Wednesday, 14 September 2022

GIẢI HUYỀN THOẠI CHO CÁC DIỆN SĨ VIỆT (Medium)

 



Giải huyền thoại cho các Diện Sĩ Việt    

Medium 

cập nhật lần cuối 13/09/2022

https://planetesimal.medium.com/gi%E1%BA%A3i-huy%E1%BB%81n-tho%E1%BA%A1i-cho-c%C3%A1c-di%E1%BB%87n-s%C4%A9-vi%E1%BB%87t-bbd34fbefd0

 

https://miro.medium.com/max/400/0*dBKeLcrJsbmmrA_-.jpg

Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

 

Câu hỏi: Thấy gì qua các hiện tượng tranh luận sôi nổi về các vần đề nổi cộm liên quan tới giáo dục Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2022 : (1) Lịch sử Việt thành môn tự chọn, (2) Đề xuất thu phí cao trường công , (3) Viện hàn lâm KHXH cấp bằng Tiến sĩ dỏm. Câu trả lời: mọi người có thể thấy các Diện Sĩ đang có mặt ở khắp nơi nơi, và đa phần là củi cần cho vào lò.

 

Bài này cung cấp cho những người bình dân (layman), không thuộc nhóm khoa bảng hàn lâm, 3 món vũ khí phòng thân cơ bản để nhận ra các Diện Sĩ Việt: trí thức xịn là ai, tiến sĩ dỏm làm sao nhận biết và Việt Nam ta có thể đào tạo tiến sĩ ngành gì. Cuối bài tác giả cũng có biên ra vài ý tham vấn cho mấy giáo của ngành dục. Xin lưu ý với văn phong mang tính hài hước, tác giả không cố tình nói xấu thêm về những biểu hiện và bản chất của các sự việc đang diễn ra: cơn đại dịch Diện Sĩ trong xã hội người Việt ta.

 

1.   Trí thức xịn là những ai?

 

Đầu tiên, nhiều người thích tìm hiểu trí thức là gì và trách nhiệm ra sao đối với các vấn đề xã hội. Thực ra, họ đang cố tình vẽ vời để đề cao cá nhân họ mà thôi. Trí thức được định nghĩa là những người biết đọc biết viết và những người vẫn đang đọc và đang viết được thì đều có thể trở thành trí thức xịn cả.

 

Mấy ông nội bà ngoại giáo sư tiến sĩ (GSTS) nhất là từ “lước quài” về thì hay nâng cao đại tự “trí thức” mà không thấy được là đó là loại bịnh, chỉ biết thờ cúng một vài ký tự có từ thời phụ thuộc phương bắc, đó là lâu lâu moi ra một chữ gì đó có vẻ bí hiểm rồi rao giảng “cái lọ cái chai” mà thật ra mấy ông bà GSTS đó có biết gốc từ nó thế nào đâu. Đa số đặc điểm của mấy ông bà GSTS “lước quài” này thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên nên không đủ, nếu không nói là thiếu, kiến thức triết học, giáo dục và văn hóa Việt nên khi trình bày hay lòi ra cái bệnh diện sĩ của chính mình. Mấy ông bà GSTS “lước quài” nếu thực sự có chuyên môn và đưa ra giải pháp giúp đúng chuyên môn thì đó là những người chưa bị nhiễm căn bệnh diện sĩ.

 

Túm lại, trí thức là người biết đọc biết viết và đang đọc đang viết. Để viết được thì cần đọc, để đọc được thì cần đặt được câu hỏi “tại sao” và “tại sao không”. Đó là dấu hiệu nhận biết đầu tiên của trí thức xịn.

 

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, các bạn luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, v.v… là những người có trình độ chuyên môn một đại học hoặc hai đại học chuyên ngành thì thường tự nhận mình là trí thức. Với một nền giáo dục phổ thông bình thường ở các nước khác, thì khi tới năm 18 tuổi, mọi người cũng đều là trí thức và lâu lâu trở thành “trí thức xịn” trong lãnh vực mà họ quan tâm hay có bức xúc.

