Friday 2 September 2022

HẢI ĐẢO TỰ DO (Stephan Thome)

 



Hải đảo tự do

Đàn Chim Việt

02/09/202

https://www.danchimviet.info/hai-dao-tu-do/09/2022/26985/

 

Hình : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/09/305028810_5212281505547684_3960094241277274253_n-696x522.jpeg

Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Ảnh NPR

 

Mọi người đều nói về Đải-loan – Tốt hơn, nên hỏi chính những người Đài-loan về chuyện của họ. Bài của nhà văn người Đức Stephan Thome, 1972, hiện sinh sống tại Đài-loan. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản về Đài-loan „Pflaumenregen“ (Mưa Mận). Die Zeit, số 33, ngày 11.08.22. Phạm Hồng Lam dịch.

 

 ————————–

 

Bà ấy tới, Anh ạ!“, vợ tôi vui mừng reo trên màn ảnh máy tính của cô tại căn hộ riêng của chúng tôi ở Đài-bắc. Chúng tôi đã trao đổi với nhau qua truyền hình trong tuần vừa qua; cô vừa reo vừa theo dõi trực tiếp truyền hình cảnh dân Đài đón tiếp bà Nancy Pelosi. Tôi lúc đó đang ở Oberhessen thăm bố mẹ tại Đức và cũng đang nghiền ngẫm các bài viết về sự kiện này trên các trang thông tin toàn cầu. Chưa bao giờ tôi thấy thiên hạ quan tâm tới quê hương thứ hai của tôi nhiều đến như thế. Nhưng đa số các bài viết tỏ giọng lo ngại. Nhiều nhà bình luận trách bà Pelosi đã nông nổi tạo ra một xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mĩ. Cũng như thường lệ, chẳng thấy ai đề cập tới quan điểm của chính người Đài-loan. Nếu có, thì xem ra họ đều ngỡ ngàng trước thái độ vui mừng đón tiếp của đa số người dân ở đây. Phải chăng dân ở đây không nhận ra sự nguy hiểm đang đến với họ?

 

Suy nghĩ như thế. là người ta đã hiều rất ít về đất nước này. Các chuyên viên coi những biến cố trong tuần vừa qua là cuộc khủng hoảng thứ tư ở eo biển Đài-loan. Hai cuộc khủng hoảng đầu là những hậu cảnh của cuộc nội chiến kể từ năm 1949, cuộc khủng hoảng thứ ba xẩy ra đầu năm 1996, và nó có nhiều tương đồng thú vị so với biến cố hiện nay. Nó là hệ quả của cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên trong lịch sử xứ Đài. Thời đó Trung Quốc cũng có những cuộc diễn tập quân sự và cũng đã bắn hoả tiển vào gần bờ biển Đài-loan, trước khi Bill Clinton cho điều hai tàu sân bay tới, để chấm dứt cuộc leo thang.

 

Chế độ Peking giận dữ trước tiến trình dân chủ hoá ở Đài-loan vì ba lí do: Nó tạo ra tiền lệ mẫu mực về dân chủ trên đất Trung Quốc và nó đi ngược lại điều vốn được họ quả quyết: chế độ dân chủ không thích hợp với đất nước họ. Đài-loan càng hướng về dân chủ tự do, nó càng nhận được sự hỗ trợ của Mĩ và các quốc gia tây phương. Nhưng nhất là vì lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nghĩ rằng, càng tự do dân chủ, dân Đài càng chẳng thiết tha gì tới việc tái thống nhất với Trung Quốc. Thật ra, sau một trăm năm bị lệ thuộc ngoại bang, người dân xứ Đài hơn bao giờ hết mong muốn được nắm trong tay chính vận mạng của đất nước mình.

 

Chính vì thế mà trong trong thời gian qua họ đã làm bao nhiêu điều thật ngạc nhiên: Chỉ bốn năm sau cuộc bầu cử lịch sử 1996, phía đối lập, vốn bị đàn áp từ nhiều chục năm, lên cầm quyền và đã đổi mới chương trình giáo dục trường lớp cùng với những cải tổ khác. Cho tới lúc đó các trẻ em Đài-loan chỉ học lịch sử Trung Quốc, nay các em được học biết về chính đất nước cư ngụ của mình. Nhờ đó toàn bộ đất nước thay đổi. Quốc gia này hiện được lãnh đạo bởi một người đàn bà độc thân vốn xuất thân từ một gia đình nghèo hèn; bộ trưởng Bộ Điện Tử (Digitalministerium) là một phụ nữ chuyển giới nguyên là một tay điện tặc (Hackerin); từ ba năm nay có luật cho phép hôn nhân đồng tính. Ngay cả các nước Liên Âu (EU) cũng đã dần hiểu ra mức độ định hình của nền dân chủ trên hòn đảo Thái Bình Dương này. Tất cả những điều đó làm cho chế độ Peking điên tiết. Càng ngày họ càng tỏ ra hung hãn không che đậy hơn, để làm sao chấm dứt tiến trình thành công của xã hội dân sự nước này.

 

Hãy trở lại với cuộc thăm viếng của bà Nancy Pelosi, một chuyến viếng thăm được một bỉnh bút của tờ New York Times cho là „nông nỗi, nguy hiểm và vô trách nhiệm“. Ở tây phương hiện nay rõ ràng có nhiều người cho rằng, thế giới đã có quá nhiều xung đột và khủng hoảng, và chúng ta không cần có thêm những thứ đó nữa. Thái độ bất nhân nhượng của Peking đối với Đài-loan làm chúng ta bực mình, nhưng ta xem đó là điều vốn đã có và ta chỉ có hai chọn lựa: Hoặc là cố duy trì sự hoà bình trong khu vực – dĩ nhiên hoà bình này phải đi đôi với quyền lợi của Đài-loan – bằng cách không khiêu khích Peking, hoặc là chúng ta tạo nguy hiểm cho nền hoà bình này bằng những hành động làm Peking mất lòng. Cuộc viếng thăm của Nancy Pelosy thuộc vào loại thứ hai. Vì thế không lạ gì tờ báo tuyên truyền của Trung Quốc China Daily mấy ngày sau đó đã thích thú nhắc lại bài bình luận của New York Times.

 

Quan điểm của Đài-loan thì khác: Hiện tại quả thật chẳng thiếu những cuộc khủng hoảng, nhưng cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài-loan là chuyện chẳng mới. Phản ứng của Peking đối với chuyến viếng thăm là chuyện có thể có, nhưng không nhất thiết phải xẩy ra, đây chỉ là một quyết định cố í của chế độ. Sự giận dữ ồn ào và những đe doạ lớn tiếng là phương tiện được cố í dùng, để ngăn cản sự yểm trợ của các nước khác đối với Đài-loan. Đầu hàng trước những động thái đó không có nghĩa là duy trì hoà bình, mà là để cho Trung Quốc tự tung tự tác. Chống lại những động thái đó có nghĩa là đóng góp vào sự sống còn của nền tự do đang bị đe doạ của Đài-loan (các đoạn tô đậm là do người dịch). Chuyến viếng thăm của bà Pelosi thuộc vào loại thứ hai – vì thế mới có đám đông vui mừng hoan hô trước khách sạn bà ở trong chiều tối hôm đó.    

 

Những gì diễn ra trong ngày hôm sau cho thấy vị khách đã mang tới trao tặng vị chủ nhà – ngoại việc lôi kéo sự chú í của thế giới – một món quà cao quý: sự kính trọng. Trong bài diễn văn trước Quốc Hội cũng như qua việc ứng xử với tổng thống Thái Anh Văn bà Pelosi đã cho người ta thấy được sự kính trọng của bà trước điều mà ta có thể gọi là khả năng sống còn (Lebensleistung) của dân tộc Đài-loan. Khả năng này không mới chỉ khởi đầu từ biến cố sang trang 1996. Nó vốn dính liền với lịch sự đấu tranh lâu dài của dân tộc này chống lại các thế lực bên ngoài, và chỉ qua đó người dân đảo quốc này mới dần dần trở thành một dân tộc.  

 

1895 quê hương của họ bị Nhật chiếm đóng. Nhật tuyên bố biến đảo này thành một thuộc địa kiểu mẫu. Ban đầu những người dân địa phương sống trong tình trạng phân biệt chủng tộc hoang sơ và được sử dụng như một khối lao động rẻ tiền. Khi Nhật xâm chiếm Trung Quốc vào những năm 1930‘ và đánh cảng Trân Châu (Pearl Harbor), họ bắt dân này phải trung thành với thực dân, nghĩa là họ bắt đầu cải tạo cư dân này trở thành thần dân của Nhật Hoàng ở Tokio. Hơn hai trăm ngàn thanh niên Đài-loan bị xung vào quân đội Nhật. Sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, dân Đài-loan hi vọng được độc lập, nhưng chưa đạt được, thì đã bị tàn quân Quốc Dân Đảng (QDĐ) từ lục địa kéo ra vào năm 1949 và biến hòn đảo này thành một nhà nước chuyên quyền công an trị. QDĐ dùng vũ lực cải tạo cư dân địa phương thành người Hán và đàn áp tất cả những ai nhắc tới độc lập hay tới bản sắc dân tộc. Đài độc (Taidu) là chữ QDĐ dùng để xếp loại người Đài-loan. Đài là đài-loan; độc là độc lập: những người Đài-loan muốn đòi độc lập. Chữ Độc cũng có nghĩa là nọc độc. Người nào không muốn trở thành người Hán, đều bị QDĐ xếp vào loại cặn bã nọc độc. Người cộng sản Trung Quốc ngày nay cũng dùng hai từ này, để biện minh cho mưu đồ chiếm cứ Đài-loan.

 

Ba chế độ với ba quan niệm rất khác nhau, nhưng họ cùng chung nhau về sự xác tín này: không có một dân tộc được gọi là dân tộc Đài-loan, song chỉ có một tập thể người mà họ có thể sử dụng theo mục đích của họ. Người Nhật muốn chứng tỏ cho thấy chính sách thực dân của họ hơn hẳn chính sách thực dân của tây phương. QDĐ cố gắng chứng tỏ rằng, lối cai trị của họ tốt hơn chế độ trong lục địa. Và đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay cần Đài-loan để thực hiện giấc mơ dân Tàu tái sinh trong vinh quang. Họ chẳng cần quan tâm tới chuyện dân Đài-loan muốn gì. Hai trong ba dự án nặng tính dân tộc chủ nghĩa kia đã chết. Giờ chỉ còn dự án thứ ba đang như lưỡi gươm Damokles treo lơ lửng trên đầu đảo quốc.

 

Đã từ lâu Peking hô chiêu bài lừa đảo: „Một quốc gia, hai thể chế“, hứa hẹn cho Đài-loan được tiếp tục tự chủ với một mức độ lớn, sau khi trở về sáp nhập với Trung Quốc. Trễ nhất là sau các biến cố ở Hồng Công chiêu bài này đã bị lột mặt nạ, và lúc này cộng sản Trung Quốc đã thành thực hơn. „Sau khi tái thống nhất sẽ diễn ta cuộc cải tạo“, đại sứ Peking ở Paris vừa tuyên bố như thế trên truyền hình Pháp. Ai nắm vững tự điển của chủ nghĩa toàn trị, người đó hiểu ngay thông điệp: Người dân Đài-loan cũng sẽ có chung số phận như người Uy-ngô-nhĩ ở Tân Cương, nghĩa là sẽ bị bỏ tù hàng loạt, các cấu trúc xã hội của họ sẽ bị đập phá và họ sẽ phải chịu cải tạo tư tưởng từ lúc trẻ. Những gì đối với chúng ta – tôi muốn nói đối với người phương tây và người Đài-loan – là kinh khủng, thì đó là chuyện đương nhiên đối với lãnh đạo cộng sản Trung Quốc: Ai không thích ứng, sẽ bị loại.

 

Lúc này tôi đã trở lại Đài-loan. Cuộc tập trận, mà Peking đã khởi sự như một phản ứng trước cuộc thăm viếng của bà Pelosi, vẫn đang tiếp diễn. Chẳng người nào ở đây, khi được tôi tiếp xúc, tỏ ra kinh ngạc hay sợ hãi. Trong các buổi thảo luận diễn đàn trên truyền hình người ta càng lúc càng bàn nhiều tới những cuộc bỏ phiếu vùng miền vào mùa thu tới. Người dân ở đây ít sợ những cử chỉ đe doạ của Peking hơn là sợ cái nỗ lực làm ung thối xã hội, mà chế độ Peking đang thực hiện trong âm thầm, một sự âm thầm vốn được tây phương coi là tình trạng hoà bình, là bởi những cuộc tấn công mạng và những chiến dịch tung tin giả nơi xứ sở chúng tôi chẳng tạo nên tiếng ồn, và như vậy chẳng tạo ra tin tức nóng hổi nào cả. Nguy cơ lớn nhất cho người dân Đài không phải là những cơn thịnh nộ ồn ào của Peking, mà là khi thế giới còn lại nghĩ rằng, nguy hiểm của dân này đã qua. Nhưng không phải thế

 

Câu hỏi thường hay đến với tôi nhất trong những ngày qua là: Người ta sống làm sao trước sự bất ổn không ngơi về tương lai? Quả thật khó trả lời. Có hai điều vẫn diễn ra song hành – người ta vẫn sống cuộc sống của mình, và sự bất an vẫn có mặt ở đó.

 

Khi vợ chồng tôi bàn chuyện có nên mua nhà hay không, thay vì tiếp tục ở trong căn hộ thuê chật hẹp này, thì đề tài chính vẫn là chuyện giá cả nhà. Thoảng hoặc mới đặt ra vấn đề, là liệu có đáng đầu tư hay không, nếu nhỡ ra ít năm nữa mình bị buộc phải rời nơi đây. Đó là sự bình thường của đất nước và con người Đài-loan. Người dân xứ này hi vọng sự bình thường này tiếp tục diễn tiến, chứ không xẩy ra chuyện gì xấu hơn. Người dân ở đây hiểu rất rõ í nghĩa của chữ cải tạo. Thế kỉ 20 vẫn chưa lùi xa họ bao nhiêu. 

 

Tây phương về phía mình sẽ phải tự quyết định: Họ muốn coi số phận của 23 triệu người này là một số lượng không đáng kể (quantité négligeable) hay ngược lại? Sự chọn lựa xem ra chẳng mấy khó khăn, nhưng đó sẽ là một chọn lựa với tất cả hệ quả của nó. Ai muốn duy trì tự do cho Đài-loan, người đó cần sự kiên quyết và không để cho những đe doạ có tính toán của Pêking làm mình chùn bước. Nancy Pelosi đã làm gương về điểm này. Hay nói như vầy: Bà ấy đã làm theo gương của người dân Đài-loan.

.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats