Ông
Hun Sen đừng phát biểu tào lao nữa!
Bài bình luận của Châu Thanh Thi
20-12-2021
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hun-sen-no-more-non-sense-12202021110742.html
Ảnh minh hoa: Ông
Hun Sen tại buổi lể hôm 18/12/2021 khai trương sân vận động Norodok Techo do
Trung Quốc tài trợ ở Campuchia. AFP
Phát biểu của Thủ
tướng Hun Sen
Ngày 15/12, phát biểu tại lễ khánh thành khách
sạn Hyatt Regency Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố quan điểm
về vấn đề Biển Đông khi Campuchia tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội
các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thủ tướng Hun Sen nói: “Về vấn đề Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nếu
không quyết định được tại Campuchia thì đừng đổ lỗi cho Campuchia như năm 2012.
Năm 2012, các nước đổ lỗi cho Campuchia vì không thể đưa ra tuyên bố chung. Các
bạn có biết điều gì đằng sau việc không thể đưa ra tuyên bố không. Chủ tịch
ASEAN không phải là quan tòa xét xử, vì vậy không thể ra được tuyên bố. Tôi xin
khẳng định rằng trước khi cầm búa, nhận ghế Chủ tịch ASEAN, tôi muốn gửi một
thông điệp để thế giới biết những yếu tố thực sự của vấn đề năm 2012 khi không
thể đưa ra tuyên bố chung.”[1]
Ông Hun Sen cũng giải thích việc không thể đưa
ra tuyên bố COC không phải vì Campuchia bênh vực Trung Quốc mà do các quốc gia
có chủ quyền ở Biển Đông yêu cầu Chủ tịch ASEAN phải công nhận hòn đảo này là của
riêng và vùng biển này thuộc quyền sở hữu của quốc gia được công nhận. Không biết
ông Hun Sen thực sự quên hay ông là người nổi tiếng trong việc “lật lọng,” đặc
biệt là trước những vấn đề chính trị trong nước và quốc tế.
Ông Hun Sen có nói
đúng sự thật?
Đối với sự kiện năm 2012, khi ASEAN lần đầu
sau 45 năm tồn tại của mình, đã không thể ra một tuyên bố chung của các Ngoại
trưởng ASEAN, chỉ vì nước chủ nhà Campuchia đã không chấp nhận các điều khoản
mang tính chất lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Ảnh minh họa: người
biểu tình Việt Nam và Philippines phản đối Trung Quốc tại Manila ngày
06/08/2016. AFP
Năm 2012 là năm xảy ra sự kiện Scarborough và
sau 10 tuần đối đầu giữa các lực lượng của Trung Quốc với 3 tàu chiến của Hải
quân Philippines. Ngày 15/6/2012, Manila đành phải rút các tàu của mình ra khỏi
vùng biển quanh bãi cạn Scarborough, một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và
đá nổi trên Biển Đông. Bất chấp sự phản đối từ giới lãnh đạo châu Á, Bắc Kinh
đã đẩy Manila khỏi Scarborough để chiếm quyền kiểm soát thực tế bãi cạn này,
nơi Philippines tuyên bố chủ quyền và luôn kiểm soát trên thực tế kể từ sau khi
giành được độc lập năm 1946.
Trong Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN năm đó,
phía Philippines đã cố gắng thuyết phục các Ngoại trưởng khác của các quốc gia
ASEAN còn lại bằng việc ASEAN cần phải ra một tuyên bố chung, trong đó có nhắc
tới việc lên án Trung Quốc trước hành vi hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế
cũng như cam kết trong DOC trước đó, để chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ phía
Philippines.
Một nhân viên ngoại giao Philippines có mặt
trong cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN năm đó đã tường thuật lại chi tiết:
“ASEAN đã nhất trí về các yếu tố chính của Bộ
Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông được đề xuất để thảo luận với Trung Quốc.
Philippines đã thành công trong việc đưa vào các yếu tố chính được đề xuất để
cung cấp cho Bộ quy tắc về nội dung mà họ yêu cầu.
Sự căng thẳng mà ASEAN cảm thấy không phải do
Philippines mà được cho là do Chủ tịch không đạt được đồng thuận. Trong khuôn
khổ ASEAN, Philippines cần kiên quyết trong việc ưu tiên lợi ích quốc gia…
Chính xác quan tâm đến quá trình ra quyết định
dựa trên sự đồng thuận của ASEAN, Philippines đã liên tục tham vấn với các đối
tác ASEAN dẫn đến việc các Quan chức cấp cao ASEAN soạn thảo “Tuyên bố của Bộ
trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình ở bãi cạn Scarborough” vào ngày 24 tháng
5. Ngày 25 tháng 5, Bộ trưởng Del Rosario đã viết thư cho Chủ tịch ASEAN yêu cầu
Tuyên bố đó được chuyển đến tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để họ xem
xét. Một số Bộ trưởng Ngoại giao đã tán thành việc ban hành Tuyên bố như vậy. Đặc
biệt, một Bộ trưởng Ngoại giao, trong bức thư ngày 1 tháng 6 gửi Chủ tịch
ASEAN, đã nhấn mạnh “sự cần thiết của ASEAN để đưa ra một tuyên bố kịp thời của
các Bộ trưởng Ngoại giao (về vấn đề đã nêu) như là nỗ lực chung của chúng ta để
đóng góp vào việc duy trì một môi trường có lợi trong khu vực mà tất cả chúng
ta đều quan tâm .”
Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45, Bộ
trưởng Del Rosario đã thảo luận về tình hình ở bãi cạn Scarborough. Nội dung của
mục / tiêu đề phụ của Thông cáo chung được đề xuất về “Biển Đông” do các ngoại
trưởng ASEAN soạn thảo và một số sửa đổi đã được đề xuất để làm cho văn bản có
thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, Chủ tịch Campuchia nhất
quán bác bỏ bất kỳ văn bản đề xuất nào đề cập đến bãi cạn Scarborough.”[2]
Cùng với sự mô tả tương tự như vậy, Ernest Z.
Bower - Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và
Quốc tế (CSIS), một Think Tank hàng đầu tại Hoa Kỳ cũng cho biết:
“Các vấn đề nảy sinh khi đến lúc soạn thảo
thông cáo chung. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng
Ngoại giao Campuchia Hor Nam Hong, đã giao việc soạn thảo cho một ủy ban gồm 4
người đồng cấp: Marty Natalegawa của Indonesia, Anifah Aman của Malaysia,
Albert Del Rosario của Philippines và Phạm Bình Minh của Việt Nam. Quan điểm của
Philippines là thông cáo chung cần phản ánh rằng các bộ trưởng đã thảo luận về
cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough và mong muốn
của Việt Nam trong việc giải quyết các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ngôn ngữ
phản ánh thực tế đó đã được đưa vào dự thảo trình lên phía chủ trì.
Tuy nhiên, nhiều lần sau khi xem xét bản dự thảo,
Hor Nam Hong đã tham khảo ý kiến của các cố vấn bên ngoài phòng họp và quay lại
từ chối ngôn ngữ đề cập đến Bãi cạn Scarborough và EEZ, ngay cả sau nhiều nỗ lực
tìm kiếm một thỏa hiệp. Ông cho biết quan điểm của Campuchia rằng đó là những vấn
đề song phương và do đó không thể đề cập đến trong tuyên bố chung.
Điều thú vị là, các báo cáo - được chứng minh
bởi những người có mặt - đã được lưu hành rằng các quan chức Campuchia đã chia
sẻ bản thảo của tuyên bố chung được đề xuất với những người đối thoại Trung Quốc.
Những rò rỉ này, một số gợi ý, là từ các nguồn của Trung Quốc.”[3]
Sau sự thất bại của hội nghị ADMM đó không
lâu, phía Trung Quốc đã công khai khoản cho vay và viện trợ trị giá 500 triệu
USD cho Campuchia.[4]
“Chính phủ Trung Quốc đánh giá cao vai trò của
Campuchia trong vai trò chủ tịch ASEAN nhằm duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp
giữa Trung Quốc và ASEAN,” Bộ trưởng tài chính Campuchia Aun Porn Moniroth cho
báo chí biết.[5]
Xâu chuỗi các sự kiện trên lại, hẳn những người
kém trí tuệ nhất trên thế giới này cũng thừa hiểu được vì sao Hội nghị ADMM+ lần
thứ 45 lại thất bại thảm hại như thế. Chính là do vai trò của Campuchia - Chủ tịch
ASEAN khi đó, dưới sự thao túng của Trung Quốc.
Vậy lời nói của
ông Hun Sen về COC thì sao?
Ông Hun Sen cũng khẳng định: “Tôi sẽ cố gắng
phối hợp với các nước ASEAN khác và cả Trung Quốc để đàm phán về một COC có thể
chấp nhận được đúng dịp kỷ niệm 20 năm ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các
bên ở Biển Đông (DOC). Nếu COC được ký kết tại Campuchia khi Campuchia làm Chủ
tịch ASEAN thì Campuchia sẽ rất vui mừng vì DOC ra đời ở Phnom Penh. Trong trường
hợp không ký được COC ở Phnom Penh thì cũng đừng đổ lỗi cho Campuchia vì những
lý do rất dễ hiểu. Các nước chủ trì ASEAN trước Campuchia đã không thể thực hiện
quyết định COC, vậy tại sao lại đổ lỗi khi Campuchia không làm được. Xin đừng bắt
Campuchia làm quan tòa xét xử tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông, quan
điểm của Campuchia nhất quyết không thay đổi.”[6]
Trước đó, ông Hun Sen cũng tuyên bố: “Tôi thực
sự hy vọng rằng khi Campuchia đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2022, Trung
Quốc và các nước thành viên ASEAN liên quan sẽ có thể đạt được COC (Bộ Quy tắc ứng
xử) ở Biển Đông.”[7]
Liệu ông Hun Sen có làm được điều ông nói ? Hay ông mạnh miệng quá chăng? Có ai
bắt phạt được một Thủ tướng như ông, cho dù ông ta nói bừa.
Hy vọng COC được ký kết vào năm 2022 giống như
tựa đề một bộ phim nổi tiếng của Hollywood, đó là “Điệp vụ bất khả thi.” Lý do
là bởi vì việc muốn có các kỳ họp về COC giữa Trung Quốc và ASEAN hoàn toàn
không phụ thuộc vào nước Chủ tịch ASEAN, mà là phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của
nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Năm 2022, quốc gia nắm giữ vai trò
điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc là Myanmar.[8] Cho đến
nay, vị trí của Myanmar trong ASEAN còn chưa rõ ràng, khi người đứng đầu chính
quyền dân sự thì bị bắt bỏ tù, người đứng đầu chính quyền quân sự thì không được
ASEAN chấp nhận tham gia cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vừa rồi. Chính vì vậy, việc
điều phối, sắp xếp quan hệ giữa ASEAN - Trung Quốc trong năm tới sẽ rất khó có
thể diễn ra được. Cho nên, cho dù có “ba đầu sáu tay” thì ông Hun Sen cũng chả
làm gì được, chứ đừng nói ông cũng chỉ có “một cái đầu và hai cái tay” như những
người bình thường khác.
Chính vì thế, ta mới thấy, những phát biểu của
ông Hun Sen thật tào lao hết chỗ nói!
------------
[1] http://en.freshnewsasia.com/index.php/en/localnews/26219-2021-12-15-08-12-20.html
[2] https://www.officialgazette.gov.ph/2012/07/18/why-there-was-no-asean-joint-communique/
[3] https://www.csis.org/analysis/china-reveals-its-hand-asean-phnom-penh
[4] https://www.reuters.com/article/us-cambodia-china-idUSBRE88306I20120904
[5] https://www.reuters.com/article/us-cambodia-china-idUSBRE88306I20120904
[6] http://en.freshnewsasia.com/index.php/en/localnews/26219-2021-12-15-08-12-20.html
[7] https://www.khmertimeskh.com/50978180/cambodia-optimistic-about-conclusion-of-code-of-conduct-next-year/
[8] https://asean2021.bn/NewsDetails?id=4dac20d3-afc8-4d67-afbf-e999d52b6d2d
No comments:
Post a Comment