The Economist
Đỗ Đặng Nhật
Huy, biên dịch
02/09/2022
https://nghiencuuquocte.org/2022/09/02/the-gioi-hom-nay-02-09-2022/#more-47427
Các
quan chức của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) đã đến thăm
nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đang bị Nga chiếm đóng ở miền nam
Ukraine, nơi phải hứng chịu pháo kích dữ dội trong những tuần gần đây. Nhóm
nghiên cứu đang tìm cách “ngăn chặn một tai nạn hạt nhân.” Ukraine mong muốn cuộc
thanh sát sẽ giúp “phi quân sự hóa” nhà máy, nhưng Nga tuyên bố không rút quân.
Pháo kích của Nga đã buộc nhà máy phải đóng cửa một trong hai lò phản ứng đang
hoạt động.
Tổng
thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự lễ tang của Mikhail Gorbachev,
nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, người vừa qua đời hôm thứ Ba. Phát ngôn
viên của Điện Kremlin viện dẫn lịch trình làm việc dày đặc của tổng thống nhưng
cho biết chính phủ có hỗ trợ tổ chức tang lễ vào thứ Bảy này. Gorbachev là lãnh
đạo chứng kiến Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, điều mà ông Putin gọi là “thảm họa
địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20.”
Giới
chức an ninh địa phương nói đụng độ giữa các phiến quân người Shia ở Basra, Iraq,
đã khiến 4 người thiệt mạng. Được biết những người ủng hộ giáo sĩ Shia nhiều ảnh
hưởng Muqtada al-Sadr đã xung đột với các phe phái đối thủ. Iraq rơi vào bế tắc
chính trị kể từ khi đảng của ông Sadr không thể lập chính phủ dù thắng nhiều
phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Liên
Hợp Quốc nói việc Trung Quốc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có
thể “cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người.” Tuyên
bố này nằm trong báo cáo được công bố chỉ vài phút trước khi nhiệm kỳ của cao ủy
nhân quyền LHQ, Michelle Bachelet, kết thúc. Trung Quốc dĩ nhiên phản đối
quyết liệt. Cho tới nay Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, một
dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, trong các trại tập trung trên danh nghĩa chống
khủng bố.
Sri
Lanka đạt
được thỏa thuận sơ bộ với IMF về khoản vay 2,9 tỷ USD để khắc phục khủng hoảng
kinh tế. Thỏa thuận này yêu cầu Sri Lanka tiến hành nhiều cải cách khác nhau để
tăng thu thuế và xây dựng lại nguồn dự trữ ngoại tệ. IMF dự đoán kinh tế Sri
Lanka sẽ giảm 8,7% trong năm nay.
Các
quan chức Trung Quốc ủng hộ đề xuất cách ly người nhập cảnh ở Hồng Kông
trước khi vào đại lục, theo lãnh đạo Hồng Kông John Lee. Ông Lee nói một tổ
công tác đặc biệt sẽ thiết kế các chi tiết của hệ thống “kiểm dịch ngược” này.
Trong khi đó, khoảng 21 triệu dân của Thành Đô, một thành phố miền trung Trung
Quốc, bắt đầu thực hiện cách ly tại nhà. Đây là vụ phong tỏa toàn thành phố lớn
nhất ở Trung Quốc kể từ sau Thượng Hải hồi tháng 4. Tất cả các cơ sở kinh doanh
sẽ đóng cửa ngoại trừ bệnh viện, hiệu thuốc và siêu thị.
Lãnh
đạo đảng cầm quyền Ba Lan cho biết sẽ yêu cầu Đức bồi thường 1,32
nghìn tỷ đô la Mỹ cho các thiệt hại của Thế chiến 2. Con số này vượt xa mức ước
tính 850 tỷ đô la của năm 2019. Khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu
người Do Thái, đã bị giết trong chiến tranh, trong khi thủ đô Warsaw bị san bằng.
Đức nói đã giải quyết hết tất cả các yêu cầu bồi thường liên quan đến cuộc xâm
lược.
Con
số trong ngày:
16 triệu hecta, là diện tích đất của Mỹ được bao phủ bởi các bãi cỏ, bằng tổng
diện tích của cả bang New York và New Hampshire.
TIÊU ĐIỂM
Khủng hoảng chính trị ở Iraq
Cho
tôi gia nhập chính phủ, hoặc chấp nhận nội chiến giữa người Shia với nhau. Đó
dường như là thông điệp của giáo sĩ giàu ảnh hưởng Muqtada al-Sadr, người mà
các lực lượng ủng hộ ông đã xung đột trong tuần này với các phe phái Shia đối
thủ ở khu hành chính Baghdad và những nơi khác. Hiện các đảng liên minh với
Iran và nhiều dân quân của họ đang thống trị quốc hội và giữ quyền phủ quyết đối
với việc thành lập chính phủ mới. Cơ quan tư pháp dường như cũng chống lưng cho
họ. Điều này cản đường tham vọng của phong trào dân tộc chủ nghĩa của ông Sadr,
vốn nổi lên như một khối lớn nhất từ cuộc bầu cử năm ngoái nhưng đã rút bớt các
nghị sĩ của mình.
Dù
tình hình ở Baghdad đã dịu đi, giao tranh vẫn tiếp diễn ở Basra, thành phố lớn
thứ hai Iraq và là cửa ngõ cung cấp dầu của cả nước. Ông Sadr hoàn toàn có thể
lên tiếng huy động lực lượng ủng hộ nếu ông bị loại khỏi tiến trình thành lập
chính phủ. Hàng triệu người Iraq giận dữ sẽ nghe theo lời kêu gọi của ông và nổi
lên chống lại giới tinh hoa dầu mỏ của Baghdad.
Xuất khẩu của Đức gặp khó vì chi phí tăng
Destatis,
cơ quan thống kê của Đức, sẽ công bố số liệu thương mại tháng 7 vào thứ Sáu. Hồi
tháng 5, nước này chỉ ghi nhận thặng dư nhỏ 800 triệu euro (795 triệu USD). Xuất
khẩu có phục hồi trong tháng 6 nhờ nhu cầu tăng từ Mỹ và Trung Quốc, giúp Đức đạt
thặng dư (đã điều chỉnh theo mùa) 6,4 tỷ euro. Song các doanh nghiệp xuất khẩu
vẫn chưa hết bi quan. Giá năng lượng cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và chi phí
nguyên liệu đầu vào tăng tạo ra nhiều khó khăn cho họ. Chỉ số kỳ vọng nhà xuất
khẩu của viện Ifo, một tổ chức tư vấn của Đức, đã giảm tháng thứ ba liên tiếp
trong tháng 8.
Đối
với một số công ty, chi phí sản xuất ngày càng trở nên nặng nề và đã buộc họ phải
từ chối hoặc hủy đơn đặt hàng, theo khảo sát gần đây của nhà tư vấn
FTI-Andersch. Các công ty không muốn chuyển chi phí sang cho khách hàng. Và với
giá năng lượng cũng như các chi phí sản xuất cao, những tháng mùa đông sắp tới
sẽ còn khó khăn nhiều.
Thị trường việc làm Mỹ dường như đã hạ nhiệt
Chủ
tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói vào tuần trước rằng thị trường lao
động của Mỹ “rõ ràng là mất cân bằng.” Nhu cầu lao động đã vượt xa nguồn cung,
khiến lương của khu vực tư nhân tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cho
dù Fed tăng lãi suất và thắt chặt các điều kiện tài chính – khiến giá cổ phiếu
và bất động sản giảm, trong khi đồng đô la mạnh lên – thị trường việc làm vẫn
nóng. Rất may là dữ liệu việc làm được công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy tuyển dụng
chậm đi trong tháng 8. Giới quan sát cho rằng các nhà tuyển dụng đã thêm
300.000 việc làm, so với 528.000 của tháng 7.
Các
điều kiện thị trường lao động sẽ quyết định liệu Fed có tăng một nửa hay ba phần
tư điểm phần trăm lãi suất vào tháng 9 hay không. Họ có một nhiệm vụ đòi hỏi sự
tinh tế: tăng tỷ lệ vừa đủ sao cho kiềm chế được việc làm và tăng lương, nhưng
không gây sa thải hàng loạt và đẩy kinh tế vào suy thoái. Dữ liệu việc làm càng
yếu, Fed càng được dễ thở.
Hội chợ điện tử tiêu dùng của châu Âu khai mạc
Internationale
Funkausstellung, còn được gọi là IFA, sẽ mở cửa tại Berlin vào thứ Sáu. Đây là
triển lãm công nghệ thường niên lớn nhất châu Âu, và năm nay đánh dấu lần tổ chức
trực tiếp đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Nó chủ yếu là nơi cho các nhà sản xuất
giới thiệu những gì mới nhất trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng.
Vì
vậy, với World Cup bóng đá vào tháng 11 tới, những chiếc tivi có độ phân giải
cao hơn bao giờ hết sẽ là nhân vật chính. LG dự kiến công bố màn hình TV OLED lớn
nhất từ trước đến nay, với kích thước khổng lồ 97 inch. Các tiện ích khác có thể
bao gồm nhà vệ sinh “thông minh” giúp trung hòa chất thải con người của
Samsung, cũng như các hộp đựng giày có tác dụng tương tự đối với mùi hôi của
bàn chân. Sẽ có nhiều điện thoại thông minh mới, nhưng không phải iPhone 14.
Apple chưa bao giờ ra mắt sản phẩm tại hội chợ thương mại. Họ sẽ công bố thiết
bị tại sự kiện của riêng mình, vào ngày 7 tháng 9 ở Thung lũng Silicon.
No comments:
Post a Comment