Tuesday 7 December 2021

GIỜ CHẲNG CÒN AI DÁM GIÚP BÀ CON MIỀN TRUNG! (Ông Tư Sài Gòn)

 


Giờ chẳng ai dám giúp bà con miền Trung!

 Ông Tư Sài Gòn  -  Saigon Nhỏ
7 tháng 12, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/gio-chang-ai-dam-giup-ba-con-mien-trung/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-1.jpeg

Nhiều căn nhà của người nghèo cả đời chắt chiu dành dụm mới cất được bị đã ngả nghiêng, đổ sập trong cơn lũ dữ – Ảnh: Dân Trí

 

Dù ở Sài Gòn bây giờ cũng chẳng sung sướng gì, khi dịch Covid cứ hăm he quay trở lại với những ca F0, nhưng cũng còn được chút nắng ấm, bữa cơm cũng còn mùi thơm của gạo, của thức ăn.

 

Ở Bình Định, Phú Yên, bà con không có gạo mốc mà ăn, nói chi đến miếng thịt, hay cọng rau. Đọc tin lũ lụt mà thương, mà đau… Giờ muốn giúp bà con ở ngoải chút ít, cũng chẳng biết nơi nào để nhờ, để gởi gắm.

 

Sáng nay gặp ông giáo Thức ở quán cà phê con Pha, ổng cũng thở dài thườn thượt: “Nghĩ bà con Bình Định, Phú Yên mà thương, lũ đến nhanh quá, chạy còn không kịp, lấy gì cứu lúa! Giờ làm sao giúp hả ông Tư?”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-2.jpeg

Bà Nguyễn Thị Nghĩa nói như khóc khi ngôi nhà của mẹ con bà bị sập do lũ xảy ra sáng 30/11 vừa qua – Ảnh: Dân Trí

 

Theo báo Dân Trí, cơn lũ dữ “chưa từng thấy” xảy ra vào ngày 30 Tháng Mười Một và 1 Tháng Mười Hai khiến người dân huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, chỉ kịp chạy để giữ mạng sống, còn tài sản gần như phải để lại, mặc lũ tàn phá.

 

Ở ngôi làng Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) vào chiều ngày 4 Tháng Mười Hai, dọc hai bên đường chất đầy “tài sản” như: Bàn ghế, chăn màn, quần áo, sách vở… đã bị nước lũ ngâm làm hư hỏng, không thể tái sử dụng được.

 

Ông Nguyễn Xía (60 tuổi, trú thôn Thạnh Hội) vừa dọn dẹp đống đổ nát vừa nói như chưa hoàn hồn:

 

“Nước lũ lên nhanh chưa từng thấy, mới nhìn trước nhìn sau đã ào ào vào nhà, tôi chỉ kịp kéo tay vợ chạy gần 5 km để thoát thân. Còn lương thực, thực phẩm, quần áo, tài sản… đều đành để lại, mặc lũ làm hư hỏng.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-3.jpeg

Bà Trốn thẫn thờ bên túp lều che nắng che mưa giờ đã tan hoang sau cơn lũ dữ – Ảnh: Dân Trí

 

Đó là tình hình chung của người dân ở đây, gạo lúa, lương thực, quần áo, tài sản… đều bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi. Người dân đang thiếu ăn, thiếu cả mặc.

 

Theo bà Mai Thị Phấn, trú thôn Thạnh Hội, mền mùng, quần áo phần bị lũ cuốn trôi, phần thì bị ngâm trong nước quá lâu nên bùn non ám vào, dù có giặt nhiều lần nhưng không dùng được nữa. bà nói:

 

“Trời bắt đầu trở lạnh, người dân, đặc biệt là người già trẻ nhỏ cần đồ để giữ ấm và gạo ăn để vượt qua mùa đông khó khăn này.”

 

Bà Nguyễn Thị Mai chua xót nói về hoàn cảnh của gia đình mình:

 

“Tài sản của chúng tôi gần như mất mát, hư hỏng toàn bộ. Thương nhất là sách vở, đồ dùng học tập của hai đứa cháu bị lũ làm hư sạch. Cha của mấy đứa đều bị bệnh về thần kinh, nên gia đình rất khó khăn, chưa biết kiếm đâu tiền để mua lại cho các cháu.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-4.jpeg

Ông Châu xót xa bên ngôi nhà “chắp vá” 50 m2 xây 5 năm mới xong, chỉ một trận lũ, giờ thì chẳng còn gì ngoài gạch đá ngổn ngang – Ảnh: Dân Trí

 

Tại Thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), nhiều hộ gia đình cũng rơi vào cảnh không còn gì để ăn sau lũ.

 

Không chỉ tỉnh Phú Yên gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề sau lũ, nhiều huyện ở Bình Định cũng hoang tàn khi cơn lũ đi qua.

 

Tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, chín ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa (76 tuổi, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa) kể, sáng 30 Tháng Mười Một, nước lũ lớn ùa về rất nhanh nước ngập gần cửa sổ, gió lại thổi mạnh. Ngôi nhà rung chuyển, rồi trong lúc hai mẹ con bà Nghĩa còn chưa định thần, gạch đá đổ ầm xuống. Bà nói:

 

“Con dâu tôi vừa hô nhà sập vừa cầm tay tôi kéo chạy nhanh ra ngoài thoát thân. Giờ thì cuối đời rồi sống nay chết mai, có ngôi nhà che nắng che mưa giờ cũng bị sập rồi. Tôi già rồi chẳng làm được gì nữa, con dâu thì chồng mất, giờ cũng không nghề nghiệp nên không biết lấy tiền đâu xây lại nhà.”

 

Bên thôn Lộc Hạ, bà Trương Thị Trốn (60 tuổi) ngồi bên khối gạch đá đổ nát ngổn ngang, nói thẫn thờ: “Nhà sập mất rồi!”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-5.jpeg

Sau lũ, tài sản hư hỏng của người dân chất thành đống – Ảnh: Dân Trí

 

Nói nhà cho sang chứ thực ra chỉ như túp lều rộng chỉ chừng 10 m2, bên trong đặt vừa chiếc giường một, một chiếc kệ bê tông làm bàn, song cũng đủ che nắng che mưa tạm bợ cho người phụ nữ luống tuổi không chồng, không con mấy mươi năm nay. Vậy mà nay đã tan hoang.

 

Túp lều của bà Trốn dựa vào vách nhà của cha mẹ là ông Trương Sách (90 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Lức (82 tuổi, bị bệnh tim). Ba vách tường còn lại xây gạch thô, mái lợp tạm vài tấm xi măng nên khi lũ lớn, gió thổi mạnh túp lều đổ sập.

 

Bà Trốn lẩm nhẩm, muốn xây lại nhà giờ cũng phải tốn 10-15 triệu đồng, số tiền không tưởng để có được với người đàn bà nghèo lúc này.

 

Gần nhà bà Trốn, gia cảnh éo le của bà Đặng Thị Thạch (71 tuổi, thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa) cũng éo le. Chồng mất, hiện bà đang chăm sóc một người con bị bệnh nặng. Ngôi nhà là tài sản quý giá nhất của hai mẹ con bà bỗng chốc đổ sập trong lũ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-6.jpeg

Quần áo, mùng mền của người dân bị lũ nhấn chìm – Ảnh: Dân Trí

 

Cùng ở xã Phước Hòa, nước lũ cũng xô sập ngôi nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Châu (55 tuổi, trú thôn Tân Giản). Ngôi nhà ông Châu rộng chừng 50 m2, được xây từ những năm 2000, nhưng phải mất 5 năm mới xây xong ngôi nhà.

 

“Thời đó khó, khổ lắm, vợ chồng kiếm ăn từng bữa, làm cái nhà mà chắp vá như cây bánh tét. Làm từng chút từng chút chắp vá, phải mất 5 năm mới xây xong căn nhà này. Giờ nó sập rồi không biết xoay đâu tiền xây lại, hiện vợ chồng tôi và hai đứa cháu ngoại đang phải ở nhờ nhà em gái”, ông Châu xót xa.

 

Chính quyền địa phương dù cố gắng cách mấy, cũng chỉ phát được cho mỗi người dân bị lũ chừng hơn mười ký gạo ăn cầm hơi, chờ cứu trợ từ trung ương.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-7.jpeg

Dù trời rất lạnh nhưng người dân phải đành vứt bỏ chăn nệm giữ ấm – Ảnh: Dân Trí

 

“Nghe nói ông thủ tướng đề nghị cấp cho miền Trung mấy trăm tỷ đồng cứu đói, cho dân sửa nhà… mà có chưa ông Tư?”

 

Thằng Nam, giám đốc một công ty sản xuất nhỏ, nhưng làm ăn đàng hoàng, hỏi vói tôi từ bàn bên kia. Tôi lắc đầu:

 

“Thì tao cũng nghe như mày thôi. Nghe đâu ổng đề nghị hỗ trợ ngay 175 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung. Nhưng từ lúc ổng nói cho đến lúc người dân cầm được tiền hỗ trợ thì chưa biết là bao lâu.”

 

Mặt thằng Nam buồn so, nói:

 

“Năm ngoái mấy người bạn nghệ sĩ nói con ủng hộ, con làm liền. Năm nay họ ‘rút dù’ hết rồi ông Tư ơi! Hỏi họ sao không làm nữa, họ nói ngu sao làm, làm càng nhiều bị bà Hằng chửi càng nhiều, thôi để cho bả làm. Nghĩ cũng đúng, nhưng tội cho dân mình ở ngoải.”

 

Thằng Tang từ đâu đi vô, chỏ miệng góp chuyện:

 

“Anh Nam gởi tiền cho MTTQVN đi, họ có văn phòng đại diện ở các tỉnh, nên tổ chức cứu trợ lẹ lắm.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/01-lu-qua-nuoc-mat-dan-ngheo-8.jpeg

Gạo của người dân bị vàng khè, ẩm mốc sau khi bị ngâm trong lũ – Ảnh: Dân Trí

 

Thằng Nam im lặng không trả lời. Nó là dân làm ăn nên ăn nói phải ý tứ, nhiều khi nói thật lòng dễ bị chụp mũ, rồi lại bị gán tội “phản động” nữa thì hết đường làm ăn. Biết thế nên tôi nói đỡ cho nó:

 

“Mày biết gì mà nói Tang? Bà Hằng bả đòi tụi nghệ sĩ phải sao kê, tao đồng ý. Cái gì cũng phải minh bạch, nhất là nhận tiền của thiên hạ làm từ thiện, lại càng phải công khai. Chuyện thiếu sót là chuyện thường, nếu có bà con cũng bỏ qua thôi, miễn là làm bằng cái tâm tốt là được rồi. Tao hỏi mày chứ có bao giờ mày thấy cái đám mặt trận mặt tréo gì đó sao kê không? Bây giờ bà Hằng nói bả sẽ ủng hộ tụi nó, thây kệ bả. Từ bao nhiêu năm nay, tụi nó nhận được hàng ngàn tỷ của mạnh thường quân, của dân chúng rồi mà có thấy công khai, minh bạch thu chi gì đâu? Giờ ai tin chúng nữa? Thằng Nam không đóng tiền vô đó cũng có lý do thôi.”

 

Thằng Tang thấy tôi la một hơi cũng xanh mặt, nói ú ớ:

 

“Thì còn thấy sao nói vậy thôi ông Tư…”

 

“Tao hỏi mày chứ thằng cha mày là đảng viên đó, có đóng tiền cho mặt trận cứu trợ chưa?”

 

Thằng Tang trợn mắt nhìn tôi, vừa nói vừa bỏ đi:

 

“Trời đất! Ông Tư nghĩ sao mà nói cha con đóng tiền cứu trợ vậy ông Tư…”





No comments:

Post a Comment

View My Stats