Tuesday 7 December 2021

HỒ SƠ UKRAINE : JOE BIDEN KHÓ CÓ THỂ MẠNH TAY VƠI VLADIMIR PUTIN (Trọng Nghĩa - RFI)

 


Hồ sơ Ukraina: Joe Biden khó có thể mạnh tay với Vladimir Putin ?

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 07/12/2021 - 16:08

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211207-h%E1%BB%93-s%C6%A1-ukraina-joe-biden-kh%C3%B3-c%C3%B3-th%E1%BB%83-m%E1%BA%A1nh-tay-v%E1%BB%9Bi-vladimir-putin

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lại tiếp xúc với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin vào hôm nay 07/12/2021. Lần này là qua cầu truyền hình. Mục tiêu là để tìm cách giảm căng thẳng trên vấn đề Ukraina, vốn đã nóng lên gần đây với thông tin Nga điều cả trăm ngàn quân đến vùng giáp giới với láng giềng, để sẵn sàng cho một cuộc xâm lược. Câu hỏi đặt ra là liệu Biden có ngăn được Putin hay không, trong bối cảnh Nga vẫn duy trì tình trạng mập mờ về khả năng tấn công?

 

Phải nói là trong những tuần lễ qua, cả Washington lẫn Kiev đều lên tiếng báo động về việc Matxcơva được cho là đã điều động đến 175.000 quân tới vùng giáp giới với Ukraina, sẵn sàng tấn công vào nước láng giềng.

 

Giới chuyên gia phân tích đều gợi lại kịch bản sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014, rồi khuấy động vùng Donbass bằng cách giúp đỡ các thành phần ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina, hay là trước đó vào năm 2008, khi Nga can thiệp vào Gruzia.

 

Tuy nhiên, các quan sát viên đều bán tin bán nghi trước ý định của Nga, và tự hỏi là phải chăng Vladimir Putin đang chơi một canh bạc bịp để buộc phương Tây, đi đầu là Mỹ phải nhượng bộ, chứ thực ra không dám khởi sự một cuộc xâm lược mới.

 

Ý đồ của Matxcơva là đe dọa động binh để buộc Mỹ và Phương Tây bảo đảm rằng Ukraina sẽ không gia nhập NATO, như nhiều nước trong khối Liên Xô cũ đã làm, cũng như buộc Ukraina chấp nhận một số điều kiện mà Nga đã đưa ra. Trong thực tế, chủ trương kết nạp Ukraina vào NATO đã bị đóng băng, nhưng cả Kiev và Washington sẽ không đưa ra cam kết như vậy. 

 

Dù nghi ngờ là Nga chơi trò hù dọa, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, ít người dám loại bỏ hoàn toàn khả năng Nga động binh, và có lẽ chính là để răn đe phủ đầu mà vào hôm qua, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nêu chi tiết về các “vũ khí” mà Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng, nếu Matxcơva ra tay hành động. 

 

“Vũ khí hạt nhân” trong các biện pháp trừng phạt kinh tế

 

Ngoài các biện pháp quân sự như “đáp ứng một cách thuận lợi” các yêu cầu tăng cường hiện diện quân sự từ các đồng minh NATO ở Đông Âu, và hỗ trợ quân đội Ukraina nhiều hơn, Washington còn viện đến những trừng phạt kinh tế thật nặng nề đối với chế độ của Vladimir Putin, hoàn toàn khác với những biện pháp càng lúc càng nhiều ban hành từ năm 2014 mà không có nhiều tác dụng. 

 

Một trong những biện pháp từng được mệnh danh là vũ khí hạt nhân của trừng phạt kinh tế là loại trừ Nga ra khỏi hệ thống trao đổi thông tin tài chánh liên ngân hàng Swift, một công cụ quan trọng trong tài chính toàn cầu, cho phép các ngân hàng lưu thông tiền tệ. 

 

Theo nhật báo Pháp, Le Monde việc bị loại ra khỏi hệ thống Swift sẽ gây tổn hại rất nhiều cho Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Trong nhiều năm qua, Matxcơva đã tìm cách thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la và thúc đẩy các hệ thống cạnh tranh với Swift, nhưng chỉ hoài công.

 

Vấn đề là Hoa Kỳ không thể tự mình đẩy Nga ra khỏi Swift, vì cơ chế có trụ sở tại Bỉ này liên kết hơn 11.000 ngân hàng và định chế tài chánh trên thế giới. Hình thức trừng phạt này đã được gợi lên nhiều lần từ năm 2014 đến nay, nhưng đều vấp phải phản ứng dè dặt của một số thủ đô châu Âu, lo lắng về tác hại đến các công ty của họ.

 

Le Monde nhắc lại là ngay vào năm 2019, thủ tướng Nga lúc bấy giờ là Dmtri Medvedev đã từng cảnh cáo phương Tây rằng việc loại Nga ra khỏi hệ thống Swift tương đương với “một lời tuyên chiến”.

 

Nhìn chung, quyền tự do hành động của tổng thống Mỹ Biden đối với Nga bị nhiều giới hạn, nhưng ở chiều ngược lại, Nga cũng không thể coi thường những lời đe dọa của Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, cuộc gặp hôm nay có thể giúp hai bên tìm ra một giải pháp xuống thang.

 

--------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NGA - MỸ - UKRAINA

Khủng hoảng Ukraina : Biden và Putin sẽ nói chuyện trực tuyến hôm 07/12/2021

 

UKRAINA - NGA - MỸ

Ukraina : Tổng thống Mỹ gia tăng áp lực đối với Nga

 

PHÂN TÍCH

Kịch bản Nga xâm chiếm Ukraina ít có khả năng xảy ra




No comments:

Post a Comment

View My Stats