Friday, 24 December 2021

LÊ VĂN THÀNH, NGÀI PHÓ THỦ TƯỚNG "PHIÊN BẢN" NGUYỄN BÁ THANH (Thu Hà)

 


Lê Văn Thành, ngài Phó Thủ tướng “phiên bản” Nguyễn Bá Thanh (Phần 1)

Thu Hà

18/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/18/le-van-thanh-ngai-pho-thu-tuong-phien-ban-nguyen-ba-thanh/

 

Tại đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam, khi Trịnh Đình Dũng hết tuổi tái cử phải dừng cuộc chơi, đã có thông tin rằng người thay thế vị trí Phó Thủ tướng mà Trịnh Đình Dũng để lại sẽ là một cái tên không nổi đình nổi đám, nhưng chẳng kém phần gian hùng đó là Lê Văn Thành.

 

Lê Văn Thành sinh năm 1962, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông Thành trước đây vốn là giám đốc Xi măng Hải Phòng, nhờ lắm tiền nên được Bí thư Hải Phòng lúc ấy là Nguyễn Văn Thuận giúp “bẻ ngạch” nhảy từ doanh nghiệp nhà nước sang chính quyền, kéo vào thành uỷ và cho ngồi ghế Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng từ tháng 7/2010.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/0-53.jpg

Chân dung Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Nguồn: CP

 

Dư luận Hải Phòng cho rằng, Lê Văn Thành là mẫu lãnh đạo luôn thu vén cho lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, độc đoán, chuyên quyền, coi cả thành phố Hải Phòng như một doanh nghiệp gia đình, ngồi xổm lên các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 

Tháng 1/2016, tại Đại hội đảng khoá 12, mặc dù Bộ Chính trị và BCH Trung ương không giới thiệu Nguyễn Tấn Dũng tái cử và 3X bị buộc phải viết đơn xin rút lui khỏi chính trường, thế nhưng vì chịu ơn 3X nhiều quá, nên Trưởng đoàn Lê Văn Thành, Uỷ viên Trung ương khoá 11, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã trực tiếp chỉ đạo đại biểu đoàn Hải Phòng và vận động, lôi kéo nhiều đoàn đại biểu khác bỏ phiếu, cố giữ 3X ở lại. Chuyện này được chính các đại biểu đoàn Hải Phòng dự đại hội đảng kể lại.

 

Về “đạo đức và lối sống”, Lê Văn Thành chẳng ra gì. Vốn là kẻ thượng đội hạ đạp, ông ta từng đe nẹt, doạ dẫm các Thành uỷ viên ngay trong cuộc họp, không xem cán bộ cấp dưới ra gì, một tay ông ta quyết định mọi vấn đề, từ nhân sự, bố trí cán bộ đến bổ nhiệm không tuân theo tiêu chuẩn, quy trình nào.

 

Theo dòng thời gian, “quan phụ mẫu” Lê Văn Thành đã biến Thành uỷ Hải Phòng trở thành một công ty TNHH một thành viên, mà ở đó chính ông Thành là giám đốc.

 

Tháng 4/2017, chỉ vì trái ý, cãi lại Lê Văn Thành, ông Dương Ngọc Tuấn đã phải mất chức Phó chủ tịch UBND Hải Phòng, xuống làm Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ.

 

Trong khi đó, những đồng hương Vĩnh Bảo, được bí thư Thành, vốn nổi danh là kẻ cục bộ địa phương, nâng đỡ hết mực.

 

Lê Văn Thành vô hiệu hoá cả Ban Thường vụ, vì vậy dư luận đảng viên vùng đất cảng này đánh giá Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2016-2021 là Ban Thường vụ hèn nhát và yếu kém nhất lịch sử Đảng bộ Hải Phòng.

 

Hãy xem ông Lê Văn Thành đã thao túng chính trị và sắp đặt các quân cờ của ông ta ra sao:

– Lê Ngọc Trữ, sinh năm 1965, quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 2015, Trữ được Lê Văn Thành đưa vào Thành uỷ, xếp ghế giám đốc Công ty Môi trường đô thị. Đầu năm 2016, Trữ được chuyển về làm Cục trưởng Cục thuế, rồi lấy lý do đây là ngành quan trọng, Trữ nhanh chóng được bổ sung vào Ban Thường vụ Thành ủy, phụ trách theo dõi chỉ đạo cả Sở Tài chính.

 

Tháng 7/2017, Bí thư Lê Văn Thành điều Trữ sang làm Giám đốc Sở Tài chính. Đến tháng 6/2021, Lê Ngọc Trữ được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Hồng Bàng nhiệm kỳ 2020 – 2025.

 

– Đỗ Đại Dương, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, thư ký của Bí thư Lê Văn Thành, được đưa từ Công ty Xi Măng Hải Phòng về Văn phòng UBND thành phố tháng 4/2015, đến tháng 3/2016 được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, trong khi chưa có chứng chỉ học lớp chuyên viên.

 

Năm 2017, Dương được cử đi học lớp “cao cấp chính trị” cấp tốc, nhưng thi nhiều môn không qua, Dương chán nên bỏ học. Dù không có cao cấp chính trị, không đủ tiêu chuẩn quy định của đảng, nhưng Bí thư Lê Văn Thành vẫn chỉ đạo bổ nhiệm và quy hoạch bằng được. Hiện nay Đỗ Đại Dương đã là Giám đốc Sở Tư pháp.

 

– Đào Trọng Đức, sinh năm 1979, Phó giám đốc Công ty xi măng Hải Phòng, cùng quê Vĩnh Bảo và là đồ đệ ruột của Bí thư Lê Văn Thành. Tháng 9/2016, Lê Văn Thành chỉ đạo UBND TP Hải Phòng thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch (TM&DL), cất nhắc Đào Trọng Đức về làm phó Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư, kiêm Phó Giám đốc trung tâm TM&DL.

 

Chỉ là một trung tâm, nhưng quyền lực xem như “siêu sở”, khi nhiều chức năng của các Sở Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường… đều được gom về đây để dễ bề chỉ đạo thực hiện các dự án của phe nhóm chính trị Lê Văn Thành.

 

Lúc đó Đào Trọng Đức cũng chưa có cao cấp chính trị, chưa có chứng chỉ chuyên viên, thế nhưng Đức vẫn được xét tuyển công chức đặc cách. Báo chí và dư luận Hải Phòng bất bình, lên tiếng, làm xôn xao dư luận cả nước. Mặc kệ, Lê Văn Thành vẫn đưa Đức vào thành uỷ khoá 15, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền. Hiện nay Đào Trọng Đức đương kim Uỷ viên Ban thường vụ khoá 16, Trưởng Ban tổ chức thành uỷ Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

– Phạm Văn Hà sinh năm 1966, đồng hương Vĩnh Bảo với ông Thành. Xuất thân chỉ là anh cán bộ nông thôn, Hà được đại ca Lê Văn Thành “đào tạo và dìu dắt” làm… lãnh đạo. Năm 2014, khi đang là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, Hà được luân chuyển làm Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, một huyện đảo với 3 vạn dân.

 

Năm 2016, được bí thư Thành nâng đỡ, cơ cấu, Phạm Văn Hà vào Thành ủy viên, được bổ nhiệm Giám đốc Sở Nông nghiệp. Một năm sau, mặc dù năng lực Hà rất yếu, nhưng lại được bí thư Thành kéo lên làm Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, bổ sung Uỷ viên Ban thường vụ. Sau đó không lâu, Hà sang điều hành công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ, một chức vụ “hái ra tiền” đó là Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ. Ở đây, do “ăn dày” và lọc lừa cấp dưới, gieo thù chuốc oán quá nhiều nên Hà mất hết uy tín. Tại đại hội đảng bộ Hải Phòng khoá 16, Phạm Văn Hà bị các đồng đảng liên kết nhau đánh văng ra khỏi Ban Thường vụ Thành uỷ, chỉ còn là thành uỷ viên đành về làm Bí thư quận Ngô Quyền để chờ thời.

 

– Đào Văn Ninh, sinh năm 1970, quê Cổ Am, Vĩnh Bảo, từ một trưởng phòng của Sở Công thương, được điều động ra làm Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải. Tháng 6/2015, ông Thành sợ Ninh quá yếu kém, nếu để ở Cát Hải sẽ bị trượt BCH khi đại hội Đảng bộ huyện diễn ra, nên cho rút Ninh về làm Phó Giám đốc Sở Công thương. Suốt ba năm ở đó, Ninh không thể được đôn lên chức danh Giám đốc Sở vì sự phản ứng dữ dội, bất tín nhiệm từ đội ngũ cán bộ ở đây.

 

Tháng 7/2018, bí thư Lê Văn Thành thấy không ổn, nên chỉ đạo Ban Thường vụ ra quyết định điều động Đào Văn Ninh về làm Bí thư Quận ủy Dương Kinh, mặc kệ rất nhiều ý kiến bàn ra của một số Uỷ viên Ban thường vụ và cả dư luận bất bình trong cán bộ, nhân dân.

 

Chưa hết, còn rất nhiều người thân, quê hương Vĩnh Bảo với ông Lê Văn Thành được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ vừa qua như Phan Văn Lập sinh 1973, quê Vĩnh Bảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn, được Lê Văn Thành cho vào Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, luân chuyển về Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên. Khi “anh hai” Lê Văn Thành nhậm chức Phó Thủ tướng , thì Phạm Văn Lập cũng nhanh chân giành ghế Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng.

 

Nguyễn Đức Thọ sinh năm 1966, quê Vĩnh Bảo, được cài cắm giám đốc Sở Giao thông vận tải. Cuối năm 2020, trước khi về Trung ương, ông Thành đã đưa Thọ lên giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khóa 15, nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri với Thủ tướng Chính phủ năm 2016, thầy giáo Nguyễn Trọng Lô, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã lên tiếng chỉ trích về vấn đề bè phái trong đảng, chạy chức chạy quyền tại thành phố cảng này, nhưng Bí thư Lê Văn Thành bỏ ngoài tai, cười khinh khỉnh.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-18.png

Một số “đệ tử ruột” của ông Lê Văn Thành: Từ trái qua, trên xuống Lê Ngọc Trữ, Đào Trọng Đức, Phan Văn Lập, Phan Văn Hà, Đào Văn Ninh.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/0-54.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-1.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/2-4.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/3.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/4.jpg

Tất cả đều “trúng cử” đại biểu HĐND TP.

 

Không khác gì các Uỷ viên Bộ Chính trị “quan trên” như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa, Trần Đại Quang… Lê Văn Thành cũng xuất chiêu “cõng” con trai vào quan trường.

 

Quý tử Lê Toàn Khánh sinh năm 1990, học tại trường PTTH Lê Quý Đôn, Hải Phòng. Năm 2006, thi không đậu đại học trong nước, Khánh được bố cho đi du học tại Trường Cao đẳng quốc tế Tyndale, Singapore (TEG International College). Ba năm sau, Khánh về nước, được bố Thành đưa vào làm việc tại Công ty Xi măng Hải Phòng, nơi ông làm giám đốc.

 

Điều kỳ lạ là, từ năm 2009-2011 khi Lê Toàn Khánh đang là nhân viên Phòng kế hoạch Cty xi măng, thì được cấp bằng chính quy Đại học Sunderland – Anh quốc vào năm 2011.  Vậy Lê Toàn Khánh học khi nào và kiếm tấm bằng này ở đâu ra?

 

Khi Lê Văn Thành “bẻ ngạch” sang Phó Chủ tịch thành phố, thì Khánh được chuyển công tác về Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Từ đó, bố Thành dìu con trai lên chinh phục từng nấc thang trong bộ máy công quyền. Khánh được tuyển thẳng vào công chức, vọt phát lên ngay Trưởng phòng quản lý đầu tư Ban quản lý Khu kinh tế, rồi nhanh chóng rẽ làn phóng qua giữ chức vụ Trưởng phòng Quản lý ngân sách – Tin học Thống kê, Sở Tài chính TP Hải Phòng.

 

Khi bố Lê Văn Thành mới chân ướt chân ráo về Trung ương nắm Phó Thủ tướng, đàn em cốt cán ở Hải Phòng vội vã đưa Lê Toàn Khánh ngồi vào vị trí Phó bí thư Thường trực Quận ủy Kiến An, nhiệm kỳ 2020 – 2025, một chức vụ “tráng men” để quay về nắm Giám đốc Sở Tài chính trong một ngày gần nhất.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/5-696x951.jpg

Chân dung quý tử Lê Toàn Khánh

 

Thật chẳng sai chút nào khi dư luận Hải Phòng ví von Lê Văn Thành là bản sao của Nguyễn Bá Thanh bởi bản chất gian hùng, mị dân, phe nhóm chính trị và mua chuộc truyền thông để đánh bóng tên tuổi của “ngôi sao đang lên”, đến từ đất cảng.

(Còn nữa)

 

                                                              *****

 

Lê Văn Thành, ngài Phó Thủ tướng “phiên bản” Nguyễn Bá Thanh (Phần 2)

Thu Hà

24/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/24/le-van-thanh-ngai-pho-thu-tuong-phien-ban-nguyen-ba-thanh-phan-2/

 

Tháng 7/2005 xảy ra vụ việc chấn động cả nước, đến nỗi Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng yêu cầu điều tra xử lý và báo cáo. Ông Lê Văn Toàn, một kỹ sư xây dựng, phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Thái, gửi đơn thư tố cáo, cùng hồ sơ, tài liệu, chứng cứ tới Thanh tra và Công an TP Hải Phòng.

 

Trong thư, ông Toàn tố cáo ông Hồ Thế Khiên, Trưởng Ban quản lý Dự án nhà máy Ximăng Hải Phòng (mới), là công ty có tổng vốn đầu tư lên đến 208 triệu USD, đã nhận hối lộ một tỷ VNĐ để thông thầu, giúp ông Toàn thắng gói thầu số 25 trị giá 21,6 tỉ đồng, nhưng sau đó lật kèo. Sợ tù tội, Hồ Thế Khiên cùng Lê Văn Thành, lúc này là Trưởng ban Tài chính Kế toán, Phó BQL dự án, đã mượn tay giang hồ đất cảng đe doạ lấy mạng Lê Văn Toàn.

 

Ngày 26/7/2005, Lê Văn Thành cùng Hồ Thế Khiên đến nhà ông Lê Văn Toàn để thuyết phục ông Toàn ký cam kết hai nội dung: Hồ Thế Khiên sẽ bảo đảm tính mạng cho Lê Văn Toàn cùng vợ con. Đổi lại, ông Toàn phải rút đơn tố cáo, không cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí.

 

Cả Hồ Thế Khiên lẫn Lê Văn Thành đường đường là lãnh đạo công ty nhà nước, đảng viên cộng sản, lại cho ra đời “Bản cam kết” sặc mùi xã hội đen. Theo Lê Văn Toàn kể, thì Lê Văn Thành đọc nội dung, còn Hồ Thế Khiên ghi và ký tên. Thứ văn bản có một không hai trong lịch sử ngày đó bị phanh phui, chạy trên trang nhất nhiều tờ báo.

 

Chiều 11/8/2005, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ka (sau này lên Giám đốc CA Hải Phòng, chỉ đạo đàn áp cưỡng chế vụ Đoàn Văn Vươn) cho biết, đã 5 lần triệu tập ông Khiên đến cơ quan điều tra. Tại đây, Khiên khai, Lê Văn Thành cũng liên quan đến vụ tiêu cực này. Chính ông Thành đã buộc ông Khiên phải viết bản cam kết kỳ lạ trên.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-22-696x793.png

Ông Lê Văn Toàn với hồ sơ chứng cứ tố cáo (ảnh trên). Chân dung Hồ Thế Khiên (ảnh dưới)

 

Thế nhưng, đồng tiền đã che mờ tất cả. Ngày 30/9/2005, Công an TP Hải Phòng đã có công văn số 057/CV-KT, kết luận, không có đủ cơ sở chứng minh Hồ Thế Khiên rửa tiền, tham nhũng trong thời gian điều hành dự án xây dựng Nhà máy xi-măng Hải Phòng mới. Công văn cũng khẳng định, Hồ Thế Khiên không nhận số tiền 1 tỷ 19 triệu đồng và thông thầu như đơn tố cáo của ông Toàn. Vụ án “chìm xuồng” và khép lại, Lê Văn Thành được giữ chức Phó giám đốc Cty Xi măng Hải Phòng, kiêm Trưởng Ban quản lý dự án, thay cho Hồ Thế Khiên hạ cánh an toàn.

 

Năm 2010, khi đã là Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Lê Văn Thành nhiều lần được “giao lưu học hỏi kinh nghiệm” từ ông trùm lưu manh chính trị Nguyễn Bá Thanh, “lãnh chúa miền Trung”, vì Đà Nẵng và Hải Phòng kết nghĩa anh em. Từ đây, Lê Văn Thành trở thành “bản sao” của Nguyễn Bá Thanh về thủ đoạn và cách điều hành độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nghiêm trọng “quy chế tập trung dân chủ” mà đảng cộng sản đang ra sức tuyên truyền.

 

Về chính trị, thiết lập cánh hẩu đồng hương, đưa bè phái của mình vào Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân và chiếm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy, đè đầu cưỡi cổ dân chúng. Thượng đội hạ đạp, móc ngoặc với quân đội, công an, để ăn chia công sản, mua chuộc đại diện cơ quan hành pháp và các ban đảng đóng trên địa bàn, để tránh hậu hoạ.

 

Mặc khác, Thành vun vén lợi ích cá nhân, cung phụng cho các “đại ca” ở Trung ương, vận động hành lang để leo lên những nấc thang quyền lực cao hơn. Mua chuộc, lấy lòng các cán bộ cao cấp nghỉ hưu, thao túng truyền thông, cho tay chân, “vệ tinh” tuyên giáo, tâng bốc với dân chúng rằng lãnh đạo thành phố rất “có tâm, có tầm”, “thương dân” không khác gì những vị… thánh! Trong khi thực tế, chúng sẵn sàng đàn áp đẫm máu dân chúng phản kháng, bắt bỏ tù, ném vào bệnh viện tâm thần hoặc thủ tiêu những ai được xem là “phần tử chống đối”.

 

Về kinh tế, với chiêu trò “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”, “khai thác quỹ đất”, “chỉnh trang đô thị”, Lê Văn Thành cũng làm y hệt Nguyễn Bá Thanh là bán tất tần tật công sản, cướp đất của dân để bán rẻ cho các công ty “sân sau”, các tập đoàn kinh tế tư nhân, cho thuê đất nửa thế kỷ…

 

Tháng 3/2015, Lê Văn Thành thuyết phục Nguyễn Tấn Dũng ra văn bản thu hồi gần 80 hecta của Dự án đô thị Xi măng Hải phòng từ Tổng cty Xi măng Việt Nam để giao cho Vin Group.

 

Hàng chục ngàn hộ dân Hải Phòng chờ đợi mua nhà dân sinh giá rẻ tại Dự án đô thị Nhà máy xi măng đã … bé cái nhầm! Dự án Khu đô thị phức hợp Vinhomes Riverside Hải Phòng của VinGroup đã gây oan khiên ngút trời khi cưỡng chế, cướp đất giải toả, di dời 1297 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu, vốn đã sinh sống từ hàng chục năm. Cảnh mất nhà, vô gia cư, khiếu kiện kéo dài, bị tra tấn, khép tội, tù đày… bỗng dưng trút lên đầu người dân vô tội là cách Lê Thanh Hải làm ở Thủ Thiêm, Nguyễn Bá Thanh làm ở Cồn Dầu và bây giờ là Lê Văn Thành triển khai.

 

Dưới thời lãnh đạo của Lê Văn Thành, hàng trăm ngàn hecta đất Hải Phòng được giao cho Vin Group xây dựng các khu đô thị để phân lô bán nền.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-5.jpg

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-6.jpg

Ông trùm Lê Văn Thành trong lễ động thổ các dự án của VinGroup. Ảnh: CAND

 

Năm 2020, khi nội bộ lãnh đạo Hải Phòng chia hai phe đánh nhau, mượn báo chí vạch trần. Nhờ vậy dân chúng rõ hơn về mặt thật của “quan phụ mẫu” Lê Văn Thành.

 

Hàng trăm hecta đất vàng ở trung tâm thành phố, hàng chục công sản, kể cả di tích lịch sử, trường học, trụ sở Viện Kiểm sát, các cơ quan nhà nước đang sử dụng, cũng phải dọn đi nơi khác để Lê Văn Thành lấy đất giao cho công ty “sân sau” và các đại gia bất động sản: Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (gọi tắt Hoàng Huy), Cty Nhật Hạ, Cty Hoàng Đức…

 

Đỉnh điểm của sự lộng hành trắng trợn của Lê Văn Thành là việc giao 10.014 m2 đất Trường PTTH chuyên Trần Phú, cùng với việc thu hồi đất ở của 23 hộ gia đình là các thầy cô giáo đã ở ổn định hàng chục năm trời, mà không đền bù để giao cho Cty Nhật Hạ xây dựng khách sạn 5 sao Full Mall.

 

Hành vi thu hồi đất trái pháp luật, cưỡng chế gây thiệt hại về vật chất, tinh thần nghiêm trọng trên, gây ra khiếu kiện kéo dài, nhức nhối lương tâm người dân Hải Phòng. Vậy mà Toà án Hải Phòng lại đứng về phía Lê Văn Thành, bác bỏ đơn kiện của các thầy cô giáo.

 

Được biết khách sạn 5 sao PULLMAN Hải Phòng có quy mô 32 tầng nổi và 1 tầng hầm, chiều cao 120m, với tổng diện tích xây dựng khoảng 50.000m2, có tổng số tiền đầu tư lên đến 1600 tỷ đồng, toạ lạc trên khu đất có giá thị trường ngàn tỷ, nay Cty Nhật Hạ chỉ phải trả cho ngân sách vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Có thông tin cho rằng, trong dự án này có phần hùn hạp với mục đích rửa tiền của gia đình Lê Văn Thành.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-23-696x985.png

Ảnh chụp đơn khiếu kiện của thầy cô giáo trường Trần Phú

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/12/1-24-696x455.png

Lê Văn Thành tại buổi lễ động thổ khách sạn 5 sao Full Mall và Dự án Aceon.

 

Tháng 10/2017, Lê Văn Thành chỉ đạo UBND thành phố ban hành Quyết định số 2586/QĐ-UBND, thu hồi hơn 10 hecta đất ở của dân và đất trồng lúa để triển khai Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm mua sắm Aeon Mall Hải Phòng. Điều tréo ngoe là, UBND TP giao cho Công ty Cổ phần xây dựng bất động sản Việt Phát làm chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng, sau đó Cty Việt Phát bán dự án lại cho Cty TNHH Aeon Mall thuộc Tập đoàn Aceon của Nhật Bản với, khoản lời lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

 

Trong một báo cáo phân tích hồi đầu năm 2018, Công ty Chứng khoán KB đã đánh giá lại giá trị 7 bất động sản mà UBND TP Hải Phòng định giá 1.913 tỷ đồng để trả “đối ứng” cho dự án BT của Hoàng Huy, thì trên thực tế giá thị trường lên đến 5.466 tỷ. Tiền đã chảy vào túi ai nếu không phải là túi Lê Văn Thành?

 

Trong phạm vi một vài bài báo, chúng tôi không thể vạch hết những sai phạm tày đình của Lê Văn Thành. Còn nhớ, năm 2016, tại đại hội 12 của đảng Cộng sản VN, với tiền của VinGroup và thế lực của người tiền nhiệm, bí thư Hải Phòng, Nguyễn Văn Thành đã đưa Lê Văn Thành lọt vào Uỷ viên Trung ương đảng, kế nhiệm ghế Bí thư Thành uỷ Hải Phòng.

 

Nói thêm một chút về Nguyễn Văn Thành: Thành thuộc “phe nhóm Ninh Bình” của Trần Đại Quang, từ anh gác tù công an huyện, Nguyễn Văn Thành được đưa lên làm Giám đốc CA Hải Phòng, Chủ tịch UBND, Bí thư Thành uỷ rồi rút về Trung ương phong Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Học vấn toàn “tại chức”, nhưng Nguyễn Văn Thành có học hàm, học vị Giáo sư – Tiến sĩ, hiện nay là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Riêng Lê Văn Thành, năm 2021, tại đại hội 13, tiền của Phạm Nhật Vượng một lần nữa giữ chân Lê Văn Thành suất Uỷ viên Trung ương nhiệm kỳ hai. Điều đáng nói là một kẻ lưu manh chính trị “lấy tay che trời” như Lê Văn Thành đã đánh bại các Uỷ viên Trung ương sáng giá khác để giành chiếc ghế Phó Thủ tướng đầy quyền lực, phụ trách công nông thương, xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải và tài nguyên môi trường.

 

Cũng không có gì bất ngờ, thể chế độc tài luôn sinh ra các trùm tham nhũng ở thượng tầng chính trị. Thể chế này tôn vinh những kẻ giỏi mị dân, làm đẹp bộ mặt của đảng và biết cách “khoan sức dân”, nhưng thật ra là hút máu dân, chứ hoàn toàn không cần những cán bộ thực hành khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh” như tuyên giáo rao giảng.

 

Bao giờ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương mới vào cuộc để đưa “cuộc đời và sự nghiệp” Lê Văn Thành ra ánh sáng? “Lò ông Trọng” có đốt nổi khúc củi đã hoá thạch này không, thì không có câu trả lời, nhưng Lê Văn Thành đích thực là “phiên bản” của Nguyễn Bá Thanh, trùm tham nhũng gian hùng đã leo đến chức vụ Trưởng Ban Nội chính Trung ương đảng và suýt chút nữa lọt vào Bộ Chính trị, giành chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ và có thể ghi tên mình vào danh sách “tứ trụ”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats