Tuesday 13 September 2022

PUTIN HIỆN CÓ NHỮNG LỰA CHỌN NÀO? (Judith Görs  -  NTV)

 



Putin hiện có những lựa chọn nào?

Judith Görs  -  NTV

Việt Hùng phỏng dịch

14/09/2022

https://baotiengdan.com/2022/09/14/putin-hien-co-nhung-lua-chon-nao/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/1.jpg-1-1024x680.png

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn AP

 

Quân đội Nga hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc phản công thành công của Ukraine – và Putin phải thực hiện các biện pháp đáp trả. Nhưng các lựa chọn của ông ta bị hạn chế. Một cuộc tổng động viên thì nhạy cảm về mặt chính trị, và việc rút lui hầu như là không thể. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang chiến tranh.

 

Khi quân của ông tháo chạy trước quân đội Ukraine ở Kharkiv hồi cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khánh thành một vòng đu quay ở Moscow. Ngay từ đầu, điều quan trọng đối với ông chủ Điện Kremlin là không để cho cuộc xâm lược Ukraine được xem là “chiến tranh” – thậm chí không được dùng cả về mặt ngôn ngữ. Nhưng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ta không còn giấu giếm được nữa: Đột nhiên, những người Nga đi nghỉ ở Crimea nhìn thấy bom rơi, lệnh trừng phạt giáng xuống tầng lớp thượng lưu của Moscow khi họ đi mua sắm, và từ ngữ “chiến tranh” được nghe trên truyền hình nhà nước. Những thất bại ở Ukraine ngày càng khiến Tổng thống Putin chịu nhiều áp lực.

 

Cho dù Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cái gọi là chiến dịch đặc biệt đang diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng giờ đây ông Putin phải thừa nhận rằng thực tế đã khác. Tatiana Stanovaya, nữ chuyên gia về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington D.C., đã cảnh báo về thời điểm này vài tuần trước. “Khi Putin nhận ra rằng kế hoạch của ông ta đang thất bại và sự thất vọng của ông ta là lớn nhất, ông ta có thể trở nên nguy hiểm nhất“, cô viết trên New York Times.

 

Hai trong số các mục tiêu của ông ta, sự đầu hàng của Kiev và sự khuất phục của Ukraine, là không thể đạt được. Chỉ có cuộc chinh phục Donbass mới đưa lại cơ hội thành công. “Putin tin rằng thời điểm cho mục tiêu này vẫn còn nằm trong tay ông ta“. Nhưng các báo cáo từ Luhansk rằng quân đội Nga đã rời khỏi thành phố lại chứng minh điều ngược lại. Putin đang bị áp lực phải hành động. Nhưng hầu hết các lựa chọn của Tổng thống Nga đều có điểm khó khăn:

 

Tổng động viên

 

Không có số liệu chính thức về binh lính Nga thiệt mạng trong chiến dịch. Ukraine nói, hơn 50.000 quân Nga đã chết kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, Bộ Quốc phòng Anh coi một nửa là có nhiều khả năng đúng. Nhưng càng có nhiều thông tin rò rỉ về tình hình hoang tàn của quân đội Nga, thì việc tuyển mộ thêm binh sĩ càng trở nên khó khăn hơn. Ngay cả bây giờ, phần lớn các binh sĩ chiến đấu đến từ các vùng xa xôi của Nga – Caucasus, Siberia, Mông Cổ và Ural. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga và những người ủng hộ chiến tranh, do đó đang kêu gọi một cuộc tổng động viên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov muốn coi những đòi hỏi như vậy và chỉ trích hành động của chính phủ như một ví dụ về “chủ nghĩa đa nguyên” ở Nga.

 

Nhưng đối với Putin, cuộc tổng động viên đặt ra một số vấn đề khác. Một mặt, việc tổng động viên mâu thuẫn với đường lối trước đây của Điện Kremlin, theo đó cuộc xâm lược Ukraine chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” có giới hạn. Putin sẽ phải gọi cuộc chiến là gì – và có nguy cơ thay đổi cục diện trong dân chúng. Theo trung tâm thăm dò Levada, chỉ 48% người Nga ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine. Cuối cùng, khi “thanh niên của những bậc cha mẹ giàu có từ Moscow và St.Petersburg, những người có liên hệ với nhà nước” phải chết trên chiến trường, thì Putin sẽ bị đe dọa phản kháng.

 

Tuyên chiến chính thức

 

Ngay từ tháng 5, phương Tây đã đồn đoán khi nào Tổng thống Nga có thể sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine. Điều đó sẽ có một số lợi thế cho Putin. Luật chiến tranh cho phép ông tổng động viên quân dự bị mà còn chuyển đổi ngành công nghiệp sang sản xuất vũ khí và ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, cho đến nay, Putin đã né tránh bước đi này, cũng bởi vì ông ấy cần một lý do chính đáng cho nó.

 

Trong mắt nhiều người Nga, việc người Ukraine phải được giải phóng khỏi chế độ Phát-xít có thể biện minh cho một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng không phải là một cuộc chiến kéo dài ngay trước cửa nhà họ. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Nga, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kịch bản như vậy. Quân dự bị sẽ không có sẵn trong thời gian ngắn hạn, quân đội hiện cũng không có trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng chiến đấu. Điều đó sẽ mất hàng tháng.

 

Tấn công mới

 

Quân đội Ukraine đã đẩy lùi được quân Nga – nhưng điều đó không có nghĩa là tự động chiến tranh kết thúc. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, ưu tiên của Putin lúc này là ngăn chặn sự tan rã trong lực lượng, tập hợp, củng cố và kiện toàn các lực lượng vũ trang. Theo truyền thống, điều này hoạt động tốt hơn ở vị trí phòng thủ. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân đội Nga dường như gặp khó khăn khi tăng cường các tuyến phòng thủ với các đơn vị mới.

 

Không chỉ việc tuyển quân mới khó. Do một số lượng lớn tình nguyện viên cũng từ chối tham chiến, lãnh đạo ban đầu đã đình chỉ việc triển khai thêm binh sĩ, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ (ISW), trích dẫn từ Bộ tổng tham mưu Ukraine. Nếu vậy, nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của các đơn vị chiến đấu còn lại, mà còn khiến quân đội Ukraine có thời gian để tập hợp lại và tiếp tục cuộc tấn công.

 

Tổng leo thang xung đột

 

Không chỉ từ phía Ukraine, những cảnh báo liên tục được đưa ra rằng, Điện Kremlin có thể cố gắng leo thang thêm xung đột bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và hóa học. Một số chuyên gia quân sự ở Đức cũng đang nói về “sự thống trị leo thang” của Nga – và kêu gọi Ukraine chấp nhận một giải pháp thương lượng, ngay cả khi nước này chấp nhận bỏ các vùng lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, một cuộc leo thang hạt nhân sẽ phải trả giá đắt cho Putin.

 

Đối với NATO, điều này không có nghĩa là “trường hợp liên minh” tự động xảy ra. Nhưng không chỉ đơn giản là “liên minh phòng thủ” để cho Putin làm điều này. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một cuộc leo thang hạt nhân cũng có thể có tác động đến các thành viên NATO. Ngoài ra, Nga cuối cùng sẽ bị cô lập trên bình diện quốc tế, không chỉ về mặt chính trị mà còn về kinh tế. Trong một tình huống mà Putin phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các quan hệ đối tác kinh tế – chẳng hạn như với Ấn Độ hoặc Trung Quốc – thì cái giá phải trả của sự tẩy chay sẽ là quá cao.

 

Nhiều khả năng Putin sẽ tập trung nhiều hơn vào việc phá hủy có mục tiêu cơ sở hạ tầng dân sự bằng cách tiến hành các cuộc không kích trên diện rộng vào các thành phố của Ukraine, tương tự như những gì đã xảy ra ở Syria. Điều này đã được quan sát thấy ở thành phố Kharkiv: Sau nhiều lần bị bắn phá, nhà máy nhiệt điện bị mất điện, cùng nhiều thứ khác. Trong khi đó, không có nước máy hay internet. Bằng cách này, Putin có thể cố gắng làm dân chúng mất tinh thần.

 

Rút quân toàn diện

 

Ngay cả khi thông tin rằng ban đầu bộ chỉ huy quân đội Nga sẽ không gửi bất kỳ binh lính mới nào đến mặt trận cũng làm dấy lên hy vọng: hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc Nga có kế hoạch rút quân khỏi Ukraine. Ngược lại: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Hai nhấn mạnh với các nhà báo rằng, “chiến dịch quân sự đặc biệt” sẽ được tiếp tục “cho đến khi đạt được các mục tiêu đặt ra ban đầu” – tức là ít nhất chinh phục hoàn toàn các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine.

 

Đối với Putin, rút ​​khỏi Ukraine sẽ tương đương với hành động tự sát chính trị, trừ khi ông có thể chuyển trách nhiệm về thất bại từ mình cho người khác, chẳng hạn như giới chỉ huy quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã bị chỉ trích vì chuẩn bị kém cho “chiến dịch đặc biệt”. Tiếng nói từ phe cực hữu đang kêu gọi ông từ chức. Liệu điều đó có đủ để Putin “rửa trắng tay” hay không là một câu hỏi được đặt ra.

 

Đàm phán hòa bình

 

Các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn trong nhiều tháng. Giờ đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bất ngờ cho thấy mình đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Ukraine một lần nữa. Nhưng vấn đề là, Kyiv có sẵn sàng lắng nghe đòi hỏi của những kẻ xâm lược như thế nào. Cuộc phản công thành công giúp người Ukraine tự tin hơn. Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây tuyên bố rằng, ông có ý định tái chiếm các khu vực bị quân ly khai thân Nga chiếm đóng từ năm 2014 – và bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập. Mặt khác, Nga đòi hỏi giữ Luhansk và Donetsk. Một nhượng bộ từ cả hai bên hiện khó có thể tưởng tượng được.

 

Zelensky biết rằng, trong tình hình hiện tại, việc nhượng lại lãnh thổ Ukraine cho Nga sẽ không có lợi cho người dân Ukraine, những người đang bị ảnh hưởng bởi tội ác chiến tranh của Nga. Nhiều người bây giờ nhìn thấy bước ngoặt của cuộc xung đột. Những thành công quân sự ở phía nam và phía đông không chỉ khuyến khích người Ukraine kiên trì, mà còn khẳng định hướng đi của Hoa Kỳ – cho đến nay là nước ủng hộ quân sự lớn nhất của chính phủ Kyiv. Và ở châu Âu cũng vậy, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn cho Ukraine, ví dụ như dưới hình thức xe tăng chiến đấu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats