Monday, 12 September 2022

NHÂN NGHE CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÓI (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



 

Nhân nghe chủ tịch quốc hội nói   

Lê Huyền Ái Mỹ

12-9-2022  05:20    

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/pfbid02Pz2menbhShccdpqT3GqLy6qrv8osiWbKetPwaAMqhmWRt4PzcJ4cvjLKBWqEJo8Sl

 

 “Khi ban hành nghị quyết thành lập TP Thủ Đức nói đây là cấp quận thôi. Trước tách thành 3, giờ nhập thành 1. Đây là loại gì trong tổ chức đơn vị hành chính của chúng ta?” - sáng 12.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hỏi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời: TP Thủ Đức là theo mô hình “thành phố trong thành phố” quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời Thủ Đức cũng thuộc mô hình đô thị dưới cấp tỉnh đang được xem xét, đánh giá thêm.

 

Tôi nhớ không nhầm, trong những ngày nước rút cuối cùng của Quốc hội khóa 14, nghị quyết thành lập TP Thủ Đức đã được gấp rút thông qua. Nói gấp rút - trong mắt của thường dân - là vì chưa ai hình dung được nó sẽ mang hình hài mới như thế nào ngoài phép khắc xuất khắc nhập như ông chủ tịch Quốc hội nêu. Nó mang theo “hoài bão” - như những lời có cánh của các lãnh đạo trong thời điểm vừa được bấm nút “khai hoa” - nhưng cách thức, lộ trình và cụ thể hóa thành sự thụ hưởng của nhân dân (được mô tả như thế nào chứ chưa nói đến hiện thực) ra sao cái hoài bão ấy thì hơn 1 năm sau, còn nguyên đó những ngổn ngang.

 

Cũng như cái gọi là mô hình “thành phố trong thành phố” - TP HCM được xem là nơi khai phá (hiện Hà Nội cũng đang ngấp nghé theo), vốn đã được các nhà lãnh đạo, quản trị thành phố này khai thị ra sao trước khi trình lên quốc hội? Thêm một cái “cũng như” nữa, là Nghị quyết 54, giờ đang được điều chỉnh, bổ sung (trong đó có phần TP Thủ Đức) để thay thế, nâng cấp, nhưng lại thêm một nhiệm kỳ thí điểm đặc thù? Trong khi, trước đó, đã và đang tồn tại Nghị quyết 16 của Bộ chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020, ban hành từ năm 2012. Một nghị quyết đang thực thi, sắp về đích, không thấy nghiệm thu toàn diện, chưa được hoàn công tổng thể; lại ban hành tiếp, chồng lấn một nghị quyết “đặc thù” mà kết quả, sau 5 năm thí điểm, giờ lại tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

 

Ai kết toán những chi phí cho từng ấy quy trình để ra một nghị quyết, từ 54 đến thành phố mới Thủ Đức? Việc nó không đảm bảo đúng tiến độ, không phát huy hiệu quả trên từng phần, hạng mục, ai là người trả lời về trách nhiệm thực thi, giám sát thực thi? Tôi đoan chắc 5 năm thí điểm vừa qua, con số 54 làm đẹp cho không ít bảng thành tích trên giấy như một điểm sáng nhiệm kỳ. Nhưng trong từng giấc mơ đổi đời của giới cần lao, nó gần như vô hình, nên nó vô nghĩa.

 

Tính dẫn đường của nghị quyết là điều không phủ nhận. Nhưng đừng say sưa ban bố những nghị quyết “vô hình” như thế nữa, nên cũng đừng nhanh nhẩu bấm nút dễ thông qua như thế kia! Mà ngay cả khi đi xin và được cho rồi, những cơ chế thực thi cụ thể cũng nào đâu có nên mới đâm ra vướng đủ chỗ, khổ đủ cấp, TP Thủ Đức ngoài cái áo mới khoác lên lấy le, chưa thấy thực tế hóa những “hoài bão”, chỉ thấy “bão” ập hoài không thôi!

 

Hãy đọc lại và hiểu cho thật đúng lời của ông giám đốc sở Khoa học - Công nghệ TP HCM ngày 7.9 vừa qua “trong thời gian qua do chưa thật sự hiểu hết về đổi mới sáng tạo, một số quận huyện chưa triển khai hiệu quả”. Cụ thể hơn, ông nói “Trước hết, các sở ngành và địa phương cần có tư duy đổi mới sáng tạo, nhìn vào một vấn đề mình đang gặp phải và trăn trở liệu có thể cải tiến tốt hơn, chẳng hạn bằng việc áp dụng công nghệ vào hay không? Kế đó cần phân tích được thật cụ thể vấn đề đang gặp phải và đâu là những việc ưu tiên giải quyết trong nguồn lực của mình”.

 

Nghĩa là, đừng hô hào “đổi mới sáng tạo” muôn năm trong khi còn chưa có nổi cái nguyên bản cho hoàn chỉnh một ngày. Chưa nhận ra được cái dở, cái hay, cái tiến bộ, cái thụt lùi một cách trung thực nhất mà đã nhăm nhăm “sáng tạo”, “đổi mới”, cũng như chồng lấn các nghị quyết hữu danh mà vô thực lên nhau, các vị lãnh đạo, cán bộ có thể ký mỏi tay nhưng dân tình có khi bụng rỗng!

 

.

42 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats