Thursday, 19 August 2021

QUAN HỆ VIỆT - MỸ TRƯỚC CHUYẾN THĂM CỦA BÀ KAMALA HARRIS (Việt Hoàng - Thông Luận)

 


Quan hệ Việt - Mỹ trước chuyến thăm của bà Kamala Harris

Việt Hoàng  -  Thông Luận

18/08/21

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22408-quan-h-vi-t-m-tru-c-chuy-n-tham-c-a-ba-kamala-harris

 

Mỹ đã thực sự từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới

 

Như chúng tôi đã phân tích và nhận định, vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ thực sự chấm dứt khi Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" (America First). Việc Joe Biden, một chính khách đầy kinh nghiệm và thiện chí trở thành tổng thống Mỹ cũng không thể làm tiến trình này thay đổi. Việc Mỹ tháo chạy khỏi Afghanistan vội vã, gây ra một tâm lý hoảng loạn khiến chính quyền Kabul sụp đổ nhanh chóng trước Taliban, dù bất ngờ nhưng không làm ai ngạc nhiên.

 

Việc Mỹ trở thành lãnh đạo thế giới có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thế chiến Hai đã làm suy yếu nước Anh, vốn là siêu cường số một khi đó. Cũng vì Thế chiến Hai mà các cường quốc Châu Âu đều kiệt quệ. Trong khi đó trọng lượng của nền kinh tế Mỹ chiếm đến 52% thế giới. Ngày hôm nay trọng lượng kinh tế của Mỹ chỉ còn 25% và các nước Châu Âu đã trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều nước đã bắt kịp Mỹ, thậm chí vượt qua Mỹ. Việc Mỹ làm lãnh đạo thế giới vì thế không còn cần thiết và phù hợp.

 

Khi Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới và "nhường" trọng trách đó cho khối G7 thì tiếng nói của các nước G7 sẽ có trọng lượng hơn và đi kèm đó là trách nhiệm lớn hơn. Một Liên minh dân chủ như vậy sẽ tạo ra một khối thống nhất, đoàn kết và mạnh mẽ hơn. Trước đây các nước dân chủ luôn chờ lệnh của Mỹ một cách thụ động và thường thì họ chấp nhận mọi quyết định của Mỹ. Nay thì họ sẽ chia sẻ trách nhiệm và chủ động trong các vấn đề quan trọng của thế giới. Cũng giống như trong các tập đoàn kinh tế lớn, để giữ chân nhân sự cấp cao, các công ty đã chia cổ phần cho họ nhằm biến họ từ người làm thuê thành chủ nhân của công ty.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51387803400_fc1ac585a2.jpg

Mỹ đã từ nhiệm và nhường vai trò lãnh đạo thế giới cho nhóm G7 - Các nhà lãnh đạo của Canada, Hội đồng Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Ý, Pháp, Ủy ban Châu Âu và Đức chụp ảnh chung ngày 14/06/2021 tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Corbis Bay, Cornwall, Anh Quốc. Nguồn : AFP qua Getty Images

 

 

Mỹ sẽ đối xử với Nga và Trung Quốc như thế nào ?

 

Việc Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới không hề mâu thuẫn với việc Mỹ kiềm chế Nga và Trung Quốc, hai cường quốc độc tài muốn nổi lên thay thế Mỹ. Dù Mỹ không còn là lãnh đạo thế giới nhưng vẫn là siêu cường số một hiện nay. Mỹ không thể nào để vị trí bá chủ thế giới lọt vào tay các cường quốc khác ý thức hệ với mình là Nga và Trung Quốc. Mỹ sẽ làm tất cả để điều đó không xảy ra. Mỹ sẽ lùi lại đằng sau và hỗ trợ tối đa cho G7, một liên minh dân chủ là đồng minh ý thức hệ với Mỹ. Điều này cũng giống việc nước Anh nhường vai trò lãnh đạo thế giới cho Mỹ sau thế chiến Hai. Nếu việc chuyển giao này diễn ra giữa hai nước khác ý thức hệ thì chiến tranh tất yếu phải xảy ra như nó đã từng xảy ra trong lịch sử thế giới.

 

Chính vì lý do đó mà Mỹ vẫn quyết tâm lôi kéo Việt Nam và các nước trong khu vực về phía các nước dân chủ nhằm bao vây và cô lập Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia đặc biệt quan trọng vì liên quan và ảnh hưởng lớn nhất trên Biển Đông, cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc vươn ra thế giới. Một mặt Trung Quốc cố gắng tìm mọi cách để chiếm lấy Biển Đông, mặt khác Mỹ và các nước dân chủ cũng sẽ làm mọi cách để điều đó không xảy ra. Các cuộc tập trận rầm rộ của Mỹ và các nước dân chủ cũng như Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua phản ánh rõ quyết tâm của cả hai phía.

 

Nước Nga, ngoài kho vũ khí ra thì nền kinh tế của họ quá yếu để gây chiến với thế giới. Putin dù không muốn nhưng cũng phải nhường vai trò lãnh đạo khối độc tài chống Mỹ cho Trung Quốc.

 

 

Việt Nam cần hợp tác toàn diện với Mỹ

 

Bất chấp những khó khăn trong nội bộ, chính quyền Joe Biden vẫn cố gắng nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Việc Mỹ hỗ trợ hào phóng cho Việt Nam để chống đại dịch, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ghé thăm Việt Nam hôm 29/7/2021 và sắp tới đây là chuyến thăm chính thức của bà Phó tổng thống Mỹ Kamala Haris nhằm nâng cấp quan hệ hai nước từ "đối tác toàn diện" lên thành "đối tác chiến lược" là những minh chứng.

 

Đây là một cơ hội vàng cho Việt Nam. Việt Nam cần hợp tác một cách đầy đủ và toàn diện với Mỹ tối đa trên mọi lĩnh vực. Với tiềm lực hùng mạnh trên mọi lĩnh vực, Mỹ hoàn toàn có thể giúp Việt Nam phát triển. Chúng tôi chia sẻ với ý kiến của tác giả Đinh Hoàng Thắng trong bài viết "Cơ hội mới liệu có bị bỏ lỡ một lần nữa ?rằng :

 

"Có thể nói, với nhân dân, họ đã có sự lựa chọn của mình rồi. Quan hệ đối ngoại, một khi được xác lập lấy lợi ích quốc gia làm nền tảng, sẽ trở nên bộ phận cấu thành của nguồn lực chính trị, kinh tế, quân sự của quốc gia. Vấn đề là, thay vì bám giữ nhận thức cũ trước đây khi tách bạch nội lực và ngoại lực, người làm chiến lược cần tính toán, tận dụng nguồn lực đặc biệt này sao cho tối ưu hóa nó ở mức cao nhất".

 

Cũng đừng quên một điều là Mỹ rất thiếu kiên nhẫn. Sự giúp đỡ đơn phương của Mỹ dành cho Việt Nam sẽ kết thúc khi Trung Quốc không còn là mối đe dọa cho an ninh và hòa bình thế giới. Bà Kamala Harris sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền với Hà Nội nhưng cũng chỉ qua loa như mọi khi và Việt Nam có thể đáp lễ bằng cách trả tự do cho một vài tù nhân chính trị.

 

Việt Nam không cần liên minh quân sự với Mỹ vì mấy lý do. Một là Mỹ sẽ không đem quân tham chiến ra bên ngoài nữa trừ khi thực hiện trách nhiệm trong khuôn khổ của liên minh G7. Thứ hai Việt Nam không cần khiêu khích Trung Quốc. Dù rằng Trung Quốc sẽ không gây chiến với Việt Nam nhưng khiêu khích họ là việc không nên làm. Thứ ba là Mỹ không đáng tin cậy. Bài học Việt Nam Cộng Hòa trước đây và Afghanistan hiện nay vẫn còn đó. Thứ tư, Mỹ luôn hành động vì quyền lợi của họ (trong ngắn hạn). Dù Việt Nam và Mỹ không ký kết hiệp ước liên minh với nhau nhưng nếu cần Mỹ vẫn can thiệp để bảo vệ Việt Nam (như trường hợp Mỹ bảo vệ Đài Loan) và Mỹ sẽ bỏ chạy khi thấy không còn cần thiết nữa dù có cam kết đồng minh (như trường hợp Afghanistan).

 

https://live.staticflickr.com/65535/51387803380_418625cd42_n.jpg

Việt Nam cần hợp tác toàn diện với Mỹ trong mọi lĩnh vực

 

Việt Nam xoay trục nhưng vẫn cố giữ chế độ chính trị

 

Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn "bỏ Tàu theo Mỹ" từ lâu. Đó là một lựa chọn đúng, không chỉ cho đất nước mà còn cho cả Đảng cộng sản. Họ cũng không còn lựa chọn nào khác. Muốn theo Trung Quốc để giữ Đảng cũng không được vì Trung Quốc đang trên đà suy thoái. Trong khi đó kinh tế Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ và các nước dân chủ. Tuy nhiên Đảng cộng sản luôn đặt quyền lợi của Đảng và Ban lãnh đạo đảng lên trên quyền lợi quốc gia. Mặc dù đã xoay trục sang Mỹ nhưng Đảng cộng sản không hề có một bất cứ lộ trình nào để dân chủ hóa đất nước. Họ vẫn đàn áp các tiếng nói bất đồng và duy trì bộ máy toàn trị.

 

Đảng cộng sản có thể đang âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch "dân chủ hóa đất nước một mình" sau khi "dọn dẹp" hết các lực lượng mà họ cho là nguy hiểm hoặc có thể cản trở họ. Tuy nhiên xác suất thành công của Đảng cộng sản là số không. Chưa có một đảng cộng sản nào trên thế giới có thể chuyển hóa thành công về dân chủ, vì bản chất của hai thể chế độc tài và dân chủ trái ngược nhau hoàn toàn. Đảng cộng sản có thể sẽ "kết hợp" với một vài tổ chức dân chủ cuội do chính họ dựng lên để nắm thế chủ động trong tiến trình chuyển hóa về dân chủ nhưng Đảng cộng sản sẽ sớm khám phá ra rằng các cá nhân và các tổ chức như vậy chỉ làm tình hình trở nên hỗn loạn và phức tạp chứ không giúp được gì cho họ.    

 

Đảng cộng sản sẽ rất khó khăn và lúng lúng khi "xoay trục" sang Mỹ và các nước dân chủ vì sự khác biệt thể chế chính trị. Dù Mỹ hứa không thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam và chắc họ sẽ thực hiện đúng như thế thì tình cảnh của Đảng cộng sản cũng rất bi đát. Một điệu nhạc không thể nhảy theo hai kiểu khác nhau. Chế độ chính trị độc đảng và toàn trị của Việt Nam mâu thuẫn với các nước dân chủ và mâu thuẫn với sự phát triển.

 

 

Đại dịch Covid-19 đang tàn phá đất nước

 

Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch của đất nước và cho cả Đảng cộng sản. Chính quyền hoàn toàn bị động và bất lực trong việc dập dịch. Hậu quả rất nghiêm trọng khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, các công ty của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng gặp khó khăn khi chuỗi sản xuất bị đứt gãy do phải đóng cửa để chống dịch. Các công ty này sẽ giảm bớt đầu tư vào Việt Nam hoặc chuyển nhà máy sang nước khác hoặc họ phải gây sức ép, buộc chính quyền phải công khai minh bạch trong việc phân phối và tiêm chủng vắc-xin. Việc xử lý kém cỏi của chính quyền khiến hàng triệu người lao động từ thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp trọng điểm ở Đồng Nai, Bình Dương bỏ chạy tán loạn về quê. Việc này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng khi đại dịch kết thúc và gây sức ép về công ăn việc làm tại các địa phương.

 

Cũng như Trung Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn dựa trên một sự chính đáng duy nhất là "phát triển kinh tế". Khi kinh tế khủng hoảng thì sự phẫn nộ của người dân sẽ tăng lên và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến xáo trộn về chính trị. Các phe nhóm trong Đảng cộng sản sẽ có lý do để đấu đá và thanh trừng lẫn nhau.

 

Chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ gia tăng trong thời gian tới, bất chấp đại dịch. Vừa thu hồi tài sản từ đám quan chức tham nhũng ngã ngựa để bổ sung cho ngân sách đang gặp khó khăn nhằm mục đích loại bỏ phe thân Trung Quốc của Nguyễn Tấn Dũng. Vụ khởi tố ông Nguyễn Duy Linh, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, con trai thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, một người thân cận của Nguyễn Tấn Dũng làm dấy lên nhiều đồn đoán. Thường thì trước mỗi lần chuyển trục, Đảng cộng sản đều âm thầm tiêu diệt những thế lực có nguy cơ cản đường họ. Lần này những quan chức cấp cao thân Trung Quốc sẽ là đối tượng bị đàn áp bởi chiến dịch đốt lò, nhân danh chống tham nhũng.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51387533414_f3345f50d8.jpg

Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch của đất nước và cho cả Đảng cộng sản - Ảnh minh họa : Xót xa cảnh người dân vượt trăm cây số, ăn bờ ngủ bụi, nặng trĩu hành trang về quê tránh dịch

 

 

Cơ hội nào cho phong trào dân chủ Việt Nam ?

 

Cuộc đối đầu không tiếng súng giữa Mỹ và các nước dân chủ với Trung Quốc ngày càng dứt khoát và không khoan nhượng. Tình hình rất có lợi cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Phong trào dân chủ Việt Nam sẽ được hậu thuẫn không chỉ mỗi nước Mỹ mà còn tất cả các cường quốc dân chủ khác như Đức, Anh, Pháp, Úc, Canada. Hai nước Nhật và Hàn quốc cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên Đảng cộng sản vì họ đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam, chỉ có điều là họ tế nhị chứ không công khai như Mỹ. Các nước G7 cũng đã bắt đầu nhận người Việt Nam tị nạn chính trị và họ sẽ ngày càng công khai chỉ trích Đảng cộng sản vi phạm nhân quyền.

 

Cơ hội dân chủ hóa Việt Nam ngày càng lớn nhưng chỉ với một điều kiện để đất nước không rơi vào hỗn loạn : Phải có một vài tổ chức chính trị đối lập đứng đắn và có tầm vóc để làm đối trọng với Đảng cộng sản. Trí thức Việt Nam nếu muốn đất nước có dân chủ thì phải tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức nào đó.

 

Việt Hoàng

(18/08/2021)

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats