Ngôn
từ của giới trẻ đang thay đổi mạnh mẽ
PGS.TS Phạm Văn Tình
(Hải Nhi thực hiện)
09:18
10/09/2022
http://daidoanket.vn/ngon-tu-cua-gioi-tre-dang-thay-doi-manh-me-5695492.html
Hằng ngày PGS.TS Phạm Văn Tình vẫn làm công việc
đặc biệt của một nhà nghiên cứu, đó là thu thập ngôn ngữ mới từ ngôn ngữ tự
nhiên trong đời thường, từ tư liệu đồng nghiệp và từ kênh báo chí. Ông chia sẻ,
qua ngữ liệu, tôi nhìn ra sự biến động của từ ngữ tiếng Việt những năm gần đây.
http://image.daidoanket.vn/w640/images/upload/09012022/1pgsts-pham-van-tinh.jpg
PGS.TS Phạm
Văn Tình .
Có thể nói
là rất đa dạng và sống động. Đặc biệt là sự thay đổi rất mạnh mẽ trong ngôn từ
của giới trẻ, thậm chí không ít ngôn từ gây bức xúc cho nhiều người. Dù vậy,
chúng ta phải biết chắt lọc “gạn đục khơi trong” để tìm ra nhân tố hợp lí, mặt
tích cực trong ngôn từ của giới trẻ thời nay.
*
PV: Thưa PGS.TS Phạm Văn Tình, ông là người gắn bó với ngôn ngữ học từ
40 năm qua, nhưng ngôn ngữ học thì rất rộng, ông nghiên cứu mảng gì vậy ?
PGS.TS
PHẠM VĂN TÌNH: Đúng!
Hệ thống của mọi ngôn ngữ đều bao hàm nhiều lĩnh vực: ngữ âm, từ vựng, ngữ
pháp. Tôi xuất thân là dân ngữ pháp. Nhưng tôi lại còn quan tâm tới mảng ngôn
ngữ báo chí truyền thông (đã dạy chuyên đề này cho sinh viên gần 20 năm nay) và
cả những vấn đề liên quan tới Từ điển học. Cũng khá nhiều nội dung đó. Nghĩ lại,
tôi thấy mình “tham” quá! (cười).
*
Vâng! Tôi biết ông có nhiều năm gắn bó
với báo chí vì vậy sẽ quan sát báo chí từ góc độ Ngôn ngữ học. Theo ông, những
năm gần đây tiếng Việt có những biến động gì không?
- Biến động
nhiều chứ! Bình thường thì mọi sinh ngữ đều có sự thay đổi, biến thiên theo
dòng lịch sử. Tiếng Việt không ngoại lệ. Nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của
xã hội những năm gần đây (nhất là Việt Nam ta bước vào thời kì đổi mới, hội nhập
và hòa nhập) thì tiếng Việt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
*
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
- Chẳng hạn
như từ ngữ (lĩnh vực dễ biến đổi nhất), tiếng Việt đã bổ sung vào kho từ vựng của
mình một khối lượng đáng kể. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) trước
đây (1988) có khoảng 39.000 từ. Lần xuất bản gần đây (2020) là 46.890 từ. Như
thế, đã có hàng ngàn từ mới được chính thức đưa vào tiếng Việt toàn dân. Đấy là
chưa nói đến số lượng từ mới tiếp tục tăng.
Viện Ngôn ngữ học đã cho công bố
cuốn “Từ điển Từ mới tiếng Việt” (2002) với khoảng gần 2.000 từ (trong giai đoạn
1990-2000). Sau đó, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam lại tiếp tục khảo
sát (trong một đề tài nghiên cứu) và bổ sung gần 1.000 đơn vị nữa (từ năm
2000-2010). Đấy là con số rất ấn tượng, nếu ta biết rằng, trong gần 100 năm
Pháp thuộc, tiếng Việt chỉ bổ sung chừng trên 10.000 từ, trong đó đã có 2.000 từ
gốc Pháp.
*
Quả là sự thay đổi rất mạnh mẽ. Vậy
theo ông, trong sự biến động của tiếng Việt hiện nay, có cả ngôn từ của giới trẻ
chứ ạ?
- Có chứ!
Dưới góc độ của Ngôn ngữ học Xã hội thì đây là vấn đề rất đáng lưu ý. Bởi lớp
trẻ chiếm một số lượng lớn trong cơ cấu dân số toàn dân. Họ là thế hệ đang lên,
có mặt trong mọi hoạt động xã hội. Họ là những người trẻ trung, giàu tri thức,
nhạy bén với cái mới lạ. Ngôn từ của giới trẻ gần đây cũng rất đặc biệt. Họ
cũng đang giữ vai trò chủ đạo trong dòng chảy tiếng Việt ta đó. (cười)
*
Nhân chuyện này, tôi nhớ là cách đây
không lâu, có 2 cuốn sách liên quan đến ngôn ngữ giới trẻ gây chú ý là “Sát thủ
đầu mưng mủ” (2011) và “Phê như con tê tê” (2013). Khi đó có 2 luồng dư luận, lớp
người lớn tuổi phủ nhận và cho rằng tác giả đã làm hỏng tiếng Việt, coi thường,
làm vẩn đục tiếng Việt. Nhưng một số người lại ủng hộ sự mới lạ, độc đáo của
ngôn ngữ. Ý kiến của ông thế nào?
http://image.daidoanket.vn/w640/images/upload/linhdh/09012022/6.jpg
Cuốn sách
từng gây tranh cãi bởi ngôn từ mới lạ
- Ngôn ngữ
là một sản phẩm sinh ra từ cộng đồng. Không có một hiện tượng ngôn ngữ nào xuất
hiện lại không có tính lí do. Ngôn từ giới trẻ đang là vấn đề đáng chú ý, thậm
chí gây bức xúc cho nhiều người.
Hai cuốn
sách vừa nói được đặt phụ đề là “Thành
ngữ sành điệu bằng tranh”. Những đơn vị được gọi là thành ngữ trong sách
này là cách nói của giới trẻ thời đại mới. Rất nhiều chủng loại, rất nhiều chủ
đề. Cũng phải nói rằng, có nhiều câu sáng tạo vô lối, tùy tiện, thiếu thẩm mĩ,
như: Có chí thì ghê, Cướp trên giàn mướp, Gào thét trong toa lét, Đú kiểu rừng
rú…
Có những
câu chỉ để vui vẻ, tếu táo, đùa vui: Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm; Hồn nhiên
cô tiên; Ngất ngây con gà tây; Tinh vi sờ ti con gà ri; Ngon lành cành đào; Từ
từ khoai sẽ nhừ; Bó tay chấm com… Nhưng nếu chắt lọc, ta thấy có không ít câu
xuất phát từ vấn đề cuộc sống đấy…
Sau khi sửa
chữa, cuốn “Phê như con tê tê” đã có điều chỉnh và nhiều thành ngữ phản ánh
cách nhìn nhận của giới trẻ trước hiện thực mà chúng ta phải suy nghĩ: Thuận vợ
thuận chồng, con đông mệt quá; Trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng; Một
con ngựa đa u cả tàu được ăn cỏ; Chuẩn không cần chỉnh; Ế trong tư thế ngẩng
cao đầu; Hồi nhỏ mình tưởng tiền là tất cả; Sống đơn giản cho đời thanh thản…
Vì vậy, người nghiên cứu phải khảo sát, tìm ra nguyên nhân của sự ra đời những
lối nói khác lạ, “lệch pha” làm cho người đọc phản ứng.
Theo tôi,
trong vấn đề này, chúng ta phải biết “lắng nghe giới trẻ” để tìm ra nguyên do,
ngọn nguồn của lối nói có vẻ “tân kì” này. Lớp trẻ bây giờ tự tin, muốn khẳng định
mình. Họ có những cái hăng hái có khi quá đà nhưng cũng có những cách ứng xử
thông minh, sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ mới trong làm việc và nói
năng.
Họ cũng cần
giải tỏa stress trước mọi căng thẳng của cuộc sống. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều
nước khác trên thế giới như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và cả
Mỹ cũng có hiện tượng giới trẻ nói và viết khác lạ (gọi là “ngôn ngữ jejemon”,
“sành điệu”). Cái lạ bao giờ cũng dễ gây phản ứng trái chiều. Chúng ta phải biết
chắt lọc “gạn đục khơi trong” để tìm ra nhân tố hợp lí, mặt tích cực trong ngôn
ngữ của giới trẻ thời nay.
http://image.daidoanket.vn/w640/images/upload/linhdh/09012022/bien-hieu.jpeg
Biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài
trên đường phố Hà Nội
*
Còn việc giới trẻ bây giờ hay có cách
nói chen tiếng nước ngoài vào thì sao? Ông đánh giá như thế nào về cách lạm dụng
từ ngữ nước ngoài trên báo in, truyền hình và các bảng biển trên đường phố hiện
nay?
- Chen tiếng
nước ngoài, giới chuyên môn gọi hiện tượng này là “trộn mã ngôn ngữ”. Hiện tượng
này không hẳn đồng nghĩa với thái độ khoe mẽ, sính ngoại (mà mọi người lên tiếng
phê phán) mà có thể chỉ do người nói chưa nghĩ ra từ phù hợp ở ngôn ngữ này,
nên phải mượn từ vựng ở ngôn ngữ khác.
Chúng ta
biết, hiện nay, nhiều từ tiếng Anh đã trở nên phổ biến trong giao tiếp, như:
internet, facebook, online, hello, good bye, OK, shopping, shipper, play-off,
pressing, VAR, U17, U19, U23, USB... Với độ phổ cập rộng, đặc biệt là các bạn
trẻ, tiếng Anh gây ảnh hưởng lớn lên giới trẻ là chuyện hiển nhiên, thậm chí là
cả với những người lớn tuổi.
Khi giao
tiếp, hiện tượng trộn mã cần được tiết chế hoặc điều chỉnh cho phù hợp với người
nghe. Tránh lạm dụng tiếng Anh, gây khó hiểu hoặc khó chịu cho người nghe,
nhưng cũng không cần ép mình nói cho thuần Việt với những từ đã phổ biến trong
tình huống cụ thể. Ví dụ, cả hai đang ngồi trước máy tính mà phải dịch file
thành tệp tin/thư mục, undo thành trở lại, paste thành dán, insert thành chèn…
thì rất nhiêu khê và dài dòng. Chính lúc ấy việc cố tình Việt hóa lại làm rối vấn
đề. “Người Việt dùng tiếng Việt”, dĩ nhiên, phải là một tiếng Việt thuần nhất.
Tuy nhiên,
tiếng Việt thuần nhất không phải tuyệt nhiên không được dùng một từ ngoại lai
nào. Chúng ta cũng phải hiểu cho đúng khái niệm “trong sáng”. Một tiếng Việt
trong sáng là tiếng Việt được diễn đạt sao cho đơn giản, tự nhiên, dễ hiểu và
không gây cản trở trong giao tiếp. Nhiều khi, chính cách “trộn mã” vừa phải, hợp
lí lại giúp cho chúng ta “nhìn lại” rõ hơn tiếng Việt của mình (cả về từ ngữ,
ngữ pháp và nghi thức nói năng). “Trộn” thêm chút xíu “gia vị” cũng sẽ làm cho
món ăn thêm thú vị chứ. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Thái quá như
bất cập. Cứ mải mê “chèn” tiếng Anh cho theo “trend” sành điệu dễ sa vào “trận
đồ bát quái” ngôn từ, rắc rối, khó hiểu.
*
Còn chuyện liên quan tới ngôn ngữ quảng
cáo, thưa ông?
- Tôi muốn
nêu một số vấn đề đang nổi cộm. Đó là xu hướng Anh hóa tên gọi các nhà hàng,
khách sạn, khu đô thị của ta hiện nay. Một kết quả khảo sát về tên gọi khách sạn
ở một số quận nội thành Hà Nội, như quận Hoàn Kiếm thì gần như tất cả các khách
sạn trên quận này đều mang tên Tây: Moonshine Palace (Bát Đàn), Golden Plaza
(Hàng Trống), Golden Lake (Hàng Mành), Luxury (Phủ Doãn), Mike’s Amazing (Hàng
Phèn), Sunshire 1, Sunshire 3 (Mã Mây), Triumphal, Rising Dragon 2 (Hàng
Gà), Prince II (Hàng Giầy), Astoria (Hàng Bông), Lucky Star (Bát Đàn), Asia
Palace (Hàng Tre), Paramount (Ngõ Huyện), Asian Ruby (Tạ Hiện), Indochina (Lò
Sũ)... Ở các quận bên cạnh như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai thì tỉ lệ đặt
tên nước ngoài cũng chiếm đa số…
Khảo sát
tên gọi các khu đô thị mới ở Hà Nội cũng tương tự: Times City, Royal City,
Garmuda City, Garden City, The Pride, Vinhome Riverside, Mipec Riverside,
Ciputra, Ecopark, The Mano Mỹ Đình, Gelesimco…
Việc đặt
tên công ty, nhà hàng, khách sạn, hàng hiệu bằng tiếng nước ngoài là việc bình
thường. Nhưng chỉ trong những trường hợp, tên sản phẩm, dịch vụ hay chủ sở hữu
xuất xứ từ nước ngoài (sau tên tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… là tên tiếng
Việt nếu cần).
Chứ nếu sản
phẩm đó, chủ sở hữu các tài sản đó là người Việt Nam, trên đất Việt Nam thì phải
là tên Việt Nam mới hợp lẽ (sau đó là tên tiếng nước ngoài, nhỏ hơn). Nhưng vì
“sính” tên Tây (và để hấp dẫn khách hàng) mà việc đặt tên nước ngoài đang là xu
hướng chủ đạo ở nhiều lĩnh vực. Nhiều nhà hàng giới thiệu đặc sản ẩm thực Việt
nhưng viết toàn tiếng Anh. Vấn đề này chưa được xem xét và “luật hóa” trong Luật
Quảng cáo hiện hành (Giống như việc lạm dụng chữ Hán trong các công trình tôn
giáo, tín ngưỡng (chùa chiền, đền, đình, miếu mạo) xây mới ở Việt Nam hiện
nay)…
Tuy nhiên,
đây là một câu chuyện khá phức tạp trong việc nêu tiêu chí đánh giá “nên và không
nên”. Có lẽ chúng ta sẽ trở lại trong một chuyên đề riêng, vào một dịp thích hợp.
*
Ông thường thu thập ngôn ngữ mới theo
những kênh nào? Quan niệm của ông trong việc xác định và thu thập các từ mới gần
đây trong tiếng Việt?
- Tôi thu
thập qua nhiều nguồn, từ ngôn ngữ tự nhiên trong đời thường, từ tư liệu đồng
nghiệp, nhưng chủ yếu khảo sát từ kênh báo chí. Báo chí chính là sự phản ánh đầy
đủ và thức thời nhất những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Tôi đã và đang làm
công việc của nhà Từ điển học, vì vậy ngữ liệu là điều kiện quan trọng nhất.
Qua ngữ liệu, tôi nhìn ra sự thay đổi của từ ngữ tiếng Việt những năm gần đây.
Có thể nói là rất đa dạng và sống động.
Với nhà từ
điển, việc xem xét và “nhập tịch” một từ mới với tư cách một thành viên trong
“đại gia đình” từ ngữ tiếng Việt không thể là một công việc chủ quan, duy ý
chí, cảm tính. Các từ mới được giới thiệu phải đảm bảo các yêu cầu: Thực sự được
coi là mới; định hình về ngữ nghĩa và đã xuất hiện trong giao tiếp thông qua
kênh báo chí với tần số đủ lớn và được thử thách qua một thời gian nhất định (một
từ mới xuất hiện, dù “hot” và gây ấn tượng đến mấy mà chưa qua thử thách cũng
không được cấp “hộ khẩu thường trú”).
Nếu ta đặt
tổ hợp từ mới trong vế đối lập với từ cũ, có thể ta sẽ có cách hiểu chưa thật
chuẩn xác về cặp trái nghĩa này. Từ mới, tức là từ vừa phát sinh và được sử dụng
gần với thời gian hiện tại nhất. Còn từ cũ, lại là những từ đã có nhưng thực tế
rất ít được sử dụng (Những từ như: can gián, càn khôn, gàn quải, kinh sư (kinh
đô), nông phu, thái học sinh,... chẳng hạn.
Trong nhiều
từ điển, những từ như vậy còn được chú thêm là id. - ít dùng). Vậy từ mới ở đây
phải được hiểu là “từ vừa xuất hiện được cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận đưa vào
giao tiếp”. Còn những từ không được coi là từ mới là những từ “đã được chấp nhận
và vẫn đang sử dụng, được coi là một bộ phận trong vốn từ của ngôn ngữ đó”. Dĩ
nhiên, thế nào là mới như cách hiểu ở trên cũng là một câu chuyện khá phức tạp.
Các từ ngữ
này chẳng hạn, trước đây chưa từng có tiếng Việt, nhưng bây giờ đã xuất hiện với
nội hàm ngữ nghĩa mới. Ví dụ: con chip, siêu thị, bao tiêu, hầm chui, không tặc,
tin tặc, hooligan, hat-trick, massage, tuổi teen, bê tông tươi, chữ kí tươi, tiền
tươi (thóc thật), bản cứng/ bản mềm, photocopy, scanner, file, báo in, báo nói,
báo hình, báo điện tử/ báo mạng, thế giới ảo, sống ảo, ... Nhưng đây lại là vấn
đề “rắc rối” mà ta khó có thể đi sâu hơn.
*
Bức tranh tiếng Việt quả là phức tạp.
Thế trước những sự thay đổi, thái độ của ông thế nào ạ? Buồn hay vui, đồng tình
hay phản đối?
- Nhà
nghiên cứu phải quan sát và mô tả hiện trạng ngôn ngữ như nó vốn có mà không được
thể hiện thái độ chủ quan của mình. Tôi (và các đồng nghiệp) cố gắng làm tốt phận
sự của một “thư kí trung thành”, làm sao phản ánh ngôn ngữ đang tồn tại và phát
triển thế nào một cách khách quan nhất. Tuy nhiên, nói như thế không phải là
tôi không có thái độ riêng. Là người nói và yêu tiếng Việt, tôi thấy vui vì tiếng
Việt của chúng ta ngày càng “giàu và đẹp” theo đúng nghĩa của nó. Sự giàu đẹp
này là do nhiều nhân tố, nội sinh và ngoại sinh.
Tiếng Việt
ngày càng khẳng định vai trò một ngôn ngữ, thực hiện tốt mọi chức năng trong
giao tiếp, văn học nghệ thuật, khoa học kĩ thuật… Đó là điều đáng mừng và trong
chuyện này, báo chí “ghi công” không nhỏ đâu. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tồn tại
những lối nói “thiếu trách nhiệm” tùy hứng dễ dãi (như nói tục, chửi bậy, dùng
từ ngoại lai vô lối…). Nó làm vẩn đục sự trong sáng cần có của tiếng Việt.
Không chỉ riêng tôi, mọi người trong cộng đồng nói tiếng Việt đều cảm thấy buồn.
Vì xa hơn, đó là vấn đề liên quan đến văn hóa giao tiếp ngôn ngữ.
*
Chúng tôi được biết, vốn là một nhà
ngôn ngữ, gần đây ông đã chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam học. Ông thấy
có nét tương đồng gì giữa Ngôn ngữ học và Việt Nam học không? Lĩnh vực mới mang
lại cho ông điều gì?
- Tôi đã
có vài chục năm nghiên cứu ngôn ngữ và đã tích lũy được một “lưng vốn” không nhỏ
(đã xuất bản gần 20 cuốn sách và hàng ngàn bài báo).
Giờ chuyển
sang Việt Nam học cũng có sự khác biệt, bỡ ngỡ chứ. Việt Nam học có nhiệm vụ
giúp cho chúng ta và người nước ngoài hiểu rõ được những nét làm nên “hồn cốt”
của con người Việt Nam. Quốc văn, Quốc sử, Quốc ngữ là “hạt nhân” của hồn cốt
đó. Vậy những vấn đề lịch sử, văn học, ngôn ngữ cần đi đầu. Tôi nghĩ vốn liếng
ngôn ngữ học của tôi (chẳng hạn như kinh nghiệm và thành quả nghiên cứu ngôn ngữ
dân gian, ca dao, thành ngữ, tục ngữ) vẫn vô cùng hữu ích cho Việt Nam học.
Thực tế,
đi theo khuynh hướng này, tôi và đồng nghiệp trong Viện Nghiên cứu Việt Nam học
đã suy nghĩ và chuẩn bị từ lâu (tới gần 10 năm rồi). Mảng ngôn ngữ trong Việt
Nam học vẫn đang là lợi thế mà tôi tiếp tục trong hành trình tiếp nối, làm sao
cho đất nước Việt Nam chúng ta phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, hòa nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc ngàn năm.
*
Trân trọng cảm ơn ông!
--------------------
PGS.TS Phạm Văn Tình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt
Nam học tại TPHCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Việt Nam học tại Hà Nội, nguyên Tổng
Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông sinh năm 1954 tại Nam Định. Tác giả các ấn
phẩm:
“Phép tỉnh
lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt” (NXB Khoa học Xã hội, 2002),
“Đi một
ngày đàng” (NXB Lao động, 2003),
“Tiếng Việt:
Từ chữ đến nghĩa” (NXB Từ điển Bách khoa, 2004),
“Tiếng Việt
từ cuộc sống” (NXB Trẻ, 2004),
“Người đẹp:
Ăn làm sao, nói làm sao” (NXB Trẻ, 2005),
“Luận chữ,
luận nghĩa” (NXB Văn hóa Thông tin, 2007),
“Tiếng Việt
yêu thương” (4 cuốn, NXB Kim Đồng, 2008),
“Tiếng Việt:
Hành trình qua những ô chữ” (NXB Tri thức, 2009),
“Giải
nghĩa ca dao, thành ngữ, tục ngữ” (NXB Kim Đồng, 2013),
“Thành ngữ,
tục ngữ tiếng Việt: Từ ngạc nhiên đến thú vị” (NXB Kim Đồng, 2018),
“Chuyện chữ
ra chuyện đời” (Công ty Truyền thông sống - Nhã Nam, NXB Phương Đông, 2019)…
No comments:
Post a Comment