải được thực hiện bởi những
người thụ hưởng kết quả việc làm của các nhân sự kể trên và một bên thứ ba độc
lập.
Trong lý
thuyết, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều tổ chức được giao trách nhiệm này, ví dụ
các hội và hiệp hội, công đoàn, Ủy ban Giám sát của Quốc hội, cơ quan thanh tra
và kiểm sát các cấp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng... Tuy nhiên, hoạt động của
các hội hầu như chỉ ở vai trò đi thăm, tặng quà từ thiện. Hiệp hội rất thực tế,
nắm chắc hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp nhưng bị hạn chế chỉ được đề xuất
mà không có quyền kiểm tra. Thanh tra thì không đặt nặng việc phòng chống mà chỉ
vào cuộc khi một cá nhân/đơn vị đã bị tố cáo tham nhũng hoặc đục khoét đến mục
ruỗng. Ủy ban Kiểm tra cũng rứa!
Tóm lại, cả
một nùi luật lệ và tổ chức được giao quyền, nghe kêu xoang xoảng nhưng cuối
cùng vẫn là cha chung không ai khóc, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Trách nhiệm tập thể lại càng
không. Tập thể là tất cả, nhưng cũng cóc phải là thằng nào. Thế nó mới vi diệu
chứ! Có thể cách chức, bắt bồi thường, bắt tù một tập thể không? Không,
anh Thưởng ạ! Tôi năm nay hơn 70 tuổi, chưa từng thấy một trường hợp nào như thế
cả.
Các
lãnh đạo Đảng Cộng sản VN bỏ phiếu tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 30/1/2021. AFP
Cửa sau, lối tắt
Đã thế, Quy
định 80 còn vẽ đường cho hươu chạy bằng các yêu cầu các ứng viên phải đạt số
phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo.
Ối giời ơi
mấu chốt để chạy quyền chạy chức chính là đây, chứ còn đâu nữa hỡi anh Thưởng
kính mến! Cửa sau, lối tắt chính là chỗ này.
Trích
nguyên văn Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII anh Thưởng nhé:
“Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn
tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm
cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ
hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.
Báo chí Việt
Nam từng chỉ thẳng tên các “tập thể lãnh đạo gia đình trị” ở rất nhiều địa
phương.
Năm 2021
có vụ bà Trần Huyền Trang, con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy
Lan được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ
doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Đầu tư năm 31 tuổi. Sau khi báo chí và
dư luận xã hội lên tiếng chỉ rõ việc bà Trang không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để
được bổ nhiệm, Ủy ban kiểm tra Trung ương mới vào cuộc, thu hồi quyết định bổ
nhiệm. Bà Trang trở về làm phó một phòng thuộc sở.
Vào năm
2016 thì đình đám nhất là vụ ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang.
Trong nhiệm kỳ của ông Vinh, bà Phạm Thị Hà, vợ ông, được bổ nhiệm Phó Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang. Ba em trai ông Vinh gồm
ông Triệu Tài Phong được bổ nhiệm chức Bí thư huyện ủy Quang Bình; ông Triệu
Sơn An được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; ông Triệu Tài
Tân được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông. Em gái ông Vinh
là bà Triệu Thị Giang được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông
Mạc Văn Cường, em rể ông Vinh, làm Phó Giám đốc Công an TP Hà Giang… Ngoài ra,
còn một số chức danh lãnh đạo khác là anh em họ hàng với ông Vinh.
Tiếp theo
là vụ xin cấp có thẩm quyền quyết định khi cấp dưới không chọn được ứng viên
nào. Cái khoản này nó ngồi hẳn lên đầu luật pháp, thậm chí còn nhún nhún mông ở
trên ấy nữa cơ, anh Thưởng ạ.
Vì “cấp có
thẩm quyền”, cho dù là cấp cao đến tận ông mặt trời đi chăng nữa thì cũng chỉ
là những con người cụ thể. Làm con người thì ai cũng có ái ố sân si hỉ nộ, có
tính toán, có thủ thỉ bên gối, có tác động năn nỉ của gia đình, anh em, bạn bè,
phe nhóm. Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi cũng chưa từng thấy ông lãnh đạo nào đang
từ người biến thành thánh cả, anh Thưởng ạ! Thế cho nên các nước tiên tiến hơn
ta họ mới dùng các hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá cho tất cả mọi nhân sự, mọi
quy trình trong mọi lĩnh vực, chứ không dùng các cá nhân. Hệ thống tiêu chuẩn
này chính là luật pháp, nó bất vị thân, nó không có mẹ nuôi, bồ bịch, đệ tử hay
một người anh kính mến nào cả. Vì vậy, nó tiệm cận nhất với sự công bằng.
Thế anh
Thưởng nhể? Vài ví dụ sương sương là đủ thấy cái quy định 80 do anh
ký nó hầu như chỉ khuyến khích các “nhân sự” chạy dẻo cả chân lẫn tay, chứ đời
kiếp nào giúp công khai, minh bạch và hiệu quả được cơ chế tuyển dụng người cho
bộ máy nhà nước anh nhể?
Gắn bó mật thiết với nhân dân nghĩa là thế
nào?
Đến đây kết
thúc phần phê bình anh Thưởng. Tôi xin chuyển sang phê bình đích thân cụ Tổng.
Phê bình là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, có phải thế không thưa cụ?
Đây, trong
nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII cụ đưa ra một tiêu chí nền tảng cho
cán bộ, rằng phải “Gắn bó mật thiết với nhân dân”
Thưa cụ,
hôm qua tôi vừa đặt hàng ở một trang thương mại điện tử xong. Ít cá ít rau
thôi. Họ hẹn giao hàng trong khung giờ 12-14 h cùng ngày. Đến gần 14 h, anh
nhân viên giao hàng gọi điện cho tôi hỏi đường đi và rối rít xin lỗi, vì anh
chưa thạo đường nên sẽ giao hàng muộn hơn 14 h khoảng vài phút. Anh nhờ tôi
không bấm vào mục Góp ý phàn nàn (vì trễ giờ hẹn), vì nếu khách hàng phàn nàn,
anh sẽ bị công ty khóa đơn hàng trong ba ngày. Đồng nghĩa anh nằm co trong ba
ngày đó, không kiếm được xu nào từ công ty. Nếu bị nhiều khách hàng phàn nàn,
anh có nguy cơ rất cao bị cho thôi việc.
Thưa cụ, nếu
dùng tiêu chí của cụ để đánh giá doanh nghiệp và anh nhân viên này, tôi nghĩ phải
dùng đến 6 sao trong hệ 5 sao. Đấy mới là bằng chứng thuyết phục nhất cho việc
“gắn bó mật thiết với nhân dân” mà họ đã làm được.
Hầu hết
công chức, viên chức của ta, đi làm là để có tiền sinh sống. Mục đích này chính
đáng và xứng đáng được tôn trọng. Chỉ có một số ít đặt ra các yêu cầu cao hơn
như đóng góp, cống hiến cho ngành, cho xã hội, cho đất nước. Một số còn lại thì
nhắm đến mục đích thăng tiến, nắm giữ các vị trí quan trọng để có quyền lực, có
sức ảnh hưởng, có tiền.
Vậy thì với
tuyệt đại đa số có động cơ làm việc là kiếm tiền sinh nhai, cụ muốn họ gắn bó mật
thiết với nhân dân cụ thể là với ai? Đồng nghiệp, hàng xóm, tổ dân phố hay toàn
xã hội? Cụ thể hành động gắn bó là gì? Đi hỏi về chào, chủ nhật mời sang nhà
xơi trà hay cùng gia nhập vào một hội nhóm trên mạng xã hội? Tiêu chí này ị, mơ
hồ, cảm tính và mông lung, không thể cụ thể hóa và thực hiện được, có nghĩa là
nó vô giá trị thưa cụ.
Và hầu như
toàn bộ các tiêu chí đánh giá cán bộ công chức trong Nghị quyết cũng mơ màng
như thế. Nguyên do là sự mâu thuẫn nội tại từ tận gốc trong khái niệm cán bộ
công chức.
Lý luận của
nhà nước gọi cán bộ công chức là nô bộc của dân. Làm nô bộc thì chỉ cần trung
thực, tận tình, thạo nghề là đủ.
Nhưng mặt
khác, cương lĩnh của Đảng lại đề cao cán bộ công chức là đại diện của giai cấp
lãnh đạo, là tinh hoa trong xã hội, là người chỉ đạo, lãnh đạo mọi lĩnh vực. Phải
được đào tạo tốt, trình độ cao, giàu tính hy sinh, gương mẫu về mọi mặt.
Ấy thế là
cùng lúc vừa là nô bộc, lại vừa là lãnh đạo, là người làm gương, người tiên
phong, dẫn dắt, soi đường chỉ lối cho toàn thể dân tộc? Xin lỗi cụ, chứ cái
tiêu chí này lạ đời quá, tôi sống hơn 70 năm chưa thấy trường hợp nào nhập nhằng
và khó hiểu như thế cả!
Xin hiến kế
cho cụ Tổng, cụ nên lôi hết những anh thầy dùi giúp cụ soạn thảo các văn bản
nghị quyết về chống tham nhũng, về trong sạch đội ngũ cán bộ… ra bắt các anh ấy
thử thực hiện chỉ một điều trong cái mớ chữ nghĩa các anh ấy đẻ ra xem. Đầu tiên
là anh Thưởng cụ nhể!
____________
Tham
khảo:
- https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/toan-van-nghi-quyet-so-26-nq-tw-ve-cong-tac-can-bo-38282.html
-----------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
*
Tin,
bài liên quan
BLOG
·
Việc
thay Nguyễn Phú Trọng vẫn phải chờ đến “phút 89”
·
Đảng
mạnh lên nhưng thị trường yếu đi, kinh tế tăng trưởng bền vững thế nào?
·
Thực
trạng của quan hệ tư bản thân hữu sẽ làm thay đổi chiến lược xây dựng nhà nước
XHCN
·
Chính
phủ được Đảng lựa chọn và lãnh đạo, vì sao vẫn suy thoái nghiêm trọng?
No comments:
Post a Comment