Wednesday, 14 September 2022

TOAN TÍNH CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRƯỚC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 (Lê Văn Đoành)

 



Toan tính của ông Nguyễn Phú Trọng trước Hội nghị Trung ương 6     

Lê Văn Đoành  

12/09/2022

https://baotiengdan.com/2022/09/12/toan-tinh-cua-ong-nguyen-phu-trong-truoc-hoi-nghi-trung-uong-6/

 

Trong hai ngày 9 và 10-9-2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương đảng CSVN đã nhóm họp để giải quyết những vấn đề vô cùng nan giải trong đảng.

 

Ngoài những nội dung đã công khai như, cho ý kiến về các đề án “vô thưởng vô phạt”: Tổng kết 35 năm đổi mới; Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới; Đẩy mạnh công nghiệp hóa tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển kinh tế Tây Nguyên; Phát triển kinh tế Đông Nam bộ… thì nội dung chính, thực sự quan trọng đó là sắp xếp nhân sự và thanh trừng nội bộ.

 

Thông tin rò rỉ sau cuộc họp cho biết, đã có những căng thẳng trong việc bàn cãi để chốt việc kỷ luật một vài Uỷ viên Bộ chính trị và các Uỷ viên trung ương đang nắm giữ những vị trí cốt cán. Vấn đề nhạy cảm này đã được đề cập trong phiên họp trước của Bộ Chính trị.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/1-7.jpg

Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 9 và 10-9-2022. Photo Courtesy

 

Tuy nhiên, để có kết quả cuối cùng trình ra hội nghị Trung ương 6 sắp tới xem xét, quyết định tập thể, các bên không dễ gì nhường nhau.

 

Đảng viên và quần chúng chỉ nghe đảng tuyên truyền, rêu rao rằng mọi kỷ luật đều rất “dân chủ”, “đúng quy trình”, nhưng thực tế khi đưa ra hội nghị thì các mức kỷ luật xem như “án bỏ túi” đã có cả rồi.

 

Bộ Chính trị từ sau đại hội 12, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thâu tóm mọi quyền lực, các Uỷ viên Trung ương không có thực quyền trong bổ nhiệm nhân sự cấp cao và cả việc kỷ luật đảng. Mỗi kỳ triệu tập hội nghị đảng, các Uỷ viên có mặt và “nhất trí cao” theo Bộ Chính trị, nhìn họ không khác gì những “nghị gật” ở diễn đàn quốc hội hoặc các đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.

 

Vào Bộ Chính trị từ cuối năm 1997, Nguyễn Phú Trọng từng chứng kiến những gì diễn ra tại Hội nghị lần thứ 12 khoá 9 họp hồi tháng 4-2001. Lúc đó các ông “cố vấn” Đỗ Mười, Lê Đức Anh đã vận động lá phiếu Ban Chấp hành Trung ương để loại bỏ, ngăn chặn đương kim Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tái cử khoá 10 như thế nào. Cái kết là ông Phiêu phải ngậm ngùi giã từ cuộc chơi.

 

Năm 2012, chính ông Trọng và phe cánh của mình đã thất bại khi lá phiếu các Uỷ viên Trung ương bác bỏ đề nghị kỷ luật thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị 6 khoá 11

 

Không lâu sau đó, ông Trọng là người trong cuộc, cay đắng nếm trải thất bại khi ứng viên Bộ chính trị Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ do chính ông tiến cử đã bị các Uỷ viên Trung ương gạch bỏ tại Hội nghị trung ương 7 hồi tháng 5-2013.

 

Để dần dần thu tóm quyền lực, Nguyễn Phú Trọng đã cho ra đời Quy định 244-QĐ/TW năm 2014. Từ đó đến nay, ông Trọng ngồi xổm lên Điều lệ đảng, biến mình thành “nhân sự đặc biệt” giữ chức tổng bí thư liên tục ba nhiệm kỳ. Bằng nhiều cách, ông Trọng tạo cho mình quyền lực “giáo chủ tối cao” của đảng độc tài.

 

Rất nhiều đảng viên lão thành đánh giá, Nguyễn Phú Trọng vi phạm nghiêm trọng Điều lệ đảng, triệt tiêu quyền dân chủ của đảng viên. Thêm nữa, Nguyễn Phú Trọng biểu hiện của vấn nạn “lợi ích nhóm” và tham quyền cố vị, áp đặt ý chí của cá nhân, cố tình chi phối, khuynh đảo nhân sự trong đảng.

 

Đến thời điểm này, khi chuẩn bị bước vào tuổi 80, ông Trọng vẫn khư khư, không muốn chuyển giao quyền lực. Mới đây nhất, ông Trọng cho ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022. Tại Quy định này, thẩm quyền của Bộ Chính trị lấn át, qua mặt cả Ban Chấp hành Trung ương, so với quy định cũ 105-QĐ/TW ban hành ngày 19-12-2017.

 

Bộ Chính trị chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

 

Bộ Chính trị xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/1-8-662x1024.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/2-666x1024.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/3.jpg

Quyền hạn của Bộ Chính trị theo Quy định 105- QĐ/TW ngày 19-12-2017

 

Như vậy, Bộ Chính trị xem Ban Chấp hành Trung ương như “con rối” và đặt họ vào chuyện đã xong, không còn gì bàn cãi nữa. Bộ Chính trị chỉ “xin ý kiến” Trung ương khi phê chuẩn cấp phó mà thôi.

 

Đến đây, dễ thấy ý đồ của phe Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng sợ tái hiện “năm 2013”, khi các “quân cờ” mà mình sắp đặt đều bị tan tác. Ông Trọng tung ra Quy định 80 nhằm dàn xếp, cài cắm nhân sự phe ông ta, trước khi rút lui khỏi chính trường. Chiếc ghế Tổng Bí thư đang là đích ngắm trong cuộc đua của “tứ mã tranh hùng” gồm: Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính và Tô Lâm.

 

Gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc bị tấn công, sau vụ “Chân Dung Quyền Lực” hồi năm 2014. Người ta tung tin đồn vợ ông, bà Trần Nguyệt Thu là “trùm cuối” của Việt Á. Rằng bà Thu đã can thiệp, dùng uy quyền của ông Phúc để sai khiến Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh tiếp tay, giúp đỡ cho Phan Quốc Việt “hút máu” hàng ngàn tỷ bằng test kit Việt Á. Phe ra đòn hình như muốn Nguyễn Xuân Phúc dừng cuộc đua, nếu không muốn nhận cái kết như Trần Đại Quang.

 

Phạm Minh Chính cũng đang rơi vào thế khó, “tứ bề thọ địch”. Ông Chính được cho là người của phe 3X, quy hoạch chức vụ từ thời 3X. Có vẻ truyền thông của đảng không “đánh bóng” nên Phạm Minh Chính rất lu mờ so với các vị tiền nhiệm.

 

Tháng 5-2022, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) bị Bộ Công an khởi tố, truy nã trong một vụ án hình sự ở Đồng Nai. Gần đây, Nhàn tiếp tục bị khởi tố ở vụ án thứ hai, liên quan thông thầu tại Quảng Ninh vào năm 2012. Bà Nhàn bị đồn đoán là tình nhân của Phạm Minh Chính và thời điểm 2012 ông Chính là Uỷ viên Trung ưởng đảng, bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh. Một mũi tên vô hình bắn ra thông điệp, khôn hồn thì ngài thủ tướng nên dừng cuộc chơi, ngồi nguyên tại chỗ.

 

Nếu ông Chính rút lui, như vậy cuộc đua giành ngôi vị cao nhất có thể chỉ còn “song đấu” giữa Vương Đình Huệ và Tô Lâm. Nhưng “Ba mươi chưa phải là Tết”, Phạm Minh Chính, trùm mật vụ có hạng, đâu phải tay vừa.

 

Về phần Tô Lâm và Vương Đình Huệ, cả hai đều sinh 1957, đến đại hội 14 vào năm 2026 thì đã 69 tuổi.

 

Vương Đình Huệ ở hàng “tứ trụ”, muốn đi tiếp chỉ có thể tranh chiếc vé tổng bí thư. Mặc dù được Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn, nhưng Huệ chưa lấy được đa số phiếu trong Bộ Chính trị. Không biết “đũa thần” trong tay ông Trọng có hoá giải được mọi thế cờ các phe giăng ra hay không. Dự báo đoạn đường phía trước với Huệ có không ít chông gai.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/4-768x512.jpg

Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Tô Lâm, ai sẽ thắng trong cuộc đua giành ngôi vị đế vương? Photo Courtesy

 

Tuy vị trí trong đảng, Tô Lâm xếp sau Vương Đình Huệ, nhưng quyền lực thì hơn hẳn. Tô Lâm cũng giống như Huệ, hoặc làm “nhân sự đặc biệt” để tranh vé tổng bí thư khoá 14, hoặc hy vọng “phép màu” xảy ra, để được bầu bổ sung giữa nhiệm kỳ vị trí Chủ tịch nước, thay Nguyễn Xuân Phúc, rồi sau đó tái cử.

 

Chính trường Việt Nam luôn sôi động, gay cấn. Các cuộc đấu đá chính trị có thể còn tiếp tục và mỗi phe đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình. Cầm đầu các phe phái, cũng là ứng viên lãnh đạo tương lai, quyết đấu đá, tác động đến chính sách, để tranh giành ghế trong các cơ quan quyền lực cao nhất của đảng.

 

Hội nghị Trung ương 6 khoá 13 sẽ khai mạc vào đầu tháng 10-2022. Các bên sẽ dàn xếp, ngã giá ra sao, số phận Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng và một số chức vụ khác sẽ được định đoạt như thế nào tại hội nghị này, chúng ta hãy chờ xem.

 

Đặc thù chính trị của Việt Nam, nhất là nhân sự cấp cao, luôn thể hiện qua những quan hệ nhập nhằng và phức tạp. Nhưng cho dù kẻ nào thắng trong cuộc giằng co cán cân quyền lực, thì khổ cực đắng cay vẫn thuộc về nhân dân.





No comments:

Post a Comment

View My Stats