Saturday, 18 December 2021

NGUYỄN NGỌC NGẠN AN NHIÊN GIỮA NHỮNG ĐỐI LẬP CỦA CUỘC ĐỜI (Hoàng Long)

 


Nguyễn Ngọc Ngạn an nhiên giữa những đối lập của cuộc đời

Hoàng Long

18/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-ngoc-ngan-va-su-kien-tao-mot-bieu-tuong-van-hoa/6360072.html

 

Nguyễn Ngọc Ngạn thong thả nhấp một ngụm nước. Ông có nhiều điều để kể khi ông hồi tưởng về những năm tháng đã qua. Đôi lúc ông chững lại như để cho những suy nghĩ theo kịp hay cho cảm xúc lắng đọng. Ông không giấu giếm điều gì. Cuộc đời ông là một hành trình dài đánh dấu bởi những khúc quanh nghiệt ngã nhưng cuối cùng dẫn đến vinh quang. Được và mất, ông bình thản chấp nhận như một sự an bài của số phận. Ông không có gì để than phiền, chỉ có sự mãn nguyện để chia sẻ.

 

“Chú mong cuộc đời êm ả thôi. Thật sự,” ông nói với vẻ trầm tư giữa dòng suy tưởng. “Và chú đã đạt được điều đó trong mấy chục năm qua.”

 

Đó là một ước vọng bình dị đối với bất cứ người nào. Đối với Nguyễn Ngọc Ngạn, một trong những tên tuổi nổi bật trong nền văn nghệ Việt Nam hiện đại, nó bình dị một cách lạ thường. Như thể danh vọng và hào nhoáng chưa bao giờ là một phần trong cuộc đời của ông khi ông đứng trên sân khấu hay ở bất cứ nơi nào khác. Như thể sự ngưỡng vọng của đồng nghiệp và công chúng dành cho ông chưa bao giờ làm ông cảm thấy mình vĩ đại hơn chính bản thân mình.

 

Nguyễn Ngọc Ngạn chưa bao giờ là ai khác ngoài chính bản thân ông, như ông ngồi dưới ngọn đèn vàng bên cạnh bàn ăn trong nhà bếp khi ông trò chuyện với tôi vào một ngày đầu tháng 11 tại nhà riêng ở Toronto, Canada. Ôn tồn và nhã nhặn, ông trả lời mọi câu hỏi như ông kể chuyện cho một khán giả đang chăm chú theo dõi. Có lúc ông trải lòng như giãi bày tâm tư với một thân bằng quyến thuộc đến thăm hỏi sau một thời gian dài xa cách.

 

Có một sự thật về Nguyễn Ngọc Ngạn hiện rõ từ những cuộc trò chuyện này: Ông là tổng hòa của tất cả những đối lập và tương phản mà định mệnh đã trao—hoặc gán—cho ông. Ông chấp nhận và đón nhận chúng như một phần bản sắc của chính mình. Và ông biến sự lạ thường của hoàn cảnh thành sự phi thường của nghị lực và tài năng, làm nên nét riêng độc đáo khó có thể mô phỏng hoặc thay thế. Chỉ có và có lẽ sẽ chỉ có duy nhất một Nguyễn Ngọc Ngạn.

 

Người điều khiển chương trình Nguyễn Ngọc Ngạn. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Kịch tác gia Nguyễn Ngọc Ngạn. Tất cả những danh hiệu đó đều vừa vặn với quy mô và tầm vóc của một sự nghiệp kéo dài gần 40 năm kể từ khi ông xuất bản tác phẩm đầu tiên của mình. Giờ đây sau khi ông đã loan báo ý định về hưu vào năm sau, công chúng sẽ nhớ tới ông với một danh hiệu nữa: biểu tượng văn hóa.

 

https://gdb.voanews.com/F5DFCA7B-1F4E-4087-89A8-A5AA09CCE641_w650_r0_s.jpg

Sự chăm chỉ và tài năng đưa Nguyễn Ngọc Ngạn từ một “ông giáo làng” đạo mạo lên thành nghệ sĩ lịch duyệt.

 

Ở tuổi 76, Nguyễn Ngọc Ngạn là một trong những MC gốc Việt lớn tuổi nhất vẫn còn tác nghiệp. Vốn là một nhà văn có sách bán chạy, ông gây chú ý khi bắt đầu cộng tác với Thúy Nga Productions, một trung tâm sản xuất âm nhạc ở Mỹ chuyên dàn dựng các chương trình biểu diễn hoành tráng, trong vai trò MC lần đầu tiên vào năm 1992. Ông nhanh chóng chiếm được tình cảm của khán giả và trở thành cái tên quen thuộc với hàng triệu người trong và ngoài nước nhờ phong thái điềm đạm, giọng nói và lối kể chuyện đầy sức lôi cuốn, và những màn ứng đối dí dỏm bên cạnh người đồng điều khiển chương trình Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

 

Gần 30 năm trên sân khấu, Nguyễn Ngọc Ngạn dường như chưa bao giờ rời khỏi đỉnh cao sự nghiệp, vốn được xây dựng trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ gắn bó với khán giả mà ông vun đắp. Đối với một thế hệ từng trải qua chiến tranh, ông là hiện thân cho những kinh nghiệm và kí ức của họ về quê hương mà nhiều người đã rời bỏ sau năm 1975 khi ông giới thiệu một ca khúc “nhạc vàng.” Đối với một thế hệ trẻ hơn sinh trưởng ngoài Việt Nam, ông là kho kiến thức dường như bất tận về văn hóa và lịch sử nhắc nhở họ về nguồn cội khi ông giải thích những phong tục ngày Tết hay truyền thống dân tộc. Còn với khán giả trong nước, ông là cầu nối giúp họ thấu hiểu tâm tư tình cảm của cộng đồng người Việt hải ngoại và mở ra cánh cửa dẫn vào một đời sống tinh thần phong phú hơn.

 

Nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn cảm thấy “khó nói” khi được hỏi thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của ông là gì. Sự khiêm tốn của ông đôi khi khiến người đối thoại quên mất ông là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở cả trong nước lẫn hải ngoại. Ông luôn trung thành với hình ảnh “ông giáo làng” mà ông chọn theo đuổi (và rất đắc ý) khi mới bắt đầu sự nghiệp. Ông sống trong một ngôi nhà giản dị hai tầng cùng vợ và con trai trong một khu dân cư trung lưu nơi ông dọn đến từ năm 2000. Khi những show diễn kết thúc, ông khước từ sự náo nhiệt và hội hè của thế giới giải trí để dành thời gian đọc sách, xem phim và viết truyện.

 

“Người ta vẫn nói là họa sĩ thì học ở bảo tàng viện, thi sĩ thì học ở ca dao tục ngữ và Truyện Kiều, mình đang nói Việt Nam,” ông đúc kết bí quyết thành công của riêng mình. “Thì chú cũng thế thôi, chú cũng như bất cứ nhà văn nào khác, bất cứ người viết kịch nào khác. Cháu sáng tạo sự thực là mô phỏng. Cháu từ một cái có này cháu ra cái có khác chứ không phải chỉ có Thượng đế mới sáng tạo từ cái không thành có. Một người viết văn, một người viết kịch, một người làm MC thì phải học thôi cháu. Phải đọc nhiều, phải học nhiều, coi show, coi phim, coi báo chí. Nếu chú có được những thành tựu như cháu nói thì sự thực ra là sự chăm chỉ của chú thôi.”

 

Nguyễn Ngọc Ngạn dẫn tôi đi tham quan nơi mà sự chăm chỉ đã hun đúc nên con người ông hiện thời. Tầng hầm nhà ông được cải biến thành một thư viện nhỏ nơi những kệ sách che kín các bức tường từ sàn lên đến trần. Ông nói ông đã đọc hết tất cả những cuốn sách trên kệ và nhớ hết những gì ông đã đọc. “Chú không cần Google vì Google ở đây này,” ông nói và chỉ tay vào đầu. Tôi bật cười trước câu nói đùa, chợt vỡ lẽ sau vài phút kinh ngạc trước đó khi nghe ông thừa nhận “đến giờ này chú không hiểu Google là cái gì cả” và cũng không màng học cách sử dụng nó vì “bây giờ trễ rồi.” Với Nguyễn Ngọc Ngạn, đôi khi chẳng có ranh giới giữa sự hài hước và nghiêm túc.

 

Chăm chỉ thôi chưa đủ, tài năng độc đáo của Nguyễn Ngọc Ngạn chính là đòn bẩy đưa ông giáo làng đạo mạo lên thành nghệ sĩ lịch duyệt. Chất giọng trầm ấm có chiều sâu được ông sử dụng một cách hữu hiệu—ông kể nhiều hơn nói—để thu hút sự chú ý của khán giả trong khi óc khôi hài bén nhạy của ông khơi gợi tiếng cười từ những khoảnh khắc ngẫu nhiên nảy sinh trên sân khấu. Ông cũng linh hoạt thay đổi cách trò chuyện để phù hợp với những đối tượng khác nhau—người cùng dẫn chương trình, ca sĩ, nhạc sĩ, khách mời hay khán giả—nhưng vẫn duy trì sự nhất quán trong phong cách. Nói vắn tắt, ông sinh ra là để đứng trên sân khấu.

 

“Chú có một cái đặc biệt là đứng trước đám đông chú không mất bình tĩnh, chú rất là thản nhiên. Chú chỉ mất bình tĩnh khi rạp vắng người thôi,” ông nói. “Quay thu hình Paris By Night thường thường là thu 10 camera thì cháu thấy họ cứ nói xôn xao lắm, làm mình chia trí lắm. Cho nên có nhiều [MC] làm live show ngoài rất là hay mà vào quay lại bị khớp. Nhưng mà chú may quá ngay cả show đầu chú đã không khớp rồi. Trời cho đó.”

 

https://gdb.voanews.com/68929F96-D491-4858-A505-FDDD4B013105_w1023_r0_s.png

Nguyễn Ngọc Ngạn điều khiển chương trình bên cạnh MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong chương trình Paris By Night 129. (Ảnh chụp màn hình video YouTube của Thúy Nga Productions.)

 

Ông nói ông thường không chuẩn bị quá nhiều cho những chương trình mà ông điều khiển, phần vì kiến thức đã có sẵn trong đầu nên có thể ứng biến gần như trong mọi tình huống và phần vì tập dượt bài bản có thể đánh mất sự tự nhiên. Nhưng không thể không có sự chuẩn bị vì công việc của người điều khiển chương trình thực chất là đánh lạc hướng sự chú ý của khán giả khỏi những hoạt động chuẩn bị sân khấu chuyển tiếp giữa các tiết mục.

 

“Không phải cháu muốn nói nhiều hay muốn nói ít đều được mà phải tùy theo đạo diễn, tại vì người ta đổi cảnh thì cháu cứ phải nói cho đến khi nào người ta bấm đèn sân khấu đã sẵn sàng thì cháu mới được ngưng,” ông giải thích. “Có nghĩa là chú và cô Kỳ Duyên luôn luôn phải chuẩn bị sẵn nhiều vấn đề ở trong đầu lắm. Nhiều khi nhìn mãi mà không nhìn thấy họ bấm đèn thì cứ phải nói… Trong mấy chục năm khán giả không biết là chú với Kỳ Duyên đang câu giờ, họ tưởng là nói chuyện có soạn trước nhưng mà không phải.”

 

Nguyễn Ngọc Ngạn bác bỏ mọi nhận định cho rằng ông là linh hồn của Paris By Night. Ông xem sự thành công của show diễn là thành quả của cả một tập thể trong khi sự thành công của cá nhân một phần lớn là nhờ những cơ hội và sự hỗ trợ mà ông có được trong suốt sự nghiệp. Thực tế là ông ít quan tâm tới địa vị hay tầm quan trọng của chính mình. Làm người nổi tiếng không phải là mối bận tâm hàng đầu của ông. “Chú chỉ bận tâm là chú có để lại được cái gì về văn hóa hay không, đối với chú cái đó rất quan trọng,” ông nói.

 

Câu trả lời là có. Các học giả đồng ý rằng ông đóng một vai trò quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa cho các thế hệ người Việt hải ngoại tìm cách hòa nhập vào đời sống ở đất nước họ chọn làm quê hương thứ hai. “Ông ấy đã sống một đời dày dạn và đã xác lập bản thân như một biểu tượng văn hóa thiết yếu trong thế giới truyền thông đại chúng Việt Nam,” Nhi Lieu, một học giả độc lập ở Mỹ từng viết sách về sự hình thành bản sắc người Mỹ gốc Việt thông qua văn hóa đại chúng, nhận định. “Tôi nghĩ sự xuất hiện của ông ấy trong những chương trình Paris By Night thực sự củng cố di sản của ông ấy là tiếng nói của người Việt hải ngoại.”

 

Vinh Nguyen, phó giáo sư ngôn ngữ và văn chương Anh tại Đại học Waterloo, cho rằng nhắc đến văn hóa Việt Nam hải ngoại thì không thể không nhắc tới Nguyễn Ngọc Ngạn. Là một trong những người thuộc thế hệ trưởng thành bên ngoài Việt Nam, nhà nghiên cứu văn chương và văn hóa của người gốc Á hải ngoại này cho biết ngay từ khi ông định cư ở Canada vào năm 1991 ông đã bắt đầu xem các chương trình Paris By Night cùng với gia đình. Bản thân ông đã học được “những bài học quan trọng” về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ Nguyễn Ngọc Ngạn, vì “có điều gì đó rất gần gũi về hình tượng của ông ấy, rất đời thường và nhân văn.”

 

“Nguyễn Ngọc Ngạn đã vun đắp biết bao niềm tự hào về văn hóa Việt Nam cho một thế hệ người tị nạn và con cái của họ,” ông nói. “Danh tiếng của ông ấy sẽ sống mãi—như một trong những người nổi tiếng đầu tiên của cộng đồng hải ngoại, như một người hết lòng vì văn hóa Việt Nam, như một biểu tượng cho sự kiên cường của con người—trong khi văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển và biến đổi.”

 

Long T. Bui, nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt và văn hóa đại chúng tại Đại học California Irvine, so sánh Nguyễn Ngọc Ngạn với những nhân vật truyền hình trứ danh của Mỹ như Dick Clark và Arsenio Hall, với sự khác biệt là Nguyễn Ngọc Ngạn kể câu chuyện cụ thể của cộng đồng người Việt hải ngoại và nỗ lực vươn lên của họ. “Sẽ không bao giờ có người nào nữa giống như ông ấy,” ông nói.

 

https://giphy.com/gifs/J5B8N6Ae4gR1gTk2iw?utm_source=iframe&utm_medium=embed&utm_campaign=Embeds&utm_term=https%3A%2F%2Fwww.voatiengviet.com%2F

 

Thỉnh thoảng tôi nghĩ về sự kiên cường của Nguyễn Ngọc Ngạn và tự hỏi những biến cố trong cuộc đời đã định hình nhân cách của ông nhiều đến mức nào. Không phải ngẫu nhiên mà ông trở thành tiếng nói đại diện của người Việt hải ngoại vốn đa số là người tị nạn rời bỏ đất nước sau Chiến tranh Việt Nam. Bản thân ông cũng là một người tị nạn, cũng xây dựng lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng của một thuyền nhân vượt biển, và cũng từng bị giam giữ trong những trại “học tập cải tạo” sau năm 1975 vì trước đó ông là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi người ta nghe Nguyễn Ngọc Ngạn nói, họ nghe thấy tiếng lòng của chính mính.

 

“Trong gia đình năm anh em trai chú là người đầu tiên vượt biển thành công qua bên Malaysia. Cho nên khi vừa tới trại tị nạn đáng lẽ phải chờ để đi Mỹ, nhưng mà số người đi Mỹ đông quá phải chờ lâu nên chú đi Canada, thay vì chờ thêm sáu tháng nữa để đi Mỹ. Tại vì lúc đó chú nghĩ là chú phải đi làm ngay bởi vì nhà chú còn mấy anh em đi cải tạo chưa có người nào vượt biển, có mình chú đi đầu. Chú qua Vancouver rồi chú đi làm ngay để kiếm tiền,” ông kể.

 

“Đầu tiên chú lên trên một hòn đảo, chú làm công việc lao động chân tay rất là nặng nhọc cho công ty xuất khẩu lúa mì. Lúa mì họ đổ trên máy rồi xay, xay xong rồi nó chạy xuống tàu của Liên Xô với Trung Cộng đậu ngoài hải cảng, chú chỉ có điều khiển máy thôi. Công việc rất là bụi bặm. Chú cắm đầu cắm cổ đi làm liền, chú làm năm năm liên tiếp. Trong khi chú làm cái đó chú bắt đầu viết văn. Tất cả những cuốn truyện đầu tiên chú viết ở đó, rồi cuốn sách tiếng Anh [The Will of Heaven] chú cũng viết ở đó. Sau năm năm cái hãng đó đóng cửa, chú mới về Toronto này. Về Toronto một thời gian thì Bùi Bảo Trúc bên đài VOA, là người bạn cũ của chú ở Đại học Văn khoa ngày xưa, kêu chú chuẩn bị sang đài VOA làm đi. Sau chú lại bỏ cuộc không có ý định đó vì bên Thúy Nga đã kêu chú.”

 

Nguyễn Ngọc Ngạn nói ông từng rơi nước mắt trên sân khấu khi xem lại những khoảnh khắc di tản hỗn loạn trong ngày Sài Gòn sụp đổ khi ông dẫn chương trình kỉ niệm 20 năm và 30 năm sự kiện này. Có lúc sự xúc động biến thành nỗi đau quặn thắt khi ông nhớ về cuộc vượt biên năm 1978 của chính mình. “Chính chú bị đắm tàu. Tàu của chú 161 người chết trong đó có vợ con chú. Nhìn thấy những cái tàu ở trên biển khi chiếu lại trong cuốn ‘Tôi là người Việt Nam’ chú đã thấy xúc động rồi, nhiều khi chú phải quay mặt đi không dám nhìn. Nó nhắc lại chú những cái cảnh hãi hùng và những cái cảnh chết chóc của 43 năm về trước,” ông nói.

 

“Lúc mà chú rơi xuống biển thì chú biết mình sắp chết rồi, trăm phần trăm. Trong một hai phút lóp ngóp ở trong biển, chú chỉ có đọc kinh và cầu nguyện thôi, lúc đó không còn nghĩ gì nữa, thôi đến giờ mình qua đời rồi thì mình cầu nguyện. Nhân cháu hỏi thì chú nói, niềm tin tôn giáo đôi khi giúp mình mãnh liệt lắm, những lúc mình tuyệt vọng,” ông trả lời câu hỏi về vai trò của niềm tin tôn giáo trong cuộc đời sau khi tôi lưu ý rằng trong nhà ông trưng bày nhiều hình tượng Kitô giáo. Sự cởi mở của ông làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã không nghĩ rằng ông có thể sẵn lòng chia sẻ thêm bất cứ điều gì khác mà công chúng đã biết về bi kịch của cá nhân ông.

 

“Người Công giáo luôn luôn có câu: Mọi sự trên đời này đều do Chúa định. Vì tin như vậy cho nên chú vẫn cho đó là một sự sắp đặt của Thượng đế nên chú không oán trách hay bận tâm hay tuyệt vọng. Dĩ nhiên nó rất là buồn là vì người thân của mình mất trước mặt mình. Nhưng mà làm sao được cháu khi mà trời định như vậy. Con chú mất lúc đó là bốn tuổi mấy. Nó sinh ra năm 74 thì 75 chú đi cải tạo, tức là ba năm không gặp con. Vừa mới về được mấy tháng là vượt biển thì nó mất. Bà xã chú cũng vậy. Chú lấy bà xã đầu được tám năm. Tám năm thì năm năm ở trong quân đội, ba năm ở trại cải tạo, coi như gần nhau chỉ có khoảng một năm thôi. Cái thời chiến nó như vậy cháu, rất nhiều người thời chiến như thế, thì mình nghĩ đó là cái mệnh chung của đất nước chứ không phải là riêng của mình.”

 

https://gdb.voanews.com/362FDDA6-8A95-4A87-8690-390C62AA714F_w1023_r0_s.jpg

Một bức tranh là quà do người hâm mộ tặng được Nguyễn Ngọc Ngạn treo trong nhà bếp của ông, ở Toronto, Canada, ngày 9 tháng 11, 2021.

 

Định mệnh buộc Nguyễn Ngọc Ngạn phải rời bỏ quê hương nhưng quê hương chưa bao giờ rời bỏ Nguyễn Ngọc Ngạn. Hay đúng hơn, ông chưa bao giờ để cho điều đó xảy ra vì ông luôn nặng lòng với đất nước và dân tộc. Cuốn tự truyện “The Will of Heaven,” được nói là cuốn sách bằng tiếng Anh đầu tiên của một thuyền nhân người Việt xuất bản ở Mỹ, là mảng kí ức về quãng đời của ông ở Việt Nam khi ông còn đi học, nhập ngũ, đi tù cải tạo, và vượt biển. Trong những năm 1980, ông sáng tác nhiều tác phẩm mang đậm màu sắc chính trị và thời cuộc, chỉ trích mạnh mẽ chế độ cộng sản ở quê hương, từ cải cách ruộng đất ở miền Bắc cho tới nền kinh tế tập trung thời bao cấp cũng như tình trạng tham nhũng và đàn áp nhân quyền. Nhưng cái nhìn của ông về đất nước biến chuyển, khi Việt Nam tiến hành cải cách và chuyển sang nền kinh tế thị trường, điều mà ông nói là “đáng mừng.”

 

“Những truyện về sau chú viết thì chú cũng không có đả kích trong nước nhiều bởi vì họ đã đổi mới rồi mặc dầu cái danh nghĩa của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn. Điều 4 Hiến pháp nói rằng Đảng Cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo thì cái đó là chuyện họ bảo vệ đảng của họ, nó là một nước tư bản độc đảng thôi, chứ còn bản chất của nó bây giờ là một nước tư bản,” ông nói.

 

Tôi nhắc ông về một khoảnh khắc hồi năm 2014 khi ông trở thành một nhà hùng biện trong vài phút ngắn ngủi. Vài tuần sau khi Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tình hình trong nước sôi sục, ông đứng một mình giữa sân khấu Paris By Night, cất cao giọng hơn bình thường, và phát biểu một cách hùng hồn về sự vĩnh cửu của đất nước và dân tộc. Lời ông nói nghe như một bài diễn thuyết của một chính khách đang khuấy động tinh thần của quần chúng. Đó là những giây phút mà tiếng nói của ông vang vọng nhất trong khán phòng, và có lẽ còn xa hơn nữa.

 

“Chú quan niệm rất rõ mình ở hải ngoại, mình chỉ có thể yểm trợ và vận động quốc tế thôi chứ mình không có làm gì được cho người trong nước. Người trong nước phải đối diện với cuộc chiến,” ông chia sẻ. “Lúc đó, chú muốn lên tiếng nói nếu xảy ra cuộc chiến, cách này hay cách khác, thì người trong nước hiểu rằng khối người hải ngoại này tuy xa quê hương nhưng vẫn một lòng trong vấn đề chống ngoại xâm. Chú có thể không bằng lòng với chế độ chính trị của Việt Nam nhưng mà vấn đề chống ngoại xâm luôn luôn là mình phải đồng lòng với đất nước. Đó là cái ý của chú khi chú phát biểu điều đó.”

 

Tha thiết với quê hương nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn chưa từng trở về Việt Nam—và có lẽ không bao giờ. Đó là một trong những sự đối lập nổi bật nhất của ông và dường như ông không giằng xé gì về mâu thuẫn này, ít nhất là trong cách ông mô tả quyết định của mình. Ông có những nguyên tắc, và vì những nguyên tắc này, ông sẵn sàng nói không. “Người ta đề nghị trả chú một số tiền khá lớn để về đi một cái tour ở Việt Nam,” ông kể. “Một người bầu show [ở Mỹ] chuyển một lời đề nghị từ Việt Nam qua cho chú phải nói là khá lớn, nói là nếu mà ông Ngạn nhận lời đi chuyến lưu diễn này thì ông có thể nghỉ hưu khỏi phải đi show nữa. Chuyện này cách đây khoảng 10 năm rồi. Nhưng chú nói không ngay. Chú nói, ‘Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó.’”

 

Quyết định không trở về nước của ông luôn là một bí ẩn gây tò mò, nhất là khi ngày càng nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về để tìm kiếm những cơ hội phát triển sự nghiệp bên cạnh những lý do cá nhân khác. Nguyễn Ngọc Ngạn hài lòng với những gì mình có và không tiếc những gì lẽ ra ông có thể có. Ông tự tách mình khỏi những trào lưu thời cuộc như dòng nước tuôn chảy không ngừng. Ông nép mình vào một góc tĩnh lặng, một thế giới mà ông đã kiến tạo cho riêng mình, để ôm ấp những kí ức như những báu vật thời gian vô giá và bất khả xâm phạm, như thể vẻ đẹp thật sự của chúng chỉ hiển lộ dưới ánh sáng của thời quá vãng. Với Nguyễn Ngọc Ngạn, quê hương là hoài niệm.

 

“Chú rất muốn về thăm quê, tại vì chú có trí nhớ tốt mà nó cũng làm hại chú,” ông nói. “Chú ra đi [vào miền Nam] là 9 tuổi mà cái hình ảnh quê hương vẫn còn nguyên, xóm làng vẫn còn nguyên. Nhưng mà chú nghe những người thân thuộc của chú về quê của chú sang đây kể lại thì nói là, ông Ngạn ơi ông về giờ ông không nhận ra đâu, nó không còn là lũy tre làng, không còn là con đê sông Hồng như ngày xưa nữa đâu. Tại vì cái vùng của chú ngày xưa là Sơn Tây nhưng bây giờ nó thành ngoại ô của Hà Nội rồi, thành thử không nhận ra nữa đâu. Thì thôi để chú cứ giữ cái hình ảnh đẹp đó trong đầu cũng được rồi cháu.”

 

Tôi đưa ra một giả thuyết cho Nguyễn Ngọc Ngạn: Có phải bi kịch cá nhân của chú đã vạch ra một lằn ranh đỏ để chú không bao giờ vượt qua? “Cháu hỏi thì chú phải nói thật, lúc đầu thì là như thế khi chú ra đi. Trong cái hoàn cảnh đó thì cái lằn ranh rất là rõ… Bây giờ Việt Nam từ sau khi đổi sang cơ chế thị trường thì nó giống như Việt Nam Cộng Hòa trước năm 75, chú nghĩ là hận thù của tất cả những người bỏ nước ra đi giống như chú đã giảm đi. Cho nên cái lằn ranh đối với chú, nó cũng giảm đi. Nó còn ở đó, nhưng nó không còn gay gắt như là thủa ban đầu,” ông chia sẻ. “Từ khoảng năm 2000 thì bắt đầu có bầu show trong nước mời chú về, nhưng mà lúc đó nó còn mới quá nên chú cũng không nghĩ đến chuyện về. Bây giờ thì chú đã già quá rồi nên chú lại càng ngại về.”

 

https://gdb.voanews.com/BF58445E-81BF-4460-88F8-BDF756AE479F_w1023_r0_s.jpg

Nguyễn Ngọc Ngạn trong thư viện tại nhà riêng ở Toronto, Canada, ngày 9 tháng 11, 2021. Ông nói ông đã đọc hết tất cả những cuốn sách trên kệ và nhớ hết những gì ông đã đọc.

 

Khi tôi nghĩ về cuộc hẹn đầu tiên với Nguyễn Ngọc Ngạn, tôi không chắc có bất cứ điều gì tôi đã làm có thể giúp tôi chuẩn bị cho những điều ngạc nhiên mà tôi sẽ gặp phải. Tôi không biết là ông sẽ mở cửa nhà cho tôi trước khi tôi kịp gõ cửa hay bấm chuông (ông nói ông bắt đầu đợi tôi đến từ khá lâu trước giờ hẹn). Tôi không thể không phá lên cười khi ông đưa ra một thí dụ minh họa sự khôi hài kiểu Mỹ bằng giọng điệu và vẻ mặt rất nghiêm túc. Đôi lúc tôi ngập ngừng khi yêu cầu ông chia sẻ những suy nghĩ rất riêng tư về những biến cố trong cuộc đời, ông đáp ứng bằng những câu trả lời rành rọt, thẳng thắn và chân thành. Trò chuyện với ông giống như đọc một cuốn sách với một bảng chú dẫn chi tiết để tra cứu những điểm mục còn chưa tường tận, và cuốn sách đó luôn mở.

 

Sự cởi mở của ông bao hàm cả vấn đề tuổi tác. Ông không ngại nói về nó và gánh nặng của nó đối với sức khỏe của mình. Làm việc trong lĩnh vực mà nhiều người đua nhau níu giữ sự trẻ trung để duy trì hình ảnh trước công chúng, ông làm bạn với tuổi tác một cách tự nhiên, dù mái tóc đen dày của ông khó có thể cho biết là ông đã ở nửa sau của độ tuổi 70. Nhưng tuổi tác không phải lúc nào cũng là người bạn tốt nhất với chúng ta, kể cả với Nguyễn Ngọc Ngạn. “Chú 76 tuổi thì sức khỏe nó suy yếu, tại vì chú có cái bệnh căn bản là máu cao, tiểu đường, cholesterol. Chú bị mấy cái bệnh đó lâu rồi,” ông nói.

 

Sức khỏe suy yếu là nguyên nhân sâu xa đưa tới quyết định về hưu, ông nói. Trong lúc chuẩn bị cho chương trình Paris By Night thu hình ở Singapore cuối năm 2019, ông phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộp thở. “Năm trước thì chú đã bị cấp cứu vì máu ra ở mũi tại bên California rồi, bây giờ lại bị thêm một lần nữa, cho nên là chú có ý định về hưu trong lúc chú nằm nhà thương Singapore, nhưng mà chú không nói với ai. Chú chỉ nói riêng với cô Thủy là giám đốc Thúy Nga thôi,” ông kể. Ông chính thức loan báo ông sẽ về hưu trong một show diễn vào tháng 8 năm nay trong một quyết định mà ông nói là đột ngột, với “lý do gần là tại chú ngại đi máy bay quá” do những quy định nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19.

 

Marie Tô Ngọc Thủy, giám đốc điều hành của Thúy Nga Productions, nói bà ước muốn tổ chức một chương trình “thật lớn” vào năm 2022 tại Las Vegas—và một chương trình nữa ở Thái Lan cho khán giả từ Việt Nam dễ dàng sang tham dự—để tôn vinh MC hàng đầu của trung tâm cho lần cuối cùng ông đứng trên khấu và để đánh dấu 30 năm ông nắm giữ vai trò này. Nhưng trở ngại lớn nhất là những diễn biến khó lường của đại dịch có thể làm đảo lộn hoặc trì hoãn mọi hoạch định vào thời điểm này. Sự chắc chắn duy nhất là sự không chắc chắn về mọi thứ, ngoại trừ việc Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ giã từ sân khấu.

 

Ai sẽ thay thế ông? Bà Thủy nói “chắc chắn sẽ có sự thay đổi” và những phương án được bà cân nhắc bao gồm mời MC từ Việt Nam hoặc tổ chức một cuộc thi tuyển lựa MC tại Mỹ. “Nhưng mà tuyển lựa MC thì thật sự vấn đề là mình lên một cuốn có thể hay nhưng mà làm sao từ cuốn này qua cuốn kia mình vẫn còn tư liệu để nói và vẫn còn sự duyên dáng và thu hút như chú Ngạn. Chuyện đó không phải dễ,” bà nói thêm.

 

Về phần mình, Nguyễn Ngọc Ngạn nói ông vui là cuối cùng có thể rời xa ánh đèn sân khấu. Ông so sánh một cách hài hước quyết định về hưu với việc trả hết khoản tiền nợ vay ngân hàng để mua nhà sau hàng chục năm làm lụng vất vả. Sự ra đi càng nhẹ nhõm vì ông “không vấp ngã trong vấn đề tình cảm” trong suốt sự nghiệp của mình, ông nói. Nhưng có một món nợ mà có thể ông sẽ không trả hết được.

 

“Người nghệ sĩ như chú nợ khán giả về ân tình, nợ nhiều nhất là về ân tình,” ông nói khi được hỏi ông còn vấn vương điều gì không sau khi giã từ sân khấu. “Gặp người ta chào, người ta bắt tay, có khi người ta gửi tặng cho chú cuốn sách, có khi người ta gửi tặng cho chú một món quà nho nhỏ. Nó là một cái kỉ niệm là lúc nào chú cũng nhớ. Cho nên sân khấu có thể chú không nhớ nhưng mà chú nhớ khán giả. Đó là điều chắc chắn đối với chú.”

 

Đó không phải sáo ngữ của một nghệ sĩ khéo lấy lòng khán giả. Trong nhà bếp nơi tôi trò chuyện với ông treo một bức tranh trừu tượng một người phụ nữ gảy đàn, một chiếc đồng hồ với ảnh chụp hai vợ chồng ông giữa mặt số, và một bảng gỗ trang trí viết tên ông bằng chữ Hán—tất cả đều là quà mà người hâm mộ gửi tặng. Ông sống giữa lòng thương mến của khán giả theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

https://gdb.voanews.com/CDD0AEAA-BE9A-4D56-8D39-7DFF84A191D7_w650_r0_s.jpg

Nguyễn Ngọc Ngạn trước show diễn Paris By Night 132 tại Pechanga Resort Casino, Temecula, California, ngày 12 tháng 12, 2021. Ông nói đây là lần cuối cùng ông giữ vai trò MC cho chương trình ca nhạc mừng Tết.

 

Nguyễn Ngọc Ngạn rồi sẽ có những ngày tháng vui hưởng tuổi già, nhưng ngay lúc này ông vẫn day dứt với những nỗi phiền muộn không thể tránh khỏi. Cuộc đời vẫn đang nhắc nhở ông về những được-mất vô thường và đôi khi tàn nhẫn. Trong gần hai năm qua ông đã mất đi những người bạn trong giới văn nghệ mà ông trân quý vì COVID-19 hoặc vì những lý do khác. Ông liệt kê từng người theo thứ tự thời gian với sự chính xác gần như tuyệt đối, như thể trí nhớ của ông không cho phép ông quên những sự ra đi đau buồn này. Nói theo cách của ông, ông “bị hại” vì có trí nhớ tốt.

 

“Trong các nhạc sĩ thì chú gần gũi và thân nhất là nhạc sĩ Lam Phương. Những buổi nói chuyện với nhạc sĩ Lam Phương chú rất trân trọng và rất là nhớ,” ông nói. “Sau khi nhạc sĩ Lam Phương mất thì chú rất là nhớ nhạc sĩ Lam Phương, chú có viết một bài ‘Lam Phương và những cuộc tình vây quanh’ chú có đọc trên YouTube.”

 

Gần đây Nguyễn Ngọc Ngạn xem lại những vở kịch mà ông từng viết, điều mà trước giờ ông ít khi làm. Không phải vì ông rảnh rỗi hơn trước mà vì ông muốn tìm lại những hồi ức thân thương với những “đệ tử” của ông trong ban hài kịch của Thúy Nga. Sự ngậm ngùi có lẽ nhiều hơn những nụ cười vì hai người trong số họ qua đời cách nhau chỉ vài tháng. “Sốc nhất là Chí Tài và Phi Nhung,” ông nói, nhắc tới cây hài trứ danh cộng tác với ông nhiều nhất và nữ ca sĩ nổi tiếng được ông mời đóng ba lần đều để lại ấn tượng sâu đậm.

 

Nguyễn Ngọc Ngạn là con người của lý tính hơn là cảm tính. Ngay cả trong những khoảnh khắc dễ xúc động nhất, ông gói ghém cảm xúc của mình bằng ngôn từ và sự mạch lạc của dòng suy tưởng. Vẻ thâm trầm đôi lúc ưu tư gần như là biểu cảm chủ đạo của ông trong phần lớn cuộc trò chuyện. Cũng có thể ông dằn lại cảm xúc của mình giống như ông nói ông “phải dằn lại” sự bực bội khi nhìn thấy những video với tựa đề giật gân trên YouTube, một số đăng lại những truyện mà ông viết. Ông như một mặt hồ bình lặng, đôi khi có những gợn sóng nhưng tan biến trong tích tắc.

 

Thế nên tôi có phần bất ngờ với thần thái của ông khi tôi hỏi ông muốn mình được nhớ tới như thế nào. “Hiện bây giờ chú gặp người ta thì chú có cái vừa vui vừa buồn là có nhiều người gặp chú chỉ nhớ truyện ma thôi, nhất là trong nước,” ông nói, gương mặt giãn ra một nụ cười biểu lộ sự khó hiểu pha lẫn hài hước trước một thực tế trớ trêu. “Chú bảo thôi chết rồi hỏng rồi, tại sao mà mình làm bao nhiêu việc khác người ta không nhắc mà người ta cứ nhắc truyện ma là thế nào!”

 

Tôi giải thích rất nhiều người trẻ hứng thú với những truyện ma ông viết, mà cũng rất có thể họ biết đến ông đầu tiên thông qua những tác phẩm này. Đó là lý do vì sao ông vẫn duy trì sự lôi cuốn qua nhiều thế hệ khán giả và xác lập một vị thế vững vàng trong văn hóa đại chúng. Một Stephen King của Việt Nam. (Stephen King là nhà văn Mỹ nổi tiếng với thể loại truyện kinh dị mà ông rất thích.) Không mất nhiều thời gian để thuyết phục Nguyễn Ngọc Ngạn đồng ý rằng truyện ma cũng là một dấu ấn để các thế hệ trẻ nhớ đến ông.

 

“Cái thời mà băng cassette của chú về truyện ma trong nước là đến chín mười bài báo Công an họ lên tiếng phàn nàn, họ chống đối dữ dội lắm. Họ nói là ai cho phép phát hành truyện ma mà làm con tôi ban đêm không dám ngủ?” ông phì cười nhớ lại.

 

Chú có sợ những truyện ma mà chú viết không, tôi hỏi. “Không, tại vì có ma đâu mà chú sợ,” ông trả lời tỉnh bơ khiến tôi không nhịn được cười. “Nếu chú gặp ma thì chú đã sợ không viết được.”

 

https://gdb.voanews.com/5A79084B-F932-4EB4-A303-B5D53A5BAB43_w1023_r0_s.jpg

Nguyễn Ngọc Ngạn trò chuyện với khán giả bên ngoài nhà hát sau show diễn Paris By Night 132 tại Pechanga Resort Casino, Temecula, California, ngày 12 tháng 12, 2021.

 

Điện thoại của tôi rung lên lúc 10 giờ 50 phút tối. Một tin nhắn vừa đến. “Cam on chau,” Nguyễn Ngọc Ngạn viết, hồi đáp tin nhắn tôi gửi trước đó chúc mừng ông hoàn thành một show diễn dài và cảm ơn ông đã dành chút thời gian cho tôi chụp hình dù ông rất bận rộn. Đó là show thu hình có khán giả đầu tiên của Paris By Night đánh dấu sự quay trở lại chính thức sau hai năm đình trệ vì COVID-19. Đó cũng là chương trình mừng Tết cuối cùng mà ông tham dự trong vai trò MC, ông nói. Ông trở lại để loan báo quyết định về hưu của mình một lần nữa.

 

Lần đầu tiên chứng kiến trực tiếp Nguyễn Ngọc Ngạn điều khiển chương trình trong một hí viện chật kín khán giả, tôi nhận ra ông không có tuổi trên sân khấu. Giọng nói truyền cảm của ông vẫn thu hút sự chú ý vì chỉ có ông mới có thể kể những câu chuyện và giai thoại một cách lôi cuốn. Sự khôi hài ý vị của ông vẫn khơi ra những tràng cười hoan khoái vì chỉ có ông mới có thể tự châm biếm mình như vậy. Và chỉ có ông, bằng tất cả vốn hiểu biết và tấm lòng của một người luôn hướng về quê hương, mới có thể nuôi dưỡng sự trân trọng lâu bền đối với văn hóa của dân tộc qua nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại lẫn trong nước. Ông vẫn làm những việc mà ông làm tốt nhất trên sân khấu và khán giả vẫn tán dương ông về điều đó.

 

Nhà văn và triết gia người Anh John Ruskin nói “phép thử đầu tiên của một vĩ nhân thực sự là sự khiêm cung của người đó.” Nguyễn Ngọc Ngạn không thiếu sự khiêm cung và ông chắc chắn không xem mình là một vĩ nhân. Ông không mấy quan tâm tới địa vị ngôi sao của mình. Ông hạ giảm tầm quan trọng của những thành tựu của chính mình và ngại ngùng khi tôi xin chụp hình ông đứng trước những kệ sách trong thư viện cá nhân của ông vì sợ bị xem là giả tạo. Ông luôn trả lời mọi tin nhắn và cuộc gọi điện thoại của tôi và gần như luôn kết thúc bằng lời cảm ơn. Sự ân cần và sẵn lòng của ông khiến tôi kinh ngạc. Có một chú Ngạn nơi Nguyễn Ngọc Ngạn, bình dị và đôn hậu, trong cuộc sống riêng tư cũng như dưới ánh đèn sân khấu.

 

Nguyễn Ngọc Ngạn nói ông thích nhất ca khúc “Người về” của nhạc sĩ Phạm Duy nói về tâm tình của một người chiến sĩ trở về quê nhà sau những năm chinh chiến. Ca từ và giai điệu da diết khiến tôi không thể không liên tưởng đến ông như một “người về”—về từ trại học tập cải tạo, về từ những khoảnh khắc cận kề cái chết, về lại Việt Nam trong tâm tưởng và nỗi nhớ niềm thương khôn nguôi qua công việc mà ông theo đuổi gần suốt cả đời. Tôi nghĩ về một thế hệ những “người về” như Nguyễn Ngọc Ngạn. Chúng ta nhớ đến họ vì những gì họ đã trải qua, những gì họ đã chia sẻ và để lại cho những thế hệ sau này. Họ nhắc nhở chúng ta về quá khứ để chúng ta thấu hiểu hiện tại và định hướng tương lai. Họ là một phần của lịch sử, không thể xóa bỏ hay thay thế.

 

Nguyễn Ngọc Ngạn là tiếng vọng trường tồn của thế hệ đó.




No comments:

Post a Comment

View My Stats