Thursday, 2 December 2021

THỤC VY, BÀNH SOÁI và LUẬT MAGNITSKY ÚC (Phạm Phú Khải)

 


Thục Vy, Bành Soái và luật Magnitsky Úc

Phạm Phú Khải

02/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/thuc-vy-banh-soai-magnitsky/6336734.html

 

https://gdb.voanews.com/1DDDC453-898D-4440-AF03-3441BB66B95C_cx0_cy7_cw0_w650_r1_s.jpg

Blogger Huỳnh Thục Vy.

 

Chỉ trên hơn hai tuần mà các sự kiện về đàn áp nhân quyền và luật chống lại vi phạm nhân quyền đã chiếm sự quan tâm đáng kể hiện nay.

 

Thục Vy tại Việt Nam

 

Sáng nay dậy, đọc tin từ VOA về Huỳnh Thục Vy bị bắt hôm qua, và lướt sơ qua trang Facebook của Vy, tuy không ngạc nhiên nhưng vẫn thấy sự bất công cùng cực trong việc bắt giam người phụ nữ này, nhất là khi hai cháu còn quá bé, chỉ 5 tuổi và trên 2 tuổi.

 

Mạng sống và quyền sống của người Việt Nam sao rẻ túng quá. Đảng cầm quyền muốn bắt tội ai cũng được, giết hại ai cũng được, và diễn giải luật sao cũng được. Họ tự tung tự tác vì nắm toàn quyền lực trong tay: tư pháp, hành pháp, lập pháp và toàn bộ truyền thông.

 

Lãnh đạo chính quyền vẫn tiếp tục nói một đàng làm một nẻo. Ông Phạm Minh Chính mới hứa hẹn tại Nhật cuối tháng 11 vừa qua là sẽ cải thiện nhân quyền. Chỉ mất vài hôm sau khi về tới nước thì chính quyền ông cầm đầu lại đi bắt người khác.

 

Một người mẹ như Vy, có hai con nhỏ chỉ mới 5 tuổi và hơn 2 tuổi, mà đã phải vào tù, trong khi được biết Vy cũng đang bị trầm cảm. Cho nên bắt Vy đi lúc này, chính quyền Hà Nội chỉ lột tả hết bản chất thật của họ.

 

Việc Vy bị bắt vì tội xúc phạm quốc kỳ Việt Nam cũng là điều đáng nói, khi Vy bị tuyên phạt mức án 2 năm 9 tháng tù. Cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của chế độ cầm quyền hiện nay, không đại diện cho người dân. Khi nào một biểu tượng quốc gia được đa số người dân chấp thuận, qua một cuộc trưng cầu dân ý, hay qua tính cách đại diện chính thức của người dân tại một quốc hội do chính người dân bầu lên, thì nó mới có giá trị và chính nghĩa. Ngoài ra, ngay cả khi các biểu tượng quốc gia có giá trị và chính nghĩa thì người dân vẫn có quyền bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình, nhất là khi thể chế cầm quyền đang gây ra những bất mãn tột cùng trong người dân.

 

Nên nhớ các quyền tự do ý kiến/tư tưởng và tự do bày tỏ được khắc ghi trong Điều 18 và 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát 1948, và Điều 18 và 19 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào cả hai nhưng không hề tôn trọng nội dung của nó.

 

Bành Soái tại Trung Quốc

 

Trong khi Thục Vy bị nhà nước Việt Nam bắt giam đầu tháng 12, thì tại Trung Quốc, tình trạng của cô Bành Soái (Súy, Peng Shuai) vẫn bị xem là nguy bách, mặc dầu cô đã tái xuất hiện tại Bắc Kinh và đã có trao đổi với qua điện thoại video cho chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach hôm 21 tháng 11. Mặc dầu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 23 tháng 11 rằng cô Bành bình thường và yêu cầu không chính trị hóa vấn đề, Bắc Kinh cũng không thuyết phục được ai bởi càng ngày người ta càng hiểu rõ bản chất của chế độ này.

 

Theo sát tư tưởng và hành động của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập niên qua, tổ chức Ân xá Quốc tế/Amnesty International hiểu rõ hơn ai hết rằng không thể tin những lời nói suông từ chế độ này. Trong bản tin của AI vào ngày 18 tháng 11, AI nhận định rằng lời xác nhận của Bành rằng "mọi thứ đều ổn" không có giá trị đáng kể nào vì phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc có thành tích về việc buộc các cá nhân phải đưa ra tuyên bố dưới sự ép buộc, hoặc đơn giản là bịa đặt.

 

Ngay sau khi cô Bành tái xuất hiện và Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo trấn an, Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) khẳng định rằng điều này không giải cũng chưa giải quyết được gì và bớt những lo ngại về tình trạng của cô Bành. Trong vài tuần qua, WTA và bao nhiêu tổ chức và cá nhân thể thao nổi tiếng tiếp tục lên tiếng vì lo ngại cho sự an nguy thật sự của cô Bành. Những hồi đáp từ phía Bắc Kinh vẫn không thỏa đáng gì cả. Ngày hôm nay 2 tháng 12, WTA đã tuyên bố ngưng mọi cuộc thi đấu tại Trung Quốc. Chủ tịch WTA Steve Simon cho biết: “Với sự ủng hộ hết mình của Hội đồng quản trị WTA, tôi xin thông báo về việc tạm dừng ngay lập tức tất cả các giải đấu của WTA tại Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông.” Simon cũng khẳng định rằng “Vì lương tâm, tôi không hiểu làm thế nào tôi có thể yêu cầu các vận động viên của chúng tôi thi đấu ở đó khi Bành Soái không được phép giao tiếp tự do và dường như đã bị áp lực để phản bác cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy. Với tình hình hiện tại, tôi cũng rất lo lắng về những rủi ro mà tất cả các cầu thủ và nhân viên của chúng tôi có thể gặp phải nếu chúng tôi tổ chức các sự kiện ở Trung Quốc vào năm 2022”.

 

Nhiều cầu thủ quần vợt danh tiếng hàng đầu thế giới trước đây và hiện nay, như Novak Djokovic đến Naomi Osaka, đã lên tiếng ủng hộ Bành Soái và quyết định WTA.

 

Hiệp hội Âu châu cũng mới lên tiếng yêu cầu chính phủ Trung Quốc cung cấp bằng chứng xác minh về sự an toàn, sức khỏe và nơi ở của Bành Soái.

 

Trong vài ngày tới, các chính quyền Úc, Mỹ v.v… sẽ cho biết quan điểm chính thức về việc tham dự, hay tẩy chay ngoại giao, đối với Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022. Với những gì đã và đang xảy ra tại Bắc Kinh, khả năng tẩy chay ngoại giao có xác xuất xảy ra rất cao.

 

Magnitsky Úc

 

Cuối cùng dự luật kiểu Magnitsky tại Úc cũng được cả hai Thượng viện và Hạ viện Úc thông qua hôm nay 2 tháng 12 năm 2021.

 

Dự luật này có tên các Biện pháp Trừng phạt theo kiểu Magnitsky và các Hình thức Trừng phạt khác (Magnitsky-style and Other Thematic Sanctions). Trên mạng của quốc hội Úc chưa để bản văn luật sau cùng nên tôi cũng không biết rõ nội dung chính sách trong đó ra sao. Tuy nhiên theo thông tin giới hạn của quốc hội thì các biện pháp trừng phạt theo kiểu Magnitsky sẽ được đưa vào Đạo luật Trừng phạt Tự trị 2011 (Autonomous Sanctions Act 2011) bằng cách tu chính và bổ túc lại nó.

 

Dự luật này được thông qua thành đạo luật là cả một công trình và nỗ lực vận động không ngừng của bao nhiêu cá nhân, tổ chức, chính trị gia và chính đảng, trong đó có các tổ chức của người Việt Nam tại Úc và Mỹ.

 

Như đã trình bày trong bài viết vào tháng 3 năm nay, luật kiểu Magnitsky Úc sẽ nhắm vào mục tiêu và đối tượng cụ thể, rõ ràng và do đó hiệu quả hơn. Như trường hợp Bộ trưởng Tô Lâm bị đề nghị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu mới đây vậy.

 

Khi các chính thể chuyên chế, cường quyền gia tăng đàn áp các tiếng nói đối lập lương tâm thì mọi người quan tâm cũng cần lên tiếng một cách cương quyết nhất. Những phụ nữ như Huỳnh Thục Vy hay Bành Soái và bao nhiêu người khác xứng đáng được sống trong nhân phẩm, danh dự và tôn trọng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats