Wednesday 8 December 2021

BIỂN ĐÔNG : DỰ ÁN CÁ VOI XANH 'LÀ PHÉP THỬ QUYẾT TÂM CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM' (Mỹ Hằng - BBC News Tiếng Việt)

 


Biển Đông: Dự án Cá Voi Xanh 'là phép thử quyết tâm của chính phủ VN'

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

8 tháng 12 2021, 17:33 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59530482

 

Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil mới đây thông báo sẽ lại tiếp tục dự án khí Cá Voi Xanh trị giá 20 tỷ đôla với Việt Nam trên Biển Đông, sau những vướng mắc kéo dài tưởng chừng bế tắc nhiều năm qua.

 

Thông tin này được đăng tải trên website của ExxonMobil vào cuối tháng 11/2021.

 

Chỉ mới tháng trước, hội đồng quản trị của ExxonMobil đã phải bàn thảo việc có tiếp tục dự án này không, và đây không phải lần đầu họ xem xét vấn đề này.

 

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 80km về phía đông. Khí từ mỏ này sẽ cung cấp cho các nhà máy điện ở Núi Thành tỉnh Quảng Nam và Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi trong tổ hợp khí điện miền Trung đã được Việt Nam phê duyệt từ năm 2017.

 

Tuy vậy, chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh đã chậm gần 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Lê Minh, chuyên gia dầu khí tại Việt Nam, nói thông tin về ExxonMobil tiếp tục dự án này 'làm ông bất ngờ'. Tuy nhiên ông cho rằng hai bên, ExxonMobil và PetroVietnam, không phải là đã tháo gỡ được những vướng mắc cũ, dù vẫn tiếp tục hợp tác.

 

Ông Minh nói với BBC từ Hà Nội:

 

"Tôi không nghĩ hai bên đã tháo gỡ được những khúc mắc vì tất cả đều phải thông qua đàm phán trong khi trên thực tế, gần một năm nay ExxonMobil đã dừng các đàm phán. Có thể thấy rõ, việc ExxonMobil tiếp tục dự án là nỗ lực của phía chủ nhà (PetroVietnam) nhằm giữ chân đối tác có tiềm lực kinh tế lớn thông qua con đường ngoại giao."

 

Các vướng mắc

 

Các vướng mắc chính ở chuỗi dự án Cá Voi Xanh mà ông Minh cho rằng 'chưa thể tháo gỡ', bao gồm:

 

Cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU): sau mười phiên đàm phán trong nhiều năm (giữa ExxonMobil và các bộ ngành), về cơ bản các bên đã thống nhất nội dung. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng là trượt giá tiền đồng và USD thì vẫn chưa xong.

 

Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA HOA): các bên gồm ExxonMobil, PVN và EVN cần xác định và thống nhất được lượng khí bao tiêu, khả năng bao tiêu của 5 nhà máy điện để tiến tới Hợp đồng bán khí (GSA).

 

Tiến độ khâu hạ nguồn: tiến độ 5 nhà máy điện (2 của EVN, 2 của PVN và 1 của Semcorp) sẽ tác động đến lợi ích chuỗi. Do dự án Cá Voi Xanh chưa phê duyệt "Kế hoạch Phát triển mỏ" FDP (xác định thời điểm cấp khí), các nghiên cứu khả thi các nhà máy điện vẫn phải nằm ở chế độ chờ, ít nhất đến cuối năm 2022.

 

Phép thử về quyết tâm của chính phủ Việt Nam

 

Sau khi ExxonMobil quyết định tiếp tục dự án Cá Voi Xanh, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy thực hiện tiến độ đề ra, theo ông Nguyễn Lê Minh.

 

Cụ thể, Việt Nam cần phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ (FDP) vào quý 4/2022, quyết định đầu tư (FID) vào tháng 3/2023, và khai thác thương mại vào tháng 6/2027.

 

"Đây là phương án tích cực nhất mà ExxonMobil đưa ra. Nếu bảo lưu theo tiến độ này, dự án chính thức chậm 4 năm so với tiến độ ban đầu."

 

"Vì vậy, các nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh có từ Quy hoạch điện VII, nay lại được mang sang Quy hoạch điện VIII để triển khai," ông Minh nói.

 

Ông Minh cũng cho rằng vấn đề lớn nhất là GSA và GGU (bao gồm trượt giá tiền đồng và đôla).

 

Ông Minh phân tích nếu chính phủ Việt Nam đã quyết tâm thì nên chấp thuận với các cam kết trên nguyên tắc "cùng thắng".

 

"Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành và các địa phương Quảng Nam và Quảng Ngãi hỗ trợ ExxonMobil/PVN giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về thuê đất, tuyến ống qua sân bay Chu Lai, việc sử dụng cảng Kỳ Hà."

 

"Về các phê duyệt FDP và FID, Chính phủ cũng cần rút ngắn quy trình. Để có được FDP/FID, đương nhiên sẽ còn rất nhiều hạng mục cần phải hoàn tất trước đó như giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động mội trường, cam kết tiến độ, ký kết GSA, GGU."

 

"Cho nên, việc ExxonMobil tuyên bố tiếp tục dự án chính là một phép thử về quyết tâm của Chính phủ. Nếu tiếp tục chậm trễ, không những hiệu quả dự án sẽ không còn mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch điện VIII".

 

Bài học kinh nghiệm

 

Theo ông Nguyễn Lê Minh, "mấu chốt gây ra các đàm phán kéo dài là vì mỗi phía đều có những khó khăn riêng."

 

"Phía ExxonMobil là do mỏ có hàm lượng C02 cao, cần nhiều giải pháp kỹ thuật, kéo theo chi phí đầu tư tăng, nên họ duy trì các yêu cầu trong GSA và GGU nhằm bảo lưu dòng vốn của mình."

 

"Phía doanh nghiệp chủ nhà, cả EVN và PVN, đều là doanh nghiệp nhà nước nên giá bán khí, giá bán điện đều phải được chính phủ chấp thuận và phê duyệt. Do giá khí không được cạnh tranh, kéo theo giá điện cao hơn giá phân phối ra thị trường."

 

"Về phía các bộ ngành, do có một số quan điểm khác nhau cũng đã dẫn đến sự thiếu nhất quán về chủ trương trong các đàm phán," ông Minh nêu rõ.

 

Cũng theo ông Minh, hiện nay, do nhu cầu kích cầu tăng trưởng nhằm theo đuổi các chỉ tiêu GDP và hạn chế nhiệt điện than, có thể chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại lâu nay.

 

Có nghĩa là, nếu ExxonMobil tiếp tục dự án, Chính phủ cần tối giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình phê duyệt. Ngoài ra, nếu xác định sẽ triển khai dự án thì cần bỏ qua một số lợi ích để đi đến ký kết GSA và GGU.

 

'Chặng đường dài' cho Cá Voi Xanh

 

Giới quan sát từng đặt câu hỏi về nguyên nhân ExxonMobil xem xét rút khỏi dự án Cá Voi Xanh, trong đó không ngoại trừ khả năng Trung Quốc gây sức ép.

 

Sự hồ nghi này đến từ việc Việt Nam đã từng phải ngưng ít nhất hai dự án khai thác dầu khí hợp tác với nước ngoài trên Biển Đông do sức ép từ Trung Quốc.

 

Mỏ Cá Voi Xanh, nằm cách bờ biển miền Trung Việt Nam 80 km, lặng lẽ, nhưng chưa bao giờ chính thức, đóng cửa vào năm 2019, theo Asia Times.

 

Ban đầu, mỏ Cá Voi Xanh được lên kế hoạch cung cấp khoảng 10% nhu cầu điện của Việt Nam bằng cách cung cấp khí cho bốn nhà máy điện ở hai tỉnh miền Trung.

 

Dự báo mỏ Cá Voi Xanh tạo ra doanh thu lên tới 20 tỷ đôla Mỹ cho chính phủ Việt Nam.

ExxonMobil đã phát hiện ra mỏ này cách đây một thập niên và nắm giữ 63,75% cổ phần trong liên doanh với PetroVietnam.

 

Tháng 1/2019, ExxonMobil đã trao hợp đồng thiết kế kỹ thuật cho công ty dịch vụ mỏ dầu đa quốc gia Saipem của Ý.

 

Vào giữa năm 2019, có thông tin cho rằng ExxonMobil đang cố gắng bán dự án Ca Voi Xanh do các vấn đề về thỏa thuận khí đốt với chính phủ Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc là một mối đe dọa dai dẳng tại khu vực này.

 

Bên ngoài 'đường chín đoạn' mà Trung Quốc tự đặt ra ở Biển Đông, ở phía nam gần Vịnh Thái Lan, Việt Nam vẫn tiếp tục các dự án thăm dò dầu khí mới. Gần đây hơn, Việt Nam đã công bố các kế hoạch phát triển năng lượng gió ngoài khơi và đang hợp tác với Đan Mạch.

Nhưng sẽ mất nhiều năm trước khi các tuabin khổng lồ được lắp đặt ngoài khơi và gửi điện vào lưới điện.

 

Trong bối cảnh này, tin ExxonMobil trở lại dự án Cá Voi Xanh được cho là rất quan trọng.Thông tin từ ExxonMobil được đưa ra chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam vào 24/11.

 

------------------------

 

TIN LIÊN QUAN

 

Cá Voi Xanh: 'ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ Việt Nam'

12 tháng 9 năm 2019

.

Rosneft VN hủy hợp đồng với Noble trên Biển Đông: 'Sức ép từ Trung Quốc, nhưng bản chất khác vụ Repsol'

17 tháng 7 năm 2020

.

Repsol nhượng cổ phần ba lô dầu: TQ đe dọa thành công VN trên Biển Đông?

20 tháng 6 năm 2020

.

Bốn kịch bản TQ có thể thực hiện 'nếu bị Việt Nam kiện ra tòa quốc tế'

17 tháng 6 năm 2020

.

Biển Đông: Phát hiện Mỏ Kèn Bầu 'lớn nhất' lịch sử, VN có lo TQ can thiệp?

5 tháng 8 năm 2020

.

Biển Đông: ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh 'sẽ không chỉ có tác động kinh tế'

4 tháng 11 năm 2021

.

Vụ Repsol: Phía sau hàng trăm triệu đôla VN phải đền bù là gì?

25 tháng 6 năm 2020




No comments:

Post a Comment

View My Stats