Thursday, 19 August 2021

VIỆT NAM : AFGHANISTAN CÓ ẢNH HƯỞNG CHUYẾN THĂM CỦA KAMALA HARRIS (BBC Tiếng Việt)

 


Việt Nam : Afghanistan có ảnh hưởng chuyến thăm của Kamala Harris?

BBC Tiếng Việt

19/08/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58268161

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5638/production/_120027022_gettyimages-1330080740.jpg

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (bên trái) dự kiến có chuyến thăm tới khu vực Đông Nam Á và thăm chính thức Việt Nam vào hạ tuần tháng 8/2021

 

Liệu ngoại giao cấp cao của chính quyền Mỹ, mà cụ thể là chuyến thăm chính thức vào hạ tuần tháng Tám 2021 của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam được lên kế hoạch từ trước, có bị ảnh hưởng hay phủ bóng bởi biến cố chính trị đang xảy ra ở Afghanistan hay không là vấn đề được một cựu quan chức và chuyên viên cấp cao Bộ Ngoại giao Việt Nam phân tích với BBC hôm thứ Năm.

 

"Việt Nam đang 'khát' vaccine do đại dịch bết bát, ngư dân bị Trung Quốc cấm ra Biển Đông đánh bắt cá, cuộc mưu sinh đang gõ cửa từng nhà. Bối cảnh này khiến chuyến thăm của Phó TT Mỹ có ý nghĩa đặc biệt" bên cạnh biến cố với Taliban hiện nay ở Afghanistan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, hiện là Giám đốc Truyền thông của Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) nêu quan điểm riêng với BBC News Tiếng Việt hôm 19/8 từ Hà Nội.

 

Video : Dân Afghanistan hoảng loạn bỏ chạy bất chấp hứa hẹn của 'đầy tớ' Taliban 

Biden nói sẽ không có người Mỹ nào bị bỏ lại ở Kabul

Ngoại giao Việt Nam cần 'đi vào chiều sâu hơn'

Covid-19: TQ hỗ trợ Quân đội VN vaccine

Quan hệ Mỹ - Việt: Tính thực tế của những 'áp lực' ngoại giao thế nào?

 

 

Tên gọi hay thực chất?

 

BBC: Theo Tiến sĩ, diễn biến thời sự ở Afghanistan liệu có ảnh hưởng gì đến kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Đông Nam Á và thăm chính thức Việt Nam tới đây không?

 

TS. Đinh Hoàng Thắng: Cho đến giờ này, theo những gì tôi quan sát được, chưa thấy có dấu hiệu gì về việc hoãn kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Đông Nam Á và Việt Nam vào cuối tháng này. Cho dù hàng loạt bối cảnh bất ngờ - hỗn loạn do đại dịch Covid 19 gây ra trong khu vực lẫn hỗn loạn do quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul - tôi nghĩ cả hai nước vẫn tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của nhân vật số hai trong chính quyền Hoa Kỳ.

 

Không chỉ cá nhân tôi, mà có khá nhiều quan chức trong chính quyền, giới doanh nghiệp, đặc biệt là những người dân thường cũng như xã hội dân sự ở trong nước đều đón đợi chuyến thăm của bà Harris. Việt Nam đang "khát" vaccine do đại dịch bết bát, ngư dân thì bị Trung Quốc cấm ra Biển Đông đánh bắt cá, cuộc mưu sinh đang gõ cửa từng nhà. Bối cảnh này khiến chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ có ý nghĩa đặc biệt.

 

*

BBC: Liệu theo Tiến sĩ, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ có thể được nâng cấp lên đối tác chiến lược trong dịp này không, hay còn đợi dịp nào khác và dịp nào, khi nào?

 

TS. Đinh Hoàng Thắng: Chuyện nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược đã được giới học giả cũng như các nhà ngoại giao hai nước phân tích và bàn luận từ cả hơn chục năm có lẻ. Lần này sang Hà Nội, nếu bà Harris và lãnh đạo Việt Nam tái khẳng định lập trường chính trị của cả hai phía về khuôn khổ pháp lý cho cái đối tác chiến lược ấy và công bố kế hoạch trong tương lai gần để ký một thoả thuận cấp nhà nước, thì đấy sẽ là phần kết có hậu, một "happy-end" của mối quan hệ đầy duyên nợ này.

Đánh giá về thực chất, trong tất cả các thành tố tạo nên quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, từ lâu đã tích tụ đầy đủ các chất lượng mang tính chiến lược rồi. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm "hội tụ chiến lược" giữa Mỹ và Việt Nam để mô tả thực trạng này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/CB68/production/_120027025_gettyimages-1330945823.jpg

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được dự kiến sẽ thăm chính thức Singapore và Việt Nam trong chuyến thăm cuối tháng 8/2021 tới Đông Nam Á

 

BBC: Có ý kiến nói chỉ cần giữ quan hệ đối tác Việt - Mỹ như hiện nay mà không cần nâng cấp lên đối tác chiến lược, vì thực chất quan trọng hơn hình thức và không nhất thiết phải nâng cấp như thế làm gì, ông có đồng tình hay không?

 

TS. Đinh Hoàng Thắng: Tôi e khó chia sẻ với ý kiến trên. Có lẽ cựu Đại sứ Mỹ Michael Michalak là một trong những người đầu tiên đưa ra cách lập luận như vậy từ năm 2010. Lập luận thế là chưa đề cập hết các khía cạnh khác nhau của mối bang giao. Mối quan hệ này dù quan trọng đến mấy, cũng có một số khía cạnh phải tuỳ thuộc vào các biến số thứ ba, thứ tư… đó là bang giao Việt - Trung và quan hệ Việt Nam với các lân bang truyền thống. Và chính bối cảnh quốc tế giờ đây là lúc "just in time" để công bố đối tác chiến lược Mỹ - Việt.

 

Thế giới và châu Á, trong đó có Việt Nam đang khốn đốn về đại dịch thế kỷ, vậy mà nhân cơ hội này Trung Quốc lại chuẩn bị ồ ạt cho hàng trăm tàu thuyền xuống Biển Đông thực thi lệnh cấm đánh bắt cá, tăng cường tập trận, đẩy mạnh các hoạt động phi pháp, ngay tại các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước ASEAN khác. Do đó, việc công bố quyết định nâng cấp đối tác chiến lược là đúng lúc, cả về ý nghĩa song phương cũng như liên quan đến tình hình khu vực và quốc tế.

 

Về song phương, tình hình an ninh cả truyền thống lẫn phi truyền thống của Việt Nam ngày càng có nhiều vấn đề, đặc biệt nhìn vào các động thái quân sự của Trung Quốc giữa mùa đại dịch Covid 19. Ở đây không phải bị chi phối bởi tâm lý "bài Trung" không có cơ sở của một bộ phận nào đấy, mà vấn đề là phải xuất phát từ tình trạng tứ bề thọ địch của Việt Nam.

 

Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên đất Chùa Tháp là một "bí mật công khai". Trường hợp có khủng hoảng ở Biển Đông hay các vùng biển lân cận, Trung Quốc có thể triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới Campuchia thông qua Căn cứ hải quân lẫn không quân ở Koh Kong. Các cơ quan tình báo đánh giá rằng mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là thiết lập các chuỗi cảng quân sự trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các cảng này có thể đóng vai trò "quá giang" cho chiến hạm hay là căn cứ thường trực cho hải quân Trung Quốc.

 

Trong bối cảnh an ninh của đất nước như thế, đừng nói là không nhất thiết phải nâng cấp quan hệ, hay cho rằng, thực chất quan trọng hơn hình thức. Nâng quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược sao lại là vấn đề hình thức? Vả lại cứ cho là hình thức đi nữa, thì xin thưa, hình thức nào sẽ phản ánh thực chất ấy của mối bang giao. Danh chính thì ngôn mới thuận, mà ngôn có thuận thì hành động mới có ý nghĩa răn đe, nhất là trong chiến lược "răn đe tích hợp" mà Bộ trưởng Austin vừa tuyên bố.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0C00/production/_120027030_a05e2490-0db3-42fb-b6dc-106ea19dbb7d.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin duyệt đội danh dự QĐND Việt Nam cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7/2021

Ted Osius: Hoa Kỳ rất ủng hộ Việt Nam về Biển Đông và sông Mekong

Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa

GS Ngô Vĩnh Long: Ông Nguyễn Cơ Thạch 'từng chọn sai thời điểm'

Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Di sản, đóng góp và bài học

 

 

'Chư hầu' hay đối tác 'chiến lược'?

 

BBC: Cũng có ý kiến từ truyền thông khu vực (Trung Quốc) cho rằng Việt Nam nên thận trọng, không nên mắc mưu, hay tự đánh bẫy mình để nâng quan hệ lên đối tác chiến lược với người Mỹ, đi với Mỹ hay nhất biên đảo có thể nguy hiểm, nguy hại cho Việt Nam và nên nhìn vào 30/4/1975 cũng như những gì đang diễn ra ở Afghanistan để học bài học, ông có đồng ý với ý kiến này hay không? Và vì sao?

 

TS. Đinh Hoàng Thắng:Việc truyền thông trong khu vực, kể cả những "mõ làng" của tư tưởng bá quyền khuyên Việt Nam "không nên mắc mưu", "không nên tự đánh bẫy mình"… là những tiếng nói lạc lõng. Điều này khiến ta nhớ lại phát ngôn của người phụ trách đối ngoại của Trung Quốc sang Việt Nam thời giàn khoan 981. Về nước, ông này tuyên bố với báo đảng của ông rằng, sang Hà Nội để kêu gọi "đứa con hoang đàng hãy trở về!" Ông xác quyết trách nhiệm là để "minh định giới hạn cuối cùng cũng như những điều thuận và bất thuận" của tình hình.

 

Những lời khuyên bảo như trên là những "nghiêm dụ" cho các loại quan hệ giữa chính quốc với chư hầu. Tình hình căng thẳng trên Biển Đông gần đây đặt nền ngoại giao Việt Nam trước sự lựa chọn mang ý nghĩa lịch sử. Đó là, Việt Nam sẽ chọn dạng thức nào (chọn paradigm nào) trong quan hệ quốc tế? Ở đây không phải là vấn đề chọn phe, mà bản chất là chọn thân phận chư hầu hay chọn con đường tiến tới đối tác chiến lược.

Sự khác nhau về chất giữa hai loại quan hệ này là, nếu tuân theo các "nghiêm dụ", Việt Nam sẽ đi vào con đường phụ thuộc, mất độc lập tự chủ. Còn nếu chọn đa dáng hoá, chọn ra với thế giới văn minh, thế giới của những giá trị phổ quát mà đại bộ phận các quốc gia Tây Âu và các con rồng Đông Á đều theo đuổi, thì không chỉ có được đối tác chiến lược đúng nghĩa, mà bản thân Việt Nam cũng sẽ có sức hút mạnh mẽ hơn hiện nay.

 

Chư hầu hay đối tác chiến lược còn khác nhau ở chỗ: Làm chư hầu thì quyền lợi quốc gia-dân tộc sẽ bị coi rẻ, vị thế của đất nước luôn luôn ở bậc thang thấp kém, vì chính quốc bao giờ cũng chủ trương "dìm cho yếu để trị". Còn tiến tới đối tác chiến lược, tiến tới con đường liên minh thì đất nước được độc lập, tự chủ, quyền lợi quốc gia-dân tộc được coi trọng, bình đẳng với đối tác.

 

So sánh tình hình Afganistan hiện nay với Việt Nam năm 1975 theo tôi là khập khiễng, dù giữa hai sự kiện có thể có một vài khía cạnh giống nhau. Nhưng Việt Nam không thể là Afghanistan! Hãy nghe lại tuyên bố của Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương mới đây hôm 17/8/2021: "Bài học rút ra từ Afghanistan là nếu đang hỗn loạn nội bộ, những người từ bên ngoài sẽ không thể giúp bạn, ngay cả khi họ muốn. Chỉ khi bạn tự giúp mình thì người khác mới có thể giúp bạn".

 

Hơn nữa tính chính danh của nhà nước Việt Nam từ lâu là một thực tế. Rồi nữa, cả Việt Nam và Mỹ đều có lợi ích chiến lược chung là hoà bình và ổn định ở Biển Đông, nhằm bảo đảm tự do hàng hải. Mà những đe doạ cho điều này trước mắt và lâu dài đều đến từ Trung Quốc. Tình hình tại Afganistan hiện nay khiến các đối tác Đông Á của Mỹ, trong đó có Việt Nam, càng trở nên có giá trị.

 

Nếu có bài học nào có thể rút ra từ quá trình Việt Nam vốn là một cuộc chiến sang Việt Nam là đất nước của hoà bình, hợp tác, thì bài học tất yếu là "Độc lập dân tộc phải gắn liền với hội nhập quốc tế!" Độc lập dân tộc là một tài sản vô giá từ bao đời nay, từ triều đại này đến triều đại khác trong lịch sử hàng ngàn năm của Việt tộc, không thể gắn liền với thứ chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại. Ngày nay, cái gọi là "chủ nghĩa xã hội thế giới" từng tồn tại trong chiến tranh lạnh, đã thuộc về lịch sử.

 

Càng hội nhập sâu rộng và toàn diện, Việt Nam càng có không gian để vươn lên trở thành một cường quốc bậc trung, "độc lập, hùng cường và thịnh vượng" như các nhà lãnh đạo nước Mỹ nhiều lần mong muốn. Vấn đề Biển Đông hiện nay khác xa so với hàng chục năm về trước, không còn là vấn đề song phương, vấn đề khu vực mà đã là vấn đề của toàn cầu. Bởi thế, vị thế của Việt Nam ngày nay hoàn toàn khác trước đây.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/A0D4/production/_120027114_1813bcb7-acdb-4ac8-b031-5cc94aaa6f3b.jpg

1,5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ đã đến thẳng TP HCM hôm 24/7/2021, chính quyền Mỹ đã và đang tiếp tục cam kết trợ giúp Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19

 

BBC: Theo Tiến sĩ trọng tâm của chuyến thăm Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam tới đây là thế nào, trong đó quan hệ song phương Mỹ - Việt, Việt - Mỹ, cần ưu tiên điều gì? Để quan hệ Việt - Mỹ đi vào thực chất, hiệu quả, về mặt nhận thức luận, cần quan tâm điều gì và về mặt hành động, cần ưu tiên gì để hiệu quả, khả thi và đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng?

 

TS. Đinh Hoàng Thắng:Trọng tâm của chuyến thăm, như lẽ thông thường, đôi bên sẽ chính thức trả lời về việc sẽ đáp ứng như thế nào các mong muốn của phía bên kia. Mỹ muốn Việt Nam góp tay thực hiện FOIP. Việt Nam muốn Mỹ giúp hiện thực hoá các mục tiêu của quốc gia duyên hải. Là nước có tỷ lệ bờ biển trên diện tích lục địa xếp thứ 11 trên hơn 200 quốc gia lãnh thổ, không gian sinh tồn của Việt Nam là không gian biển. Bảo vệ không gian sinh tồn ấy trước mắt cũng như lâu dài là ưu tiên số một.

 

Ngoài chủ đề song phương, khu vực, hai bên sẽ bàn thảo xung quanh các cụm vấn đề toàn cầu, không chỉ về an ninh mà cả về kinh tế, trong đó có vấn đề khôi phục các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. ASEAN đã có tầm nhìn đối với chiến lược từ Bộ Tứ (AOIP), nên vai trò của Việt Nam trong quá trình trình triển khai FOIP trong bối cảnh hiện nay càng quan trọng.

