NHÂN
NGÀY KHAI GIẢNG : ĐỐI MẶT VỚI TƯƠNG LAI
Với lũ người
lớn chúng ta, những đứa trẻ đang cắp sách tới trường hôm nay hiển nhiên là thế
hệ tương lai, là những người sẽ tiếp tục làm chủ giang san khi những người lớn
hôm nay đang cai quản chúng đã về với đất. Quả là không nhẹ nhàng chút nào khi
dù không muốn vẫn cứ phải thấy trước sự thật cay nghiệt ấy. Điều đó có nghĩa là
sẽ đến lúc (và không xa lắm nữa) những đứa trẻ hôm nay không cần làm gì cũng
thoát khỏi tầm kiểm soát của thế hệ đàn anh?
Nhưng cái
sự thật không cách gì dối lòng ấy, dù sao vẫn cho ta một nơi thoát ra khi ta
quy về quy luật của Tạo hóa. Còn cái sự thật sau đây mới đáng sợ bởi nó đẩy
chúng ta tới chỗ cô đơn: Sẽ đến lúc chúng ta biến mất! Theo cả hai nghĩa. Biến
mất về thân xác - ứng với sự thật thứ nhất - tức là luật Trời đã định, thì còn
chịu được. Và thực ra sự biến mất này xác định ý nghĩa đích thực cho đời sống.
Nhưng nếu biết, ngay cả hình bóng chúng ta, cái hình bóng tinh thần được tạo dựng
bởi tâm linh và văn hóa gửi ở chúng (chủ yếu thông qua hành vi sống và giáo dục)
cũng biến mất nốt - ứng với sự thật thứ hai - thì thật bi kịch!
Bi kịch
này dành cho cả chúng ta, những người ra đi, dành cho cả bọn chúng, những người
còn ở lại nối dài sự sống, sự lao động sáng tạo, duy trì sự liên tục của văn
hóa... Vì thế, bằng sự lo lắng, nuối tiếc, sợ hãi và cả tò mò nữa, chúng ta rất
muốn nhìn thấy trước tương lai, mà thực ra là muốn thấy trước sự hiện diện mai
sau của mình khi thân xác đã tan rữa. Chính vì nhu cầu này mà một điều tưởng
như nghịch lý đã xảy ra: chúng ta luôn luôn sống với cảm giác phải đối mặt với
tương lai, đôi khi, giống như đối mặt với sự phán quyết của quan tòa.
Không có
ngoại lệ trong trường hợp này.
Không ai đủ
tự tin để khẳng định đã có vé, đi thẳng một lèo vào tương lai mà không bị kiểm
tra, không bị nguy cơ xóa sổ, bị trục xuất... đe dọa, trừ khi anh ta sống với ảo
tưởng hoặc dối trá. Bởi vì tương lai có cách đo đếm riêng của nó. Vì thế mới có
ý tưởng cho rằng “Người may mắn là người trốn thoát được tương lai!”.
Khi soi
vào quá khứ người ta hy vọng (và do đó cố công) tìm ra những bài học, những
kinh nghiệm, những sai lầm không nên mắc lại. Cái mà ta gọi là “bài học lịch sử”
phải bao gồm cả sự ngọt ngào lẫn cay đắng. Nhưng theo tôi, cái cay đắng dạy
chúng ta nhiều bổ ích hơn. Cho dù thế thì việc soi vào quá khứ không phải là
công việc quá khó làm. Chúng ta hoàn toàn vô can đối với lịch sử và vì thế
chúng ta chỉ như những khán giả, những nhà nghiên cứu. Nhưng nếu một ai đủ dũng
cảm thử soi mình vào tương lai xem, sẽ thấy đó là công việc đem lại không chỉ nỗi
kinh ngạc mà còn cả sự cắn rứt đau đớn. Bởi vì khi đó chúng ta đóng vai trò là
quá khứ, là kẻ bị xem xét. Tương lai sẽ soi xét chúng ta từng li từng tí, để
tìm kinh nghiệm, những bài học, và dĩ nhiên, cả những căn bệnh, những quả đắng
nữa. (Họ ứng xử với điều này bằng thái độ nào, là cái mà chúng ta không thể biết
chính xác được).
Vâng, nếu
một ai dám làm điều đó thì anh ta thật đáng khâm phục. Bởi vì anh ta sẽ phải đối
mặt với một cái gì anh ta không muốn song đã thuộc về anh ta. Nó có thể méo mó,
dị dạng, thậm chí không hình dung được. Nó có thể khiến anh ta hoảng loạn mà bỏ
chạy mặc dù biết chắc không thể chạy đi đâu cho thoát.
Hãy giả định
mỗi ý nghĩ ngu xuẩn, độc ác, mỗi toan tính vụ lợi, tham lam, mỗi hành vi xấu
xa, ti tiện, mỗi ý định lừa thầy phản bạn, trụy lạc, dâm ô, mỗi một lời nói dối
v.v... đều in một vết đen lên hình ảnh chúng ta đang chiếu vào tương lai, thì lạy
Chúa, bức chân dung của chúng ta sẽ kinh khủng như thế nào?
Chúng ta
thường rất tâm đắc với câu: “Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ
nã đại bác vào anh”. Tôi nói tâm đắc là căn cứ vào mật độ trích dẫn, thường bởi
các nhà phê bình hoặc các nhà giáo dục. Đây là câu của một nhà thơ nước ngoài,
sống cùng thời với chúng ta. Mặc dù tôi không thấy gì thuộc về tính chân lý
trong câu cảnh cáo đó, nhưng cũng không định phản bác. Vâng, cứ cho điều đó là
một tiên tri đi. Thế thì với lớp trẻ hiển nhiên chúng ta là quá khứ (đã, đang
và sẽ, khỏi phải bàn cãi!) và thử xem chúng ta chuẩn bị cho tương lai những gì
để loại trước những viên súng lục của chúng, để có thể thanh thản nhắm mắt sau
khi dặn lại lời răn dạy ấy? Chả lẽ đó là đủ các loại tệ nạn? Chả lẽ là tư tưởng
mạnh ai người ấy sống? Chả lẽ là sự ghẻ lạnh, thái độ vô cảm trước nỗi đau của
người khác? Chả lẽ là đầy rẫy những nghịch cảnh được mặc nhiên thừa nhận? Chả lẽ
là nạn ăn chặn, móc túi người lương thiện ngang nhiên tồn tại ngoài đường,
ngoài chợ, trong những công đường nghiêm cẩn bề ngoài, trong thánh đường của đạo
đức là trường học, bệnh viện? Chả lẽ là trăm kiểu đối xử thô lậu với nhau, tôn
thờ đồng tiền, vọng ngoại một cách lố bịch? Chả lẽ là những lời nói dối ráo hoảnh
ở bất cứ đâu v.v... Đó là cái cách chúng ta chuẩn bị cho tương lai ư? Chỉ có thể
gọi đó là một canh bạc hoặc một cuộc cá cược đầy may rủi. Và tàn khốc - như bất
cứ một cuộc đỏ - đen nào.
Nếu ai đó,
do khôn lỏi và trí tưởng tượng cằn cỗi, hy vọng mình được tương lai cấp cho
“quyền miễn trừ” là một hy vọng khốn khổ, đáng khinh và đáng thương hại.
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10225234129417889&set=pcb.10225234116497566
https://www.facebook.com/photo?fbid=10225234472946477&set=pcb.10225234116497566
.
No comments:
Post a Comment