Thế
giới không phải chỉ có Trung Quốc
Trần
Văn Thọ
21/10/2021 10:44
Trung Quốc là một nước rất lớn và do các điều
kiện về địa lý, lịch sử, văn hóa, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nhiều từ lân bang
phương Bắc này. Có cả ảnh hưởng tốt và ảnh hưởng xấu. Nếu Việt Nam chủ động,
không chỉ biết có Trung Quốc mà nhìn thế giới rộng hơn để so sánh, chọn lựa đường
lối cải cách và nguồn lực phát triển thì tránh được những ảnh hưởng xấu từ nước
này. Vua quan triều Nguyễn thế kỷ 19 thấy thế giới chỉ có Trung Quốc nên không
thoát Á như Nhật để hiện đại hóa đất nước.
Chỉ xem 60 năm trở lại đây ta thấy Việt Nam
toàn chịu ảnh hưởng xấu từ Trung Quốc, trong đó có thảm họa như cải cách ruộng
đất. Gần đây hơn, từ thập niên 1990, quan hệ kinh tế theo phương châm “hợp tác
toàn diện” làm cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc một cách rất bất lợi,
bất ổn định. Lẽ ra trong thời đại toàn cầu hóa và hơn nữa Việt Nam từ lâu cũng
đã có chủ trương đa phương hóa quan hệ quốc tế, ta chỉ nên xem Trung Quốc là một
trong những đối tác và nỗ lực so sánh họ với các đối tác khác trong từng giao dịch
để đưa lại lợi ích lớn nhất cho đất nước.
Ôn cố tri tân. Bài này ôn lại 2 sự kiện trong
lịch sử 60 năm qua để thấy nếu Việt Nam xem thế giới không phải chỉ có Trung Quốc
thì đã tránh được một thảm họa và đã bảo vệ được lợi ích quốc gia. Bài học này
càng quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ
và đang có ý đồ xác lập trật tự mới trên thế giới.
Cải cách ruộng đất
ở Trung Quốc và Nhật Bản
Trung Quốc có hai lần cải cách ruộng đất và đều
do Mao Trạch Đông phát động. Lần thứ nhất bắt đầu cuối năm 1933 thực hiện trong
vùng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc làm chủ lúc đó. Lần thứ hai thực hiện từ năm
1950 đến 1954 sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thằng lợi trong cuộc nội
chiến Quốc Cộng và lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mục tiêu và phương
pháp thực hiện của hai lần cải cách đều giống nhau nhưng thảm cảnh do cải cách
ruộng đất mang lại thì trong lần thứ hai được biết rõ hơn.
Lần thứ nhất bắt đầu tháng 9/1933, sau gần 2
năm khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lập Chính phủ Lâm thời Soviet Trung Hoa tại Thụy
Kim (tỉnh Giang Tây). Lúc nầy Mao Trạch Đông đã lập được 15 khu giải phóng và
xây dựng ở đó các chính quyền địa phương với tổng số dân độ 10 triệu (lúc đó
dân số toàn Trung Quốc độ 400 triệu). Cải cách ruộng đất được thực hiện tại các
khu giải phóng này. Mao phát lệnh đề ra phương châm điều tra ruộng đất và phân
chia thành phần giai cấp ở nông thôn. Năm thành phần được qui định là địa chủ,
phú nông, trung nông, bần nông và cố nông. Địa chủ và phú nông là các thành phần
không lao động, chỉ bóc lột, cần phải tịch thu tất cả tài sản ruộng đất. Trung
nông là những người có sở hữu ruộng dất nhưng đồng thời cũng trực tiếp làm ruộng,
ruộng đất ít nên không bị tịch thu. Bần nông và cố nông là giai cấp bị bóc lột,
tất nhiên được nhận ruộng đất sau khi phân chia.
Để thực hiện cải cách, chính quyền Mao gửi tổ
công tác về các địa phương, điều tra và phân loại thành phần giai cấp, tổ chức
thành phần bần cố nông thành những nhóm nòng cốt để tố cáo và đấu tranh với địa
chủ và phú nông. Tổ công tác xách động các nhóm nòng cốt này để họ bắt địa chủ
và phú nông đưa ra tố trước quần chúng đang tụ tập ở các đình làng. Họ trói và
treo các địa chủ và phú nông trước đám đông rồi tố khổ, kể lễ những khổ cực, những
bất công, bị bóc lột mà họ phải chịu. Sau đó những địa chủ, phú nông này bị xử
bắn hoặc bị làm nhục phải tự tử, một số khác bị ngược đãi phải chết đói.
Sau khi giành chính quyền, Mao Trạch Đông phát
động cải cách ruộng đất trên toàn lục địa, bắt đầu năm 1950 và kéo dài đến
1954, chủ yếu là hai năm đầu. Cách thực hiện cũng giống như lần đầu 17 năm trước.
Nhiều nghiên cứu, điều tra về thảm kịch cải cách ruộng đất đầu thập niên 1950
được xuất bản trong thập niên 2010. Nakagane Katsuji, Giáo sư danh dự Đại học
Tokyo, đã tham khảo các nghiên cứu, điều tra đó và tổng kết, tóm tắt trong cuốn
sách vừa xuất bản (Nakagane 2021).
Sau đây là vài số liệu về số người chết trong
cuộc cải cách ruộng đất lần thứ hai dẫn lại trong sách nói trên. Theo kết quả
phỏng vấn của khoảng 100 địa chủ may mắn còn sống sót trong cuộc cải cách ruộng
đất tại một vùng nông thôn ở Trùng Khánh (Tứ Xuyên) thì ở đó có 448 người bị chết
trong 3 năm từ 1950 đến 1952, trong đó 258 người bị bắn, 77 người tự tử và 26
người chết đói. Trên tổng thể, theo một điều tra so sánh số địa chủ và phú nông
trước và sau khi thực hiện cải cách ruộng đất (năm 1950 và 1954) thì trên toàn
quốc ước tính có ít nhất 4,7 triệu người chết bất thường (bị giết, tự tử hay bị
bỏ đói). Ở đây không kể những người vốn là trung nông nhưng bị quy là phú nông
hoặc địa chủ vì những sai lầm (hoặc cố ý) của tổ công tác. Một cán bộ chứng kiến
cảnh địa chủ và phú nông bị đánh đập tàn nhẫn trước quần chúng đã báo cáo với
Mao Trạch Đông, Mao đã nói là “nông dân đã bị áp bức nhiều năm, khi lửa oán giận
của họ được khơi dậy thì bùng cháy không có gì ngăn cản được. Do đó mới có chuyện
địa chủ bị đánh đập, hành hạ như vậy”.
Bây giờ ta xem kinh nghiệm cải cách ruộng đất
tại Nhật Bản, chỉ thực hiện trước cuộc cải cách ở Trung Quốc vài năm.
Sau khi bại trận trong Thế chiến thứ hai, Nhật
Bản bị quân đồng minh, chủ yếu là Hoa Kỳ, chiếm đóng, thống trị từ 30/8/1945 đến
6/9/1951. Cơ quan thống trị là Tổng hành dinh Bộ Tư lệnh quân đội đồng minh
(GHQ) do tướng Mac Arthur đứng dầu. Trong thời gian này, nhiều cải cách trong
đó có cải cách ruộng đất được GHQ chủ trương nhưng chủ yếu do chính người Nhật
thực hiện.
Trước thế chiến II, cuộc sống của nông dân Nhật
rất khó khăn vì tá điền phải nộp gần 1/2 thu hoạch nông sản cho địa chủ. GHQ sợ
rằng những người nông dân nghèo này sẵn sàng gia nhập quân đội để thoát cảnh bần
cùng, và đó là mầm mống để chủ nghĩa quân phiệt phục hồi. Do đó cần cải cách ruộng
đất để giải phóng nông dân. GHQ đã đưa ra Lệnh cải cách ruộng đất vào ngày
9/12/1945. Người đời gọi đó là Lệnh giải phóng nông dân. Dựa theo đó, chính phủ
Nhật đưa ra hai dự án luật liên quan vào tháng 7/1946 sau đó quốc hội thông qua
và công bố ngày 21/10/1946.
Đất nông nghiệp thuộc đối tượng cải cách là 2
triệu 348 ngàn ha (tương đương 46% tổng diện tích ruộng đất canh tác). Cải cách
được thực hiện theo hai đạo luật nói trên, cụ thể theo phương thức sau: Đất của
những địa chủ không sống ở vùng có đất thì bị trưng thu (nhà nước mua giá rẻ)
toàn bộ, địa chủ sống với đất mình sở hữu thì được tiếp tục sở hữu nhưng không
quá 1 ha/người, số còn lại nhà nước trưng thu. Toàn bộ đất trưng thu được bán lại
cho nông dân. Nông dân mua theo giá mỗi tan (tương đương 1.000m2) đất ruộng
là 757 yen, đất khô là 446 yen, còn giá tiền tương ứng nhà nước trả cho địa chủ
là 978 yen và 577 yen. Địa chủ phải dùng tiền đó mua công trái. Nói khác đi, đất
trưng thu từ địa chủ được trả bằng công trái. Để hình dung giá trị số tiền ấy,
ta có thể làm vài so sánh như sau. Giá mua từ địa chủ chỉ tương đương với 7%
giá trị nông phẩm thu hoạch trên mỗi tan trong một năm, và với vật giá
leo thang trong những năm cải cách ruộng đất (1947-49) thì xem như địa chủ bị tịch
thu số đất vượt quá quy định mới.
Tuy nhiên, cuộc cải cách ruộng đất đã không
gây bất ổn về chính trị, xã hội. Địa chủ chỉ mất tài sản từ ruộng đất nhưng mọi
quyền lợi khác của công dân (nhà cửa, tài sản ngoài ruộng dất) được bảo vệ, nhất
là nhân phẩm được tôn trọng. Trong thời đại mới, những địa chủ trước đây bây giờ
hòa vào cuộc sống mới, những người có tích lũy tài sản thì đầu tư vào các ngành
công nghiệp, dịch vụ, còn những người không có vốn thì trở thành nông dân, cùng
canh tác với những người tá điền cũ. Nhiều người đã đánh giá sự kiện cải cách
này là cuộc cách mạng trong hòa bình. Trong thư gửi cho thủ tướng Yoshida
Shigeru vào tháng 10/1949, Mac Arthur nhận định rằng “đây là cuộc cải cách đưa
lại thành quả lớn nhất từ khi có lịch sử loài người” . Cải cách nông nghiệp đã
làm cho năng suất nông nghiệp tăng nhanh và tạo sự ổn định trong xã hội nông
thôn (Kosai 1981).
Trung Quốc cải cách ruộng đất để tranh thủ ủng
hộ của nông dân, lực lượng dân chúng lớn áp đảo thời đó, và từ mục tiêu ý thức
hệ, xóa bỏ giai cấp địa chủ, củng cố giai cấp công nông dân và lập lại công bằng
xã hội. Mục đích tự nó có thể khẳng định được. Nhưng phương tiện thì quá dã
man, tàn bạo. Nhật Bản, ngoài mục đích tăng năng suất nông nghiệp còn có chiến
lược ổn định cuộc sống nông dân, tránh tình trạng họ xin tham gia quân đội và dẫn
đến khả năng phục hồi chế độ quân phiệt. Nhưng phương tiện để đi đến mục đích
thì ôn hòa, không gây đổ máu và hỗn loạn xã hội.
Trong kháng chiến chống Pháp, Việt Minh dựa
theo mô hình của Trung Quốc để thực hiện cải cách ruộng đất vào năm 1953. Kết
cuộc rất bi thảm như chúng ta đã biết. Tại Hội nghị Trung ương bắt đầu tháng 8
năm 1956 Đảng Lao động Việt Nam đã tự phê bình về sự đi quá đà trong cải cách
ruộng đất để gây nên những hy sinh, mất mát to lớn. Nếu hồi đó Việt Nam không
nghe theo Trung Quốc, không chỉ biết có Trung Quốc, mà nhìn xa ra một tí để thấy
trường hợp của Nhật Bản chẳng hạn thì lịch sử đã khác. Dĩ nhiên khách quan mà
nói thì trong tình hình lúc đó lãnh đạo Việt Nam có lẽ khó có thông tin từ những
nước ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên bài học ở đây là nếu chỉ biết có Trung Quốc
thì Việt Nam dễ thất bại.
Vay vốn để phát triển: Trung Quốc hay các nước
khác?
Bây giờ bàn về một vấn đề gần đây hơn, đó là
việc vay vốn nước ngoài để phát triển. Không kể những quan hệ với Liên xô thời
kỳ trước đổi mới, Việt Nam bắt đầu vay vốn viện trợ phát triển (Official
Development Assistance, ODA) nhiều từ giữa thập niên 1990. Tuy gọi là “viện trợ”
nhưng phần lớn ODA là tiền vay mượn dài hạn, chỉ có một phần nhỏ (chủ yếu trong
lãnh vực giáo dục, y tế) là được tặng. Vì áp dụng theo lãi suất ưu đãi nên ODA
được gọi là viện trợ phát triển. Ngoài ODA, nhiều loại vốn vay khác với lãi suất
cao hơn và hoàn trả trong thời gian ngắn hơn đươc gọi chung là OOF (Other
Official Flows). Từ giữa thập niên 1990, Việt Nam dùng nhiều ODA từ Nhật và các
tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB),
nhưng từ khoảng năm 2000, Trung Quốc dần dần có vai trò quan trọng. Đặc biệt Việt
Nam vay của Trung Quốc phần lớn theo hình thái OOF và với những điều kiện rất bất
lợi so với vay từ Nhật hay các nước khác. Từ năm 2000 tới năm 2017, Việt Nam
vay từ Trung Quốc 1,37 tỷ USD theo hình thái ODA và 16,35 tỷ USD theo hình thái
OOF. Như vậy OOF chiếm tới 92% tổng vay của Việt Nam từ Trung Quốc. ODA có lãi
suất thấp hơn chỉ chiếm một phần nhỏ. Và so với Nhật Bản, lãi suất ODA của
Trung Quốc cao hơn nhiều. Các dự án từ 2000 đến 2017 cho thấy lãi suất vay
trung bình của các dự án ODA của Trung Quốc là 3%, trong khi các dự án vay từ
Nhật chỉ từ 0,4-1,2% (theo Abuza and Vu, 2021).
Ngoài ra, Trung Quốc còn thắng trong nhiều dự
án đấu thầu xây dựng. Những dự án trở thành vấn đề và được báo chí điều tra cho
thấy Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc theo những điều kiện rất bất lợi. Vấn đề
là lãnh đạo và quan chức Việt Nam trong nhiều trường hợp đã không nỗ lực so
sánh các điều kiện của Trung Quốc với các nước khác để chọn lựa quyết định có lợi
cho đất nước. Đó là không kể khả năng có thể có trường hợp họ cố tình chọn lựa
Trung Quốc dù biết là không có lợi bằng chọn lựa nước khác. Trường hợp đường sắt
Cát Linh Hà Đông cho thấy ít nhất là những người có trách nhiệm có vẻ chỉ biết
có Trung Quốc.
Tháng 6 năm 2015 dư luận trong nước xôn xao về
sự kiện Việt Nam mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh –
Hà Đông. Người dân đặt nghi vấn là tại sao phải mua của Trung Quốc, trong khi
công nghệ tàu đường sắt của các nước tiên tiến chất lượng cao hơn. Hơn nữa, Việt
Nam đang nhập siêu nhiều với Trung Quốc, ai cũng thấy phải cải thiện quan hệ một
chiều này.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải thời đó là Đinh
La Thăng đã giải đáp thắc mắc này trong buổi gặp mặt báo chí ngày 9/6/2015. Tôi
thật sự ngạc nhiên nhưng hiểu được lý do tại sao Việt Nam ngày càng lệ thuộc
vào kinh tế Trung Quốc trong nhiều phương diện. Sự kiện này cho thấy nhiều lãnh
đạo, quan chức Việt Nam, những người quyết định vay vốn nước ngoài, không hiểu
hoặc không chịu tìm hiểu tình hình và chế độ hiện hành trên thế giới để so sánh
điều kiện của Trung Quốc với các nước khác, từ đó quyết định chọn nước đối tác
có lợi nhất cho Việt Nam.
Trong dự án 13 đoàn tàu nói trên được biết
Trung Quốc cho vay vốn và đặt điều kiện phải dùng tiền đó mua tàu của họ. Bộ
trưởng Đinh La Thăng bảo rằng nước nào cho vay cũng đặt điều kiện như vậy, chẳng
hạn Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như vậy. Điều này hoàn toàn sai. (Trước khi chứng
minh nhận định đó là không đúng, ta có thể đặt thêm một câu hỏi nữa: Nếu các nước
khác cũng có cùng điều kiện đó, tại sao lại chọn Trung Quốc? Công nghệ của
Trung Quốc cao hơn các nước khác sao?)
Vấn đề các nước tiến tiến hỗ trợ vốn vay ưu
đãi (ODA) cho các nước đang phát triển có một lịch sử đã trên 50 năm. Trong
giai đoạn đầu (khoảng trước thập niên 1980), đúng là hầu hết ODA đều có ràng buộc
phải mua máy móc, vật liệu, tư vấn kỹ thuật từ nước cho vay (gọi là tied
loan). Sau đó hình thức nầy dần dần chỉ còn là ngoại lệ, nhường chỗ cho
hình thức cho vay không ràng buộc (untied loan) phổ biến hơn. Đó cũng là
kết quả của các thỏa thuận giữa Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Anh.., những thành viên
trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Để cho dễ hiểu và đi ngay vào vấn đề, tôi giới
thiệu trường hợp của Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay. ODA của Nhật Bản có 2 loại:
Loại tặng không (grant) dùng cho lãnh vực giáo dục, y tế,… và loại cho
vay (yen loan) dùng cho việc xây dựng hạ tầng. Loại cho vay cũng có hai
hình thức: Vay không ràng buộc trong đó nước đi vay có thể mua vật tư, thiết bị,
tư vấn kỹ thuật từ bất cứ nước nào xét thấy có lợi nhất (qua hình thức đấu thầu
công khai). Hình thức thứ hai là vay có ràng buộc nhưng điều kiện rất đặc biệt,
ưu đãi hơn loại ràng buộc, mà Nhật gọi là STEP (Special Term for Economic
Partnership). Loại STEP ràng buộc nên lãi suất thấp hơn nhiều so với loại không
ràng buộc. Cần nói thêm là tuy STEP là loại có ràng buộc nhưng các công ty Nhật
Bản phải cạnh tranh với nhau trong đấu thầu. Các nước nhận ODA có thể chọn lựa
giữa hai hình thức này. Theo tôi biết, hầu hết các nước ASEAN nhận cả hai loại
ODA vì loại ràng buộc cũng dễ chấp nhận do lãi suất được ưu đãi hơn loại không
ràng buộc và kỹ thuật, công nghệ, máy móc của Nhật được đánh giá cao.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu thập
niên 2010, bình quân mỗi năm ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam theo hình
thức STEP là 45 tỉ yen (lãi suất chỉ có 0,1%) và theo hình thức không ràng
buộc là 124 tỉ yen (thời hạn 30 năm, lãi suất 1,4%/năm). Như vậy ODA không ràng
buộc vào công ty Nhật Bản chiếm tới 73%, nghĩa là công ty Nhật phải tham gia đấu
thầu trong các dự án phát sinh từ nguồn vay nầy. Tỉ lệ công ty Nhật thắng thầu
cũng chỉ có 36%, không phải 100% như nhận định của bộ trưởng nói trên. Ngay cả
trường hợp STEP là loại có thể hoàn toàn ràng buộc vào Nhật, công ty Nhật cũng
chỉ chiếm 87% vì họ mời các công ty Việt Nam cùng tham gia trong việc cạnh
tranh với các công ty khác của Nhật. Một thí dụ là dự án sân bay Nội Bài tuy
theo hình thức STEP nhưng được thực hiện bởi công ty Xây dựng Taisei của Nhật
và Công ty Vinaconex của Việt Nam, dự án cầu Nhật Tân cũng do một liên doanh giữa
Nhật và Việt Nam xây dựng.
Việt Nam hiện còn đang tiếp nhận ODA và ngày
càng nhận nhiều OOF. Trách nhiệm của lãnh đạo, của quan chức liên hệ là làm sao
phải chọn lựa những nguồn vốn vay với điều kiện ít phí tổn nhất và mang lại hiệu
quả lớn nhất. (Xem thêm Trần V Thọ 2016, Ch. 12 và 13).
Trong quan hệ với Trung Quốc, ta đã thấy có
nhiều hiện tượng bất bình thường, như nhập siêu lớn trong thời gian dài và đang
tiếp tục, doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án trọng điểm trong
các ngành quan trọng của Việt Nam, nhiều dự án họ đưa giá rẻ nhưng sau khi thắng
thầu họ điều chỉnh giá và thương lượng lại, nhiều dự án không xây dựng đúng tiến
độ và nhiều trường hợp công trình mới xây xong đã bị hỏng hoặc xuống cấp,
v.v.... Lao động chui và lao động được cấp phép từ Trung Quốc sang cũng nhiều một
cách khó hiểu. Mọi giao dịch kinh tế nếu so sánh Trung Quốc với nước khác và chọn
trường hợp có hiệu quả nhất sẽ không thấy những hiện tượng ấy.
Vài lời kết:
Trong lịch sử hầu như lãnh đạo Việt Nam chỉ thấy
có Trung Quốc. Do đó chẳng những đã bỏ lỡ nhiều thời cơ phát triển đất nước mà
có lúc gây tai họa cho dân tộc hoặc không bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Trung Quốc là nước lớn lại đang có tham vọng
bá quyền. Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng tháng 10/2017, Tổng bí
thư Tập Cận Bình đã tổng kết tư tưởng của chiến lược phát triển trong giai đoạn
tới là “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc thì đã được nói đến từ lâu nhưng ở đây
khái niệm ấy được tăng thêm một nội hàm là thời đại mới. Cũng theo ông Tập,
cái mới ở đây là xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc xã hội chủ
nghĩa theo hướng hiện đại và có ảnh hưởng lớn trên vũ đài quốc tế. Cũng
trong báo cáo chính trị ấy, ông Tập đã nhắc lại nhiều lần giấc mơ Trung Quốc là
sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Tham vọng thành cường quốc, gây ảnh
hưởng lớn trên thế giới để phục hưng một thời đại huy hoàng của dân tộc dĩ
nhiên sẽ có tác động lớn đến thế giới; nhất là chiến lược đó lại mang mầu sắc
riêng, đặc tính riêng của Trung Quốc chứ không theo những giá trị phổ quát như
trường hợp những nước lớn đã phát triển (xem Trần V Thọ 2018).
Một số công cụ quan trọng để thực hiện chiến
lược kinh tế đối ngoại theo phương châm lớn nói trên là đẩy mạnh thực thi Sáng
kiến Một vành đai Một con đường (BRI) phát biểu năm 2013. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt
động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc mà các hoạt động nầy được đặt
dưới sự lãnh đạo, kiểm soát của Đảng Cộng sản như Đại hội tháng 10/2017 đã quyết
định. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi điều lệ, ghi thêm sự chấp nhận để
cho Đảng Cộng sản can dự vào các quyết định kinh doanh. Do đó trong hoạt động đầu
tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, có thể có nhiều trường hợp không chú
trọng mục đích kinh tế mà để phục vụ cho các mục tiêu khác do Đảng hoặc nhà nước
Trung Quốc chủ trương.
Một điểm đáng lưu ý thêm là Trung Quốc đang nỗ
lực thoát ra ảnh hưởng của hệ thống luật lệ và toà án, trọng tài thương mại của
Anh Mỹ mà phần lớn thế giới đang áp dụng để thiết lập hệ thống riêng của họ
(xem Hung Tran 2021). Luật lệ theo cách của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều trong
các hợp đồng thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các nước tham gia BRI của
họ.
Như vậy một Trung Quốc thời nay vừa lớn mạnh vừa
phức tạp hơn trước nhiều. Việt Nam phải khôn ngoan, tỉnh táo hơn trước. Tất cả
các vấn đề kinh tế liên quan với nước ngoài cần có hiểu biết chính xác về chính
sách của các nước, về tình hình quốc tế và các quy định hiện hành trên thế giới,
từ đó so sánh Trung Quốc với các nước khác để chọn lựa đối tác. Điểm nhấn ở đây
là thế giới không phải chỉ có Trung Quốc./.
Trần Văn Thọ
--------------------------
Tư liệu có trích dẫn:
Abuza, Zachary and Phuong Vu (2021), Vietnam’s
Hidden Debts to China Expose its Political Risks, The Diplomat, Oct. 8.
Hung Tran (2021), China’s anti-foreign
sanctions law: Companies in the crosshairs, Atlantic Council, June 28.
Kosai Yutaka (1981), Thời đại tăng trưởng
cao: Bút ký lịch sử kinh tế Nhật Bản hiện đại, Nhà xuất bản Nihon Hyoronsha
(tiếng Nhật)
Nakagane Katsuji (2021), Luận về Mao Trạch
Đông: Chân lý từ trên trời rơi xuống, Nhà xuất bản Đại học Nagoya (tiếng Nhật).
Trần Văn Thọ (2016), Cú sốc thời gian và
Kinh tế Việt Nam, NXB Tri thức.
Trần Văn Thọ (2018), Đối diện với một Trung Quốc
mới Việt Nam sẽ phải làm gì? Thời báo Kinh tế Saigon, số Tết Mậu Tuất.
No comments:
Post a Comment