Wednesday 13 October 2021

ĐÀI LOAN : ĐIỂM NÓNG CHIẾN TRANH LEO THANG (Phạm Phú Khải)

 


Đài Loan: Điểm nóng chiến tranh leo thang

Phạm Phú Khải

12/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-diem-nong-chien-tranh/6267306.html

 

https://gdb.voanews.com/EEC501BF-3937-43E3-9AE7-714F2101C3F9_w650_r1_s.jpg

Sự thành công của Đài Loan không tự nhiên mà có, mà do chính sự chăm chỉ và lòng quả cảm của 23.5 triệu dân tại đây.

 

Đài Loan trước nay luôn là điểm nóng địa chính trị của vùng Á châu Thái Bình Dương. Giờ đây Đài Loan là trung tâm của điểm nóng đó khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một gia tăng.

 

Chỉ nội trong tuần đầu tháng 10, Bắc Kinh đã gửi tổng cộng khoảng 150 máy bay chiến đấu bay trên không phận, hay gần không phận, của hòn đảo này. Năm nay Bắc Kinh muốn dùng ngày quốc khánh của Trung Quốc, 1 tháng 10, để vừa thị uy chính quyền Đài Loan, cũng tổ chức ngày quốc khánh 9 ngày sau, tức 10 tháng 10, vừa muốn cho Hoa Kỳ biết sự bất mãn của mình đối với việc Hoa Kỳ ngày càng tách rời chính sách công nhận “một Trung Quốc” để công khai ủng hộ Đài Loan. Trước đó vài hôm, thông cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 kêu gọi Bắc Kinh ngừng áp lực và cưỡng ép quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan. Hoa Kỳ còn khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ, và rằng sự cam kết này đối với Đài Loan là không hề lay chuyển. Điều này đã làm cho Bắc Kinh giận dữ. Nhưng Bắc Kinh phẫn nộ hơn khi biết tin rằng Hoa Kỳ đã từng gửi lực lượng đặc biệt đến huấn luyện quân đội Đài Loan, mặc dầu Ngũ Giác Đài chưa xác nhận nguồn tin này.

 

Suốt 72 năm qua, Bắc Kinh vẫn không từ bỏ chủ quyền của mình lên hòn đảo này kể từ khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã bỏ lục địa để đến đây năm 1949. Bắc Kinh nhiều lần đe dọa sẽ dùng vũ lực để chiếm hòn đảo này nếu các chính quyền dân cử tại Đài Loan tuyên bố độc lập. Tập Cận Bình khẳng định muốn đạt được sự thống nhất bằng hòa bình, không phải chiến tranh, nhưng sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu này. Mới đây Tập tuyên bố rằng sự thống nhất trước sau gì cũng phải xảy ra, bởi vì vấn đề này không thể cứ chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác mãi được. Điều này cũng có nghĩa là Tập muốn thấy nó diễn ra trong thời của ông!

 

Có Tập Cận Bình tại Bắc Kinh thì cũng có Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tại Đài Bắc. Tổng thống Thái trước nay vẫn kiên định lập lại lập trường nhiều lần rằng Đài Loan đã là một quốc gia độc lập, cho nên mọi sự tuyên bố (độc lập quốc gia) như thế đều không cần thiết. Tập và Bắc Kinh thù ghét lập trường cứng rắn này của bà Thái và không muốn đối thoại với bà Thái, tuy bà cho biết sẵn sàng đối thoại một cách bình đẳng, tức với tư cách đại diện của một quốc gia có chủ quyền.

 

Lập trường dứt khoát này đã được thể hiện lần nữa vào ngày quốc khánh của Đài Loan 10 tháng 10 vừa qua. Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định rằng, chính quyền Đài Loan, dưới sự lãnh đạo của bà, sẽ không nhượng bộ trước áp lực thống nhất từ Bắc Kinh. Tuy bà Thái không muốn nhìn thấy sự căng thẳng leo thang như tuần qua tiếp diễn, nhưng cam kết sẽ không hành động một cách hấp tấp, và rằng “tuyệt đối không nên ảo tưởng rằng nhân dân Đài Loan sẽ cúi đầu trước áp lực”.

 

Trong bài phát biểu nhân ngày quốc khánh Đài Loan 10 tháng 10, Tổng thống Thái Anh Văn khẳng định lập trường nhất quán của mình:

 

“Đài Loan sẽ tiếp tục củng cố nền quốc phòng của chúng tôi và thể hiện quyết tâm tự vệ để đảm bảo rằng không ai có thể buộc Đài Loan đi theo con đường mà Trung Quốc đã vạch ra cho chúng tôi... Đó là bởi vì con đường mà Trung Quốc đã vạch ra không mang lại một lối sống tự do và dân chủ cho Đài Loan, cũng như chủ quyền cho 23 triệu người dân của chúng tôi.”

 

Tổng thống Thái Anh Văn đã viết một bài quan điểm đáng chú ý trị trên tạp chí Foreign Affairs vào đầu tháng 10 (cho số tháng 11/12 này) với tựa “Đài Loan và Cuộc Chiến cho Dân chủ” (Taiwan and the Fight for Democracy).

 

Trong bài luận văn này, bà Thái xác định sự thành công của Đài Loan là một minh chứng rằng những người/quốc gia hành xử dân chủ (được thể hiện bằng cung cách quản trị tốt và sự minh bạch), nếu quyết tâm, thì sẽ đạt được. Sự thành công đó không tự nhiên mà có, mà do chính sự chăm chỉ và lòng quả cảm của 23.5 triệu dân tại đây. Bà Thái ghi nhận Đài Loan là ngưỡng cửa của nhiều sự đối nghịch: ý thức hệ chính trị, đặc biệt giữa tự do và cộng sản; giữa Tây và Đông, mà trong đó Đài Loan vừa tiếp thu tích cực các giá trị dân chủ và văn minh phương Tây, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi văn minh Trung Hoa và được định hình bởi truyền thống Á châu.

 

Trong những năm qua, như có trình bày trong bài trước, mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là truyền bá chủ nghĩa chuyên chế, mở rộng hoạt động thông tin, củng cố ảnh hưởng kinh tế và can thiệp vào các hệ thống chính trị nước ngoài. Bắc Kinh muốn làm mất đi các thiết chế và chuẩn mực dân chủ trong và giữa các quốc gia. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn xuất khẩu chủ nghĩa cường quyền, vì cho rằng nó mang tính ưu việt hơn: phát triển nhanh hơn, kể cả xóa đói giảm nghèo; chăm lo cho đời sống người dân hơn, kể cả nhân quyền; và nó là một mô hình chính trị và kinh tế vượt trội hơn. Mục tiêu của Bắc Kinh không phải là để giúp cho các nước khác thành công như mình, mà chủ yếu là khi các nước khác kính nể mình, hay ít nhất là chấp nhận mô hình này, dù có đi theo mô hình đó hay không cũng không quá quan trọng. Chấp nhận thì sẽ không, hay bớt phê phán, những vi phạm nhân quyền trầm trọng, hay những mưu toan chiến lược cũng như các tính cách chuyên chế của họ.

 

Trong khi đó, Đài Loan là hiện thân của sự thành công của một nền dân chủ linh động, trách nhiệm và có thể đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng chung của nhân loại. Đài Loan không chỉ tồn tại trước áp lực liên tục từ Bắc Kinh, mà còn là bằng chứng của sự thành công và thịnh vượng. Như thế, như bà Thái Anh Văn trình bày, Đài Loan không chỉ là sự cản trở cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong vùng và thế giới, mà còn là sự mỉa mai đối với những tuyên bố giáo điều từ Bắc Kinh.

 

Đứng trước áp lực và căng thẳng ngày càng gia tăng về chính trị và quân sự này, hơn bao giờ hết, Tổng thống Thái hiểu rõ tính cách vô cùng tế nhị và phức tạp của tình huống này. Bà Thái khẳng định rằng tình hình của Đài Loan “phức tạp và linh hoạt hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong 72 năm qua”, và sự hiện diện quân sự thường xuyên của Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và an toàn hàng không.

 

Chắc chắn ước mơ của Tập Cận Bình là muốn thấy Đài Loan sát nhập với Trung Hoa đại lục trong lúc ông còn tại nhiệm. Khi nào Trung Quốc sẵn sàng tiến hành mục tiêu này, kể cả tiến hành một cuộc xâm lăng, thì chưa rõ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, Chiu Kuo-cheng, thì Trung Quốc có thể sẵn sàng tấn công vào năm 2025. Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden hay một tổng thống Mỹ nào khác vào lúc đó, có bảo vệ Đài Loan bằng một cuộc chiến toàn diện, mà hy sinh và mất mát sẽ rất là khủng khiếp, thì cũng chưa ai rõ.

 

Trong lúc này, một lời nói, hay một hành động, không kiềm chế, có thể là cái ngòi châm vào kho đạn. Thêm vào đó, như một số nhà bình luận phân tích, một Trung Quốc đang trên đà đi xuống về kinh tế/phát triển (nợ nầng quốc gia rất cao, năng lượng thiếu hụt, năng xuất gia giảm, và nhân công ngày càng già đi) lại là nguy cơ đưa đến chiến tranh hơn là một Trung Quốc vẫn tiếp tục trên đà phát triển. Vì sự tham vọng, cuồng vọng và tuyệt vọng gộp chung. Tham vọng và cuồng vọng từ bá quyền của ông Tập và Bắc Kinh, khi thấy giấc mơ của mình không thành, thì có khả năng chơi liều đánh ván cờ cuối cùng. Trong khi đó, lập trường cứng rắn của bà Thái và Đài Bắc là không lay chuyển. Thêm vào đó, sự leo thang của liên minh an ninh AUKUS, QUAD v.v… để khẳng định Trung Quốc không thể cưỡng chế hay hiếp đáp các quốc gia khác. Tất cả trở thành nguy cơ làm cho Thế Chiến III là điều khó tránh khỏi trong thời gian tới. Lần này, Trung Quốc có Iran và Nga làm đồng minh hay không thì chưa rõ.

 

Hiện nay, chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng Hoa Kỳ, AUKUS, hay QUAD, sẽ hoàn toàn đứng về phía Đài Loan nếu nước này bị xâm chiếm. Không có nước nào muốn chiến đấu hy sinh cả triệu hay hàng chục triệu người để đánh nhau với một quân đội rất mạnh của một nước đông dân nhất thế giới với nhiều vũ khí tối tân hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, nếu các nền dân chủ chọn đứng ngoài thì hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt. Như bà Thái biện luận trong bài trên Foreign Affairs: “Họ nên nhớ rằng nếu Đài Loan sụp đổ, hậu quả sẽ là thảm khốc đối với hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ. Điều đó sẽ báo hiệu rằng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về các giá trị ngày nay, chủ nghĩa chuyên chế chiếm ưu thế hơn so với nền dân chủ”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats