Saturday, 18 December 2021

MẸ ƠI CON YÊU MẸ (Nguyễn Xuân Thọ)

 


Mẹ ơi con yêu mẹ

Nguyễn Xuân Thọ

17 Tháng Mười Hai, 2021

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/me-oi-con-yu-me/

 

Má tôi ra đi đã năm ngày. Tôi không thể bày tỏ được tổn thất này. Tôi thường về ăn tết với Má, tôi coi bà là sợi dây nối tôi với quê hương. Má đi rồi, tôi vẫn mất ngủ như khi bà còn đó, vẫn nghe tiếng bà đêm đêm kêu đau, muốn trở mình hay muốn uống nước.

 

Lo xong đám tang cho Má, tôi ốm gục mấy hôm nay. Tất cả những căng thẳng, stress mấy tháng qua đã khiến tôi suy nhược thần kinh. Tôi nằm đó, luôn nghe tiếng Má rên khi khó thở. Nằm mà không ngủ được. Rồi tôi an ủi để cố ngủ: Dù sao Má đã được chúng con chăm sóc trong những ngày cuối cùng. Má đã mãn nguyện, vì ở tuổi 97, Má vẫn bắt con phải đi thẳng lưng, để khỏi bị gù, Má vẫn gọi điện ra Hà Nội nhắc anh Lộc chịu khó ăn, vẫn giục em Nhung uống thuốc.

 

Mấy đêm nay, mối tình mẫu tử của Phạm Đoan Trang và mẹ cô, bà Bùi Thị Thiện Căn khiến tôi thêm trăn trở. Bà Căn không được may mắn như Má. Bà không được phép chăm lo cho cô con gái bệnh tật nằm trong xà lim lạnh lẽo. Ngày xử con gái, bà không được đến gần con. Từ chỗ chỉ là một cô giáo về hưu, không quan tâm đến chính trị, bà đã trở thành một người hiên ngang đối mặt với công quyền, quyết bảo vệ và tiếp sức cho đứa con yêu quý của bà.

 

Hình ảnh Trang cố ngoái cổ lại nói với mẹ: „Mẹ ơi con yêu mẹ! Con không sợ gì đâu. Mẹ giữ sức khỏe nhé“ khiến tôi dù còn ốm, vẫn phải gượng dậy viết những dòng này.

 

Tôi không quen Đoan Trang trong đời. Nhưng chúng tôi quý trọng nhau qua những suy nghĩ thể hiện trên mạng. Tôi không dám so mình với Trang. Em nhỏ hơn tôi 27 tuổi, nhưng em hơn hẳn tôi ở lòng dũng cảm và sức chịu đựng. Tôi rất mừng khi được Trang kết bạn. Tôi đọc từng bài em viết, theo dõi từng bước đi của em. Tôi đau lòng khi nghe em bị đánh vỡ đầu gối, lo lắng nghe tin em sắp mổ lại chân. Chúng tôi chỉ trao đổi với nhau vài lần. Mỗi lần như vậy tôi lại thấy ấm lòng.

 

Khi Trang bị bọn du côn đánh đập, tôi viết bài “Về những chiếc mũ”[1] để lên án nạn sùng bái bạo lực đang ngự trị ở Việt Nam. Chiếc mũ nhựa vỡ tan sau khi chúng đánh Trang khiến tôi liên tưởng đến bức ảnh “Con gà ấp trứng trong mũ sắt” đã gây ấn tượng cho tôi từ hồi bé. Hình ảnh chiếc mũ sắt rỉ, biểu tượng của chiến tranh, đã bị con gà biến thành tổ ấp trứng là hình ảnh sinh động về cái thiện thắng cái ác.

 

Những kẻ sùng bạo lực sợ hình ảnh đó làm cho con người ta yếu mềm, không còn hăng say chém giết nhau nữa. Thế là bức ảnh của phóng viên VNTTX Đức Như chụp trong những năm 1960 bị cấm, tác giả bị phê bình. Bức ảnh một thời nổi tiếng đó nay đã bị xóa khỏi trí nhớ của người Việt, có thể coi là thất truyền.

 

Hậu quả của việc coi trọng bạo lức, tận diệt những mầm mống của tình người là: Sau gần nửa thế kỷ hòa bình, người Việt vẫn sống trong một xã hội hướng bạo lực. Người ta thích dùng bạo lực để xử lý các xích mích cá nhân. Chuyện chém giết nhau chỉ vì tiền, vì đất đai không còn là điều lạ ở đất nước này. Thậm chí cả nhà chùa, nơi cổ vũ cho phi sát sinh, cũng sử dụng bạo lực. Đã có những cuộc tranh chấp chức thầy chùa kết thúc bằng án mạng.

 

Cái gốc của thảm cảnh này là do nhà nước coi việc dùng bạo lực để nói chuyện với dân là quốc sách. Dù là người dân đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược, hay đứng ra bảo vệ đất đai bị cướp, bảo vệ môi trường sống của mình, chống tham nhũng, tất cả đều được trả lời bằng còng số tám và nhà tù.

 

Bản án dành cho Đoan Trang mà bà thẩm phán Chử Phương Ngọc lạnh lùng tâng công hôm 14.12 vừa rồi chỉ là một ví dụ.

 

Nhà tù và sự sợ hãi không thể giữ chế độ lâu dài, nhưng chúng làm suy thoái cả một dân tộc. Điều nghịch lý là những kẻ ưa bạo lực luôn là kẻ bạc nhược, đớn hèn. Người Đức thời quốc xã đã từng như vậy. Tướng lĩnh Phổ nổi tiếng là mưu lược và giỏi dùng binh. Hầu hết sỹ quan Đức từ 1943, sau Stalingrad, đều nhận ra rằng nước Đức đã thua trận. Nhưng không một ai dám hé miệng chống lại những kế hoạch mà họ biết là mang yếu tố tâm thần của Hitler. Hậu quả là nước Đức bị hủy diệt, dù tầng lớp tinh hoa của Đức đều biết trước. Sự bạc nhược do trại tập trung đem lại làm cho trí thức Đức quên mất thiên chức của con người: Bảo vệ lẽ phải.

 

Nước Đức sau 1945 đã từ bỏ mọi hình thức bạo lực chống lại nhân dân. Nhờ vậy họ có được những thế hệ công dân dũng cảm, tự tin. Các thế hệ này đã xây dựng được nước Đức như hôm nay.

 

Đoan Trang coi bảo vệ lẽ phải là thiên chức của con người. Đó chính là civil courage.

Lòng dũng cảm của công dân (civil courage) là vốn quý của mỗi dân tộc. Tìm cách bóp chết nó là một tội ác.

 

Nhà báo Ý Franca Magnani từng nói: “Đất nước nào càng có nhiều công dân dũng cảm thì càng ít cần đến những người anh hùng”. ("The more citizens with civil courage a country has, the fewer heroes it needs")

 

Người Việt thích nói và thích nghe về những người anh hùng. Nhưng họ luôn né tránh những gì họ coi là “chính trị”. Né tránh vì họ bị khuất phục bởi sợ hãi. Né tránh là đứng về phía chính trị của bạo lực và thật ra là đang làm chính trị. Có những người không đến mức như vậy trước cái ác, nhưng cũng chỉ ở mức trông vào “ác giả ác báo”.

 

Tôi không chắc là Trang tin vào “nhân quả”, nhưng chắc chắn em là người dám đem cuộc đời của mình để chống lại cái ác. Với năng lực báo chí và vốn ngoại ngữ của mình, em có thể có cuộc sống no đủ, có gia đình yên ấm ở nước ngoài. Nhưng em quyết về nước. Ở đó em còn mẹ già và đó là tổ quốc em.

 

Trang nhắn nhủ:”Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc”.

 

Trang ơi, anh mong có ngày được gặp em ngoài đời, được ôm em vào lòng như một đứa em gái. Anh sẽ đến thăm mẹ em.

 

[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2388528557831870

.

=====================================

.

Những chiếc mũ   

Tho Nguyen

17 tháng 8, 2018 

 https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2388528557831870

 

Mấy hôm nay, tôi cứ bần thần mỗi khi nhìn thấy cái mũ bảo hiểm bị vỡ mà những kẻ bất nhân đã dùng để đập vào đầu cô Đoan Trang.

 

Cái mũ vỡ đó khiến tôi nhớ đến bức ảnh con gà mái ấp trứng trong cái mũ sắt vỡ của lính viễn chinh Pháp mà ba tôi cho xem hồi bé. Bức ảnh do phóng viên Đức Như, một đồng nghiệp của ba tôi ở Việt Nam Thông tấn xã chụp trong những năm 60 thế kỷ trước trong một chuyến đi công tác ở nông thôn. Tôi rất mê bức ảnh đó, vì nó nói lên sự thất bại của bạo lực và sức mạnh của cuộc sống. Tôi lùng trên mạng để tìm lại. Tôi tưởng bức ảnh đó đã được giải thưởng nhiếp ảnh, vậy mà nay không còn lại dấu vết của nó.

 

Những bức ảnh mũ sắt mà google cung cấp cho tôi chỉ là những bằng chứng của chủ nghĩa phát xít đã bị chôn vùi. Duy nhất một bức ảnh của Alamy có hình con gà nằm trong cái mũ sắt, nhưng không phải bức ảnh của chú Đức Như tài hoa năm xưa.

 

Tình cờ tôi cũng đã tìm được một bài báo trên Tiền Phong nói về số phận của bức ảnh „con gà ấp trong mũ sắt“(1)

 

„Bức Gà ấp trứng của Đức Như, phóng viên ảnh Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX cũng bị coi là “có vấn đề”. Ảnh chụp một con gà mái đang ấp trứng, ổ trứng đầy rơm trong cái mũ sắt của quân đội Pháp thua trận để lại. Tác giả thuyết trình rằng: Hình ảnh con gà và ổ trứng tượng trưng cho hòa bình chiến thắng, còn cái mũ sắt tượng trưng sự thất bại của quân xâm lược. Nhưng một số người quản lý văn nghệ và nghệ sĩ lại cho rằng bức ảnh có ý đồ ru ngủ, thỏa mãn với hòa bình, quên mất nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam v.v.“ (Trích bài báo)

 

Hóa ra vì thế, bức ảnh con gà ấp trứng trong mũ sắt nổi tiếng, nói lên khát vọng yêu hòa bình của người Việt Nam đã biến mất khỏi mọi kho tư liệu nhiếp ảnh của nước nhà. Nếu được phổ biến ra thế giới, chắc chắn tác giả đã được giải thưởng lớn, chứ không phải ngồi kiểm điểm như ở ta.

 

Hậu quả của việc cấm bức ảnh đó 50 năm trước lại là chiếc mũ vỡ đập vào đầu một cô gái như Đoan Trang?

 

Cuộc tấn công đầy bạo lực của lực lượng an ninh vào một nhóm người dân đang nghe nhạc tối 15.08 tại Sài Gòn không phải là điều gì mới lạ ở Việt Nam. Cách hành xử bẩn của lực lượng công quyền khi thả người cũng không phải là lạ.

 

Lạ ở chỗ phản ứng của người Việt trước các hành động bạo lực nhân danh chính quyền đó. Khi một số nhân sỹ đăng bản tuyên bố „PHẢN ĐỐI CÔNG AN TPHCM KHỦNG BỐ NGƯỜI DÂN MỘT CÁCH PHI PHÁP ĐÊM 15/8/2018“ thì có một bạn đọc sống ở Đức phát biểu như sau:

„Kêu ca,phản đối cái gì ? Đất nước phải có luật pháp, các ô,các bà tụ tập không xin phép rồi còn hát hò gây mất trật tự công cộng,chưa kể đến là còn tuyên truyền chống chính quyền, chính quyền và CA họ dẹp lại còn chống đối. Ở VN còn nhẹ chứ ở phương tây thì cảnh sát họ đập cho chết luôn. Vớ vẩn !“….

 

"Cháu học và sống làm việc tại Tây Đức hơn 30 năm này ạ,cháu không ủng hộ độc tài tham nhũng,nhưng cái kiểu "đấu tranh" của mấy ô bà "dân chủ" xứ mình như kiểu Đoan Trang...cháu cũng không ủng hộ. Kiểu đấu tranh" Chí phèo" như của các ô bà này ở Tây Đức họ dẹp ngay tắp lự bằng vũ lực,ở ta thử hỏi kể cả chính quyền không cấm đoán liệu họ thu hút được bao người có lương tri ủng hộ ngoài một số vô công rồi nghề vỗ tay theo phong trào ?“

 

Kiểu ý kiến như thế này không ít. Họ không phải là dư luận viên mà là những người Việt bình thường. Tôi không hơi đâu mà tranh luận xem ở Đức cảnh sát có được đánh người đi xem ca nhạc? hay biểu diễn ca nhạc có phải xin phép hay không? Nhưng tôi khẳng định: Cách bênh vực bạo lực một cách thản nhiên như vậy là bệnh hoạn.

 

Khỏi bàn đến dân chủ hay cộng sản, đến tư bản hay đế quốc, không cần nói đến quyền nọ luật kia, việc sáu thằng đàn ông lực lưỡng xúm vào đánh một cô gái tàn tật là một hành vi man rợ!

 

Căn bệnh tôn sùng bạo lực đã khiến nhiều người Việt coi việc đánh, tra tấn, hành hạ người, tước đoạt tài sản của công dân là quyền của nhà nước. Từ anh gác cổng bệnh viện, anh quản lý chợ, ông dân phòng đến ông cảnh sát.... ai chẳng là nhà nước? Tất cả họ đều có quyền bắt nạt và hành dân.

 

Lối suy nghĩ đó ngấm vào đầu những người sống trong xã hội, vì họ nhìn quanh, chỗ nào cũng vậy. Nó biến cả xã hội thành một quần thể khiếp nhược. Quen với lối sống khiếp nhược, người ta đôi khi ác cảm với những người ngẩng cao đầu, vì sợ những người này làm cho người ta phải từ bỏ thói quen khiếp nhược.

 

Nhưng người đã 30 năm sống ở xứ văn minh, nơi mà bố mẹ cũng không được đánh con thì chắc chắn không phải vì khiếp nhược. Việc họ bênh vực bạo lực chỉ có thể giải thích bằng sự tôn sùng cái ác.

 

Einstein từng phát biểu: “Thế giới sẽ không bị đe dọa bởi kẻ xấu, nhưng nó sẽ bị đe dọa bởi những kẻ nhìn thấy cái ác mà không chịu làm gì“.

 

Nay bên cạnh những kẻ vì sợ hãi mà không làm gì còn có vô số những kẻ đứng ngoài cỗ vũ cái ác. Đó chính là thảm họa.

 

Köln 17.08.2018

 

Tái bút: Ai tìm giúp được bức ảnh „Con gà ấp trứng trong mũ sắt“ của phóng viên VNTTX Đức Như chụp vào quãng năm 1964-1965 thì tôi xin vô cùng cảm ơn.

----------------

 

(1) https://www.tienphong.vn/.../phuc-tan-keu-goi-tra-thu-va...

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2388531047831621&set=pcb.2388528557831870

Chiếc mũ bảo hiểm dùng để đánh cô Đoan Trang đêm 15.08.2018

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2388520881165971&set=pcb.2388528557831870

Ảnh con gà nằm trong mũ sắt, tác giả vô danh, nguồn Alamy stock photo. Bức ảnh đen trắng của phóng viên VNTTX Đức Như chụp từ trên cao xuống, đẹp hơn và ấn tượng hơn ảnh này nhiều.   Nguồn: Alamy

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2388520811165978&set=pcb.2388528557831870

Hình ảnh cái mũ sắt trên chiến trường tưởng như đã đi vào quá khứ

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2388520807832645&set=pcb.2388528557831870

Tàn tích của chủ nghía phát xit




No comments:

Post a Comment

View My Stats