Lệnh
động viên “một phần” tác động ra sao đến guồng máy quân sự Nga?
Trọng Nghĩa
- RFI
Trong một nỗ lực nhằm xoay chuyển cục diện quân sự
bị cho là đang bất lợi tại Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin ngày
21/09/2022 đã loan báo lệnh động viên “một phần” lực lượng quân dự bị của Nga.
Đây là lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ II mà Matxcơva đã phải dùng đến biện
pháp “động viên”, dù chỉ “một phần”, chứ không phải là “tổng động viên”.
Ảnh trích từ video cho thấy những người bị động viên tập trung bên trong
một sân vận động được biến thành trung tâm tuyển quân tại thành phố Yakutsk
(Nga) ngày 23/09/2022. AP
Nội dung cụ
thể của lệnh động viên một phần này là gì?, việc gọi nhập ngũ hàng trăm ngàn
người sẽ tác động ra sao đối với quân đội Nga? Liệu việc tăng quân có thể giúp
Matxcơva giành lại thế thượng phong trên chiến trường Ukraina hay không? Trên đây là một số câu hỏi mà hãng tin Anh Reuters ngày 21/09 đã tìm
cách trả lời dựa theo nội dung sắc lệnh động viên đã được tổng thống Vladimir
Putin ký và đăng trên trang web của Điện Kremlin, cũng như các thông tin khác
do chính ông Putin hoặc bộ trưởng Quốc Phòng Nga bổ sung.
Chỉ tiêu tuyển mộ thêm 300.000 quân
Câu hỏi đầu tiên liên
quan đến quy mô của cuộc động viên “một phần” này. Mục tiêu được tuyên bố của
Matxcơva là tuyển mộ được 300.000 người từ lực lượng gọi là quân “dự bị” ở khắp
nơi trên nước Nga để gửi qua Ukraina, một chỉ tiêu mà chính quyền cho rằng
không khó thực hiện.
Trên giấy tờ, việc tìm ra
300.000 tân binh trong diện này không khó, vì ở Nga, tất cả những ai trong độ
tuổi từ 18 đến 60 đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được coi là quân dự bị. Theo
bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu hôm 21/09, tổng số người thuộc diện này
lên đến 25 triệu.
Tuy nhiên, chỉ tiêu
300.000 phải nói là rất lớn khi ta biết rằng trong những tuần lễ trước khi khởi
động cuộc xâm lược, Nga “chỉ” tập trung khoảng từ 120.000 đến 150.000 quân ở
vùng biên giới.
Đối với các chuyên gia
phân tích phương Tây, con số to lớn này đã trở nên cần thiết trong bối cảnh
quân đội Nga đã phải chịu những tổn thất nặng nề tại Ukraina.
Trong một cuộc trả lời phỏng
vấn ngày 21/09 trên truyền hình Nga Rossiya 24, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei
Shoigu, đã đưa ra con số 5.937 người tử trận tại Ukraina từ đầu cuộc chiến, một
con số thấp hơn rất nhiều so với ước tính của giới chuyên gia phân tích phương
Tây; họ nói đến con số từ 20.000 đến 30.000 binh sĩ Nga chết trên mặt trận. Thậm
chí Lầu Năm Góc, còn đưa ra ước tính theo đó có từ 70.000 đến 80.000 binh sĩ
Nga đã bị “loại khỏi vòng chiến”, một thuật ngữ chỉ chung những trường hợp bị
chết, bị thương hay bị mất tích.
Về phía Ukraina, nước này
đã ban hành lệnh động viên hai ngày trước hôm Nga khởi động chiến dịch xâm lược,
và ngay sau đó ban bố thiết quân luật, cấm đàn ông từ 18-60 tuổi rời khỏi đất
nước. Số lượng chính xác quân dự bị bị động viên được giữ kín, nhưng các tuyên
bố chính thức cho thấy con số lên đến ít nhất là 400.000 người.
Ưu tiên tuyển mộ lính dự bị “chuyên nghiệp” để có thể dùng ngay
Kế hoạch động viên được
công bố cho thấy ưu tiên mà chính quyền Nga đặt vào việc nhanh chóng có được lực
lượng tăng viện sẵn sàng chiến đấu ở Ukraina, thể hiện qua những điều kiện đề
ra đối với diện bị gọi nhập ngũ.
Trước hết, lệnh động viên
nhắm vào số quân nhân dự bị đã từng phục vụ trong quân đội Nga và có kinh nghiệm
chiến đấu hoặc kỹ năng quân sự chuyên biệt. Quân đội Nga đang tìm kiếm những
người đã từng có những công việc cụ thể và chuyên biệt trong quân đội trong quá
khứ, chẳng hạn như lái xe tăng, đặc công và lính bắn tỉa. Tuy nhiên, danh sách
chính xác các chuyên môn được tìm kiếm mà chính quyền đang giữ kín sẽ cho thấy
là quân đội Nga đang thiếu người trong những lãnh vực nào.
Biện pháp khuyến khích
tài chính dù có lệnh động viên cũng được áp dụng: Khi nhập ngũ, các quân nhân dự
bị sẽ được trả lương như những quân nhân chuyên nghiệp thực thụ, một mức cao
hơn nhiều so với mức lương trung bình của Nga. Điều đó có thể khiến đề xuất này
trở nên hấp dẫn hơn đối với người ở các tỉnh lẻ, nơi mức lương thường thấp hơn
so với các thành phố lớn.
Bảo toàn lực lượng có sẵn
Mặt khác, để bảo toàn lực
lượng có sẵn, giới quân nhân chuyên nghiệp được gọi là 'kontraktniki' hiện đang
phục vụ trong các lực lượng vũ trang sẽ được tự động gia hạn hợp đồng cho đến
khi chính quyền quyết định kết thúc thời gian tạm động viên. Nói cách khác, các
quân nhân chuyên nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi muốn bỏ việc.
Cũng để bảo toàn lực lượng
có sẵn, hôm 20/09, Hạ Viện Nga đã thông qua một dự luật nhằm trừng phạt cứng rắn
các tội danh như đào ngũ, phá hoại tài sản quân sự và bất tuân thượng lệnh xẩy
ra trong các tình huống có lệnh động viên hoặc chiến đấu. Theo một bản sao của
đạo luật mà Reuters đọc được, việc tự nguyện đầu hàng sẽ trở thành tội ác đối với
quân nhân Nga, có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Các sinh viên hoặc lính
nghĩa vụ, tức là thanh niên đã phục vụ 12 tháng bắt buộc trong lực lượng vũ trang,
không nằm trong diện tuyển quân. Ngoài ra, còn có một số trường hợp hoãn nhập
ngũ khác vì lý do tuổi tác, sức khỏe (được một ủy ban quân y xác nhận) hoặc những
người đã bị tòa án kết án tù mới có thể được xuất ngũ hoặc rời lực lượng dự bị.
Riêng những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng thì có thể hoãn
việc phục vụ.
Những người phê phán
chính quyền Nga thì cho rằng từ ngữ của sắc lệnh động viên và chi tiết về những
diện bị gọi nhập ngũ hay được hoãn có vẻ như đã bị cố tình để mơ hồ để cho các
cơ quan tuyển quân dễ dàng hành động. Thậm chí chỉ tiêu 300.000 tân binh không
được ghi trong sắc lệnh đã được công bố, mà đến từ một cuộc phỏng vấn mà bộ trưởng
Quốc Phòng Nga dành cho đài truyền hình Nhà nước. Một nguồn tin từ Điện Kremlin
cho biết là một phần của sắc lệnh, trong đó có đoạn nói về con số 300.000, đã cố
tình bị giấu. Theo Reuters, không rõ liệu các chi tiết khác cũng bị cố tình giấu
đi hay không.
Hiệu quả chiến đấu của hàng trăm ngàn tân binh không bảo đảm
Nhiệm vụ chính của đạo quân
dự bị tương lai này đã được chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga Shoigu xác nhận: Đó
là củng cố chiến tuyến ở Ukraina hiện dài hơn 1.000 km và kiểm soát các vùng
lãnh thổ đằng sau chiến tuyến đó.
Tuy nhiên theo Reuters,
các lực lượng dự bị được động viên không thể được triển khai đến Ukraina ngay lập
tức vì trước tiên họ sẽ phải trải qua khóa bồi dưỡng hoặc huấn luyện mới và nhất
là làm quen với cách Nga thực hiện cái mà họ vẫn gọi là “hoạt động quân sự đặc
biệt” tại Ukraina. Theo giới phân tích quân sự phương Tây, thời gian chuẩn bị
này có thể kéo dài vài tháng.
Câu hỏi đặt ra là liệu
Nga có đủ trang thiết bị quân sự và khí tài sau những tổn thất ở Ukraina hay
không, cũng như đủ các huấn luyện viên quân sự có kinh nghiệm để chuẩn bị và
triển khai quân dự bị đúng cách hay không. Các chuyên gia phương Tây rất hoài
nghi, trong lúc Matxcơva khẳng định là mình đủ sức làm điều này..
Một câu hỏi khác là liệu
lệnh động viên “một phần” này có quá muộn và quá yếu để làm thay đổi cục diện
cuộc chiến theo chiều hướng có lợi cho Matxcơva hay không. Hầu hết các chuyên
gia phương Tây nghĩ rằng hành động đó đã quá muộn, nhưng một số ít nói rằng nó
có thể giúp Nga trong một chừng mực nào đó, dù không phải ngay lập tức và không
không mang tính chất quyết định.
Dẫu sao thì thông báo động
viên đã gây ra tâm lý hoảng loạn nơi những người có khả năng bị gọi nhập ngũ.
Theo dữ liệu bán vé, các chuyến bay một chiều ra khỏi Nga đã bán hết vé vào thứ
Tư, và có tin chưa được xác minh về việc một số người đã bị lính biên phòng Nga
buộc quay lại.
Nhiều cuộc biểu tình nhỏ
chống động viên cũng bắt đầu nổ ra ở một số thành phố Nga từ ngày lệnh động
viên được loan báo.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Nga
huy động lực lượng dự bị, một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Ukraina
Huy
động quân dự bị không chắc sẽ giúp Nga tăng cường sức chiến đấu tại Ukraina
Dân
Nga biểu tình phản đối, trốn khỏi nước sau lệnh huy động lính dự bị sang
Ukraina
No comments:
Post a Comment