Trong
một bài viết ngắn trên Facebook mình, nhà báo Huy Đức Trương Huy San nhắc
lại “Một lần, bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi ‘Chúng ta bắt đầu
sai từ bao giờ?’ [Nhà văn] Nguyên Ngọc nói, “Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ
Đại hội Tua’ [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố
Tours, năm 1920].”
Cách hỏi của
bà Nguyễn Thị Bình cho thấy bà đã biết đảng CS và những người ủng hộ đường lối
đảng sai nhưng không chắc sai từ thời điểm nào.
Cách trả lời
của nhà văn Nguyên Ngọc cho thấy ông cũng biết sai như bà Bình nhưng chính xác
hơn khi nhấn mạnh sai từ khi Hồ Chí Minh đưa tay gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản
tại Đại Hội Tours, nói rõ hơn là sai từ khi Hồ Chí Minh trở thành người CS
chuyên chính theo đường lối của Lenin.
Để giúp mở
rộng kiến thức của các bạn trẻ, người viết chỉ trích dẫn và bàn về câu nói “sai
từ Đại hội Tua”. Cám ơn nhà báo Huy Đức. Các chi tiết khác trong bài, thảo luận
hay tranh luận ngoài bài, người viết không biết và cũng không quan tâm.
Đại hội
Tours là đại hội gì mà có ảnh hưởng quan trọng đến dòng lịch sử Việt Nam nhiều
như vậy?
Đại hội
Tours là đại hội bỏ phiếu tán thành tư cách thành viên của Đảng Xã hội Pháp
trong Đệ Tam Quốc tế Cộng sản.
Trước khi
bàn đến Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản chắc phải nhắc đến Đệ Nhị Quốc Tế.
Đệ Nhị Quốc
Tế được thành lập vào ngày 4 tháng 7, 1889 tại Paris với mục đích đoàn kết giai
cấp vô sản và truyền bá chủ nghĩa CS trên phạm vi thế giới. Đệ Nhị Quốc Tế chủ
trương đấu tranh bằng các phương tiện nghị trường ôn hòa để đạt mục đích trong
khuôn khổ luật định. Ủy ban lãnh đạo thường trực của Đệ Nhị Quốc Tế đặt tại Bỉ.
Bí thư của tổ chức CS quốc tế này trong một thời gian dài từ 1905 đến 1922 là
Camille Huysmans và ông có thời gian là Thủ tướng Bỉ.
Khi Thế
Chiến Thứ Nhất bùng nổ, tranh chấp giữa các phe ủng hộ chiến tranh và chống chiến
tranh dẫn đến sự rạn nứt và cuối cùng làm phân hóa Đệ Nhị Quốc Tế thành ba
thành phần. Lenin tham gia vào Đệ Nhị Quốc Tế năm 1905 và nhanh chóng nổi bật
vì quan điểm chống chiến tranh của ông ta.
Đệ Tam Quốc
Tế hay còn được gọi là Comintern viết ghép của hai chữ “the COMmunist
INTERNational” do Lenin thành lập. Hội nghị thành lập Comintern được tổ chức từ
ngày 2 đến ngày 6 tháng 3, 1919 tại Moscow .
Khác với
các Quốc Tế trước, Đệ Tam Quốc Tế chủ trương cách mạng bạo động tại các quốc
gia có đảng CS.
Trong giai
đoạn đầu, đảng CS Nga dù đang khó khăn cũng đã xoay xở tài trợ cho các đảng CS
Đức, Hung để thành lập cánh quân sự. Thực chất đây là một cách phản công các kẻ
thù của Bolshevik vừa tấn công Nga trong giai đoạn sau “Cách mạng Tháng Mười",
1917.
Người được
Lenin tin tưởng giao trọng trách điều hành Đệ Tam Quốc Tế là Grigory Zinoviev.
Sau khi Lenin chết, một trong những người đầu tiên bị Stalin giết trong “cuộc
thanh trừng vĩ đại” (The great purge) lại là Grigory Zinoviev.
Sau khi
Comintern được thành lập, cùng với đảng CS tại nhiều quốc gia, đảng xã hội và
các tổ chức cánh tả của Pháp cũng được mời gia nhập Đệ Tam Quốc Tế.
Đệ Tam Quốc
Tế có bảy mục đích và lý luận chính được tóm tắt như sau:
(1) Giai
đoạn hiện nay là giai đoạn phân hủy và sụp đổ của toàn bộ hệ thống tư bản thế
giới, và sẽ là giai đoạn sụp đổ của nền văn minh châu Âu nói chung nếu chủ
nghĩa tư bản với những mâu thuẫn không thể vượt qua của nó.
(2) Nhiệm
vụ của giai cấp vô sản lúc này là nắm chính quyền Nhà nước. Việc nắm quyền lực
Nhà nước biểu hiện sự tiêu diệt bộ máy Nhà nước của giai cấp tư sản và tổ chức
bộ máy mới của quyền lực chuyên chính vô sản.
(3) Bộ máy
quyền lực mới phải đại diện cho chế độ độc tài của giai cấp công nhân và ở những
nơi nhất định, của cả những người tiểu nông và lao động nông nghiệp; nghĩa là
nó phải là công cụ để lật đổ có hệ thống giai cấp bóc lột và chiếm đoạt nó.
(4) Chế độ
chuyên chính của giai cấp vô sản phải là đòn bẩy cho việc chiếm đoạt ngay lập tức
tư bản, xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và chuyển nó thành tài sản xã
hội.
(5) Đối với
an ninh của cách mạng xã hội chủ nghĩa, để bảo vệ chế độ chống lại kẻ thù bên
trong và bên ngoài, để giúp đỡ các thành phần dân tộc khác của giai cấp vô sản
chiến đấu, giải giáp hoàn toàn giai cấp tư sản và các tay sai của nó, và vũ
trang chung của giai cấp vô sản, là cần thiết.
(6) Tình
hình thế giới hiện nay đòi hỏi phải có sự liên hệ chặt chẽ nhất giữa các bộ phận
khác nhau của giai cấp vô sản cách mạng và sự đoàn kết hoàn chỉnh của các nước
mà cách mạng đã thắng lợi.
(7) Phương
pháp đấu tranh cơ bản là hành động quần chúng của giai cấp vô sản, bao gồm đấu
tranh công khai, vũ trang, chống lại quyền lực nhà nước tư bản.
(“First
Congress of the Communist International Letter of Invitation to the Congress”,
January 24, 1919)
V.I. Lenin
tóm tắt về sự ra đời của 3 Quốc Tế CS: “Đệ Nhất Quốc tế đặt nền tảng của cuộc đấu
tranh quốc tế vô sản vì chủ nghĩa xã hội. Đệ Nhị Quốc tế đánh dấu một thời kỳ
trong mà đất đã được chuẩn bị cho sự lan rộng với hàng loạt phong trào ở một số
quốc gia. Đệ Tam Quốc tế thu thập được thành quả của Đệ Nhị Quốc Tế, loại bỏ chủ
nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xã hội sô-vanh, tư sản và nhỏ nhen tư sản ngu xuẩn, và
đã bắt đầu thực hiện chính sách quyền lực của giai cấp vô sản.” (The Third
Internationaland Its Place in History, V.I. Lenin, 1919, Collected Works,
Moscow: Progress Publishers, 1965)
Nhận được
thư mời, đại hội quyết định tham gia Đệ Tam Quốc Tế của thành phần quốc tế thuộc
đảng Xã Hội Pháp (Socialist Party-French Section of the Workers’ International)
được tổ chức tại thành phố Tours, một thành phố vùng Centre-Val de Loire, miền
trung nước Pháp, ngày 25 tháng 12, 1920.
Bản tin
năm 1920 còn lưu trữ của báo l'Humanité viết về đại hội này như sau: “Với 3.252
phiếu trong số 4.763 - chiếm đa số hơn 2/3 - Đại hội Tours đã bỏ phiếu tán
thành tư cách thành viên của Đảng Xã hội trong Quốc tế Cộng sản.” (French
Socialist Party to Join the III International, l'Humanité archive)
Tai họa giáng xuống cho đất nước Việt
Nam phát xuất từ quyết định gia nhập Đệ Tam Quốc Tế, hay nói rõ hơn là ngày Hồ
Chí Minh trở thành người CS theo chủ nghĩa Mác-Lê, trước đó Pháp chưa có đảng
CS.
Ngay cả những
người bạn thân của Hồ Chí Minh lúc đó cũng đã phê bình quan điểm CS cực đoan của
ông ta. Cuộc tranh luận đúng sai đã kéo dài nhiều tháng. Dĩ nhiên, không ai
thay đổi được quyết định gia nhập Đệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh. (William J.
Duiker , Ho Chi Minh: A Life, Hyperion Press, 2001)
Không ít
người đến nay vẫn còn ấm ức vì chính phủ Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội khi không đoái hoài
gì đến những lá thư của Hồ Chí Minh gởi TT Truman và Bộ Ngoại Giao Mỹ. Họ lấy
làm tiếc phải chi lúc đó TT Harry Truman trả lời và đồng ý viện trợ cho Hồ Chí
Minh chống Pháp thì ngày nay Việt Nam đã là một Singapore, Đài Loan hay Nam Hàn
rồi đâu phải bám đuôi Trung Cộng.
Các cơ
quan an ninh tình báo Mỹ không khờ khạo và ngây thơ như những người ấm ức kia
nghĩ. Chính phủ Mỹ có đủ văn kiện, tài liệu về Hồ Chí Minh trong quan hệ với đảng
xã hội Pháp, đảng CS Pháp và Đệ Tam Quốc Tế.
Theo tài
liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, tổng số gồm 11 lá thư và điện văn ngắn Hồ
Chí Minh gởi chính phủ Mỹ trong đó gồm 5 lá thư và điện văn gởi TT Truman, 6 lá
thư và điện văn gởi Ngoại trưởng James Byrnes và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Lá thư
thứ nhất ký ngày 17 tháng 10 năm 1945 và lá cuối cùng vào ngày 28 tháng 2 năm
1946.
TT Truman
không trả lời thư của Hồ Chí Minh nhưng đã kiểm chứng lại lý lịch của ông ta chứ
không tự động xếp vào văn khố. Chính phủ Mỹ chỉ thị tòa đại sứ Mỹ tại Paris trực
tiếp liên lạc với Hồ Chí Minh.
Ngày 12
tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ
tại Paris, đã điện đàm một tiếng đồng hồ với Hồ Chí Minh.
Dĩ nhiên
quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George
M. Abbott cho đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là Cộng
Sản. Không những thế, họ Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người
nào trong nội các của ông ta là Cộng Sản.”
Đoạn chính
trong báo cáo của George M. Abbott : “Khi tôi đưa ra câu hỏi về những mối liên
hệ được cho là Cộng sản của ông ta, tất nhiên, ông ta đã phủ nhận. Hồ Chí Minh
chỉ ra rằng không có Bộ trưởng Cộng sản trong chính phủ của ông và hiến pháp Việt
Nam mở ra với sự bảo đảm các quyền tự do cá nhân và được gọi các quyền của con
người và cũng bảo đảm quyền sở hữu cá nhân. Ông thừa nhận rằng có những người Cộng
sản ở An Nam nhưng tuyên bố rằng Đảng Cộng sản như vậy đã tự giải thể vài tháng
trước rồi.” (Page:Pentagon-Papers-Part I.)
Trong thực
tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc Phòng (Võ
Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình
Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng
Dân Chủ (ngoại vi của đảng CS) nắm giữ.
Dĩ nhiên,
như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí
Minh là những câu nói dối. Hồ Chí Minh đánh giá hệ thống tình báo Mỹ quá thấp.
Với đảng
CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thậm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến
lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường. Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến
mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương
lĩnh. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ
viện trợ, Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp, Hồ Chí Minh sẽ
cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thành thật
từ bỏ đảng CS. Các mục đích của Đệ Tam Quốc Tế đã đóng đinh sâu vào nhận thức của
Hồ Chí Minh và hàng ngũ lãnh đạo đảng từ thập niên 1920. Chính sách của đảng CS không thay đổi từ đó đến nay.
Mỹ không
đánh giá cao tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc trong người Hồ Chí Minh.
Không riêng Việt Nam mà hầu hết các đảng CS từ Á sang Phi đều núp dưới bình
phong “giải phóng dân tộc”.
Trong lúc
Hồ Chí Minh nói với George M. Abbott không có một đảng viên CS nào trong chính
phủ thì Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn đang thẳng tay tận diệt các đảng phái
không CS như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt v.v..
Vụ Ôn Như
Hầu tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng vào tháng 8, 1946 là một bằng chứng: “Cuối
tháng 5 [1946] khi quân đội Trung Quốc bắt đầu rút hết ra khỏi Việt Nam, Võ
Nguyên Giáp ra lệnh cho các lực lượng Việt Minh tấn công vào các cánh quân quốc
gia tại miền Trung, tiêu diệt số lực lượng nhỏ nhoi của các đảng quốc gia tại
vùng này.” (Lê Mạnh Hùng, Nhìn Lại Sử Việt, thời cận hiện đại 1945-1975, chương
6).
Các vụ tàn
sát các đảng phái quốc gia chống thực dân diễn ra suốt 1946 không chỉ riêng tại
Hà Nội, miền Bắc mà cả nước. Một chương sử đầy máu xương và hận thù trên đất nước
Việt Nam vốn đã chịu đựng gần một trăm năm dưới gót thực dân bắt đầu từ đó.
Lịch sử
không có “nếu” nhưng cần phải đặt lại một lần để các thế hệ Việt Nam đọc, ôn, học
và đi về phía trước là trách nhiệm của những ai quan tâm đến vận nước.
Nếu không
“sai từ đại hội Tua”, tức không có đảng CSVN ngày nay Việt Nam không phải nghèo
nàn, lạc hậu, mất đất, mất biển, lệ thuộc mọi thứ vào Trung Cộng mà là một quốc
gia độc lập, dân chủ giàu mạnh, đứng oai hùng và đầy kiêu hãnh như bên bờ Thái
Bình Dương.
Đừng quên,
bản thân hai tổng thống Franklin D. Roosevelt và người kế nhiệm là Harry Truman
đều là những người có cảm tình với các dân tộc bị trị. Đặc biệt về trường hợp
Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, TT Franklin D. Roosevelt khẳng định
việc tôn trọng quyền tự quyết dân tộc của các quốc gia như ông đã đề ra trong
Hiến Chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) tháng 8, 1941. (The Atlantic Conference
& Charter, 1941, Milestones: 1937–1945, State.gov)
Ngày 24
tháng 1, 1944, TT Roosevelt khẳng định lần nữa ước muốn của ông để đặt Đông
Dương dưới sự quản trị của quốc tế thay vì trả lại cho Pháp. TT Roosevelt viết:
“Tôi gặp Halifax [Ngoại trưởng Anh] tuần trước và nói với ông ta một cách thẳng
thắng rằng một điều hoàn toàn đúng là hơn một năm trước tôi đã bày tỏ ý kiến
Đông Dương không nên trả lại cho Pháp mà đặt dưới sự quản trị của một cơ quan ủy
thác quốc tế (international trusteeship). Pháp đã chiếm dân tộc này, với ba chục
triệu người, gần cả thế kỷ, và điều kiện của người dân còn tệ hại hơn lúc bắt đầu.
(Memorandum by President Roosevelt to the Secretary of State, January 24, 1944)
Trong cùng
tài liệu, TT Roosevelt còn viết một câu cảm động “Pháp đã vắt sữa các dân tộc
Đông Dương suốt một trăm năm và người dân của các nước Đông Dương xứng đáng được
sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.” ( France has milked it for one hundred years
and people of Indo-china are entitled to something better than that).
TT Truman
kế nhiệm đã chia sẻ quan điểm TT Roosevelt. Trong thời gian sau khi Thế Chiến
Thứ Hai vừa chấm dứt, TT Truman nghiêm cấm các tàu bè Mỹ giúp chở quân đội và
võ khí của Pháp để tái chiếm Việt Nam.
Nhưng con
kỳ đà Đệ Tam Quốc Tế CS đứng cản mũi ngay giữa con đường để Việt Nam có thể hội
nhập vào dòng thác văn minh của nhân loại sau Thế Chiến Thứ Hai như Nam Dương
(độc lập 1945), Ấn Độ (độc lập 1947), Philippines (độc lập 1946), Jordan (độc lập
1946) và nhiều quốc gia từng là thuộc địa trở thành cộng hòa khác.
Chính sách
của TT Truman đối với Việt Nam chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1946 đến
1950, Mỹ đóng vai trò trung lập và giai đoạn thứ hai sau khi Mao chiếm toàn lục
địa TT Truman chuyển sang yểm trợ Pháp để ngăn chặn làn sóng CS nhuộm đỏ toàn
cõi Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á.
Chính sách
của TT Truman tại Á Châu là một bộ phận trong toàn bộ chính sách Ngăn Chặn
(Containment Policy) trong phạm vi thế giới. TT Truman rời nhiệm sở năm 1953
nhưng các tổng thống sau ông dù Cộng Hòa hay Dân Chủ đều tiếp tục dưới nhiều
hình thức cho tới ngày LX sụp đổ. Hiện nay, chính sách Ngăn Chặn đang được tái
dựng dưới một tên gọi khác phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị Á Châu gọi
là Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (Indo-Pacific Strategy of The
United States).
Nội dung của
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khẳng định “nước Mỹ chỉ có thể an toàn nếu Á
Châu cũng an toàn” và do đó “Hoa Kỳ củng cố mối quan hệ với khu vực, thông qua
các liên minh bằng các hiệp ước rắn chắc với Úc, Nhật Bản, Cộng hòa Hàn Quốc,
Philippines và Thái Lan, đặt nền tảng an ninh cho phép khu vực nền dân chủ phát
triển mạnh mẽ.” (Indo-Pacific Strategy of The United States, White House, 2022)
CSVN không
được nhắc đến trong mệnh đề mở đầu của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vì CSVN
không phải là một quốc gia “dân chủ phát triển mạnh mẽ” hay “liên minh bằng hiệp
ước”.
Nguy hiểm
hơn, một khi không gian tranh chấp được mở rộng, vị trí chiến lược của Việt Nam
đang có sẽ bớt quan trọng và bị thu hẹp dần cho tới khi chỉ còn là một “căn cứ
phía nam” của Trung Cộng.
Do đó, nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc “sai từ Đại
Hội Tua” rất đúng. Ông thấy
sai từ bao giờ, hôm trước hay hôm qua, không quan trọng, quan trọng là thấy và
nói ra cho các thế hệ trẻ biết. Giữa một xã hội bưng bít thông tin, tuyên truyền
tẩy não, mọi tiếng nói đúng đều cần thiết. Nhiều người có thể cũng thấy như ông
nhưng vì chút hư danh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chịu nhục để sống cho qua hết
một đời.
Đại Hội Tours là thời điểm Hồ Chí Minh chọn phương
pháp bạo động để thiết lập chế độ CS chuyên chính tại Việt Nam. Con đường Đệ
Tam Quốc Tế đó nhuộm bằng máu, lót bằng xương của nhiều triệu người Việt kéo
dài tròn thế kỷ và sẽ di họa không biết đến bao giờ mới dứt. Sự sai lầm đó đã dọn
đường cho Trung Cộng, một nước CS đàn anh, xâm chiếm phần lớn biển đảo Việt
Nam.
Một người
bình thường chỉ nhìn vào hậu quả nhưng một người sáng suốt phải tìm hiểu tận
nguyên nhân, và nguyên nhân chính cho tất cả thảm họa mà dân tộc Việt Nam đang
gánh chịu hôm nay là do Hồ Chí Minh “sai từ Đại Hội Tua”.
Trần Trung Đạo
(Một phần
bài trích trong bài viết “Đừng Tưới Nước Lên Gốc Cây Rã Mục”
Ảnh bà
Nguyễn Thị Bình (trái) và nhà văn Nguyên Ngọc (phải) trích từ FB Trương Huy
San)
https://www.facebook.com/photo/?fbid=505801344882266&set=a.124728546322883
.
No comments:
Post a Comment