Wednesday, 1 December 2021

BIẾN THỂ OMICROM : CÓ PHẢI PHƯƠNG TÂY "GIEO GIÓ GẶT BÃO"? (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 


Biến thể Omicron: Có phải phương Tây “gieo gió, gặt bão”?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 11, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/bien-the-omicron-co-phai-phuong-tay-gieo-gio-gat-bao/

 

Phương Tây có phải chịu trách nhiệm về tình trạng khan hiếm vaccine, xuất hiện các biến chủng virus mới ở châu Phi hay không?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/railway-gbd25975aa_1920-1024x683.jpg

Biến thể coronavirus mới, Omicron, lại gây hỗn loạn toàn cầu những ngày cuối năm (ảnh: Pixabay)

 

Sự kiện biến thể mới của coronavirus gây đại dịch Covid-19 xuất hiện, gây chấn động thế giới, đang làm dấy lên làn sóng phân tích, bình phẩm về nguyên nhân và hậu quả của nó, trong đó có không ít chuyên gia quy trách nhiệm cho các nước phương Tây đã gây nên tình trạng khan hiếm vaccine ở châu Phi, gieo gió thì gặt bão. Thực tế có thể phức tạp hơn nhiều.

 

Biến thể mới của coronavirus, được đặt tên là Omicron, mới xuất hiện ở Nam Phi nhưng đã lây lan mạnh ra nhiều nước. Úc, Áo, Anh, Đức, Bỉ, Ý và Hà Lan đã ghi nhận những trường hợp dương tính đầu tiên liên quan tới Omicron.

 

Nhiều quốc gia lại nhốn nháo “đóng cửa”, hạn chế hoặc cấm du lịch từ các quốc gia Nam châu Phi, đặc biệt Nam Phi – trong đó có New Zealand, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Maldives, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; cùng với Brazil, Canada, EU, Iran và Hoa Kỳ. Tại Mỹ, Thống đốc New York đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị cho đợt tăng Covid-19 có thể xảy ra từ biến thể Omicron.

 

                                                    ***

Trước tình hình mới, một số quan chức và chuyên gia y tế nhanh chóng “đổ lỗi” cho các nước giàu và cái gọi là “bất bình đẳng vaccine”. Trong bài bình luận trên báo The Washington Post, tác giả Anthony Faiola viết “các nước giàu đang gặt hái những gì họ đã gieo”. Trên báo The Guardian (Anh), ông Gordon Brown, cựu Thủ tướng Anh và hiện là Đại sứ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viết: “Bất chấp những lời cảnh báo của các nhà lãnh đạo y tế, thất bại của chúng ta trong việc tiêm vaccine vào cánh tay của người dân ở thế giới đang phát triển bây giờ trở lại ám ảnh chúng ta”.

 

Lập luận của các chuyên gia này là hiện tượng các nước giàu tích trữ vaccine ngừa Covid và sử dụng một cách phung phí trong khi các nước nghèo – nhất là ở châu Phi – không có đủ vaccine để tiêm cho người dân là nguyên nhân chính sinh ra Omicron và các biến thể nguy hiểm. Tính đến nay, các nước giàu như Mỹ, Pháp, Trung Quốc đã có tỷ lệ dân chúng được tiêm chủng rất cao; 60% ở Mỹ, 70% ở Pháp và 77% ở Trung Quốc; trong khi đó 1.2 tỷ dân châu Phi chỉ mới có 6% được tiêm chủng. Tỷ lệ được tiêm chủng vaccine thấp đã biến các nước này thành môi trường nuôi cấy tiềm năng cho các biến thể của virus, sau đó chúng nhanh chóng truyền nhiễm ra toàn cầu. 

 

Tình trạng bất bình đẳng vaccine càng trầm trọng khi các nước giàu tổ chức tiêm chủng mũi tăng cường, mũi thứ ba (booster) cho toàn thể dân chúng trưởng thành, tiêm chủng cho trẻ em trong khi các nhóm dân cư có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất ở nhiều nước châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.  Một phân tích của Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Public Citizen công bố hôm Thứ Hai ghi nhận số người Mỹ được tiêm mũi vaccine thứ ba đã nhiều hơn tổng số người dân được tiêm mũi đầu tiên ở tất cả các nước châu Phi trong danh sách cấm nhập cảnh của Mỹ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: “Mỗi ngày số vaccine tiêm tăng cường trên toàn cầu đã nhiều gấp sáu lần so với số mũi tiêm đầu tiên ở các nước thu nhập thấp. Đây là một scandal và nó phải chấm dứt”.

 

Chuyên gia J. Stephen Morrison, Giám đốc về chính sách y tế toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận xét: “Những thành công của chúng ta trong đất nước của mình sẽ gặp rủi ro lớn bởi vì những thất bại ở bên ngoài đất nước, bởi vì chủ nghĩa dân tộc vaccine, không chỉ ở Hoa Kỳ và châu Âu mà cả ở Ấn Độ và Trung Quốc… Nếu chúng ta có sự truyền nhiễm không được kiểm soát ở những nước đông dân thì đó là môi trường tối ưu để sản sinh những biến chủng mới. Ở châu Phi, chúng ta chỉ có 6% dân số được tiêm vaccine. Và chúng ta có các biến chủng”.

 

Lời giải cho vấn đề, theo các chuyên gia, nằm trong những giải pháp cấp tiến hơn mà các nước giàu và mạnh chưa thực hiện hoặc chưa muốn thực hiện. Đó là, các nước giàu, kể cả Hoa Kỳ, “cần phải cung cấp nguồn lực để các công ty bào chế vaccine gia tăng sản xuất và về lâu dài, việc tạm ngừng bản quyền sáng chế vaccine và đầu tư vào năng lực sản xuất vaccine ở các khu vực là hết sức cần thiết,” bà Wafaa El-Sadr, Giám đốc trung tâm chính sách y tế toàn cầu của Đại học Columbia nhận xét. Và bà nói thêm rằng, “Cho đến nay, việc mà chúng ta làm chi là tặng đi lượng vaccine mà chúng ta dư thừa mà thôi”.

 

                                                     ***

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron và tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Phi có những nguyên nhân phức tạp hơn là nhận định của các chuyên gia nêu trên.

 

Hôm Thứ Hai 29 Tháng Mười Một, để phản đối lời phê phán chính phủ Hoa Kỳ “đầu cơ tích trữ” vaccine gây ra nỗi thiếu thốn của châu Phi và các nước thu nhập trung bình và thấp, Tổng thống Joe Biden đã chỉ ra một thực tế là Nam Phi gần đây đã khước từ tiếp nhận vaccine từ Hoa Kỳ.

 

Tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Phi, ngoài yếu tố nguồn cung vaccine, còn do những trở ngại trong tổ chức tiêm chủng, hệ thống y tế thiếu và yếu cũng như khó khăn trong việc bảo quản và vận chuyển vaccine Pfizer, vốn yêu cầu nhiệt độ cực lạnh.

 

Theo hai tác giả Yasmeen Abutaleep và Lesley Wroughton, cũng của báo The Washington Post, Nam Phi đã bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào cuối Tháng Năm năm nay, chậm hơn sáu tháng so với Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Và cũng như phương Tây, chính phủ Nam Phi phải chật vật vượt qua sự chống đối vaccine của một bộ phận dân chúng.

 

Tập đoàn dược phẩm Pfizer cho biết có năm trong tám quốc gia châu Phi bị tạm thời cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ – gồm Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe – trong vài tháng qua đã yêu cầu công ty ngừng vận chuyển vaccine tới nước họ vì họ không thể sử dụng hết số vaccine đó. Pfizer cho biết, trong tháng cuối năm nay công ty sẽ vận chuyển 43 triệu liều vaccine tới tám quốc gia miền Nam Châu Phi trong danh sách cấm nhập cảnh của Hoa Kỳ.

 

Ron Whelan, phụ trách nhóm công tác Covid-19 của công ty bảo hiểm y tế Discovery Ltd, làm việc cùng chính phủ Nam Phi để mua vaccine, tổ chức tiêm chủng và lập hệ thống phân phối vaccine cho nước này, giải thích: “Do chúng tôi có đủ lượng dự trữ, nhận thêm [vaccine] chẳng để làm gì cho nên chúng tôi hoãn các đơn hàng tới đầu năm sau. Hiện giờ chúng tôi có đủ dùng”. Whelan nói vào lúc đỉnh điểm, Nam Phi tiêm chủng được 211,000 liều vaccine mỗi ngày; nhưng từ Tháng Chín tới nay, tốc độ tiêm chủng trên toàn quốc đã giảm còn 110,000 liều mỗi ngày.

 

Ông chỉ ra ba yếu tố: Sự chống đối hoặc không muốn tiêm vaccine, phân biệt chủng tộc và rào cản về tổ chức đến mức nhiều người dân không có đủ tiền đi tới điểm tiêm chủng. Dù vậy, đến nay Nam Phi đã có 35% dân số được tiêm chủng đầy đủ; nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất là Malawi, chỉ có 3% dân số được tiêm chủng, theo trang dữ liệu Our World In Data. Nam Phi là nước có hệ thống y tế tốt nhất ở châu Phi, có phương tiện để bảo quản vaccine nhưng các quốc gia khác thì không.

 

Tính đến nay, các nước thu nhập cao đã cam kết viện trợ 1.98 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo; Hoa Kỳ cam kết hơn một nửa số đó, khoảng 1.1 tỷ liều; và 20% số cam kết đã được chuyển giao.

 

Hôm Thứ Hai, Tòa Bạch Ốc cho biết, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cung cấp $273 triệu cho các nước phía Nam châu Phi, trong đó có $12 triệu dùng cho việc phân phối vaccine và tổ chức tiêm chủng. Ngoài ra một số cơ quan liên bang đang hợp tác với các chuyên gia và tổ chức của châu Phi để cung cấp nguồn lực, sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để mở rộng các chương trình tiêm chủng. Có năm trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, chiếm khoảng 10% dân số châu lục này, sẽ có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng 40% dân số vào cuối tháng sau nếu nguồn cung vaccine được ổn định.

 

                                                           ***

 

Châu Phi thiếu vaccine ngừa Covid-19 là một thực tế. Và đó cũng là căn cứ để nghi ngờ các biến chủng mới của virus sẽ tiếp tục được sản sinh ở đây. Lời cảnh báo: “Sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta được an toàn” càng có ý nghĩa khi các biến chủng mới của virus liên tục xuất hiện.

 

Nhưng không thể quy toàn bộ trách nhiệm về tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Phi vào cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc vaccine” của các nước giàu, các nước phương Tây, bởi vì chính phủ nào cũng phải đặt an toàn tính mạng của nhân dân mình lên hàng đầu. Để cải thiện tình hình thì việc gia tăng cung cấp vaccine cho châu Phi là không đủ, khi nhiều nước ở châu lục này chưa có điều kiện tiếp nhận, bảo quản vaccine và tổ chức tiêm chủng hiệu quả cho toàn bộ cư dân của họ.

 

Ngoài nguồn cung vaccine, châu Phi cần hỗ trợ ở nhiều phương diện khác để thúc đẩy việc kiểm soát đại dịch. Và thay vì đổ lỗi, cần có một sự hợp tác rộng rãi và bền vững giữa các quốc gia để cùng ứng phó mối đe dọa chung.

 

-----------------

 

Đọc thêm:

 

Biến thể Omicron gây kinh động toàn cầu

 

Cảnh báo Omicron sắp ‘xuất hiện’, New York ban bố tình trạng thảm họa khẩn cấp

 

Những điều cần biết về biến thể mới Omicron

 

Chương trình tiêm chủng toàn cầu đi chệch hướng chỗ nào?

 

 

==============================================

 

 

Những điều cần biết về biến thể mới Omicron

Lê Tây Sơn
27 tháng 11, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nhung-dieu-can-biet-ve-bien-the-moi-omicron/

 

Một biến thể coronavirus mới có khả năng lây lan nhanh hơn, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi đã dẫn đến đợt hạn chế đi lại nữa trên toàn cầu, chủ yếu từ châu Phi và làm dấy lên lo ngại về một nguy cơ khó lường của đại dịch Covid-19. Ngày 26 Tháng Mười Một, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể mới này là Omicron, và xem đây “biến thể cần quan tâm” (variant of concern), chưa đến mức quan ngại, và cho biết nhiều nghiên cứu đang được tiến hành khi các cố vấn của WHO tiếp tục theo dõi biến thể này. Các nhà sản xuất vaccine cũng nhanh chóng vào cuộc.

 

Phải chờ vài tuần nữa mới có câu trả lời chính xác

 

Trong khi các nhà khoa học nói rằng “có lý do để lo lắng về Omicron”, họ cũng trấn an “vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về biến thể mới, bao gồm cả việc nó có thực sự dễ lây lan hơn không, có làm bệnh nặng hơn không, và đặc biệt là hiệu quả của vaccine có còn như trước không”. 

 

Tiến sĩ Abdul El-Sayed, chuyên khoa dịch tễ học, nói: “Trong khi biến thể mới là đáng quan tâm giống như lưu ý của WHO tôi nghĩ rằng chúng ta nên chờ khoa học đưa ra kết luận cuối cùng. Đến nay, điều duy nhất chúng ta biết đúng về Omicron là nơi có những ca nhiễm đầu tiên, Nam Phi, Botswana, Hong Kong và Bỉ”. 

 

WHO cho biết từ khi ca nhiễm biến thể mới tại Nam Phi được lấy mẫu vào ngày 9 Tháng Mười Một, đến nay, số ca nhiễm dường như đang tăng ở hầu hết các tỉnh của quốc gia này. Theo Bộ Y tế Nam Phi, Nam Phi mới tiêm vaccine hai mũi cho dưới 36% dân số trưởng thành (nhưng số người mới tiêm đã giảm trong những ngày gần đây). 

 

Các quan chức Nam Phi xác nhận có một du khách từ Nam Phi đến Hồng Kông bị dương tính Omicron. Cơ quan y tế Hong Kong phát hiện ca nhiễm thứ hai trong số những du khách trở về ở cùng tầng của một khách sạn được chỉ định cách ly. Có ít nhất 12 người sống trong các phòng gần đó phải xét nghiệm Covid-19 và cách ly hai tuần. 

 

Cũng trong ngày 26 Tháng Mười Một, chính phủ Bỉ cho biết một người về từ Ai Cập và chưa được tiêm chủng, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron và đây là trường hợp đầu tiên ở châu Âu. 

 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Châu Âu nhận định: “Với khả năng có thể kháng được miễn dịch và lây lan nhiều hơn so với Delta, châu Âu đang ở trong nguy cơ từ “cao đến rất cao” bị Omicron tấn công!”.  

 

Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID) nói: “Không có dấu hiệu biến thể đã lan sang Mỹ, có vẻ nó tạm bị kiềm chế. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho mọi tình huống”. 

 

Các đột biến của Omicron là rất đáng lo ngại

 

Đầu tuần này, các nhà khoa học Nam Phi khi nghiên cứu bộ gene của biến biến thể mới cho biết nó có lượng đột biến cao bất thường, hơn 30 trong một gai (spike) protein (gai là nơi virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào). Họ lo ngại những đột biến đó có thể giúp biến thể dễ lây lan hơn, thậm chí vô hiệu hoá khả năng miễn dịch của cơ thể, có nghĩa là vaccine sẽ không còn tác dụng! Nhưng Fauci cho biết các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định Omicron có làm được như thế không mà cần nghiên cứu thêm về khả năng của các đột biến. 

 

Ông nói: “Những gì cần làm ngay là lấy trình tự di truyền của một virus cụ thể nào đó và đưa nó vào phòng thí nghiệm, nơi có thể kiểm tra chính xác nhiều loại kháng thể để dự đoán virus có thể ‘né’ được kháng thể nào và chứng minh điều đó. Cụ thể hơn là Omicron có thể vô hiệu hoá kháng thể do vaccine tạo ra hoặc có được sau khi nhiễm bệnh. Ngay bây giờ, chúng ta đang nói về khả năng tiềm tàng của biến thể mới, nhưng chưa ai biết chính xác mà cần thêm thời gian”. 

 

Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, lạc quan hơn. Ông nói: “Tôi không tin Omicron sẽ biến việc chủng ngừa thành ra vô dụng! Đây là điều cực cực kỳ khó xảy ra. Câu hỏi còn lại là: Biến thể mới sẽ ảnh hưởng nhiều hay ít đến hiệu quả của vaccine? Còn vô hiệu hoá hoàn toàn vaccine thì không! Trong vài ngày tới chúng ta sẽ biết”. 

 

 

Omicron và các biến thể trước khác nhau thế nào?

 

Trong khi các đột biến và các biến thể mới là điều không thể tránh khỏi khi coronavirus tiếp tục lây lan, các chuyên gia tin rằng có nhiều lý do hơn để cảnh giác với Omicron. Jha nói: “Có rất nhiều biến thể coronavirus xuất hiện trong vòng 5, 6 tháng qua và hầu hết không có gì đáng lo. Nhưng lần này lại không giống như thế! Nhận biết sơ bộ là Omicron hoạt động khác biệt và có vẻ dễ lây lan hơn nhiều so với cả biến thể Delta”. 

 

Biến thể Delta là thủ phạm tăng mạnh số ca nhiễm trong nhiều tháng qua tại Mỹ và khắp thế giới và “có khả năng lây truyền tương tự bệnh thủy đậu (đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ). 

 

Jha nói: “Khi các chuyên viên y tế xem xét các biến thể khác, họ thấy chúng cần đến vài tháng để chiếm ưu thế lây lan. Nhưng Omicron đạt được ưu thế rất nhanh tại những nơi nó được tìm thấy. Chỉ từ vài ngày đến vài tuần là cùng! Hiện số ca mắc ở Nam Phi vẫn còn khá thấp, có thể vì những lý do khác, nhưng tốc độ phát tác của Omicron là rất ấn tượng và không giống với bất cứ biến thể nào chúng ta thấy trước đó. Theo WHO, có bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron cũng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể được quan tâm khác”.

 

Phản ứng của các nhà sản xuất vaccine 

 

Ngày 26 Tháng Mười Một, hãng Moderna ra bản tin cho biết đang gấp rút kiểm tra khả năng Omicron vô hiệu hóa vaccine, và dự kiến ​​sẽ công bố nghiên cứu trong vài tuần tới. “Biến chủng mới bao gồm cả các đột biến từng tìm thấy trong 2 biến thể Delta, Beta và được cho là làm tăng lây truyền, có thể đánh bại hệ miễn dịch – bản tin viết – Sự kết hợp của các đột biến luôn được xem là một nguy cơ tiềm ẩn đáng kể làm giảm nhanh khả năng miễn dịch (do tự nhiên, do vaccine hay do đã nhiễm)”. 

 

Nếu vaccine và các thuốc điều trị coronavirus hiện có không đủ để chống lại Omicron, một giải pháp khả thi là tiêm mũi tăng cường có liều lượng lớn hơn. Moderna cho biết đang thử nghiệm giải pháp này và đang đánh giá hai ứng viên liều tăng cường (multivalent booster candidates) mới để xem liệu chúng có cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn cho cơ thể trước Omicron. Cả hai ứng viên đều chứa một số đột biến virus có trong biến thể mới. 

 

Ngoài ra Moderna cũng đang thử nghiệm liều tăng cường dành riêng cho Omicron. “Trong vài ngày qua chúng tôi đã xúc tiến nhanh nhất chiến lược giải quyết biến thể này” –  Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna vấn an trong thông cáo báo chí. 

 

Hãng AstraZeneca cũng cho biết đang tìm hiểu tác động của Omicron đối với vaccine của hãng (hiện chưa được phép sử dụng ở Mỹ). Người phát ngôn của công ty nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu ở những nơi biến thể đã được xác định, cụ thể là Botswana và Eswatini, để có thể  thu thập dữ liệu thực tế về biến thể mới này và khả năng kháng vaccine của nó”.

 

Công ty cho biết đã bắt đầu thử nghiệm dùng kháng thể AZD7442 để chống lại Omicron và Tháng Mười qua đã gửi đề nghị đến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để cho phép sử dụng điều trị khẩn cấp. 

 

Các nhà khoa học tại BioNTech, công ty Đức hợp tác với Pfizer để sản xuất vaccine Covid-19, cũng đã mở cuộc điều tra tác động của Omicron đối với vaccine Pfizer nhưng phải chờ vài tuần nữa mới có kết quả. Còn người phát ngôn của Johnson & Johnson ra tuyên bố nói công ty cũng đang kiểm tra hiệu quả của vaccine do nó sản xuất đối với Omicron.

 

 

Omicron kích hoạt các biện pháp du lịch mới

 

Tổng thống Joe Biden nói sẽ hạn chế du lịch từ Nam Phi và bảy quốc gia khác bắt đầu từ 29 Tháng Mười Hai như một biện pháp phòng ngừa. Viêc hạn chế là để chính phủ liên bang có thời gian điều tra biến thể mới. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý các hạn chế tạm thời đối với tất cả các chuyến bay từ miền nam châu Phi. Theo Eric Mamer, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), các nước bị ảnh hưởng gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe. 

 

Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos cho biết Canada sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã đi qua miền nam châu Phi trong 14 ngày qua. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng công bố hạn chế đi lại từ hầu hết Châu Phi, và cảnh báo: “Chúng ta đang ở bên bờ vực của tình trạng khẩn cấp!”.

 

.

==================================

.

.

Nơi phát hiện biến thể Omicron đầu tiên: Số ca nhập viện tăng 330%, các bác sĩ nói gì?  

Thanh Niên Online

10:32 - 01/12/2021 

https://thanhnien.vn/noi-phat-hien-bien-the-omicron-dau-tien-so-ca-nhap-vien-tang-330-cac-bac-si-noi-gi-post1406852.html

 

Tỉnh Gauteng của Nam Phi, nơi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên, đã chứng kiến ​​số ca nhập viện tăng 330% trong hai tuần qua mặc dù các quan chức cho rằng biến thể mới này chỉ gây bệnh nhẹ, theo Daily Mail.

 

Nhưng điều quan trọng là vẫn chưa thể biết chính xác có bao nhiêu ca nhập viện do biến thể mới gây ra vì giải trình tự gien chỉ được thực hiện trên một số ít trường hợp.

 

Trong quá trình giải trình tự gien vào tuần trước, có 77 trường hợp được tìm thấy trong khu vực.

 

Bộ trưởng Y tế Nam Phi, ông Joe Phaahla, cho rằng sự gia tăng đột biến số ca bệnh gần đây là do biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao.

 

Các bác sĩ tại điểm nóng đã nói gì?

 

Trong khi các quan chức và nhân viên y tế lo ngại rằng biến thể Omicron có thể dẫn đến bệnh nặng hơn, nhưng các bác sĩ cho biết bệnh nhân của họ chủ yếu có các triệu chứng nhẹ, theo Health24.

 

Bác sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, nói rằng các triệu chứng rất nhẹ, với các triệu chứng là ho nhẹ, đau cơ và mệt mỏi trong 1 - 2 ngày. Không ai bị nghiêm trọng hoặc phải nhập viện.

 

Bà Coetzee còn cho biết, các bác sĩ khác ở các thị trấn Atteridgeville, Midrand của tỉnh cũng thấy như vậy. Các triệu chứng đều nhẹ và đó là “thông điệp quan trọng nhất”.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 29.11, tiến sĩ Unben Pillay, bác sĩ đa khoa ở Gauteng, cũng nói rằng, mặc dù số ca tăng lên nhưng những ca này có xu hướng rất nhẹ.

 

Ông Pillay cho biết, các triệu chứng giống như cúm, ho khan, sốt, đổ mồ hôi ban đêm và đau nhức toàn thân và khó chịu.

 

Tuy nhiên, tiến sĩ Pillay cảnh báo, mặc dù chưa gia tăng lớn các trường hợp nhập viện hoặc biến chứng phổi... nhưng mới chỉ là những ngày đầu.

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS ở Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim, cho biết các trường hợp chủ yếu xảy ra ở những người trẻ tuổi, vì họ ít tiêm chủng hơn, do đó họ sẽ dễ nhiễm bệnh hơn, theo Health24.

 

Phải chờ thêm dữ liệu

 

Cả tiến sĩ Pillay và tiến sĩ Coetzee đều cảnh báo tình hình có thể thay đổi sau vài tuần.

 

Tiến sĩ Richard Lessells, chuyên gia về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), nhấn mạnh rằng cần có thời gian để biết liệu biến thể mới có gây bệnh nghiêm trọng hay không.

 

Cần có thời gian để bệnh tiến triển thành bệnh nặng và nhập viện, chúng ta sẽ biết được tình hình nhập viện trong vài tuần tới, ông nói.

 

Như mọi người đã biết, người trẻ, dù sao cũng ít bị bệnh nặng hơn, theo Health24.

 

Mặc dù có thêm nhiều báo cáo về các triệu chứng nhẹ của chủng Omicron, nhưng còn quá sớm để kết luận

 

Bệnh nhân đã tiêm chủng và chưa tiêm khác nhau ra sao?

 

Tiến sĩ Pillay cho biết, trong số người nhiễm bệnh, người đã tiêm chủng không cần nhập viện và bệnh nhẹ hơn nhiều so với những người chưa tiêm chủng.

 

Tại thị trấn Tshwane của tỉnh Gauteng, nơi số ca bệnh tăng cao, 87% tổng số bệnh nhân nhập viện là chưa tiêm chủng, News24 đưa tin.

 

Theo tiến sĩ Wassila Jassat, từ Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi, những bệnh nhân chưa tiêm chủng mắc bệnh nặng hơn những người đã tiêm chủng, theo Health24.

 

------------------

TIN LIÊN QUAN

§   Trẻ dưới 2 tuổi chiếm 10% số ca nhập viện ở tâm dịch Omicron

§   Biến thể Omicron xuất hiện ở Hà Lan một tuần trước khi Nam Phi báo động

Lo ngại biến thể Omicron Covid-19, trận Bayern Munich gặp Barcelona cấm khán giả




No comments:

Post a Comment

View My Stats