Monday 19 September 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 19/09/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 19/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

19/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/19/the-gioi-hom-nay-19-09-2022/

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “thất bại trong tất cả các mục tiêu chiến lược quân sự của mình,” tham mưu trưởng quân đội Anh, Đô đốc Tony Radakin, cho biết. Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức chủ tịch EU, đã kêu gọi thành lập một “tòa án quốc tế đặc biệt” để điều tra các tội ác chiến tranh liên quan đến một ngôi mộ tập thể gần thành phố Izyum được phát hiện trong cuộc phản công của Ukraine. Khám nghiệm cho thấy một số thi thể bị trói tay sau lưng hoặc có dấu hiệu bị tra tấn.

 

Vua Charles III đã gặp thủ tướng Anh, Liz Truss, tại Cung điện Buckingham trước lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II vào thứ Hai. Cuối tuần qua, nhà vua đã gặp thủ tướng của các nước mà ông là nguyên thủ, bao gồm Úc, Canada và New Zealand. Các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống Mỹ Joe Biden, và 500 chức sắc sẽ tham dự lễ tang ở Tu viện Westminster, sự kiện cuối cùng của 11 ngày quốc tang.

 

Ủy ban châu Âu đề xuất đình chỉ hàng tỷ euro tài trợ cho Hungary vì lo ngại tham nhũng. Cơ quan hành pháp của EU cho biết đề xuất, vốn phải được đa số các nước thành viên chấp thuận, sẽ bảo vệ ngân sách của khối khỏi các hành vi vi phạm nhà nước pháp quyền. Đây là lần đầu tiên cơ chế này, vốn được giới thiệu cách đây hai năm trước lo ngại Hungary và Ba Lan gây sức ép lên các thẩm phán, nhà báo và nhà hoạt động trong nước, được đưa vào áp dụng.

 

Toàn bộ hòn đảo Puerto Rico bị mất điện vì ảnh hưởng của bão Fiona, theo tweet từ thống đốc Pedro Pierluisi. Tổng thống Joe Biden đã ban hành tuyên bố tình trạng khẩn cấp, qua đó giải phóng các nguồn lực liên bang cho các nỗ lực cứu trợ. Trong một diễn biến khác, hàng nghìn người trên đảo Kyushu ở miền nam Nhật Bản đã được yêu cầu đi sơ tán khi bão Nanmadol đổ bộ. Cơn bão có thể gây ra mưa tới 500mm.

 

Alla Pugacheva, một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Nga, đã yêu cầu được tuyên bố là “nhân tố nước ngoài,” để bày tỏ ủng hộ đối với chồng của bà, Maxim Galkin. Hôm thứ Bảy, Bộ Tư pháp Nga cáo buộc ông Galkin, một ca sĩ và người dẫn chương trình truyền hình, tội tiến hành các hoạt động chính trị thay mặt cho Ukraine vì đã chỉ trích cuộc xâm lược của Nga. Tâm lý bất mãn chiến tranh đang gia tăng ở Nga.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước ông sẽ đăng ký trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một diễn đàn khu vực bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và phần lớn Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là “thành viên đối thoại” và sẽ là thành viên NATO đầu tiên của câu lạc bộ. Tổ chức này, vốn họp thượng đỉnh tại Uzbekistan trong tuần qua, được thành lập để thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh.

 

Cảnh sát Serbia đã bắt giữ 64 người sau vụ biểu tình phản đối cuộc tuần hành tự hào LGBT ở thủ đô Belgrade của giới cánh hữu và tôn giáo. Bản thân cuộc tuần hành ban đầu đã bị cấm vì lo ngại kích động bạo lực.

 

Con số trong ngày: 99%, là tỷ lệ lao động nhập cư Kenya bị lạm dụng ở vùng Vịnh, theo một cuộc thăm dò.

 

.

TIÊU ĐIỂM

 

Hôm nay diễn ra lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II

 

Ngay trước 11 giờ sáng thứ Hai, linh cữu của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được đưa vào Tu viện Westminster, nơi bà đã đăng quang cách đây gần 70 năm. Khi ấy, một phụ nữ đã nói với bà, ngay trước lễ đăng quang, rằng bà hẳn đang rất hồi hộp. Vâng, Elizabeth trả lời. Và nhắc ngay đến chú ngựa mà bà đã cưỡi trong cuộc đua bốn ngày sau đó – “Tôi thực sự nghĩ Aureole sẽ thắng.”

 

Trong những thập niên về sau, người ta biết đến bà qua sự tận tâm nghiêm túc dành cho công việc: bà đi khắp thế giới, mỉm cười, vẫy tay và làm việc. Bà tuyên thệ nhậm chức cho thủ tướng Anh cuối cùng của mình, người thứ mười lăm, chỉ hai ngày trước khi qua đời. Giờ đây, mọi người đang đến với Nữ hoàng: hàng nghìn người đã xếp hàng vào viếng, và vào thứ Hai, các lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Joe Biden, sẽ hội tụ về London để dự tang lễ chính thức — ngày cuối cùng của thời đại Elizabeth.

 

Đảng Cộng hòa Mỹ sắp công bố bản cáo bạch về chương trình nghị sự

 

Vào thứ Hai, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy sẽ công bố “Cam kết đối với nước Mỹ” của đảng ông. Được mô phỏng theo “Hợp đồng với nước Mỹ” —một bản cáo bạch về những gì đảng Cộng hòa sẽ làm nếu thắng Hạ viện vào năm 1994, vốn phần nào giúp họ giành lại quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ — phiên bản của ông McCarthy cũng nhằm tái xác định ý thức hệ của đảng Cộng hòa.

 

Nhưng đảng này tỏ ra không mấy quan tâm đến việc phác thảo một chương trình nghị sự chính sách. Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, tin rằng các văn kiện như vậy sẽ phản tác dụng. Thượng nghị sĩ Rick Scott từ Florida đã trình một dự luật quy định tất cả luật liên bang sẽ hết hiệu lực sau 5 năm trừ khi được tái phê duyệt. Trong khi đó, Lindsey Graham của South Carolina khiến nhiều người ngạc nhiên vào tuần trước khi đề xuất giới hạn phá thai ở tuần thứ 15 trên toàn quốc — nghiêm ngặt hơn nhiều luật hiện tại ở các bang Dân chủ. Tất cả những điều này cho thấy sự thiếu nhất quán giữa các đảng viên Cộng hòa.

 

Ngày người cao tuổi của Nhật Bản

 

Vào thứ Hai, Nhật Bản sẽ kỷ niệm ngày lễ Keiro no Hi, hay “Ngày Tôn trọng Người Cao tuổi.” Dù covid làm gián đoạn các sự kiện và tụ họp trong năm thứ ba liên tiếp, người Nhật vẫn chào đón ngày lễ bằng cách gửi quà cho ông bà, tin vui cho các công ty thương mại điện tử.

Nhưng lễ tôn vinh người cao tuổi của Nhật Bản cũng là lời nhắc nhở về các vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng của đất nước. Số liệu thống kê được công bố gần đây cho thấy số người từ 65 tuổi trở lên ở thủ đô Tokyo đã đạt mức kỷ lục trong năm nay. Trên toàn Nhật Bản, họ chiếm 30% dân số. Vào tháng 4, Nhật đã giảm độ tuổi trưởng thành hợp pháp từ 20 xuống 18, qua đó tạo ra khoảng 2 triệu người trưởng thành “mới” chỉ trong một đêm.

 

Người Nhật cao tuổi ngày càng hoài nghi về kỳ nghỉ này. Nhiều người vẫn đang làm việc, và do đó không quá mặn mà với sự kiện. Nhiều người không muốn bị gọi là “già.” Và dù lòng hiếu thảo được coi trọng ở Nhật, lễ Keiro no Hi có thể cần được “trẻ hóa.”

 

Quỹ Toàn cầu cần tài trợ

 

Quỹ Toàn cầu, được thành lập vào năm 2002 bởi các chính phủ và doanh nghiệp với mục đích chống lại bệnh AIDS, bệnh sốt rét và bệnh lao, sẽ tổ chức hội nghị gây quỹ tại New York vào thứ Hai. Quỹ muốn huy động 18 tỷ đô la trong ba năm tới để cứu 20 triệu mạng người, và hồ sơ của quỹ cho thấy họ sẽ dùng số tiền một cách khôn ngoan. Các quan chức của tổ chức này tuyên bố đã ngăn chặn được 50 triệu ca tử vong từ năm 2002 đến năm 2021. Năm ngoái, quỹ đã giúp 23,3 triệu người được tiếp cận thuốc kháng virus HIV, điều trị cho 5,3 triệu người mắc bệnh lao, và phát 133,2 triệu màn chống muỗi.

 

Nhưng covid đã kéo chậm tiến độ. Các chỉ số chính của cả ba căn bệnh vào năm 2020, bao gồm cả tỷ lệ người dân được điều trị khỏi bệnh lao, giảm từ 69% xuống còn 57%. Lần đầu tiên trong một thập niên, số ca tử vong do lao tăng. Liên minh giữa các chính phủ và khu vực tư nhân sẽ cần tiếp tục vượt lên trên những thách thức.





No comments:

Post a Comment

View My Stats