Saturday, 4 December 2021

BÚT KÝ … VỪA ĐI ĐƯỜNG, VỪA KỂ CHUYỆN … (Phạm Thanh Giao)

 


BÚT KÝ … VỪA ĐI ĐƯỜNG, VỪA KỂ CHUYỆN … (dài lắm) 

Giao Thanh Pham

3 tháng 12, 2020  

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/5305180532829273

 

 (Bút ký này chỉ là cái nhìn và sự nhận xét của cá nhân người viết, không được trả tiền do bất cứ thế lực thù địch nào. Tác giả đã Đi, Đến, Nhìn, Nghe và Cảm Nhận trong thời gian 2 năm 2018 và 2019 ở các quốc gia ĐNA. Thấy sao nói vậy, người ơi. Có phật lòng hay đụng chạm đến ai thì … đành chịu!)

 

(1) CHUYỆN BUỒN của ĐẤT NƯỚC.

 

Cuối tháng 10 vừa rồi, vợ chồng chúng tôi đổ đường đi lên SAPA nơi mà chúng tôi đã có dự tính đến thăm trong nhiều năm trước đây nhưng mãi tới bây giờ mới thực hiện được. Sau gần một giờ trèo non vượt suối, chúng tôi đến được một ngôi chợ nhỏ nằm ngay biên giới của cái cột mốc, nơi mà người Thượng kết nối được với người Kinh, ở trên một đỉnh núi cao cả ngàn mét. Người ta mua bán, đổi chác cho nhau những thứ tối cần thiết mà các sắc tộc người Thượng sinh sống ở tuốt mé bên kia những ngọn núi, phải leo trèo cả nửa ngày đường nữa mới tới được.

 

Biết rằng khi mua sắm ở cái ngôi chợ đèo heo hút gió này thì các món hàng sẽ bị vô cùng giới hạn nhưng không thể nào mua và vác vào đây từ mãi ngoài chợ SAPA được nên đành chịu. Nhìn những đứa trẻ bé như những cái kẹo và nhem nhuốc tự động chăm sóc lẫn cho nhau, để bố mẹ bương chải mưu sinh thấy đến tội. Mà thật đúng như những hình ảnh người Kinh thường chiếu ở đây, có đến một nửa số bọn nhãi, mặc áo lạnh nhưng lại cởi truồng, chẳng biết vì lẽ gì. Thế là chỉ có 2 thứ được chúng tôi để mắt đến, bánh kẹo và mì gói. Trẻ con đứa nào lại chẳng mê mì gói và bánh kẹo!

 

Cô: “Mì gói bao nhiêu một thùng cháu?”

 

Con bé bán hàng người Dao trắng trẻo tuổi độ 14-15 lễ phép trả lời: “120 nghìn một thùng thưa cô.”

 

Cô: “Kẹo này bao nhiêu một bao? Có bao nhiêu cái hả cháu?”

 

Con bé bán hàng: “Một bao có 100 cái, giá 100 nghìn thưa cô.”

 

Cô: “Nói thách quá, cô chú đi hàng khác đấy!”

 

Tôi hỏi thêm: “Những mặt hàng này sản xuất từ Trung Quốc à cháu? Sao giá lại mắc vậy?”

 

Con bé bán hàng có vẻ quả quyết nhưng nhỏ nhẹ trả lời: “Không chú ạ. Chúng cháu không bán những loại thức ăn Trung Quốc. Đắt là vì mì gói thì sản xuất trong Sài Gòn. Kẹo là hàng của Thái Lan. Bánh ngọt thì của Nam Dương chú ạ. Chúng cháu không bán hàng Trung Quốc vì các cô chú mua để phát cho bọn trẻ con ở các buôn làng, mà bọn trẻ con có ai khác ngoài con cháu của chúng cháu …”

 

Câu nói của con bé bán hàng người Dao cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại:

 

“bọn trẻ con có ai khác ngoài con cháu của chúng cháu …”

 

Ấy vậy mà người Kinh lại luôn mồm tự hào là mình khôn ngoan hơn người Thượng …

 

(2) NGƯỜI VIỆT – NGƯỜI THÁI.

 

Hai vợ chồng tôi đi du lịch thường mướn nguyên căn hộ qua hai cái công ty mang tên AirBnB hoặc VRBO. Giá cả cũng tùy, nhưng nếu đi đông khoảng 4 người trở lên là lợi nhất và cũng rẻ hơn mướn khách sạn. Bên cạnh đó, chúng tôi lại là những người không mấy gì thích ăn đồ ăn bán ngoài đường, nhất là cái dạng “món ăn đường phố a.k.a street foods” vì rất nhiều dầu mỡ và các thứ phụ gia.

 

Chúng tôi lại là những người ăn 80% rau củ quả, 10 % thịt cá và 10% gạo, bánh mì, và tinh bột, nên chuyện ăn ngoài đường hầu như không thể có được chọn lựa vừa ý, nên việc mướn căn hộ có bếp để tự nấu ăn là tiện hơn cả. Các căn hộ cho mướn ngày nay thường khá mới và đầy đủ tiện nghi, loại nhỏ thì từ studio đến 1 phòng ngủ và có cả những cái 2-3-4 phòng ngủ hoặc nhiều nữa thì mướn nguyên cả cái biệt thự lớn là chuyện rất thường.

 

Một ngày kia hai vợ chồng tôi đi chợ ở một cái siêu thị thuộc một chi nhánh chuỗi siêu thị khá lớn ở Sài Gòn. Đi trước chúng tôi là 2 người phụ nữ trẻ, mang dáng dấp và trang phục của Việt Kiều. Vừa vào tới cửa chợ, một bác bảo vệ ra “đòi hỏi” một trong hai người phụ nữ phải để cái bóp đầm bé cỡ hơn bàn tay của cô ta lại ở quầy cho ông ta giữ.

 

Người phụ nữ không chịu: “Cái bóp có chút xíu, tui đã để đầy kín những thứ đồ xài rồi, nhét vào đó 1 cái kẹo cũng không có chỗ …”.

 

Nhân viên bảo vệ: “Chủ trương của hệ thống siêu thị chúng tôi là vậy. Ai đi vào cũng phải vậy. Túi xách lớn nhỏ gì cũng phải bỏ lại cho chúng tôi giữ”.

 

Người phụ nữ khó chịu thấy rõ: “Ông có biết cái bóp này giá gần 2 ngàn đô không? Ông hay chợ có chịu trách nhiệm nếu bị mất hoặc bị đánh tráo hoặc bị trầy sước hư hại không?”

 

Nhân viên bảo vệ xuống nước: “Nếu cô không chịu gởi lại đây, thì ít ra cô cũng phải để tôi dán miếng băng keo vào miệng bóp”.

 

Người phụ nữ dường như đã chịu hết nổi: “Ông đòi dán cái thứ băng keo đó vào cái bóp đầm này của tôi ư?” Bà ta nói như hét một cách tức tối bằng tiếng Anh: “What the heck. Forget it.” Thế rồi hai người phụ nữ vùng vằng dắt nhau ra khỏi chợ.

 

Thấy chúng tôi vẫn còn kiên nhẫn mục kích cảnh tượng đó, ông bảo vệ nói như phân bua: “Thời buổi này không tin ai được, vào siêu thị ăn trộm ăn cắp như rươi. Càng ăn mặc đẹp thì lại càng ăn cắp tợn hơn!”

 

Tôi chỉ mỉm cười tỏ vẻ thông cảm nhưng chẳng nói gì, mặc dù không quen với cảnh này.

 

                                                          ***

 

Chúng tôi ghé Bangkok lần này là lần thứ tư và biết Bangkok gần như là biết Sài Gòn. Nhớ lại lần đầu tiên ghé đây vào năm 1993 (đánh máy đúng chứ không có lộn đâu) mà đến nay nhìn lại sau mấy chục năm, nó vẫn thế, chỉ có phát triển và đông đúc thêm mà thôi. Chúng tôi thích đi lang thang ở những khu shopping, tuy không mua sắm gì bao giờ ngoài vài chai dầu gió nổi tiếng hiệu ông già của Thái. Thời giờ đi ngắm những gian hàng trong các khu ăn uống lại càng thích hơn tuy chẳng mấy khi chúng tôi ăn uống ở những nơi này.

 

Tận mắt nhìn thấy ở tất cả các shopping malls hoặc ở các siêu thị lớn ở Bangkok thì mới thấy một điều lạ lùng là “Không Một Nhân Viên Bảo Vệ Nào Ở Những Khu Vực Này Hỏi Giữ Giỏ Xách Của Người Đi Mua Sắm Cả”. Mặc dù tôi thường đeo ở vai một cái giỏ xách khá to. Nếu muốn ăn trộm ăn cắp thì cũng chất được khá nhiều đồ. Ngay cả ở những cái malls lớn như MBK, Central World hay Platinum Mall cũng chẳng có bất kỳ ai hỏi giữ giỏ xách của khách hàng.

 

Ngay cả cái Big C Supercenter ở Rajadamri nơi mà những chuyến xe bus khổng lồ đổ những đoàn du khách Trung Quốc và những tours du lịch đổ khách Việt Nam xuống đây hàng ngày cũng vậy. Họ mua sắm những mặt hàng gia dụng và thực phẩm mang về nước nhiều đến độ mà tôi nhìn vào cứ tưởng là sẽ có một trận phong ba bão tố khủng khiếp như trận Đại Hồng Thủy xảy ra trong nay mai. Họ mua đồ, đóng thùng mang về nước nhìn như là tận thế sẽ đến vào cuối năm nay vậy. Vậy mà, chớ có một người bị giữ lại để hỏi gởi túi xách.

 

Người dân Việt mình có tính hay đổ thừa.

 

Chẳng lẽ bản tính ăn gian, nói dối, ăn trộm, ăn cắp người ta cũng đổ thừa, đổ lỗi cho chính sách hoặc do chủ thuyết Cộng Sản nó biến đổi được chăng?

 

Vậy thì giáo dục ở gia đình người ta để đâu nhỉ?

 

Hay lại phải mượn lời của cái ông lãnh đạo thích ný nuận thường nói: “mình phải có thế nào người ta mới thế chứ”.

 

Lòng tin đánh mất đi rồi thì làm sao lấy lại?

 

(3) NHỮNG MẨU VỤN LƯỢM LẶT.

 

Đàn ông Thái, đàn ông Mã Lai và đàn ông Lào “dường như” chăm chỉ và chí thú làm ăn, lo cho gia đình của họ hơn đàn ông của Bộ Tộc Vệ rất nhiều. Không có gì lạ, khi khách du lịch bắt gặp khá đông đàn ông Xứ Vệ tiêu xài thời giờ ở các quán cà phê mỗi buổi sáng và ở các quán nhậu mỗi buổi tối hết sức phí phạm.

 

Chẳng những thế, đàn ông Xứ Vệ thường tự hào từ chối một cách bỉ bôi rằng những công việc như trông con, rửa chén và phụ các công việc nhà là việc chỉ “dành cho bọn đàn bà”. Rất hiếm thấy đàn ông Xứ Vệ đứng ra làm những công việc buôn hàng bán quán ngoài chợ. Có tới hơn 80% những công việc buôn bán sinh nhai hàng ngày, bất kể lớn nhỏ nào ở Xứ Vệ, cũng đều do tay người phụ nữ đảm trách.

 

(Tôi biết, tôi biết là thế nào cũng có mấy anh tự ái nói rằng "bây giờ đã đỡ nhiều rồi ...", bởi vậy, tôi mới chừa lại 20% đó)

 

Chả thế mà ca dao ở Xứ Vệ mới có câu nghe đến thương:

 

Thân Cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo … nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non …

 

Chẳng hiểu những “tấm chồng” kia ăn cái giống gì để đến bị … bại liệt mà phải để Cò gánh gạo về nuôi thế nhỉ?

 

Không như ai kia, khách du lịch có thể thấy rất thường, những người đàn ông Thái, đàn ông Mã Lai đứng bán hoặc chạy hàng ở những quán ăn bên đường, hoặc bán rau, bán tôm, bán cá phụ giúp cho vợ ngoài chợ. Nếu nhìn cho kỹ, thì những người đàn ông này, đúng là rường cột của gia đình. Họ là cây cột chính, đội cái sức nặng của cái nóc nhà, vợ con họ chỉ là những cái đà ngang đà dọc phụ đỡ thêm mà thôi. Ngược lại với những người đàn ông ở Bộ Tộc Vệ, cái cánh đàn ông ở Thái và ở Mã Lai, đứng ra gồng gánh, nai lưng làm tất tần tật, hầu như tất cả mọi việc, từ những công việc khó nhọc nặng nề “dành cho bọn đàn ông”, cho tới những công việc li ti nhỏ nhặt, chỉ “dành cho bọn đàn bà”.

 

Lại nữa, vô cùng khó, gần như là không thể, để mà tìm thấy đàn ông Thái, đàn ông Mã Lai tụm năm túm ba lãng phí thời giờ ngoài quán cà phê, ngoài những gốc cây hoặc dưới bóng mát của vỉa hè trong giờ làm việc, chứ đừng nói tụ tập lãng phí thời giờ và tiền bạc ngoài các quán nhậu. Không như ở Xứ Vệ, du khách tìm thấy các quán nhậu, các quán bar ở Thái, ở Mã Lai là những nơi chỉ dành riêng cho khách du lịch và khách Tây mà thôi, đàn ông bản xứ không thấy bén mảng tới những nơi này.

 

Nói tóm lại và nói chung chung thì đàn ông cái Xứ Vệ quả là “may mắn” vì họ sanh ra đời ở một đất nước mà cái “hậu quả tàn khốc” của cuộc chiến, vẫn còn để lại tàn dư mãi cho tới gần nửa thế kỷ sau đó. Cái “Nạn Trai Thiếu Gái Thừa”, cái lối suy nghĩ “Sanh 10 Đứa Con Gái Chưa Bằng Sanh Được Một Thằng Quý Tử” của thời xa xưa, nó đã ăn sâu vào nền giáo dục, vào cách ăn ở cho mãi tới ngày hôm nay. Mặc dù 45 năm sau cuộc chiến, cái nạn gái thiếu trai thừa đã trở thành đại nạn cho cánh đàn ông nhưng cái suy nghĩ như một loại bịnh di căn chưa có thuốc chữa này vẫn còn đó. Đàn ông Xứ Vệ sẵn sàng ở vậy nuôi thân còn hơn phải xuống nước chấp nhận làm những công việc chỉ “dành cho bọn đàn bà”. Ta thà ế chứ nhất định không thể như thế.

 

Chả trách đàn bà con gái của Xứ Vệ giờ chỉ sính chồng ngoại! Thôi thì:

 

Thà rằng mang tiếng ế chồng,

Còn hơn lấy phải thằng không ra hồn!

 

Tối nay, hẵng cứ nhậu cái đã, xem thời thế nó biến đổi ra sao, ngày mai mới tính.

 

                                                           ***

Tình cờ một lần kia, chúng tôi ghé vào một tiệm ăn nho nhỏ, mới khám phá ra cô chủ quán là một cô gái gốc Đà Nẵng qua Mã Lai lấy chồng có con ở đây, vợ chồng làm chủ cái tiệm ăn này, kể về “thằng chồng Mã Lai có gốc Tàu Đài Loan” của mình một cách hết sức hãnh diện: “Ôi, cái thằng này nó hiền khô à chú. Mấy ông Việt Nam khỏi có cửa so sánh đi. Ở nhà việc lớn việc nhỏ gì cũng một tay nó. Ra tiệm việc trong bếp, việc ngoài đường gì cũng một tay nó”.

 

“Con hả chú, hì hì, chỉ có đi ra đi vô thu tiền rồi lo cho thằng nhỏ này,” chỉ tay vào thằng cu chừng 2 tuổi, cổ tiếp một hơi: “Chả không hút thuốc, không uống rượu, lâu lâu hỏi vợ cho phép kéo về nhà mấy thằng bạn, làm người 1-2 chai bia, không bao giờ uống hơn, mà cũng không bao giờ ra quán.

 

Mỗi năm, ổng để 2 mẹ con con về thăm gia đình đôi ba bận, đến Tết mình thì ổng để tiệm nhờ người chị lo, vợ chồng con cái kéo nhau về thăm bên ngoại độ chục ngày. Đồ ăn Việt Nam cái gì cũng ăn được, chỉ có nhậu là không. Thương lắm luôn”. Rồi cổ tiếp luôn một câu kết thúc câu chuyện mà hai vợ chồng tôi suy nghĩ mãi đến cả chục bữa sau mà vẫn chưa hiểu ra:

 

“Phụ nữ Mã Lai nó ghét và sợ phụ nữ Việt Nam ghê lắm … Họ Sợ Con Gái Việt Mình Sang Đây, Giựt Hết Đàn Ông Mã Lai Của Họ!”

 

Không lẽ đàn ông Mã Lai có giá đến vậy cơ à?

 

Mà chẳng lẽ phụ nữ Việt mình lại không còn có sự chọn lựa nào khác?

 

(4) THÂN PHẬN NHỮNG CÂY CẦU CHỊU QUÁ TẢI.

 

Con bé nhìn còn trẻ lắm, chắc chỉ ngoài 20 một tí là nhiều, địu đứa bé chỉ được vài tháng tuổi, ngủ oặt ẹo trước ngực, tay dắt một đứa bé gái khác chắc chưa tới 2 tuổi đầu, tay kia kéo theo cái valise to tổ bố, đã thế, vai lại đeo một cái giỏ xách rõ to, có lẽ đựng quần áo và sữa tã cho con. Cứ thế mà nó lôi, cõng, kéo con đi thoăn thoắt qua cái đoàn người rồng rắn chờ làm các thủ tục hải quan ở phi trường.

 

Trong đoàn người đứng xếp hàng đó lại có một cô gái trẻ khác, chỉ độ trên dưới 25 tuổi, nhan sắc trên trung bình, dáng người cao ráo và gọn ghẽ, cười nhí nhảnh với một “ông Tây” có lẽ phải ngoài năm chục, tướng phì phệ, bụng to như cái trống, tạng người ít hoạt động, ăn no ngồi ỳ trước cái TV. Cứ một chốc, hai người lại hôn môi nhau một cách tình tứ và say đắm, dường như muốn tỏ ra thái độ bất cần của một cặp nam nữ sống trong thời buổi văn minh, hoặc hai người đang trong thời kỳ yêu đương ... quá độ, muốn thông báo cho cả thế giới biết tình yêu tràn lan không giới hạn của mình. Cứ nhìn bộ dạng và những đồ nghề lỉnh kỉnh họ kéo theo thì có lẽ người đàn ông thuộc dạng đại gia lắm tiền nhiều của.

 

Trong cái bối cảnh lộn xộn ấy ở phi trường, tôi chứng kiến có đến hơn 1/2 số người chen chúc nhau “làm thủ tục đi ra nước ngoài” hoặc “trở về nơi họ đang tạm cư ở các quốc gia quanh vùng" với những người chồng không cùng ngôn ngữ, là những người phụ nữ trẻ Việt Nam. Cứ nhìn cái phong cách họ ăn mặc, những mốt quần áo, đầu tóc đủ kiểu, thì người ta có thể đoán ra “họ sẽ trở về đâu”.

 

Không khó để nhận ra có những mốt quần áo thời trang cóp nhặt của các ngôi sao Nam Hàn, của các ngôi sao Nhật Bản, của các tài tử Hong Kong, Đài Loan, Thái, Mã Lai hoặc các mốt quần áo lèng xèng của dân Úc. Các kiểu tóc, các kiểu mũ nón, các kiểu giỏ xách đều có những sự khác biệt với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia lân cận, quanh Việt Nam. Cũng không khó để nhận ra cái mức sống giàu nghèo của họ qua những thứ đồ tư trang lỉnh kỉnh mà họ đeo mang trên người.

 

Qua các trạm kiểm soát, xong các thứ thủ tục, những người phụ nữ trẻ này túa ra trên những chuyến bay đi khắp nơi. Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, họ còn nói được tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Mã Lai, tiếng Anh, những thứ ngôn ngữ nơi họ đang sinh sống. Phần đông trong bọn họ, ai cũng mang một nét ưu tư lộ hẳn ra trên mặt. Họ phải tạm biệt cái mảnh đất èo uột khô cằn nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Họ phải từ giã những người thân yêu qua thời gian viếng thăm ngắn ngủi. Họ lại phải trở về với cuộc sống làm dâu, của người con gái lấy chồng nơi xứ lạ.

 

Người con gái Việt Nam mang trong mình 2 cái trọng trách nặng đến oằn vai.

 

Cuộc sống bên nhà chồng với những công việc mà họ đã “được mướn” trong những cái giao kèo ngầm không có giới hạn thời gian, không có điều kiện đòi hỏi rõ ràng trên giấy trắng mực đen, cái giao kèo đó, chỉ đơn giản là tấm giấy hôn thú. Những món tiền họ "được thưởng", những lần được phép về thăm gia đình, nó cũng chẳng khác "các loại tiền tips, tiền boa" tùy theo thái độ và cung cách họ phục vụ nhà chồng. Gánh nặng của kiếp “đẻ mướn” nuôi con như những chị tò vò luôn được đi chung với những trách nhiệm nặng nề của thân phận tôi đòi phục vụ người khác với những tình cảm bắt buộc.

 

Cuộc sống bên nhà mình với cái trọng trách đã được gia đình gởi gấm qua những cuộc “hôn nhân trao đổi”, những gánh nặng tài chánh phải lo cho cha mẹ già, lo cho đàn em thơ, với những căn nhà lầu cao tầng đổ bê tông mấy tấm nằm chơ vơ lạc lõng ở thôn quê.

 

Cứ thế, những người phụ nữ trẻ này, gánh trên đôi vai những gánh nặng mà chỉ có tấm lòng cao thượng, tình yêu thương vô bờ bến, mới có thể vực họ dậy được sau mỗi lần mệt mỏi muốn ngã quỵ trong đơn độc, một thân một mình nơi xứ người. Hạnh phúc của họ nó quá là nhỏ nhoi, nó chẳng có gì khác ngoài những đứa con phải mang cho gia đình chồng, qua cái kết quả của những cuộc hôn nhân gượng ép, không thương yêu nhưng vẫn phải lấy, may ra thì đổi lấy được một cuộc sống tạm đủ về tài chánh.

 

Niềm vui của những người phụ nữ trẻ này, chẳng có gì khác ngoài những lời trầm trồ khen ngợi của chòm xóm láng giềng, qua những gì họ ki cóp đem về quê cho gia đình, căn nhà xây mấy tầng rộng rãi, cái TV màn ảnh phẳng “to đùng” để ở giữa nhà, những chiếc xe gắn máy cao cấp mới cáo cạnh, những bữa tiệc liên hoan đãi đằng bà con lối xóm trong các dịp lễ giỗ. Tất cả những thứ mà gia đình cô gái đó có được hôm nay, cũng là để trả lại cái công ơn sinh thành mà họ đã không được phép có ý kiến đóng góp khi bà mẹ họ thụ thai.

 

Nhìn những mảnh đời bôn ba của những người phụ nữ trẻ này ngoài phi trường, lòng tôi chợt quặn thắt lại với một nỗi buồn day dứt khó tả.

 

Cái hình ảnh quê hương là chùm khế ngọt tự dưng nó đắng chát ở cổ họng. Bất chợt trong đầu tôi lại văng vẳng mấy câu ru con mà tôi đã từng nghe mấy chục năm trước khi còn trẻ ở quê nhà:

 

Má ơi, đừng gả con xa …

Chim kêu vượn hú … à, chim kêu vượn hú, biết nhà má … đâu?

 

(5) NHỮNG MẢNH ĐỜI BÔN BA TRÔI DẠT.

 

When I was young, I thought the world was full of love.

Ngày còn trẻ, tôi tưởng thế giới chỉ có tình yêu.

 

What did I know?

Now I am old …

 

Năm ngoái, chúng tôi đi “sống thử” ở một vùng đất không phải là “Chùm Khế Ngọt”, thuộc vùng cực Bắc trên đất Thái, mang tên Chiang Mai, vì nghĩ, biết đâu vài năm nữa khi về già, lại chẳng muốn tìm cho mình một nơi vắng vẻ. Chán chê, chúng tôi chạy qua Kanchanaburi, một cái thị trấn nhỏ, yên bình nằm sát biên giới Thái và Miến Điện, nơi có cây cầu bắc ngang qua dòng sông Kwai nổi tiếng trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Ở đó sau một thời gian, lại chán, chúng tôi đáp máy bay qua miền cực Bắc của Lào mang tên Luang Prabang giáp biên giới với Trung Quốc.

 

Khi đi du lịch bụi, chúng tôi thường đến trú ngụ ở các hang cùng ngõ hẻm của dân lao động bản xứ, để biết thêm một chút về cuộc sống thực của họ. Đối với chúng tôi, du lịch không chỉ là đến những thủ đô đầy bụi bặm hoặc những thành phố đông nghẹt những người, với đầy đủ mọi tiện ích nếu chịu móc bóp ra chi tiền, để ăn chơi và hưởng thụ. Tôi thích những sự việc bất ngờ, xảy ra ngoài những gì mình tính toán. Tôi thích những tình huống bất chợt, bắt buộc mình phải xoay sở để giải quyết. Tuy nhiên những “gián đoạn và bất trắc kia, khó mà làm tôi e dè hay nản chí”. Chẳng phải cuộc đời luôn dẫn ta đến những cái … không thể tiên đoán trước được?

 

Năm nay, chúng tôi trở lại đất Thái, không định trước, loay hoay quay đi quay lại, thế mà đã ở lại Bangkok gần tháng trời. Chán, chúng tôi dời nhà đến “sống thử” ở một vùng đất hẻo lánh cao nguyên hướng Đông Bắc, cách Bangkok độ chừng 600 cây số, mang tên Udon Thani. Cái quận lỵ nhỏ xíu này, chỉ cách thủ đô Vạn Tượng của Lào độ 70 cây số. Khí hậu mát mẻ, dân số thưa thớt, không khí khá trong lành.

 

Ở nơi này chúng tôi đã vô tình chứng kiến những giọt nước mắt đọng quanh mi, những tiếng nấc nghẹn cố gắng lắm mới giữ lại được trong cổ họng của những người con dân đất Việt xa xứ, những người anh em đồng hương, tiếng Thái giỏi hơn tiếng Việt. Những người Việt trên giấy tờ nếu có, không còn mang những cái tên thân quen Trung, Dũng, Hằng, Mai, Hoàng nữa mà thay vào đó bằng những cái tên lạ lẫm Apinya, Daw, Chakrii, Anong, Malee, Paithoon của một thứ ngôn ngữ xa lạ. Họ phải suy nghĩ lắm mới tìm ra được những chữ tiếng Việt, còn nằm sót lại ở đâu đó trong tận sâu thẳm của ký ức, để ráp lại thành những câu nói gượng gạo, khó hiểu, còn thua cả những trẻ em gốc Việt sinh ra ở bên Mỹ.

 

Hai vợ chồng tôi ghé một gian hàng bán trái cây nằm bên con đường chính dẫn vào trung tâm thị xã Udon Thani, ngay bên kia đường của căn hộ mà chúng tôi mướn. Nhìn những thứ trái cây bày bán được sắp xếp cẩn thận, có gắn giá đàng hoàng cho mỗi kg và cái giá thì thực là khá rẻ, rẻ hơn ở Việt Nam một nửa, tôi chợt buột miệng nói bằng tiếng Việt với vợ:

“Trời, giá rẻ quá, không biết có chích thuốc hay nhúng hóa chất không đây?”

 

Người đàn ông trạc 40-45 tuổi đứng bán hàng buột miệng, nhăn mặt trả lời chúng tôi bằng tiếng Việt “broken”, thiếu âm sắc khiến câu cú khá khó hiểu khi chưa nghe quen:

 

“Không bác ơi, không chích thuốc, không … chất hóa học!”

 

Tôi khựng người: “Ồ, xin lỗi bác, bác cũng là người Việt à?” thế nhưng, nhìn lại khuôn mặt của anh ta, khó mà đoán được anh ta không phải người Thái. Chẳng lẽ ăn đồ ăn Thái, uống nước Thái và nói tiếng Thái, nó mang lại cho người đó cái sắc nhìn của người Thái xa lạ?

 

Sau một cuộc chuyện trò “tâm sự”, tôi mới biết ra rằng anh ta và một số người Việt khá đông cư ngụ nhiều đời ở đây, có cha mẹ là người Việt, vượt biên giới đến đây lập nghiệp từ lâu lắm rồi, có cả hơn nửa thế kỷ trước. Có những người đến đây từ Lào, sau khi sinh sống ở đó một thời gian. Có những người đi từ Việt Nam xuyên qua Lào rồi đến cư ngụ ở đây từ những thập niên 1940s, 1950s, 1960s. Điều đặc biệt là Chỉ Có Người Miền Bắc chạy qua đây sinh sống từ thuở đó.

 

Câu chuyện kéo dài, mỗi ngày một đoạn. Giờ tôi mới biết rằng ở Udon Thani, con số người Việt nhập cư sinh sống cũng khá đông đảo. Có điều, gần như không thể nào có thể nhận ra sự khác biệt giữa người Việt và người địa phương qua cái nhìn, qua khuôn mặt. Nhờ việc tình cờ quen biết với anh bán trái cây này, chúng tôi đã tìm ra được giải pháp.

 

Đi chợ, đi mua hàng, đi mua thức ăn, tôi có cách này để tìm ra họ là người Việt, dễ lắm, chỉ việc làm bộ hỏi vợ bâng quơ những câu:

 

“Không biết trái cây này có tẩm hóa chất không nhỉ?” hoặc,

 

“Bánh, kẹo này không biết có ngọt quá không, sợ ăn không tốt?” hoặc,

 

“Không biết họ có bán đồ cũ của ngày hôm qua còn sót lại không?” hoặc,

 

“Không biết có phải hàng nhập sang từ Trung Quốc không?” và nếu người bán hàng là người gốc Việt, thì thế nào cũng nhận được những câu trả lời “với ngôn ngữ tiếng Việt ngây ngô” ngay.

 

                                                          ***

 

Những giọt nước mắt của chị bán khoai lang và chuối chiên.

 

Sau khi làm quen và được tôi hỏi là tại sao bố mẹ chị gốc người Việt lại không dạy cho chị tiếng Việt đâu ra đó, mà để ngữ vựng tiếng Việt của chị quá ít, phát âm tiếng mẹ đẻ quá cứng, câu cú đặt quá sai văn phạm, thì những gì chị ta trả lời đã khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và xót xa, thương cảm cho phận số của những người Việt bôn ba xa xứ, những con chim lạc đàn xa tổ, những phận số đau buồn của những đứa con phải bị gậy tha phương cầu thực nơi xứ người, mà chúng nó không có sự chọn lựa. Câu chuyện này không chỉ của riêng chị bán khoai chiên chuối chiên này, nhưng là của phần đông người Việt ở đây.

 

Chị kể lại bằng cái tiếng Việt lơ lớ, thiếu ngữ vựng và sai bét be về văn phạm, qua những giọt nước mắt đọng nhẹ quanh mi:

 

Chúng em lớn lên ở đây, ngay khi còn bé lắm, bố mẹ đã dạy cho nói tiếng Việt, ít ít thôi, ở trong nhà nhưng cấm chúng em nói tiếng Việt ở ngoài đường. Cảnh sát Thái thấy mình nói tiếng Việt là bắt ngay. Bố mẹ chúng em qua đây ở lậu mà. Không, không được nói tiếng Việt, lớn lên một chút, chỉ nói tiếng Thái thôi, ở nhà không còn nói tiếng Việt nữa!

 

Thế thì không có giấy tờ à?

 

Không có giấy tờ. Em không có đẻ ở nhà thương. Ở đây nhiều người Việt lắm nhưng chẳng bao giờ nói với nhau bằng tiếng Việt, chỉ có nói ít ít ở trong nhà thôi. Có nhiều đứa người Việt nhưng không biết nói tiếng Việt.

 

Thế sao bây giờ lại dám nói tiếng Việt với chúng tôi?

 

Gần đây thì đỡ rồi. Chính phủ cho làm giấy tờ những ai sanh đẻ ở đây, nhưng chúng em vẫn không nói tiếng Việt với nhau đâu. Xuống đến đời chúng em, không còn ai dạy cho con cái tiếng Việt nữa, mà cũng chẳng biết nhiều để mà dạy. Tiếng Thái thôi. Em có tên tiếng Việt nhưng không có trong giấy tờ. Mấy đứa con em thì chỉ có tên Thái. Bây giờ thì đỡ rồi, chính phủ tốt rồi.

 

Vậy thì em có giấy tờ đàng hoàng, không phải dân ở lậu?

 

Em có giấy tờ. Nhiều người có giấy tờ nhưng cũng có nhiều người không có giấy tờ. Cảnh sát Thái bây giờ cũng dễ rồi. Đừng pham tội, đừng say rượu thì họ tha. Em sống ở đây hơn 30 tuổi không có giấy tờ. Mới có giấy tờ hơn mười năm nay thôi.

 

Thế sao em không dạy cho con em những tiếng Việt mà em biết như đang nói chuyện với anh chị đây?

 

Chồng em nó không cho. Tiếng Việt để làm cái gì. Tiếng Việt để được cái gì. Em chưa có nói chuyện tiếng Việt nhiều như này với ai, cần suy nghĩ lắm mới nhớ được chữ tiếng Việt!

 

Tôi có thể thấy được những nét đăm chiêu, những hồi tưởng về dĩ vãng xa xôi, những trăn trở, chợt đến chợt đi trong trí nhớ của người đàn bà qua những giọt nước mắt chơm chớm ở quanh mi, rồi chợt tan biến như sương chiều.

 

Cũng may, gánh hàng khoai và chuối của chị không còn nhiều, chứ không chúng tôi phải ăn cũng mệt. Khoai chiên và chuối chiên của người Thái hơi khác của người Việt mình bởi họ rắc thêm vào đó ít hạt mè đen, vỏ bột bọc bên ngoài khô hơn, cứng hơn và chuối thì lại chiên chuối hơi sống, nhỏ và khô xác xơ chứ không chiên cả quả khổng lồ, chín nhừ như người mình.

 

Chị ta lọng cọng, lúng túng bỏ vào bịch bánh mấy cái bánh gì tròn tròn là lạ còn sót lại trong rổ, với những lời ngượng nghịu: “Cho, mấy cái này cho,” lúng túng mãi như không tìm ra được chữ dùng cho đúng. “Cho. Không lấy tiền.”

 

                                                          ***

 

“Nỗi buồn” của anh có sạp bán trái cây ở khu chợ đêm nổi tiếng UD Town.

 

Cái gian hàng bán trái cây ở đầu chợ nhìn rất tươi mát, có nhiều thứ trái cây chín mọng, nhìn bắt mắt hơn những gian hàng khác ở chung quanh. Có những vỉ trái cây được bóc và bọc lại cẩn thận mà giá cũng khá phải chăng. Tự nhiên thèm bưởi khi thấy những trái bưởi da xanh ruột tím chất cao như núi. Anh chàng bán trái cây chắc cũng độ trên dưới 35 tuổi nhìn cách ăn mặc khá giống người Việt ở trong nước, hơi diêm dúa cho cánh đàn ông. Chiêu cũ lôi ra xài lại, tôi quay qua nói với vợ, lớn đủ để anh ta nghe thấy: “Cái sạp này trái cây nhìn ngon nhất ở đây, chỉ sợ trái cây nhập từ Trung Quốc!”

 

Anh chàng chủ sạp trả lời ngay một cách mau lẹ, tự nhiên với loại “tiếng Việt trong sáng và chuẩn như người Hà Nội”:

 

“Không phải hàng nhập từ Trung Quốc đâu hai bác ơi. Hàng hạng nhất, loại hàng cao cấp, hàng chuẩn của Thái đấy bác ạ”

 

Tôi được cái khéo bắt chuyện, trước lạ, chỉ 30 giây sau thành quen và sau chừng 15 phút thì trở thành bạn tâm giao từ khi cha sanh mẹ đẻ ra tới giờ mới … gặp mặt. Chỉ sau vài câu tâm sự, anh ta kể hết nguồn cơn. Sau câu chuyện, chúng tôi mới … thì ra thế, thảo nào tiếng Việt của anh ấy “chuẩn” đến vậy.

 

Ồ, em người Hà Nội. Qua đây cũng 6 năm rồi. Em ở lậu, ở lại luôn sau khi quá hạn visa.

 

Không sợ bị bắt đuổi về à?

 

Không, chẳng sợ cái chó gì bác ạ. Tháng nào cũng phải đóng tiền cho chúng nó. Không ít đâu bác ạ, mỗi tháng, để coi nào, cũng hơn 3 triệu rưỡi tiền Việt mình, nhẩm ra cũng trăm sáu trăm bẩy chục đô chứ ít gì. Chúng em bao tất. Sạp bán hàng cũng có, mà giấy tờ chủ quyền cũng có người đứng cho, cái khoản này phải trả riêng đấy nhé. Chẳng đứa nào làm khó khăn gì cả. Cứ đấm tiền vào mồm chúng nó là xong hết thôi bác.

 

Thế chú đã có gia đình, vợ con gì chưa?

 

Có rồi anh, vợ 3 con. Rồi anh ta huyên thuyên tiếp: Vợ con thì vẫn còn sống với ông bà nội ở Hà Nội. Một năm cũng sang đây thăm em được vài tuần rồi về.

 

Chú có về lại Hà Nội lần nào chưa? Bao lâu rồi?

 

Chưa anh ạ, cũng hơn 6 năm rồi. Vợ con sang thăm thôi chứ em thì chưa về lần nào. Để ít thời gian nữa làm ăn khá lên, kiếm cách làm giấy tờ cho nó hợp lệ, thì lúc đó mới tính.

 

Vậy thì bên đây sống một mình, chắc buồn chết?

 

Buồn gì mà buồn ông anh? Thanh niên độc thân tạm mà, chỗ nào chả xáp lại được dăm ba tuần hay đôi ba tháng? Cười cười một cách bí hiểm.

 

Câu chuyện đang râm ran thì có mấy người khách đến mua hàng. Tiếc, nhưng đành phải cắt ngang câu chuyện. Hai vợ chồng lựa được vỉ bưởi bóc sẵn nhìn ngon lành lắm mà giá thì cũng rẻ, những múi bưởi căng tròn nằm xếp lớp dầy bọc chặt trong lớp bao nylon cẩn thận. Định bụng thế nào rồi mai cũng sẽ phải lội bộ xuống khu chợ đêm này tán chuyện với anh chàng đẹp giai lại khéo kể chuyện này thêm vài lần cho thỏa nỗi tò mò về những câu chuyện phiêu lưu thích thú như này.

 

Hơn tiếng đồng hồ sau, lội bộ về đến nhà trọ, mở vỉ bưởi ra, thì hỡi ơi, độn ở dưới là một lớp dầy những ruột bưởi trắng như bông nhìn giống y như cái vỉ trắng Styrofoam bên ngoài. Trên mặt được phủ và xếp một cách hết sức khéo léo, đúng 5 múi bưởi, che kín phần ruột bưởi độn bên dưới. Hai vợ chồng nhìn nhau, không nói, nhưng dường như đang hiểu ngầm với nhau rằng, có lẽ phải quên đi cái dự tính gặp lại anh bán bưởi lần nữa.

 

Thấy thiên hạ, những người có "đầy kinh nghiệm sống" dạy cho nhau rằng: "Đừng tin con mẹ bán rông, làm sao bằng thằng đàn ông bán sạp"

 

Thuật lại hai câu chuyện không khó, không mất nhiều thời giờ, nhưng mất cả tuần lễ, nặn đầu óc suy ngĩ mãi để kết luận mà vẫn không ra. Thôi thì đặt tên cho nó là những mẩu chuyện không có phần kết luận.

 

(6) LỐI SỐNG và CÁCH SỐNG của NGƯỜI VIỆT, THÁI, và MÃ LAI.

 

Tôi đến rồi đi, rồi trở lại Georgetown, Penang cộng lại trong một thời gian khá dài, để có thể nói là mình biết khá rành rẽ về hòn đảo này của Mã Lai, bởi nó cũng không lớn là bao. Chúng tôi mướn được một căn nhà khá cũ ở Phố Cổ mặc dù nó đã được chủ tân trang lại ở bên trong, nhưng có những phần họ vẫn giữ nguyên những gì họ đã xây dựng hơn 60 năm trước. Cầu tiêu vẫn là cầu chồm hổm, hễ cứ thả một quả bom thì lại phải mau lẹ nhổm đít lên, kẻo nước bên dưới văng ướt đít. Tắm vẫn là thùng chứa nước và cái ca nhựa. Phòng ngủ là một cái gác lửng với cầu thang dựng đứng, xẩy chân một cái là … bỏ mẹ mồ côi liền … Bên cạnh những thứ cổ đó, nó có một điểm hết sức tiện lợi là nằm ngay chính giữa trung tâm, đi tới bất kể khu tham quan du lịch nào cũng chỉ trong vòng trên dưới 2km, đi bộ nhiều lắm là hơn nửa tiếng đồng hồ. Cứ thế, chúng tôi sáng vác ô đi, tối vác về, và cứ thế ngày nào cũng đi suốt.

 

Ngày thứ ba sau khi đến đây, chúng tôi đi tìm đến một nơi mang tên Chan Jetty, một khu vực mà người ta làm nhà chòi ra mé bờ biển, trước lậu, sau hợp pháp. Nó cũng không khác gì khu nhà chòi ra biển ở Phú Quốc vậy. Thế nhưng, một điều vô cùng khác biệt đập vào mắt du khách, nếu họ có dịp đi thăm “khu du lịch” nhà sàn trên bờ biển ở Penang và ở Phú Quốc là lối sống và cách ăn ở của dân chúng hai nơi đó. Dân ở Phú Quốc phải nói là họ sống trên những ổ rác khổng lồ, đủ loại rác, bẩn thỉu đến kinh tởm chứ không phải kinh hồn. Người Việt ở trong nước ngày nay ăn ở dơ dáy đến khiếp. Phần đông, họ ăn đó, rồi ỉa luôn ra đó. Nước dơ thì xả thẳng xuống gầm nhà sàn. Rác rưởi, bao nylon, đồ ăn dư, cống xả từ các hàng quán và mọi thứ mà người dân sống trên những dãy nhà sàn này xả ra, họ cho đi thẳng xuống bờ biển.

 

Mà ở những nơi này, bờ biển lại rất cạn, nước không có sóng, không có thủy triều lên xuống, lâu ngày bãi biển trở thành một màu xanh lờ lờ, như những vũng sình đang chuyển hóa, xông lên một mùi hôi thối kinh khủng đến lợm giọng. Các loại rác không tiêu hủy ngay hoặc không bao giờ tiêu hủy được như bao nylon, hộp Styrofoam, và các thứ kim loại phế thải, bị trôi dạt và giữ lại ở trên những vùng cao sát bờ mà nước biển chỉ có thể chạy vào đó xâm xấp, biến nó thành những đống rác thải gớm ghiếc, là những ổ chuột bọ và các sinh vật nguy hại đến sức khỏe của người dân sinh sống ở đó, nhưng đối với dân ở đây, dường như họ chẳng có gì phải tơ vương hay lo lắng. Mỗi khi mặt trời lên cao, nắng nóng hấp lên tỏa ra những mùi hôi thối nồng nặc.

 

Ở Penang của Mã Lai thì ngược lại, hàng trăm con người sinh sống trên những mái nhà sàn chòi ra biển, cộng với hàng ngàn du khách đông nghẹt mỗi ngày, họ cũng buôn bán đầy đủ các loại đồ ăn thức uống cho du khách vậy mà tuyệt nhiên KHÔNG CÓ MỘT CỌNG RÁC, bất kể thứ rác gì. Du khách thấy vậy, bà cố cũng không dám xả rác, ngay cả bọn du khách Trung Quốc đến từ đại lục cũng … bố bảo không dám. Còn ở Việt Nam thì thôi rồi, cư dân xả một, du khách bắt chước xả hai ba. Ở Penang, cái thềm bờ biển sạch boong không một cọng rác, không một mùi hôi gì khác ngoài cái mùi tanh nồng của gió và nước biển.

 

Ai đã từng từ những quốc gia khác đến những khu phố đông đúc dân cư ở Việt Nam rồi thì hẳn biết điều này, đó là sự dơ dáy, lối sống bẩn thỉu, dẫn đến sự hôi hám nhức lỗ mũi. Người dân Việt ở trong nước dường như đã quen và miễn nhiễm với những mùi hôi hám này, riêng những người đến Việt Nam từ những quốc gia khác, đều phải trợn mắt ngạc nhiên và cơ thể họ có những phản ứng dữ dội như nghẹt mũi, khó thở, dị ứng ngay lập tức …

 

Tôi nhận xét thấy được điều này là: Thủ đô Kuala Lumpur của Mã Lai sạch hơn thủ đô Bangkok của Thái Lan, thủ đô Bangkok của Thái lan sạch hơn thủ đô Hà Nội của Việt Nam rất nhiều, thế nhưng thành phố Sài Gòn là dơ dáy nhất. Tại sao thế nhỉ? Ngày xưa tôi sống và lớn lên ở đó, đâu có vậy!

 

Người ta có thể đổ thừa cho “xã hội”, đổ lỗi cho “thể chế Cộng Sản”, hoặc đổ vấy cho lối “giáo dục ở học đường” nhưng dường như người ta quên đi rằng, tất cả những thứ đó đều do ảnh hưởng trực tiếp từ mái ấm nhà mình, từ ông bà, từ cha mẹ, và từ những người lớn tuổi ở chung xóm.

 

Cũng đừng đổ thừa tại mật độ dân số. Dân số theo thống kê của năm 2019 thì Bangkok gần 10 triệu người, trong khi ở Sài Gòn chỉ chưa tới 9 triệu. Cũng đừng đổ thừa là dân tứ xứ về thành phố sinh sống tạm và làm việc đông hơn con số thống kê. Ở Bangkok cũng có số dân tạm cư đến từ ngoại thành sinh sống và làm ăn, không nằm trong con số thống kê y như nhau cả thôi. Chúng tôi ở Bangkok gần 1 tháng trời, đi 10 chiếc xe Grab thì 10 người tài xế đều là dân đến từ những vùng cách xa thành phố cả hơn nửa ngày đường. Nhiều người trong số họ, vài tháng mới về thăm quê một lần, không khác dân tạm cư ở Sài Gòn là mấy.

(Không thể so sánh sài Gòn với Kuala Lumpur (một sai sót trầm trọng khi tôi ĐÃ so sánh 2 thủ đô của Mã Lai và Việt Nam) vì dân số ở Kuala Lumpur quá ít để so với Sài Gòn.)  Tại sao lại có sự khác biệt đến kỳ cục như vậy? Một lần nữa, xin đừng đổ tại sống với Cộng sản nó thế!

 

Tôi chỉ có thể đoán được rằng, người dân Việt mình sống không lo cho tương lai, sống không biết đến con cháu, và nếu phải nói thẳng, nói thật thì người Việt mình sống rất ích kỷ. Mỗi người, sống chỉ lo cho một mình họ. Mỗi gia đình, sống chỉ lo cho một mình gia đình của họ. Người ta có thể giữ rất sạch sẽ trong sân nhà của mình nhưng lại sẵn sàng quăng rác sang sân nhà hàng xóm hoặc mang rác trong nhà ra quăng đúng vào những chỗ có cái bảng “Cấm Đổ Rác” hoặc “Cấm Bỏ Rác Tại Đây” nằm chễm chệ, chình ình ngay trước một đống rác khổng lồ có sẵn. Thế mới hài. Ở Việt Nam bao giờ cũng thế, những cái bảng Cấm Đổ Rác thường nằm ở những bãi rác khổng lồ, như để trêu ngươi.

 

Những cái bảng “Cấm Đái Bậy” lại thường nồng nặc mùi khai của nước đái. Dân Việt thường rất … Tế Nhị, họ chỉ xả rác và xả nước ở ngay những … chỗ có Bảng Cấm, cho đúng … phong cách.

 

Phần đông dân Sài Gòn ngày nay chủ trương cứ xả rác ra đường, chỉ cần giữ sạch trong nhà là đủ. Không ít những bà nội trợ tay cầm theo bao rác từ nhà mình trên đường đến chợ để quăng ở cái đống rác dọc đường. Không ít những gia đình cho xả nước từ máy giặt trong nhà ra con đường trước nhà, hoặc hất thẳng cái thau nước rửa chén bát ra trước cửa.

 

Không ít hàng quán xả thẳng những thùng nước rửa chén bát, xả thằng những đồ ăn dư, những cặn bã của dầu mỡ nấu nướng vào cái ống cống ngay trước mặt. Chỉ ít lâu sau chỗ đó biến thành một màu đen nhây nhúa hôi hám đến sợ, nơi mà những con chuột cống to như mèo con chạy ra chạy vào như chốn không người.

 

Không ít con phố có những quán ăn mà những ống cống ở phía sau nước trồi lên đen kịt theo con nước của những nhánh sông chảy vào thành phố. Cứ nghĩ mỗi khi "triều cường" thành phố ngập nước, thì những thứ rác rưởi, sình bùn và các loại ô uế kia tràn cả vào trong nhà mình thì sao nhỉ?

 

Chỗ nào cũng có người đái bậy và đái đúng. Sáng sáng mẹ cho con vach quần ra trước cửa nhà đứng đái tỉnh bơ. Chiều chiều bố đi nhậu chân ngang đá chân xiêu về, ghé vào góc tường của căn phố trong hẻm đái cũng tình bơ luôn. Ở Việt Nam, chỉ có chưa thấy bảng “Cấm Ỉa Bậy” mà thôi.

 

Một phần khác, có lẽ là do tinh thần Thiếu Trách Nhiệm của người Sài Gòn ngày nay. Bất cứ cái gì CHUNG là họ chờ và nhường cho người khác làm.

 

Người Sài Gòn ngày nay không còn cái bản tánh “thích xía vô chuyện của người khác” như ngày xưa nữa. Họ thấy những điều trái tai, gai mắt hoặc sai phạm mà những người bên cạnh họ làm, những người chung quanh họ làm, thì họ lờ đi. Kệ mẹ nó, dính vào làm gì!

Để rồi, những sự dồn nén đó, những “bức xúc” đó, được họ đem cả lên mạng Facebook chém đến kinh hoàng, chém hơn Trương Phi múa đao ngoài trận địa. Trên mạng Facebook, điều gì họ cũng biết, chuyện gì họ cũng tỏ, chỗ nào họ cũng có mặt, nhưng ở ngay trước sân nhà mình, ở ngay con đường chính của lối xóm, rác rưởi, bùn sình bẩn thỉu họ lại không hề nhìn thấy.

 

Họ tránh né cái tệ hại chung của xã hội với chủ trương mũ ni che tai, nhưng lại rất hùng hổ chỉ trích và đả kích những gì chẳng có chút liên quan đến họ, đến gia đình họ … ở trên mạng. Phải công nhận, chỉ có ở Việt Nam mới có những cao thủ thượng thừa, những thánh chém gió thứ dữ.

 

Gia Đình Là Phần Tử Cốt Lõi của một xã hội, nếu cha mẹ không dạy cho con cái, nếu cha mẹ không sống như một tấm gương cho con cái học theo, khó mà có thể khá hơn được.

 

XÃ HỘI CHÍNH LÀ TẤM GƯƠNG PHẢN ẢNH của GIA ĐÌNH và NGƯỢC LẠI.

.

.

25 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats