Tuesday 20 September 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/09/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 20/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

20/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/20/the-gioi-hom-nay-20-09-2022/

 

Lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II kết thúc sau buổi lễ tại Lâu đài Windsor, nơi bà được an táng theo một nghi thức riêng tư của gia đình hoàng gia. Trước đó, lễ quốc tang đã diễn ra vào sáng thứ Hai tại Tu viện Westminster, với sự hiện diện của Joe Biden, Emmanuel Macron, cùng khoảng 500 chức sắc nước ngoài khác. Các sự kiện này đã khép lại mười ngày quốc tang với hàng triệu người tham dự.

 

Tên lửa Nga đã tấn công một nhà máy điện hạt nhân Ukraine vào hôm thứ Hai, cách các lò phản ứng chỉ khoảng 300m, theo giới chức Ukraine. Người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Energoatom mô tả vụ tấn công vào nhà máy điện Pivdennoukrainsk ở vùng Mykolaiv phía nam của đất nước là “khủng bố hạt nhân.” Trong khi đó, Điện Kremlin phủ nhận phạm tội ác chiến tranh ở khu vực đông Kharkiv, nơi người Ukraine đã phát hiện những ngôi mộ tập thể với các tử thi mang bằng chứng bị tra tấn.

 

Bão Fiona đổ bộ vào Cộng hòa Dominica. Mưa xối xả và gió 90 dặm/giờ đã gây ra lở đất, buộc các con đường và doanh nghiệp ở phía đông của quốc gia Caribe này phải đóng cửa. Thiệt hại đối với đường ống dẫn nước cũng khiến hơn 1 triệu người bị mất nước sinh hoạt. Cuối tuần qua, bão Fiona đã đổ bộ vào nước láng giềng Puerto Rico, gây thiệt hại về người và làm 1,3 triệu cư dân bị mất điện.

 

Taliban đã trao đổi Mark Frerichs, một kỹ sư người Mỹ, lấy Bashir Noorzai, một thủ lĩnh bộ tộc Afghanistan có liên hệ với nhóm khủng bố. Noorzai từng giúp tài trợ cho Taliban trong những năm 1990 và bị bắt vào năm 2005 vì điều hành một trong những đường dây buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới. Frerichs, người từng làm nhà thầu tại Afghanistan, bị Taliban bắt cóc vào tháng 2 năm 2020.

 

NgaTrung Quốc đồng ý tiến hành nhiều cuộc tập trận chung và tăng cường hợp tác quốc phòng, sau một cuộc họp song phương vào hôm thứ Hai. Cụ thể, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tiếp đón Nikolai Patrushev, người đứng đầu hội đồng an ninh Nga, tại tỉnh Phúc Kiến miền đông nam đất nước. Bất chấp những bất đồng gần đây giữa hai nước về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, bộ ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định hai bên “luôn mạnh mẽ ủng hộ nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau.”

 

Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan cấm người Nga nhập cảnh từ thứ Hai. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm lý do nhân đạo, người bất đồng chính kiến ​​và thành viên gia đình của công dân EU. Phần Lan, quốc gia cũng có chung đường biên giới với Nga, đã giảm số lượng thị thực du lịch xuống còn một phần mười so với tổng số hiện tại, thay vì ban hành lệnh cấm.

 

Joe Biden lại một lần nữa trả lời phỏng vấn truyền hình rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị Trung Quốc tấn công. Ngay sau đó, Nhà Trắng đăng bài “làm rõ” chính sách của họ về Đài Loan vẫn là “sự mơ hồ chiến lược.” Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ “thất vọng và kiên quyết phản đối” bình luận của tổng thống Mỹ. Cho đến nay ông Biden đã khiến Trung Quốc khó chịu theo cách này ít nhất là ba lần. Khó có thể nói là ông vô tình.

 

Con số trong ngày: 94%, là tỷ lệ nợ trên GDP của Ai Cập.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Khai mạc Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc

 

Một ngày sau lễ tang của Elizabeth II, các lãnh đạo thế giới sẽ lại tề tựu về New York vào thứ Ba để dự cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Cuộc gặp hàng năm của các nhà lãnh đạo sẽ diễn ra trực tiếp, sau hai năm bị covid làm gián đoạn. Cuộc chiến ở Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng, và thảm họa khí hậu sẽ bao trùm lên chương trình nghị sự.

 

Joe Biden có bài phát biểu trước toàn thể Đại Hội đồng vào thứ Tư. Năm 2019, Donald Trump đã nói với LHQ rằng “tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu.” Nhưng năm ngoái, Biden trấn an các lãnh đạo đồng cấp là Mỹ đã “trở lại các diễn đàn quốc tế.” Kể từ đó sự chia rẽ giữa các cường quốc ngày càng sâu sắc; mới tuần trước, Biden đã phải cảnh báo Vladimir Putin về việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân ở Ukraine. Và sự tàn phá của đại dịch đã kìm hãm tiến bộ y tế, giáo dục và mức sống trong hai năm liên tiếp, làm ảnh hưởng xấu đến chương trình nghị sự của LHQ — không chỉ là các mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này.

 

Nhật vẫn nới lỏng tiền tệ, đồng yên tiếp tục suy yếu 

 

Vào thứ Ba, Nhật Bản sẽ lại vượt mục tiêu lạm phát chính thức trong tháng thứ năm liên tiếp. Mức tăng giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, dự kiến lên mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8, trong khi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là 2%. Song, ngân hàng trung ương nói nhu cầu vẫn còn quá yếu và tăng trưởng tiền lương quá chậm, nên không phải quá lo về lạm phát kéo dài. Thống đốc Kuroda Haruhiko đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng sẽ duy trì lập trường nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp chính sách vào cuối tuần.

 

Nếu vậy, BoJ sẽ lại tiếp tục đi ngược với ngân hàng trung ương các nước giàu khác. Hầu hết trong số họ đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Hiện nay, chênh lệch lãi suất ngày càng tăng đang trở thành một trong những lý do khiến đồng yên Nhật giảm xuống dưới mức 140 yên đổi một đô la Mỹ, mức thấp nhất hai mươi năm qua. Và nó sẽ còn giảm nữa.

 

Kinh tế Argentina có chút hy vọng

 

Vào thứ Ba, dữ liệu GDP của Argentina dự kiến cho thấy tăng trưởng đạt hơn 6% trong quý II. Nguyên nhân là giá đậu nành và lúa mì, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Argentina, tăng vì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ có những khó khăn khác: lạm phát năm có thể lên tới 100% vào cuối năm nay. Nước này cũng nợ IMF hơn 40 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt. Còn nhớ hồi tháng 7, bộ trưởng kinh tế Argentina đã từ chức vì đấu đá chính trị của cấp trên của ông. Còn người kế nhiệm ông bị sa thải sau ba tuần làm việc.

 

Tuy vậy, người đương nhiệm hiện tại, Sergio Massa, đã mang đến hy vọng kể từ khi lên tiếp quản vào tháng 8. Là một nhà điều hành có kinh nghiệm, Massa hứa hẹn giảm thâm hụt ngân sách, như đã thỏa thuận với IMF, và ngừng tốc độ in tiền vốn gây ra lạm phát. Nhưng với áp lực tăng chi tiêu phúc lợi từ một số người trong chính phủ, ông Massa phải đảm bảo làm vừa lòng tất cả các bên.

 

Nhìn lại 4 năm Canada hợp pháp hoá cần sa

 

Canada hợp pháp hóa cần sa giải trí vào năm 2018 với hy vọng ngành công nghiệp cần sa phát triển mạnh sẽ thay thế các băng nhóm buôn lậu ma túy. Quy định kiểm soát chất lượng và ghi nhãn liều lượng cũng được đưa ra để đảm bảo an toàn. Trong bối cảnh đó, giá cần sa chính thức và phi chính thức ở Canada dần không còn quá cách biệt. Nhưng các nhà cung cấp chợ đen, những người không phải trả thuế và không tuân theo các quy định nghiêm ngặt, vẫn giữ được lợi thế chi phí, yếu tố quan trọng nhất tác động đến người mua.

 

Đây là một cơn đau đầu cho Aurora Cannabis, một trong những nhà sản xuất cần sa lớn nhất Canada, dự kiến sẽ báo lỗ vào thứ Ba. Kể từ tháng 3 năm 2019, giá cổ phiếu của công ty này giảm từ hơn 150 đô la Canada (113 USD) xuống dưới 2 đô la Canada. Nhà đầu tư sẽ chăm chú xem xét quyết định mua Bevo Farms, một nhà sản xuất rau và cây trồng trong nhà, vào tháng trước của Aurora. Và cần sa hợp pháp phụ thuộc rất nhiều vào nhà nước: Thượng viện Mỹ đã từ chối dự luật phi tội phạm hoá cần sa, trong khi Đức – với thị trường tiềm năng ước tính 16,6 tỷ đô la – đang cân nhắc hợp pháp hóa.

 

===========================================

 

Có thể bạn quan tâm:

1.    Biển Đông trên bàn cờ lớn của Trung Quốc

2.    Trung Quốc trỗi dậy và chiến lược hai trục của Mỹ tại biển Đông

3.    Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc và Biển Đông: Cứ thử xem!

4.    Trump sẽ làm nước Mỹ suy yếu như thế nào?

5.    Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc song đấu bắt đầu

6.    Tác động từ yêu sách của Nhật đối với Okinotori

7.    Tác động của tình trạng suy giảm dân số ở Nhật Bản

8.    Tại sao lãi suất âm không có tác dụng?





No comments:

Post a Comment

View My Stats