Ngoại
giao Phó tổng thống: Điều hành quan hệ của Mỹ ở Châu Á
Nguyễn
Quang Dy
Posted on 19/08/2021 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=77128
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có kế hoạch
thăm Singapore ngày 22/8 và Việt Nam ngày 24/8. Đây là lần đầu tiên một phó tổng
thống Mỹ đương nhiệm sang thăm Việt Nam, tiếp theo chuyến thăm thành công của Bộ
trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam, và Philippines vào cuối
tháng bảy. Tổng thống Joe Biden dự kiến có thể tham gia các hội nghị thượng đỉnh
ASEAN và Đông Á vào cuối năm nay.
Tại sao Việt Nam
và Singapore?
Trong sáu tháng đầu năm, trong khi tiếp tục cổ
vũ cho tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã tập trung vào
các khu vực khác. Trong sáu tháng cuối năm, khu vực này chắc sẽ được chú ý hơn
với nhiều chuyến thăm cấp cao. Nhưng tại sao đoàn Austin và Harris đến thăm
Singapore và Việt Nam hai lần trong một tháng, mà không chú ý tới Indonesia và
Thailand là hai nước đối tác khác cũng quan trọng?
Tuy các quan chức cấp cao không thể đến mọi
nơi trong một chuyến đi, nhưng việc lựa chọn đến đâu, vào lúc nào là có ý
nghĩa. Chuyến thăm của Harris vào cuối tháng tám sẽ làm rõ vai trò của Đông Nam
Á nói chung là một phần thiết yếu của “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng
mở” để đẩy lùi Trung Quốc,
trong khi đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam và Singapore là hai đối tác
chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Với bờ biển dài hơn 3000km, Việt Nam có vị trí
thuận lợi để ngăn chặn Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á. Căn cứ hải quân ở vịnh
Cam Ranh có vị trí chiến lược đặc biệt đối với Biển Đông. Trong khi đó,
Singapore kiểm soát vị trí yết hầu tại eo biển Malacca nối Thái Bình Dương với Ấn
Độ Dương. Năm 2019, Singapore đã gia
hạn cho Mỹ sử dụng căn cứ hải quân và không quân ở Changi thêm 15 năm
tới 2035.
Hợp tác quốc phòng đã trở thành một trụ cột
chính trong quan hệ Mỹ-Việt, mặc dù có những điểm bất đồng tiềm ẩn. Vẫn còn rủi
ro khi sự phát triển quan hệ chiến lược có thể bị cản trở vì chính quyền Biden
nhấn mạnh đến giá trị dân chủ và nhân quyền sẽ tác động thế nào đến chính phủ
Việt Nam do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Đối với Singapore, Mỹ vừa quyết định bán 12
máy bay chiến đấu F-35B, làm Singapore trở thành nước ASEAN đầu tiên có loại
máy bay chiến đấu thế hệ mới, ngoài số F-15 và F-16 hiện đang sử dụng. Nếu Mỹ
quyết định xây dựng Hạm đội 1, như đề xuất của Bộ trưởng Hải quân để tăng cường
cho Hạm đội 7 và Hạm đội 5 ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Singapore sẽ là lựa
chọn hàng đầu làm căn cứ của hạm đội mới.
Quan hệ chiến lược:
tới đâu và lúc nào?
Kavi Chongkittavorn, chuyên gia nghiên cứu tại
Đại học Chulalongkorn, lập
luận rằng do thời gian hạn chế nên chương trình của ông Austin phản
ánh quan điểm của bộ quốc phòng Mỹ về sự lựa chọn “các nước đồng minh và đối
tác quan trọng nhất khu vực”. Nhưng Kavi cảnh báo: “Nước thành viên ASEAN nào
quyết định tham gia “Bộ Tứ” (Quad) dù với hình thức nào, đều có thể làm suy yếu
cơ chế khu vực của ASEAN”.
Ý tưởng nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác
chiến lược chính thức đã có từ mấy năm qua. Tiếp theo cuộc gặp cấp cao
Trump-Kim tại Hà Nội vào tháng 2/2019, Tổng thống Trump đã mời Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng sang thăm Washington. Lúc đó tôi đã lập
luận rằng “đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ còn xa vời” (a
bridge too far), vì thời điểm chưa chín muồi, do sức khỏe của ông Trọng, và phản
ứng của Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao của hai nước đều cho rằng vấn
đề cốt lõi của đối tác chiến lược chủ yếu là thực chất hành động chứ không phải
là hình thức tên gọi. Vì vậy, họ ủng hộ chủ trương từng bước để đạt được đối
tác chiến lược. Việt Nam đã ký thỏa thuận về đối tác chiến lược chính thức với
18 nước với mức độ khác nhau, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc, nên
việc nâng cấp đối tác chiến lược với Mỹ là hợp tình hợp lý.
Chuyên gia phân tích của RAND Corporation,
Derek Grossman, cho rằng đó là một chủ đề trong chuyến thăm Việt Nam của bà
Harris. Grossman tin rằng bà Harris có thể mở đường cho ông Biden quyết định về
đối tác chiến lược vào cuối năm nay.
Điều đó có thể làm Trung Quốc bất ngờ, vì
Derek Grossman và Paul Orner lập
luận rằng theo đánh giá của Bắc Kinh thì Việt Nam “sẽ không hợp tác
quá chặt chẽ với Mỹ”. Điều đó được phản ánh qua tuyên bố chính thức của Hà Nội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo ngày
30/7 là Việt Nam “không liên kết với nước này để chống nước khác”. Tuy
nhiên, ít có khả năng Trung Quốc sẽ phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực vì Việt
Nam và Mỹ có bước tăng cường hợp tác an ninh chặt chẽ hơn.
Sẽ không khôn ngoan nếu Mỹ thúc ép Hà Nội phải
chọn phe, cho đến khi Hà Nội thấy đến lúc phải tự quyết định. Điều đó cũng đúng
với các nước Đông Nam Á khác. Mỹ cần theo đuổi một chiến lược đa dạng bao gồm hợp
tác về ngoại giao, kinh tế, và an ninh khu vực, để các nước ASEAN khác có thể
chơi trò đu dây cùng Việt Nam.
Việc quan trọng nhất mà ông Austin đã làm ở
Singapore là trấn
an các đồng minh và đối tác khu vực rằng chính quyền Biden coi họ là
“thiết yếu” (vital) đồng thời khẳng định rằng Washington sẽ không thúc ép ASEAN
phải chọn phe.
Washington có thể tập trung vào chuyến thăm
Singapore, Viêt Nam, và Philippines vì họ thấy hợp tác với các nước này dễ hơn,
và có thể cho rằng ASEAN đã bị “phân
liệt” (dysfunctional), nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể hay
nên coi nhẹ ASEAN.
Nước Mỹ trở lại…tương
lai
Với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” của Trump đã
lui vào quá khứ, Biden hứa “nước Mỹ trở lại” đang khuấy động các nước mà họ cảm
thấy bị Mỹ bỏ rơi. Nhưng ông Biden (năm nay 79 tưổi) chắc sẽ không xuất hiện
nhiều trong các hoạt động quốc tế, mà ông có thể ủy quyền cho bà Haris thay mặt
mình trong một số chuyến thăm.
Nhưng trong khi ganh đua với Trung Quốc, Mỹ có
thể gần gũi hơn với nguyện vọng của các đồng minh và đối tác khu vực như ASEAN.
Ngay sau chuyến thăm của ông Austin, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói
rằng các chuyến thăm cấp cao của Mỹ được khu vực đánh giá cao. “Mỹ đang đầu
tư băng thông rộng và tài nguyên vào khu vực mà Mỹ có các sự lựa chọn và lợi
ích đáng kể để họ phải bảo vệ và thúc đẩy”. Nay các nước đang mong đợi Mỹ có sự
nhất quán về chiến lược lâu dài, và hy vọng vào “một nước Mỹ đáng tin cậy và dễ
đoán”, làm cái neo ổn định cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Thực ra đang có những dấu hiệu tích cực.
Sau sự
cố truyền thông đáng tiếc làm ngoại trưởng Antony Blinken không tham dự
được cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN ngày 25/5, ông Blinken đã
có tới năm cuộc họp trực tuyến với các quan chức ASEAN, gồm hai cuộc họp riêng
về vấn đề hạ lưu sông Mekong, và cuộc họp thường niên của ngoại trưởng ASEAN
ngày 4/8. Mỹ cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tầm nhìn của ASEAN về
khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khi thế giới cố gắng thoát khỏi đại dịch
Covid-19 và đứng trước một loạt thách thức cấp bách về chiến lược, kinh tế, và
môi trường, thì có nhiều chương trình để hợp tác. Ngoại trưởng Blinken và các đồng
nghiệp ASEAN đã thảo luận về những thách thức mới gồm đại dịch, biến đổi khí hậu,
phát triển nguồn nhân lực, và tình hình Myanmar.
Một vấn đề mấu chốt khác là sự bền vững của
chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu chất bán dẫn tiếp tục làm đình trệ ngành điện
tử và sản xuất ô-tô.
Nhà Trắng đang trao đổi về một hiệp định tự do
thương mại kỹ thuật số với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Singapore
và Việt Nam. Cả hai nước cùng với ASEAN, sẽ có vai trò quan trọng hơn để đảm bảo
chuỗi cung ứng vì các công ty tìm cách đa dạng hóa rủi ro về chiến lược và
thương mại do quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chương trình này thừa nhận một yếu tố cốt yếu
để Mỹ tham dự vào khu vực là phải đề ra một chiến lược kinh tế rõ ràng cho Châu
Á. Kurt Campbell, người phụ trách Châu Á cho Biden, từ
lâu đã lập luận rằng lợi ích kinh tế và an ninh gắn liền với nhau ở
Châu Á, và quốc sách về kinh tế phải được nâng lên thành cốt lõi của chính sách
đối ngoại Mỹ.
Nói cách khác, sẽ chẳng có gì khác biệt dù các
quan chức Mỹ có nói bao nhiêu lần là Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc, đang
xoay trục, đang tái cân bằng, hay đang điều chỉnh tầm nhìn về Châu Á. Điều quan
trọng là họ đang thực sự làm cái gì. Để đạt được tham vọng của Biden về Châu Á,
không chỉ đòi hỏi tầm nhìn, mà còn cả thực hiện.
-----------------
Tham khảo
1. Trump-Trọng Summit Remains in
Limbo, Nguyen Quang Dy, Yale Global, January 2, 2020.
2. Tracking Chinese Perceptions of
Vietnam’s Relations with China and the United States, Derek Grossman
and Paul Orner, Asia Policy, April 2021.
3. A Confused Biden Team Risks Losing
Southeast Asia to China, James Crabtree, Foreign Policy, June 27,
2021.
4. Austin Accomplishes Two Missions in
Southeast Asia, Gregory Poling, CSIS, July 30, 2021
5. Reconciling the Past for a Stronger
Partnership: Shaping US-Vietnam Relations under the Biden Administration, Hương
Le Thu, CSIS, August 4, 2021.
6. Why the Quad Alarms China, Kevin
Rudd, Foreign Affairs, August 6, 2021
7. Can Vice President Harris Convince
Vietnam to Engage Biden’s Indo-Pacific Strategy? Carlyle Thayer, August 9,
2021
8. America Still Needs to Rebalance to
Asia, Zack Cooper and Adam Lifff, Foreign Affairs, August 11, 2021
Asia Review,
9. Subtle threat to ASEAN: US
indifference to Indonesia and Thailand, Toru Takahashi, Nikkei Asia
Review, August 11, 2021
N.Q.D.
18/8/2021
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment