The Economist
Đỗ
Đặng Nhật Huy, biên dịch
13/09/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/09/13/the-gioi-hom-nay-13-09-2022/
Tổng tư lệnh
quân đội Ukraine Valery Zaluzhny cho biết các lực lượng vũ trang nước
này đã tiến sát phạm vi 50 km tính từ biên giới Nga. Họ đã tái chiếm hơn 3.000
km vuông lãnh thổ trong 11 ngày, và lấy lại hơn 20 thị trấn và làng mạc chỉ trong
ngày Chủ nhật. Ngoài ra, thi thể của dân thường có dấu hiệu bị tra tấn đã được
tìm thấy ở khu vực đông bắc Kharkiv, theo văn phòng tổng công tố Ukraine.
Vào thứ
Hai, Nga đã phát động hàng chục cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv
trong nỗ lực tăng cường phản ứng. Các lực lượng Nga trả đũa bằng cách tấn công
cơ sở hạ tầng dân sự như các trạm điện và cơ sở chứa nước. Điện và nước ở
Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã bị cắt vào Chủ nhật, được khôi
phục lại, rồi tiếp tục bị ảnh hưởng vào thứ Hai. Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelensky nói các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở điện nước là nhằm “tước đi
ánh sáng và nguồn sưởi ấm của người dân.”
Tổng thống
Joe Biden ký một sắc lệnh hành pháp thúc đẩy ngành công nghệ sinh học của
Mỹ bằng các biện pháp tăng cường năng lực sản xuất sinh học, mở rộng thị trường
cho các sản phẩm sinh học và thúc đẩy nghiên cứu phát triển. Một quan chức
chính quyền nói các khoản đầu tư tương tự của các nước khác, đặc biệt là Trung
Quốc, đã thúc đẩy Biden hành động.
Một khoang
chứa rỗng được thiết kế để chở khách du lịch vào vũ trụ trên tên lửa “New
Shepard” của Blue Origin, công ty tên lửa đầy tham vọng của Jeff Bezos,
bỗng tự ngắt kết nối trong khi phóng và hạ cánh xuống trái đất bằng dù. “Sự bất
thường” ngoài kế hoạch này sẽ được Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ điều tra trước
khi các chuyến bay được phép tiếp tục.
Charles
III có bài phát biểu
đầu tiên trước quốc hội Anh trên cương vị quốc vương, trong đó ông cam kết làm
tròn “nghĩa vụ quên mình” như người mẹ quá cố. Trong khi đó, linh cữu của Nữ
hoàng Elizabeth II đã được đưa tới Edinburgh, Scotland; vào thứ Ba, bà sẽ được
đưa về London và quàn tại Đại Sảnh Westminster trong bốn ngày. Tang lễ chính thức
diễn ra vào ngày 19/9.
Cuộc tổng
tuyển cử của Thụy Điển vẫn còn quá sít sao để kết luận ai chiến thắng,
dù hầu như mọi trạm bỏ phiếu đã báo cáo kết quả. Khối đối lập cực hữu dường như
đã thắng sát nút phe cánh tả. Nhưng kết quả vẫn có thể thay đổi khi phiếu bầu sớm
và phiếu từ nước ngoài được kiểm đếm. Thứ Tư sẽ có kết quả cuối cùng.
Nền kinh tế
Anh tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong tháng 7. GDP tăng 0,2% trong tháng 7, thấp hơn mức dự đoán trung bình
0,4%. Tăng trưởng trì trệ trong ba tháng tính đến tháng 7 so với ba tháng trước
đó. Tiêu dùng và kinh doanh đã chậm đi do lạm phát tăng cao.
Con số
trong ngày: 108.000,
là số thùng dầu bị đánh cắp mỗi ngày ở Nigeria.
TIÊU ĐIỂM
Những ngày khó khăn của Putin
Trong những
ngày gần đây, quân Nga đang trải qua giai đoạn thất thế nghiêm trọng nhất kể từ
khi từ bỏ chiến dịch chiếm Kyiv vào tháng 3. Việc Ukraine giải phóng ít nhất
3.000 km vuông đã làm sụp đổ tham vọng kiểm soát toàn bộ vùng Donbas cũng như
các khu vực khác ở Ukraine của Nga.
Trong khi
người Ukraine và các đồng minh vui mừng, những gương mặt trên truyền hình Nga sửng
sốt. Các tướng lĩnh và phương tiện truyền thông nhà nước phải lý luận là quân đội
đang “tập hợp lại.” Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nói đến khả năng đàm phán.
Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục im lặng trước những diễn biến bất
thường. Vào thứ Bảy, khi quân đội của ông phải thoái lui ở Ukraine, tổng thống
khai trương vòng đu quay tại một công viên ở Moscow.
Putin đang
chịu nhiều áp lực ở quê nhà cũng như trên chiến trường. Các blogger quân sự ủng
hộ chiến tranh tỏ ra đặc biệt giận dữ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc kêu gọi
thay đổi chiến lược, bao gồm cả việc bắt lính. Nhưng việc gửi thêm binh sĩ miễn
cưỡng và được huấn luyện kém ra chiến trường đấu với vũ khí Mỹ sẽ không được
người dân chấp nhận. Trong khi đó, bất chấp khả năng chịu đựng khó tin của kinh
tế Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm tổn hại đến tầng lớp tinh
hoa của đất nước. Putin chưa thua trong cuộc chiến, nhưng các trận đánh của ông
đang trở nên khốc liệt hơn.
Lạm phát hạ nhiệt: tin vui cho Biden
Nhà Trắng
từng lo lắng về các báo cáo lạm phát hàng tháng. Mỗi báo cáo sau đều tệ hơn báo
cáo trước, và lần lượt khiến tỉ lệ ủng hộ của tổng thống Joe Biden đi xuống.
Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi. Trong tháng 7, giá tiêu dùng giữ nguyên mức của
tháng 6 – lần đầu tiên không có lạm phát tháng kể từ đầu năm 2020. Các số liệu
cho tháng 8, được công bố vào thứ Ba, dự kiến sẽ nối dài thành tích đó.
Lạm phát
giảm dần đã giúp tỉ lệ ủng hộ của ông Biden tăng lên trước thềm bầu cử giữa kỳ
vào tháng 11. Ngay cả phe Cộng hòa cũng đang giảm bớt chỉ trích. Nhưng các nhà
kinh tế lại khó tính hơn. Lý do chính khiến lạm phát của Mỹ đi xuống là do giá
dầu giảm mạnh. Nếu loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm, ước tính lạm phát
cơ bản vẫn tăng khoảng 0,4% trong tháng 8. Bấy nhiêu là không đủ để tuyên bố lạm
phát giảm. Do đó, giới phân tích và các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tiếp tục
kiên trì chống lạm phát.
Singapore mở cửa trong khi Hồng Kông tiếp tục
hạn chế người nhập cảnh
Trong đại
dịch, hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines gặp nhiều khó khăn đến nỗi họ
phải chuyển hóa tàu bay A380 hai tầng thành nhà hàng tạm thời. Từ năm 2019 đến
năm 2021, số lượng hành khách qua sân bay Changi đã giảm 96%. Nhưng kể từ khi
chính phủ bắt đầu nới lỏng các hạn chế biên giới vào cuối năm ngoái, khách du lịch
đã bắt đầu quay trở lại. Giao thông mùa hè này tại Changi đạt 50% mức trước đại
dịch. Kể từ thứ Ba, sân bay sẽ mở lại Nhà ga số 4, vốn đóng cửa từ tháng 5 năm
2020.
Động thái
mở cửa của Singapore trái ngược hoàn toàn với những hạn chế đi lại tại một
thành phố đối thủ khác, Hồng Kông, nơi lượng hành khách chỉ đạt khoảng 5% trước
đại dịch. Hồng Kông, trước đây là một trung tâm kinh doanh và du lịch, vẫn yêu
cầu người nhập cảnh phải cách ly ba đêm trong khách sạn. Nhưng cộng đồng doanh
nghiệp Hồng Kông đang ngày càng phản đối, khiến nhà chức trách phải bắt đầu lưu
ý. Các quy tắc kiểm dịch đối với phi hành đoàn địa phương đã được nới lỏng vào
cuối tuần qua.
Thách thức đón chờ tân tổng thống Kenya
William Ruto,
người sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Kenya vào thứ Ba, có một tiểu sử
đáng quan ngại. Cuộc đời chính trị của ông bắt đầu từ cánh thanh niên bạo lực của
đảng cầm quyền dưới thời nhà độc tài Daniel arap Moi. Sau cuộc bầu cử đầy tranh
cãi hồi năm 2007, Tòa án Hình sự Quốc tế đã buộc tội ông Ruto dàn dựng bạo lực
sắc tộc; ông phủ nhận hành vi sai trái, và vụ án sau đó đi vào ngõ cụt. Các cáo
buộc tham nhũng, mà ông Ruto khẳng định là bịa đặt, cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp
của ông.
Ông Ruto vận
động tranh cử tổng thống với một thông điệp dân túy và chống giới tinh hoa.
Nhưng ông thề nắm quyền một cách dân chủ. Đáng chú ý, ông đã cam kết tăng cường
độc lập cho nhánh tư pháp-hình sự so với chính phủ bằng cách chuyển sang quốc hội
quyền phê duyệt ngân sách độc lập cho lực lượng tư pháp và cảnh sát. Nếu ông
Ruto thực hiện lời hứa này, những người tự do trước giờ hay chỉ trích ông sẽ ít
nhiều cảm thấy vừa ý. Tuy nhiên, phía trước có nhiều thử thách khó khăn hơn.
Ông Ruto thắng cử với lời hứa bảo vệ quyền lợi của người nghèo. Nhưng lạm phát
cao và nền kinh tế chìm trong nợ nần sẽ là thách thức không hề nhỏ.
No comments:
Post a Comment