 

Đơn giản định nghĩa trí thức xịn là thế, hy vọng các bạn đừng bị các Diện Sĩ tung hỏa mù nữa nhé.

 

2. Tiến sĩ dỏm có những dấu hiện nhận biết gì?

 

Trước hiết cần phân biệt được Thạc Sĩ là cấp Đại học nối dài còn Tiến Sĩ thì không phải là cấp Thạc Sĩ nối dài. Thạc Sĩ là đi học để biết thêm. Tiến Sĩ là nghiên cứu để tạo ra được kiến thức mới cho nhân loại. Vậy nên biểu hiện cơ bản đầu tiên, ai nói họ “đi học Tiến Sĩ” thì đó là biểu hiện của niềm tin Tiến Sĩ là nối dài của Thạc Sĩ. Loại này đa phần là dỏm.

 

Thứ hai, đối với Tiến Sĩ dỏm thì bằng cấp là điểm kết thúc của quá trình tìm kiếm (hoặc của thương vụ mua bằng). Thật ra học vị Tiến Sĩ chỉ mới là điểm bắt đầu của cá nhân đó cho một cuộc đời mới liên quan tới việc tạo ra kiến thức mới, và đánh dấu bằng luận văn đã bảo vệ thành công trước một hội đồng khoa học. Các Tiến Sĩ bình thường, dù tiến hành nghiên cứu ở nước nào trên thế giới, luôn có một vài bài báo khoa học trên những tạp chí chuyên ngành uy tín (loại Q1, Q2) sau khi đã được ít nhất hai nhà khoa học có uy tín trong ngành, được ban biên tập tìm hiểu và mời, kiểm duyệt và phản biện độc lập. Nên dấu hiệu nhận biết Tiến Sĩ dỏm là cần tìm các bài báo khoa học của anh/chị ta trên tạp chí chuyên ngành uy tín. Trường hợp có bài báo khoa học nhưng trên tạp chí khoa học đen (không phải Q1 và Q2, thường là trả tiền thì được đăng, rất dễ nhận diện và có tên trong danh sách đen luôn được các chuyên gia trên thế giới cập nhật thường xuyên) thì là một Diện Sĩ chính hiệu.

Trường hợp không có bài nào thì đấy có thể là một Tiến Sĩ mới và bài báo khoa học đang trong quá trình phản biện. Quá trình này kéo dài có khi tới 2 năm. Nhưng nếu sau 5 năm mà vẫn không thấy có bài báo khoa học nào của ngài Tiến Sĩ trên một tạp chí Q1 hay Q2 nào thì đó cũng là dấu hiệu rõ ràng của một Diện Sĩ (cần nói thêm là nhiều Tiến Sĩ người nước ngoài cũng nhiễm căn bệnh quen thuộc này).

 

Dấu hiệu thứ ba là Tiến Sĩ được các Học Viện, Viện Hàn Lâm, cơ quan thuộc các Bộ của Việt Nam cấp bằng. Dấu hiệu này hoàn toàn có thể dễ nhận ra (trừ khi cá nhân người trí thức biết đọc biết viết đó có xem qua phần vừa trình bày phía trên và chứng minh được bằng một vài bài báo khoa học ở tạp chí chuyên ngành loại Q1 hoặc Q2).

 

Ba dấu hiệu này rất dễ nhận biết nên tới đâu hy vọng các bạn có thể nhận ra các Diện Sĩ quanh ta. Hễ ai xưng danh Tiến Sĩ thì bạn chỉ cần vào Google Scholar là biết ngay có phải Diện Sĩ hay không.

 

3. Việt Nam thực ra có thể phát triển ra những thể loại tiến sĩ nào?

 

Có hai nhóm tiến sĩ, ngành khoa học tự nhiên và ngành khoa học xã hội. Ngành tự nhiên thì thường có thể đo lường nên khó có chuyện mua bằng Tiến Sĩ. Tuy nhiên với trình độ đầu tư phát triển khoa học tự nhiên hiện tại, việc nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu cho Tiến Sĩ ngành khoa học tự nhiên là có thể nhưng vẫn còn rất cá biệt.

 

Nhưng ngành khoa học xã hội Việt Nam thì bị bó hẹp bởi một loại triết học của thế kỷ 19 làm nền cho phương pháp luận nên các nhà khoa học xã hội Việt Nam thường không có khả năng tham gia tranh luận với các nhà khoa học thế giới cùng ngành. Tác giả tin rằng Việt Nam không hề có tiến sĩ ngành khoa học xã hội nào được hướng dẫn và nghiên cứu thành công trong nước từ năm 1945 cho tới nay, ngoại trừ rất hiếm một vài cá nhân trong nhóm ngành lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt may mắn có quá trình nâng cao trình độ ở nước ngoài và có một vài bài báo khoa học trên tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

 

Để tôn trọng nền khoa học thế giới, đã đến lúc Việt Nam nên tuyên bố toàn bộ bằng Tiến Sĩ đã cấp trước đây đều bị thu hồi, trừ trường hợp những cá nhân đã công bố được trên tạp chi khoa học loại Q1 và Q2 của thế giới.

 

Việt Nam nên chỉ tập trung vào một số ngành khoa học tự nhiên mũi nhọn và đang có nguồn lực; còn các ngành khoa học xã hội thì chỉ nên giữ lại lịch sử Việt, văn hóa và ngôn ngữ Việt với điều kiện là mở rộng thế giới quan triết học của thế kỷ 21.

 

Các nhà khoa học tự nhiên trên thế giới thường thiếu kiến thức triết học của khoa học xã hội nên không thường tham gia tranh luận về triết học và giáo dục ở nước họ. Tuy nhiên các ông bà Diện Sĩ, thường thuộc ngành khoa học tự nhiên từ nước ngoài về, hay tham gia ý kiến về triết học và giáo dục trong nước nên thường không được quan tâm vì họ quên rằng họ đang nói về điều họ không hiểu. Một số vị còn mạnh dạn đem so sánh giáo dục lạc hậu của 2 miền Nam Bắc trong thế kỷ 20 để làm hình mẫu cho hiện trạng cuộc sống của thế kỷ 21.

 

Chỉ khi nào các nhà khoa học xã hội trong nước được phép nghiên cứu và tranh luận triết học của thế kỷ 20 trên thế giới đã tới đâu, và thế kỷ 21 hiện tại đang ở đâu thì lúc đó mới bàn được việc phát triển tạo ra kiến thức mới trong từng ngành và đó là lúc bàn về bằng Tiến Sĩ do Việt Nam cấp. Tôi nghĩ các vị có trách nhiệm nên tuyên bố trước thế giới là Việt Nam không có tiến sĩ ngành khoa học xã hội từ năm 1945 tới 2045 (trừ lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt).

 

4. Một số nhận định về các hiện tượng của ngành giáo dục Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2022.

 

Về việc Lịch sử Việt nam có nên là môn tự chọn ở cấp ba hay không, có ngài viện trưởng một viện thuộc bộ giáo dục còn lên tiếng trên báo chính thống là nước Mỹ cũng tự chọn môn lịch sử ở cấp ba. Tôi cho hành động đó của ông viện trưởng là sự khốn nạn của những kẻ nhân danh khoa học. Không có một nước nào trên thế giới không để môn lịch sử của nước đó là môn bắt buộc cho kỳ thi tốt nghiệp cấp ba để chính thức trở thành một công dân trưởng thành (trừ Phần Lan, một nước có nền giáo dục tiên phong và tôi sẽ giải thích trường hợp đặc biệt này trong phần chú thích ở cuối bài). Lịch sử Việt luôn phải là kiến thức bắt buộc cho học sinh cấp ba để trở thành người công dân Việt sau khi tốt nghiệp.

 

Về việc thu phí ở trường công lập, các ngài bộ trưởng từ sau thời Nguyễn Thiện Nhân đều muốn chia phần miếng bánh giáo dục của thị trường tư nhân. Nếu tôi là Putin, tôi sẽ treo các ngài và các ông làm dự án cải cách trước nòng xe tăng T90 và cho một phát trước toàn dân vì tội “phản quốc”. Các vị tiền bối lập quốc của các ngài thề với nhân dân bằng máu rằng “ai cũng được học hành” với nghĩa là một nền giáo dục phổ thông công lập miễn phí toàn dân. Khi kinh tế còn khó khăn, các ngài sáng tạo ra sổ vàng sổ xanh các loại. Khi kinh tế phát triển, các ngài đề xuất mở cửa thị trường giáo dục tư nhân nhằm đem tiền thuế thu được từ thị trường này về để đảm bảo hệ thống trường công và các loại cải cách. Đến nay, với nỗ lực thu phí trường công liên tục nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng gần đây, thì lời thề của các vị lập quốc đối với toàn dân đã bị các vị đứng đầu ngành giáo dục chính thức xóa sổ. Có một đặc điểm cần ghi nhận là các vị đứng đầu ngành giáo dục ở Việt Nam thường xuất thân từ nhà khoa học tự nhiên nên không có sự am hiểu về triết học và giáo dục nên không hóa giải được cấu trúc phân bổ của quyền lực trong hệ thống, từ đó ở vị trí có quyền lực cao thì dễ bị quyền lực tha hóa tuyệt đối.

 

Về việc Viện hàn lâm KHXH bán bằng Tiến Sĩ dỏm, thật ra Việt Nam - như đã trình bày ở cuối phần (3) ở trên - không thể sáng tạo ra kiến thức cho ngành khoa học xã hội nào cho thế giới ở thế kỷ 20 và 21, do mô hình toàn trị lạc hậu đang chủ động tự hạn chế trình độ “ní nuận” triết học của cả nước ở thế kỷ 19 (trừ ngành lịch sử Việt, ngôn ngữ và văn hóa Việt, nếu nghiêm túc).

 

Kết luận.

 

Các Tiến Sĩ dỏm đã góp phần tích cực phát triển cả một nền công nghiệp bằng cấp không khói và nuôi sống được nhiều thế hệ GSTS của các học viện, viện hàn lâm và các viện thuộc các bộ ngành. Chúng ta cần ghi nhận công trạng đặc biệc các Diện Sĩ đã giúp chúng ta kịp nhận ra Việt Nam không có tiến sĩ các ngành khoa học xã hội trong một thế kỷ 1945–2045. Mong rằng, lửa trong lò sẽ đủ to để Bộ Giáo Dục dám mạnh dạn tuyên bố thu hồi toàn bộ bằng Tiến Sĩ ngành khoa học xã hội từ khi lập quốc (trừ một số cá nhân tự chứng minh được có công bố được thế giới công nhận).

 

Ghi chú về Phần Lan: Nền giáo dục Phần Lan sau nhiều năm tiên phong đổi mới đã đạt được trạng thái động của phát triển giáo dục gắn với phát triển xã hội, cho nên tất cả các môn học cho người từ 16 tuổi trở lên đều trở thành các môn tự chọn như là một cách phát triển rất tự nhiên. Vì Phần Lan là một xã hội mở và không có vùng cấm trong truy cập thông tin, mọi công dân Phần Lan đều là trí thức xịn khi họ muốn tham gia tranh luận về bất cứ điều gì. Một điểm cần ghi nhận là một điều kiện cơ bản để Phần Lan thực hiện thành công đổi mới giáo dục là nhờ vào điều kiện dân số ít và đồng đều, đó là một thuận lợi không phải nước nào cũng có được. Các nước đều phải dựa vào nền tảng triết học giáo dục riêng. Ví dụ, từ cuối thế kỷ 19 thì triết học của nước Mỹ đã bỏ xa triết học Châu Âu hơn nửa thế kỷ, điều này phản ánh lên trình độ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục của nước Mỹ chưa bao giờ đứng số hai trên thế giới, và khoảng cách từ Mỹ cho tới nước thứ hai sau Mỹ về triết học và giáo dục cho thế kỷ 21 thì hiện nay chưa đo được.





No comments:

Post a Comment

View My Stats