Thursday, 23 December 2021

QUẢNG NGÃI : DÂN CHẶN QUỐC LỘ ĐÒI NGƯỜI BỊ BẮT VÌ PHẢN ĐỐI DỰ ÁN BẾN CẢNG HÒA PHÁT (RFA)

 


Quảng Ngãi: Dân chặn quốc lộ đòi người bị bắt vì phản đối dự án bến cảng Hòa Phát

RFA

23/12/2021

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hundreds-people-block-the-national-route-to-demand-the-release-of-fishermen-12232021064244.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hundreds-people-block-the-national-route-to-demand-the-release-of-fishermen-12232021064244.html/@@images/79a7c058-f914-448d-b6da-6965b117a24a.jpeg

Cảnh sát cơ động dàn trận trong khi người dân ngồi chặn đường vào dự án bến cảng Hòa Phát.  Chụp màn hình video

 

Hàng trăm người dân ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tối ngày 17 tháng 12 năm 2021 chặn ngang Quốc lộ 1A, yêu cầu thả những ngư dân bị cảnh sát cơ động bắt giữ trong ngày vì đứng ra phản đối dự án Bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất của Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát. 

 

Bà Nguyễn Thị Bé (đã đổi tên vì lý do an toàn), một người dân địa phương sở hữu vài chiếc thuyền thúng nhưng không đi đánh cá được vì không có đường ra biển. Bà kể lại sự việc diễn ra sáng ngày 17: 

 

Nó xua đuổi bọn chị, nói chung là cũng có xô xát dữ lắm. Nó đánh, có người thì gãy răng,  cán bộ nó đánh nó xô người gãy tay, xước mặt, chu choa nó làm đủ kiểu, chị thì bị gãy tay. 

Nói chung là bà con lên đông lắm mà nó thì cũng đưa tỉnh về, rồi thì công an về cũng đông, nó xô đẩy mình. Giờ bà con nói chung là bức xúc.

 

Cảng biển chặn đường ra biển của ngư dân

 

Trong những đoạn video được người dân đăng tải, một số người bị bắt đã được trả tự do ngay trong tối 17/12 trong sự reo hò của những người chứng kiến. Giải thích căn nguyên của vụ xô xát, bà Bé nói:

 

Mình hỏi lý do sao mà dỡ đi thì nó nói là bây giờ không cho ở đây nữa, đuổi người dân để cho nó thi công, rồi bắt đầu dân lên kêu là không được thi công để cho bà con ở đây đi làm ăn sinh nhai, mà nếu như thoả thuận, muốn lấy biển của người ta thì phải cho một cái quyền lợi gì đó để cho người ta sinh nhai cuộc sống, mà nó giờ bồi thường ít quá.

 

Được biết, sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa chính quyền và chủ đầu tư với người dân, thì người dân địa phương đã làm đơn kiến nghị gửi Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ hôm 20 tháng 12. 

 

Trong đơn, người dân tố cáo tập đoàn Hoà Phát chưa thực hiện đúng nghĩa vụ hỗ trợ sinh kế cho người dân, và chưa giải quyết thỏa đáng các yêu cầu nhưng vẫn tiến hành thi công công trình cảng biển. Nội dung đơn cũng tố cáo chủ đầu tư sử dụng các hình thức đe dọa, lừa gạt, cưỡng chế đối với người dân địa phương để được thi công. 

 

Cuối đơn, người dân xã Bình Thuận đưa ra ba yêu cầu: dừng các hoạt động thi công ngay lập tức, chính quyền tổ chức đối thoại với người dân, và công ty Hoà Phát phải xin lỗi người dân. 

 

Khi được hỏi chính quyền địa phương có giúp đỡ gì người dân trong việc yêu cầu tập đoàn Hoà Phát hỗ trợ thoả đáng hay không, bà Bé nói:

 

Giờ thì nó đổ về cho xã, xã nó đổ về cho huyện, nói chung giờ nó không biết tới. Ông xã vừa rồi ông cũng khuyên người dân của mình là cứ để cho nó làm đi, rồi từ từ nó sẽ giải quyết, nhưng mà không biết bao nhiêu lần cứ nói vậy mà nó đâu giải quyết đâu. Cho nên là bọn chị cũng mất niềm tin vào xã của bọn chị, xã nó không biết tới luôn, nó bỏ liền như vậy.

 

Phóng viên của Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại tới văn phòng của Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn để phỏng vấn, nhưng công chức ở đây từ chối cung cấp số liên hệ của lãnh đạo huyện. 

 

Đền bù không đồng đều cho các hộ bị thiệt hại

 

Tháng 6 năm 2019, tập đoàn Hoà Phát được phê duyệt dự án xây dựng Bến cảng tổng hợp – Container Hòa Phát Dung Quất có trị giá gần 3.800 tỷ đồng tại địa phận xã Bình Thuận, nơi đa phần dân chúng sống dựa vào nghề đi biển. 

 

Theo phản ánh của người dân thì việc thi công cảng đã chặn lối ra biển duy nhất, khiến cho sinh kế của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và tập đoàn Hòa Phát tuy đã hỗ trợ người dân tài chính nhưng lại phân chia bất bình đẳng nên đã dẫn đến phản đối: 

Ông Trung, một người dân địa phương nói rõ hơn vấn đề mà dân còn chưa đồng thuận với chủ đầu tư:

 

Vì nói chung là toàn dân ở đây người ta có môi sinh ở địa phương, nhưng mà cuối cùng hiện nay công ty Hoà Phát họ lấn chiếm ra biển quá nhiều thì người dân bắt hỗ trợ. Nhưng mà khi hỗ trợ, họ nói là hỗ trợ chứ không phải bồi thường, thì lại hỗ trợ không đúng.

Có nghĩa là đã hỗ trợ thì toàn dân, nhưng mà ghe lớn thì người ta đi đánh bắt xa bờ người ta ít bị ảnh hưởng hơn là xuồng nhỏ, mà xuồng nhỏ người ta làm phía cạnh Hoà Phát, gần bờ thôi. Nhưng mà vừa rồi mấy ông hỗ trợ không được cân bằng cho nên người dân bức xúc và cản trở việc họ làm.

 

Theo ông Trung thì đa số người dân ở đây sở hữu những chiếc ghe nhỏ và thuyền thúng, vốn chỉ có thể đánh bắt ven bờ nên phải chịu thiệt hại nặng nhất khi công trình xây cảng biển diễn ra. Tuy nhiên khi nhận tiền hỗ trợ thì lại được nhận ít nhất. 

 

Cụ thể, người dân cho biết tập đoàn thép lớn của Việt Nam đưa ra mức hỗ trợ 40 triệu đồng cho mỗi hộ sở hữu ghe lớn, 10 triệu cho hộ nào sở hữu ghe nhỏ, và 5 triệu cho những hộ sở hữu thuyền thúng. 

 

Trước chính sách hỗ trợ được cho là bất đình đẳng này, người dân đã dựng lều, cắm chốt ở khu vực xây dựng cảng biển nhằm yêu cầu phía chủ đầu tư giải quyết yêu cầu của người dân. 

 

Theo ông ty cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát (công ty con của tập đoàn Hòa Pháp) hồi tháng 6 năm nay có công văn về việc kiến nghị khẩn cấp giải quyết tình trạng các hộ dân nuôi tôm cản trở việc thi công dự án Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó giao cho UBND huyện Bình Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu giải quyết nội dung kiến nghị của công ty này.

 

UBND tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người thực hiện việc phản ánh đến cơ quan chức năng để được giải quyết, tránh tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) theo thẩm quyền quy định.




No comments:

Post a Comment

View My Stats