Monday, 6 December 2021

TẬP CẬN BÌNH TRAO TẶNG THỦ TƯỚNG ĐỨC DANH HIỆU "NGƯỜI BẠN CŨ CỦA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC" (Maximilian Kalkhof  -  Die Welt)

 


 

Tập Cận Bình trao tặng Thủ tướng Đức Merkel danh hiệu “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”

Maximilian Kalkhof  -  Die Welt 

Hiếu Bá Linh, biên dịch

06/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/06/tap-can-binh-trao-tang-thu-tuong-duc-merkel-danh-hieu-nguoi-ban-cu-cua-nhan-dan-trung-quoc/

 

Thỏa thuận liên minh Đỏ-Vàng-Xanh (liên minh 3 đảng SPD – FDP – Đảng Xanh cầm quyền nước Đức) công khai nêu ra các xung đột với Trung Quốc. Tân Chính phủ liên bang Đức rời bỏ đường lối của Angela Merkel: Im lặng đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tân Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock đã tuyên bố một đường lối cứng rắn hơn – Bắc Kinh phản ứng lập tức.

 

                                                        ***

Khi kết thúc nhiệm kỳ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao tặng bà Angela Merkel một danh hiệu thể hiện rõ tầm quan trọng của bà Thủ tướng Đức đối với nhận thức về Trung Quốc trên thế giới. Trong cuộc gọi điện video vào tháng 10, ông Tập Cận Bình đã gọi người đứng đầu chính phủ Đức sắp mãn nhiệm là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”.

 

Ở Bắc Kinh, đó không phải là một từ ngữ thông thường, mà là một danh hiệu vinh dự. Cho đến nay, chỉ có 600 người được vinh danh với danh hiệu này, như một nhà báo Trung Quốc cho biết.

 

Như thế (với danh hiệu này), Merkel đứng chung hàng với các nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa và sau này là các nhà độc tài Fidel Castro, Robert Mugabe và Hugo Chávez, nhưng cũng đứng chung hàng với cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon và người sáng lập Microsoft Bill Gates.

 

Danh hiệu vinh dự này cho thấy những gì mà bà Thủ tướng Đức đã làm lợi cho Bắc Kinh. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung Quốc xấu đi thảm hại, bà Merkel là một mỏ neo cho sự ổn định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bắc Kinh không phải lo sợ bị bà chỉ trích trên công luận. Điều đó bây giờ đang thay đổi.

 

Tuy nhiên, với sự ra đi của Angela Merkel, câu hỏi về mối quan hệ của Đức với Trung Quốc lại nảy sinh. Hai tác nhân sẽ định hình chính sách của chính phủ liên minh Đỏ-Vàng-Xanh đối với Trung Quốc ở mức độ trọng yếu: Thứ nhất là tân Thủ tướng Olaf Scholz (63 tuổi, thuộc đảng SPD) và thứ hai, tân Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock (40 tuổi, thuộc Đảng Xanh).

 

Nhân vật thứ hai có lập trường đối với Cộng hòa Nhân dân cứng rắn hơn nhiều so với người đứng đầu chính phủ tương lai. Gần đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Đức “taz”, thậm chí bà không loại trừ việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc. “Có nhiều cách  khác nhau để ứng phó với các chính phủ, điều này chắc chắn sẽ được thảo luận trong những tuần tới“, nhà lãnh đạo Đảng Xanh nói.

 

Bắc Kinh phản ứng lập tức: Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin cảnh báo về một cuộc đối đầu giữa hai nước. “Điều mà  chúng ta cần là những người xây cầu (nối liền) thay vì những người xây tường (ngăn cách)”, một nữ phát ngôn viên của Đại sứ quán viết trong một tuyên bố.

 

Thỏa thuận liên minh giữa SPD, Đảng Xanh và FDP cung cấp các dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ như thế nào trong tương lai. Thỏa thuận liên minh gồm 177 trang đề cập đến Trung Quốc mười hai lần (Nga sáu lần). Sau một vài đề cập rải rác trong các chương, hai đoạn riêng biệt được dành riêng cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong chương “Trách nhiệm của Đức đối với Châu Âu và Thế giới”.

 

Một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của bà Merkel

 

Điều đáng ngạc nhiên đầu tiên và quan trọng nhất là ngôn ngữ. Nó rõ ràng và ít uyển ngữ (mỹ từ) hơn ngôn ngữ của bà  Merkel. Điều đáng chú ý là trong thỏa hiệp, liên minh Đỏ-Vàng-Xanh công khai nói đến bốn điểm xung đột với Trung Quốc. Đó là: Yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

 

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố chủ quyền khoảng 90% diện tích biển giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia. Các thẩm phán tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc vào năm 2016. Nhưng Bắc Kinh làm ngơ phán quyết này. Liên minh Đỏ-Vàng-Xanh muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ “trên cơ sở luật biển quốc tế”, đây là một cú đâm bên hông vào việc Bắc Kinh không sẵn lòng công nhận phán quyết trọng tài ở La Hay.

 

Sự độc lập của Đài Loan

 

Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình. Nhưng trên thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập chưa bao giờ nằm ​​dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Liên minh Đỏ-Vàng-Xanh yêu cầu “sự thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan chỉ có thể được thực hiện một cách hòa bình và theo thỏa thuận của hai bên“.

 

Vi phạm nhân quyền ở Tân Cương

 

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thiết lập một hệ thống trại giam và lao động cưỡng bức ở tỉnh phía tây bắc nhằm đàn áp một cách có hệ thống người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Liên minh Đỏ-Vàng-Xanh muốn “đưa ra làm chủ đề” những vi phạm nhân quyền này.

 

Tình hình ở Hồng Kông

 

Năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra “luật an ninh quốc gia” ở Đặc khu hành chính để  chống lại những người ủng hộ dân chủ trong quốc hội và xã hội dân sự. Luật này vi phạm nguyên tắc tự trị “một quốc gia, hai hệ thống” của Hồng Kông. Liên minh Đỏ-Vàng-Xanh quan tâm đến việc làm cho nguyên tắc đó “được phục hồi”.

 

Mặc dù liên minh Đỏ-Vàng-Xanh cứng rắn đối với Trung Quốc hơn nhiều so với Thủ tướng Merkel, nhưng ở Bắc Kinh cho đến nay thỏa thuận liên minh vẫn không gây ra nhiều điều hơn là một vết nứt. Phạm vi cho những thay đổi bước ngoặt trong quan hệ Đức – Trung Quốc là giới hạn, tờ “Thời báo Hoàn cầu”, cơ quan ngôn luận quốc tế của những người cộng sản Trung Quốc, viết trong một bài xã luận như thế. Sẽ không có gì nhiều hơn là những cuộc đấu khẩu nhỏ trong liên minh Đỏ-Vàng-Xanh.

 

Ý chính bài viết: Không quốc gia nào trên thế giới – và chắc chắn không phải là Đức – có thể đủ khả năng để làm phiền Trung Quốc hùng mạnh. Nhưng nếu tình hình trở nên khó khăn, tờ báo hô hào chủ nghĩa dân tộc này viết thêm, Trung Quốc sẽ “để đạn bay trong chốc lát”.

 

Về cơ bản, ngôn ngữ kiên quyết đối với Trung Quốc là tốt, Mareike Ohlberg, nữ  chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức ở Berlin, nói về thỏa thuận liên minh. Nhiều điểm khá mơ hồ, nhưng thỏa thuận liên minh đưa ra những điểm khởi đầu cho những kế hoạch cụ thể hơn.

 

Tuy nhiên, chuyên gia chỉ trích đề xuất về vấn đề Hồng Kông. Bà nói: “ ‘Một quốc gia, hai hệ thống’ rất tiếc là hầu như đã chết và cực kỳ khó có thể phục hồi nguyên tắc này. Ở đây, có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn nếu đưa ra những biện pháp trừng phạt cụ thể đối với ‘luật an ninh quốc gia’.”

 

Andreas Fulda, giáo sư tại Đại học Nottingham, cũng đánh giá tương tự. Từ sự tan rã của xã hội dân sự Hồng Kông, tân chính phủ liên bang Đức rốt cuộc phải rút ra được kết luận đúng đắn. “Để ít nhất là làm cho việc trang bị vũ khí khổng lồ của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Đức phải được thắt chặt“, chuyên gia Trung Quốc yêu cầu. “Công nghệ lưỡng dụng của Đức không được tiếp tục sử dụng để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc“.




No comments:

Post a Comment

View My Stats