 

Để quan hệ Việt - Mỹ đi vào thực chất, hiệu quả, về nhận thức luận, cũng như về thực tiễn, hai bên nên quan tâm 3 việc. Thứ nhất, cần đạt thống nhất cao về triển vọng của khung khổ "đối tác chiến lược" trong những năm tới đây. Nếu như các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ từng nói cách đây hàng chục năm, không gì là không thể trong quan hệ song phương, hay gần đây từng tuyên bố, chỉ có bầu trời là giới hạn đối với quan hệ Mỹ - Việt, thì hai bên cần chỉ rõ ngay trong các cuộc hồi đàm tới đây, đâu là những điểm nghẽn, nếu có, cần vượt qua để không ngừng thăng tiến mối bang giao.

 

Thứ hai, các bên cần giải quyết rốt ráo hội chứng Mỹ ở Việt Nam cũng như hội chứng Việt Nam ở Mỹ. Hội chứng chiến tranh tuy không ngăn được quá trình tiến hoá của bang giao, nhưng chúng có thể làm chậm lại, một cách đáng tiếc, một số bước trong quan hệ chiến lược. Nếu có thăm dò dư luận, kết quả sẽ cho thấy, đa số người dân ủng hộ việc quan hệ với Mỹ, nhất là sau vụ lựa chọn Pfizer/BioNTech hay Sinopharm.

 

Thứ ba, về hành động cụ thể, hai nước cần công khai hoá với người dân về các giá trị của mối quan hệ này. Đó không chỉ là những hỗ trợ vaccine và thiết bị y tế chống dịch, mà còn là những hợp tác khác về giáo dục, luật pháp, công nghệ, dầu khí, đặc biệt là an ninh và an toàn trong thời buổi Trung Quốc lộng hành trên Biển. Đại dịch đang là mối nguy với người dân và gánh nặng trực tiếp lên chính quyền địa phương. Nếu người dân đồng lòng về mối quan hệ này thì sẽ trở thành động lực xã hội, hỗ trợ cho quyết định của chính quyền trung ương.

 

Cuối cùng, phải thừa nhận, bên chống hay bên ủng hộ nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ đều xuất phát từ cái nhìn riêng đối với lịch sử, cũng như đối với các vấn đề tồn tại trong bang giao. Thật ra, chẳng có quan hệ liên minh nào vĩnh viễn. Dù đối tác chiến lược, thậm chí là liên minh, nhưng nếu cản trở lợi ích toàn cầu của nước lớn, trước sau cũng bị bỏ rơi. Tuy nhiên, trường hợp Đài Loan hồi tháng 1/1979 cho thấy, dù bị bỏ rơi, song nếu vẫn duy trì và phát triển bản lĩnh và hệ giá trị quốc gia, các nước lớn vẫn có thể quay lại, vẫn cần vai trò và vị thế của anh trên thế cờ và bàn cờ mới. Quan hệ Việt - Mỹ không phải là ngoại lệ.

 

---------

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, nguyên Trưởng nhóm Tư vấn chiến lược cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam thời kỳ trước đây,hiện là Giám đốc Truyền thông của Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta).

 

                                                     ***

TIN LIÊN QUAN

 

Khủng hoảng Afghanistan: Biden nói sẽ không có người Mỹ nào bị bỏ lại ở Kabul

19 tháng 8 năm 2021

.

Ngoại giao Việt Nam thời kỳ mới cần 'đi vào chiều sâu và thực chất hơn'

13 tháng 8 năm 2021

.

Quan hệ Mỹ - Việt: Tính thực tế của những 'áp lực' ngoại giao thế nào?

10 tháng 8 năm 2021

.

Covid-19: Trung Quốc hỗ trợ Quân đội Việt Nam vaccine

18 tháng 8 năm 2021

.

Cựu đại sứ Ted Osius: Hoa Kỳ ủng hộ nguyện vọng cao nhất của Việt Nam

12 tháng 8 năm 2021

.

Mỹ - Việt thời Joe Biden: Cần thời gian để gần nhau hơn nữa

4 tháng 8 năm 2021

.

Về di sản và bài học Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để lại cho ngoại giao VN

19 tháng 5 năm 2021

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats