Monday, 13 December 2021

THI HOA HẬU - HẬU TRƯỜNG CỦA NHAN SẮC và . . . CHÍNH TRỊ (Mỹ Anh - Saigon Nhỏ)

 


Thi hoa hậu – hậu trường của nhan sắc và… chính trị

Mỹ Anh
13 tháng 12, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/thi-hoa-hau-hau-truong-cua-nhan-sac-va-chinh-tri/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-1237203187-1024x683.jpg

Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu (ảnh: Ilia Yefimovich/picture alliance/Getty Images)

 

Đêm chung kết Miss World 2021 sẽ được tổ chức ngày 16 Tháng Mười Hai; và chung kết Miss Universe 2021 đã kết thúc ngày 12 Tháng Mười Hai với kết quả thuộc về Miss Ấn Độ Harnaaz Sandhu. Đằng sau các cuộc thi hoa hậu lớn, đặc biệt Miss Universe và Miss World, không phải chỉ có màn làm nóng với điệu flamenco bốc lửa của một cô hoa hậu kiều diễm đến từ Mỹ Latin, không phải chỉ có màn biểu diễn karate như Miss Nhật Bản Yuko Nabeta năm nào… Mà còn là những xôn xao từ các vụ việc liên quan chính trị…

 

Lên đường dự thi hoa hậu, một số thí sinh không chỉ xếp trong vali son phấn lụa là mà còn có thể chuẩn bị một tuyên ngôn chính trị. Đừng nghĩ em chỉ đẹp. Ý thức chính trị của em cũng bén như dao lam. Người ta còn chưa quên hình ảnh Miss Myanmar Thuzar Wint Lwin đến Mỹ dự Miss Universe National Costume Show trong trang phục dân tộc thiểu số Chin và kiêu hãnh cầm tấm băngrôn “Pray for Myanmar”, trong bối cảnh quê nhà Myanmar ngập chìm trong máu lửa bạo loạn với sự trỗi dậy của chế độ quân phiệt độc tài. Và cũng trong vòng thi Miss Universe National Costume Show này, Miss Singapore Bernadette Belle Ong đã xuất hiện với trang phục không chỉ gợi liên tưởng lá cờ quốc gia mình mà nó còn in chữ “Stop Asian Hate”. Trong khi đó, Miss Uruguay Lola de los Santos mặc chiếc váy với hàng chữ “No more hate, violence, rejection, discrimination”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-1317889250-1280x1920.jpg

Miss Myanmar Thuzar Wint Lwin với băngrôn “Pray for Myanmar”, Hollywood, Florida, Tháng Năm 2021 (ảnh: Rodrigo Varela/Getty Images)

 

Nơi đăng cai Miss Universe (lần thứ 70) năm nay là Israel và thế là lại ồn ào chuyện “chính trị chính em”. Suốt nhiều tháng, tổ chức PACBI (Palestinian Campaign for the Academic and Cultural Boycott of Israel, thành lập năm 2004) đã vận động chiến dịch tẩy chay Miss Universe. Mượn lý do COVID-19, Malaysia (vốn sát cánh ủng hộ Palestine) đã không dự. Nam Phi cũng tuyên bố không ủng hộ cuộc thi. Mandla Mandela, cháu trai của cố Tổng thống Nelson Mandela, là một trong những người lên tiếng chống đối mạnh nhất.

 

Miss Universe 2021 không vì thế mà hủy. Trong 80 người đẹp dự chương trình chung kết tại Israel, có cô sinh viên 25 tuổi Manar Nadeem Deyani từ Bahrain, nơi đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020. Morocco cũng gửi người đẹp Kawtar Benhalima đến dự thi, lần đầu tiên kể từ năm 1978 sau khi họ bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm ngoái. Trong khi đó, dù bình thường hóa quan hệ với Israel cũng trong năm ngoái, Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất thoạt đầu tính dự nhưng giờ chót rút lui, với lý do COVID-19.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-1237203551-1280x853.jpg

Hoa hậu Ấn Độ Harnaaz Sandhu, người vừa đăng quang Miss Universe năm nay (ảnh: Ilia Yefimovich/dpa/Getty Images)

 

Tại Hy Lạp, đã xảy ra cuộc tranh cãi giữa hoa hậu Rafaela Plastira với đơn vị tổ chức Star GS Hellas, nơi chịu trách nhiệm đưa hoa hậu Hy Lạp sang Israel. Tháng Mười, người đẹp Rafaela Plastira nói rằng cô “không thể xuất hiện trên sân khấu mà vờ vĩnh xem như chẳng có chuyện gì xảy ra giữa Israel và Palestine”. Cuối cùng, Rafaela Plastira từ chối dự Miss Universe và Star GS Hellas đưa Sofia Arapogianni đi thay.

 

Israel đã trở thành đất nước “nhạy cảm chính trị” đến mức dẫn đến một số vụ việc không ngờ. Năm 2017, thí sinh Amanda Hanna của Lebanon đã bị dọa giết và sau đó thậm chí mất ngôi hoa hậu sau khi thú nhận rằng mình từng đến Israel. Sarah Idan – hoa hậu Iraq 2017 – phải rời khỏi đất nước sau khi bị vô số đe dọa từ lúc thiên hạ thấy tấm ảnh cô chụp selfie với thí sinh Israel. Năm sau, 2018, hoa hậu Iraq Tara Fares đã bị bắn chết thảm. Sự kiện này gây chấn động Iraq và khiến Shimaa Qasim Abdulrahman (hoa hậu Iraq 2015) phải trốn sang Jordan.

 

Năm 2017, người đẹp Valentina Schnitzer của Chile đã gây sốc khi tuyên bố “biển này thuộc về Bolivia”, trên sân khấu cuộc thi hoa hậu Nam Mỹ có tên “Reina Hispanoamericana” tổ chức ở Bolivia. “Biển này” ở đây là một phần Thái Bình Dương – vốn là vùng tranh chấp giữa Chile và láng giềng Bolivia hơn nửa thế kỷ. Cụ thể, Valentina Schnitzer nói với khán giả chủ nhà Bolivia: “Chúng tôi bên cạnh các bạn. Chúng tôi muốn tiếp tục chiến đấu với các bạn. Thực tế là người Chile chúng tôi, tất cả chúng tôi, tất cả đồng nghiệp của tôi, đều nói rằng biển này thuộc về Bolivia”. Khỏi phải nói, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã sướng rơn và khen người đẹp Valentina Schnitzer hết lời.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-3203782-1280x927.jpg

Các hoa hậu tại Miss Universe 1953, Long Beach, California (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

 

Trong lịch sử, Miss World và Miss Universe luôn có những chuyện xôn xao. Tại Miss World 1970 diễn ra ở Nhà hát Hoàng gia Albert Hall (Luân Đôn), những người hoạt động nữ quyền thuộc tổ chức Giải phóng phụ nữ đã tung “bom” bột trắng xóa hội trường để phản đối, cho rằng Miss World là màn kinh doanh thân thể phụ nữ. Năm 1996, khi vòng chung kết Miss World tổ chức tại Bangalore (Ấn Độ), làn sóng phản đối cũng kinh khủng không kém cuộc bạo động tại Nigeria vào Tháng Mười Một 2002 và cảnh sát đã phải xịt hơi cay và bắn đạn nhựa vào đám đông biểu tình, khi họ ném đá túi bụi vào nhà hát tổ chức vòng chung kết. Có một người thậm chí tự tử để “bảo vệ nền văn hóa Ấn Độ”.

 

Thập niên 1950, một số quốc gia Công giáo như Tây Ban Nha và Ireland đã “làm dữ” và dọa tẩy chay bằng cách cấm thí sinh nước mình dự thi, nếu ban tổ chức Miss World đòi thí sinh mặc bikini. Sau nhiều lần giằng co thất bại, nhà sáng lập Miss World Eric Morley buộc phải thay áo tắm hai mảnh bằng áo tắm một mảnh. Trong một cuộc thi khác, chuyện xìcăngđan quanh Miss World lại xảy ra khi Miss Mỹ đến trụ sở Quốc hội Anh chụp ảnh trong bộ đồ cao bồi, hông mang súng lủng lẳng. Đó là chưa kể những chuyện gây phẫn nộ, liên quan văn hóa truyền thống, như có lần, tại Miss World 1999, người dẫn chương trình Jerry Springer “chơi xỏ lá” khi hỏi Miss Thổ Nhĩ Kỳ rằng cô ăn gì vào ngày Lễ tạ ơn (Jerry Springer chơi chữ: turkey trong tiếng Anh ngoài nghĩa “Thổ Nhĩ Kỳ” còn có nghĩa “gà tây” – món ăn truyền thống trong ngày Lễ tạ ơn).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-599315896-1280x1170.jpg

Các hoa hậu trong cuộc thi Miss World 1975 (ảnh: Daily Mirror/Mirrorpix/Getty Images)

 

Năm 1994, khi được chụp ảnh tươi cười với Miss Israel, Miss Lebanon đã bị tình báo quân đội nước mình phỏng vấn hàng giờ! Năm sau, tại Miss World 1995, Miss Nigeria bị rút khỏi danh sách dự thi bởi làn sóng biểu tình phản đối chế độ quân sự Nigeria. Ngoài ra, còn những chuyện liên quan tư cách đạo đức thí sinh. Năm 1973, Miss Mỹ buộc phải trả lại vương miện chỉ sau 100 ngày, bởi loạt xìcăngđan quanh việc cô lang chạ với nhiều người nổi tiếng trong đó có vận động viên George Best. Năm 1980, Miss CHLB Đức cũng rơi vào xìcăngđan tương tự khi anh bồ cũ tố cáo cô từng đóng phim khiêu dâm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/GettyImages-1237201908-1280x853.jpg

Hoa hậu Mỹ Elle Smith tại chương trình chung kết Miss Universe 2021 tại Eilat, Israel (ảnh: Amir Levy/Getty Images)

 

Như các cuộc thi Miss World, Ban giám khảo Miss Universe thường tránh các vấn đề chính trị nhạy cảm hoặc những hành động vô tình có thể gây hiểu lầm ảnh hưởng quan hệ ngoại giao, thí dụ Miss Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ được xếp cặp (ở chung phòng chẳng hạn) với Miss Hy Lạp, bởi mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước từ bất đồng quanh vụ đảo Cyprus. Dù vậy, hậu trường hoa hậu vẫn nhốn nháo.

 

Tại cuộc thi Miss Universe 2002, vài chuyện ồn ào đã xảy ra. Đầu tiên, Ban giám khảo khiến khán giả bất ngờ khi loại Miss Dominica Ruth Ocumarez và Miss Puerto Rico Isis Marie Casalduc. Kế đó, Miss Lebanon tuyên bố không thi vì “không muốn thấy mặt” Miss Israel. Trong khi đó, Miss Trinidad & Tobago bị cộng đồng Hồi giáo miệt thị nặng lời (cô là người Hồi) vì Hồi giáo vốn không thích phụ nữ “chường mặt” ra đám đông. Năm 2001, Trung Quốc phản đối ầm ĩ và đòi Miss Đài Loan phải được đổi thành Miss Trung Hoa Đài Bắc…

 

Tại Miss Universe năm nay, đại diện Trung Quốc là người đẹp 21 tuổi Thị Ấm Dương (Yang Shiyin). Dương đã bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Đại diện Việt Nam là Nguyễn Huỳnh Kim Duyên. Cô này lọt vào top 16 (cùng với Miss Nhật Juri Watanabe; Miss Ăng lê Emma Collingridge; Miss Singapore Nandita Banna; Miss Venezuela Luiseth Materán…). Miss Hoa Kỳ Elle Smith lọt vào top 10 (cùng bảng với Miss Bahamas Chantel O’Brian, Miss Pháp Clémence Botino…). Riêng Đỗ Thị Hà, người mang tiếng đàn T’rưng đi “diệt giặc Mỹ cọp beo” thì dự Miss World 2021 với đêm chung kết tổ chức ngày 16 Tháng Mười Hai.

 

---------------------

ĐỌC THÊM:

 

Thông điệp của người đẹp Ma Thuzar Wint Lwin

 

Khi hoa hậu đi… vót chông 

 

Elle Smith giành vương miện Miss USA 2021




No comments:

Post a Comment

View My Stats