Đảng Cộng Hòa Sẽ Đi Về Đâu (P1)?
Trần
Công Lân
08/01/2021 · by nganlau12121
https://nganlau.com/2021/08/01/dang-cong-hoa-se-di-ve-dau-p1/
Sinh hoạt chính trị Mỹ dựa trên hệ thống lưỡng
đảng. Ứng cử viên độc lập chỉ có thể tham dự và thắng cử ở các chức vụ địa
phương, cao nhất là Thượng Nghị Sĩ. Các ứng cử viên tổng thống đều thất bại vì
không đủ các cơ sở hạ tầng để tranh đua với hai đảng chính. Vậy nếu một trong
hai đảng có nguy cơ tan rã thì nền dân chủ Mỹ sẽ đi về đâu?
Chuyện Trump bị truy tố hai lần. Chuyện Quốc Hội
bị dân biểu tình xâm phạm và đập phá. Tất cả chỉ là hiện tượng. Bản chất của sự
kiện là đảng Cộng Hòa đang phá sản về nhân sự và lý thuyết. Đồng ý là con người
đưa ra lý thuyết (hay chủ trương, ý thức hệ) là lúc đầu rồi sau đó lý thuyết sẽ
lôi cuốn người khác tham dự.
Khi các nhà sáng lập nước Mỹ thiết lập Hiến
Pháp và chế độ liên bang thì đã có sự tranh chấp giữa hai phe ủng hộ liên bang
và chống liên bang dựa trên 3 vấn đề: (1) bản chất (nature) của chính quyền,
(2) kinh tế và (3) chính sách ngoại giao (1790s).
Alexander Hamilton là lãnh tụ của phe ủng hộ liên bang. Thomas Jefferson là lãnh tụ
của phe chống liên bang còn gọi là Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republicans)
sau này là đảng Cộng Hòa. Hamilton chủ trương Mỹ theo chế độ liên hợp các quốc
gia trong khối Liên Hiệp Anh sẽ tạo chính quyền trung ương, tài chánh và quân đội
hùng mạnh. Jefferson cho rằng chủ trương đó sẽ dẫn tới phiêu lưu chính trị và
cho rằng quyền lực chính trị tùy thuộc tiểu bang và quốc hội địa phương.
Đó là nguồn gốc. Chúng ta hãy trở về thời đại
2000s:
Đảng Cộng Hòa chủ trương bảo thủ các giá trị
truyền thống của các địa phương, tôn giáo (Thiên Chúa giáo), chính phủ nhỏ, cắt
giảm chi phí của nhà nước nhưng lại muốn duy trì quân đội (quốc phòng) mạnh, ủng
hộ thương mại và quyền tự trị của các công ty lớn tránh sự can thiệp của chính
quyền, chống phá thai, chống đồng tình luyến ái, chống lạm dụng an sinh xã hội,
lo về an ninh và quyền sở hữu súng, chống di dân bất hợp pháp.
Mới nghe qua (1980s) thì thấy có lý lắm. Nhưng
coi vậy mà không phải vậy.
Sau đệ nhị thế chiến, nước Mỹ trở thành cường
quốc và người dân Mỹ hãnh diện đã cứu thế giới khỏi nạn Quốc Xã, Phát Xít.
Nhưng nạn Cộng Sản xuất hiện đưa đến chiến tranh Hàn Quốc và Việt Nam. Chiến
tranh lạnh (cold war) bắt đầu. Và cuộc xung đột của lưỡng đảng để giải quyết sự
chống đối của dân Mỹ về chiến tranh VN đưa đến sự truy tố tổng thống Nixon (Cộng
Hòa). Nixon từ chức 1974, Ford thay. 1975 Nam VN mất vào tay Bắc Việt. Cộng sản
tiến công khắp nơi từ Phi Châu đến Nam Mỹ. 1976, Tổng Thống Carter (Dân Chủ)
lên. Biến cố Iran 1979 khi cách mạng Hồi Giáo bắt giữ con tin Mỹ. 1980 Tổng thống
Reagan (Cộng Hòa) lên cương quyết đối phó với Liên Xô về vấn đề thế giới, Đông
Âu và vũ khí nguyên tử. 1989,
khối Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu thoát khỏi nạn cộng sản. 1990 Iraq
chiếm Kuwait, tổng thống Bush (Cộng Hòa 1988-1992) tập hợp liên quân giải phóng
Kuwait nhưng không chiếm Iraq. 1992 tổng thống Clinton (Dân Chủ) lên nhưng phe
Cộng Hòa nắm quốc hội (1994). Tuy Clinton có công cân bằng ngân sách 1998 -2001
và liên bang thặng dư 236 tỷ (2000).
Chủ tịch quốc hội Newt Gingrich (Cộng Hòa) đưa
ra chủ trương “hợp đồng với người Mỹ (Contract to American) để phục hồi trách vụ
(accountability) của chính quyền về sự chi tiêu quá lớn, quá nhiều cũng như các
viên chức Quốc Hội, công chức ngồi bám trụ quá lâu đã không đáp ứng nhu cầu
của công chúng.
Nhưng kinh tế Mỹ có tiếp tục phát triển thì chỉ
có dân nhà giàu hưởng trong khi dân nghèo (lao động) vẫn vật lộn với đời sống.
Và đảng Cộng Hòa được coi như đại diện của giới nhà giàu, đại công ty, tài phiệt.
Tuy là các thành phần trên đều ủng hộ cả hai đảng nhưng vì chủ trương của đảng
Dân Chủ là công bằng xã hội (social justice), tiến bộ (progressive) nên có vẻ
là đấu tranh cho dân nghèo, thiểu số (da màu), di dân…
Để phục hận thất cử 1992, đảng Cộng Hòa chọn
Bush II ra ứng cử 2000 và thắng Al Gore. Bush II dùng người của thời Bush I
(Cheney, Rumsfeld, Wolfowitz ) đánh Iraq lần II lấy cớ là có liên hệ với bọn khủng
bố Al-Qaeda trong biến cố 9/11 và chế tạo vũ khí sát thương (mass
destruction). Để xoa dịu dân Mỹ chống chiến tranh mà Phó Tổng thống
Cheney nói sẽ lấy tiền Iraq trả chi phí chiến tranh (không xảy ra), Bush II giảm
thuế 1.7 ngàn tỷ (trillion) dẫn đến khủng hoảng tài chánh 2008, xóa bỏ ngân
sách thặng dư do Clinton để lại.
Sân khấu chính trị bắt đầu đi vào khuynh hướng
xấu khi lãnh đạo bất tài và cộng sự viên (nội các) có âm mưu thao túng chính
quyền (lừa gạt bộ trưởng ngoại giao Collins Power) và tại địa phương, phe đảng
đã sửa đổi ranh giới các quận hạt khi bầu cử (gerrymandering) để có lợi cho đảng.
Nhưng khi đắc cử thì các chính trị gia chạy theo hệ thống đảng chi phối qua
chính sách và các nhóm vận động hành lang (lobbyist). Sự bất mãn của quần chúng
ngày càng tăng sau tai biến về tài chính sụp đổ 2008.
Trong khi đó bế tắc tại Quốc Hội ngày càng
tăng vì hai đảng không đạt đến sự thoả thuận về các dự luật: Y tế, di trú, ngân
sách, bổ nhiệm chánh án… và cứ qua mỗi mùa tranh cử thì các thủ đoạn bôi xấu,
chụp mũ, vu khống, đe dọa…càng gia tăng. Đặc biệt là năm 2000 với vụ kiểm phiếu
tại Florida. Với sự thắng cử của Obama 2008 là người da màu đầu tiên làm tổng
thống đã gây sự bất mãn và tức giận cho dân da trắng có tính kỳ thị chủng tộc.
Tuy Obama thành công trong việc ban hành luật y tế nhưng phải trả giá đắt cho 6
năm sau đó đã không làm được gì khác vì Quốc Hội do phe Cộng Hòa nắm đã chống đối
kịch liệt để thu hồi luật y tế nhưng không thành công.
Câu hỏi đặt ra là nếu đảng Cộng Hòa muốn làm
luật y tế thì tại sao không cộng tác với đảng Dân Chủ từ thời Clinton? (khi tổng
thống Clinton giao cho vợ vận động luật y tế đã bị đe dọa từ phía Cộng Hòa và bỏ
dở).
Lý do duy nhất là đảng Cộng Hòa không còn nhân
tài, tuy vẫn còn một số các nhân vật tốt (cựu thống đốc Kasich, cựu bộ trưởng
ngoại giao Power…) nhưng thực tế cho thấy là máu kỳ thị của người da trắng
trong đảng Cộng Hòa từ từ lộ diện không thể che giấu khi Obama làm tổng thống.
Tranh chấp tại quốc hội càng nặng sau mỗi mùa
bầu cử 2010, 2012 (Cộng Hòa nắm cả Thượng Viện, Hạ Viện) và 2014. Năm 2016,
Trump thắng cử, đại diện đảng Cộng Hòa cho thấy 15 ứng cử viên khác thua Trump
không phải vì kinh nghiệm mà vì Trump đánh trúng nhược điểm của đối thủ mặc dù
quá khứ Trump đầy vết tích xấu xa trong thương trường nhưng trong nghị trường
Trump là người mới (outsider). Và quần chúng MỸ chán ngán vũng lầy (swamp) khi
các đại diện dân kết bè đảng vì quyền lợi hơn là phục vụ nhân dân.
Chính sách của Trump không rõ rệt vì nội các
không bao giờ thành hình, chỉ làm tạm bợ vì không tìm ra người hay không thông
qua được sự phê chuẩn của Thượng Viện. Trong khi Trump đuổi các nhân vật cũ vì
cho là phe đảng nhưng lại đưa con gái, con rể vào làm việc nước. Sự thách đố và
hứa hẹn của Trump đối với các luật thành văn và bất thành văn đã gây xáo trộn
cho chính quyền Mỹ và quốc tế khiến Mỹ gần như bị cô lập trên thế giới. Bức tường
biên giới Mỹ-Mễ, thương chiến với Trung Cộng và các vụ kích động xung đột trong
nước đã đẩy làn sóng kỳ thị ngày càng rõ rệt.
***
Đảng
Cộng Hòa Sẽ Đi Về Đâu (P2)?
Trần
Công Lân
08/01/2021 · by nganlau121212
https://nganlau.com/2021/08/01/dang-cong-hoa-se-di-ve-dau-p2/
Khi Trump chụp mũ truyền thông là tin giả
(fake news) là muốn bịt miệng báo giới (trò chơi của cộng sản, độc tài) trong
khi giới truyền thông có thể bị phạt vạ nếu loan tin không đúng sự thực. Vậy
thì tòa án để làm gì? Khi Trump chụp mũ chính quyền là có âm mưu sâu thẳm (deep
state) thì đó là cái gì? Tại sao không chứng minh sự hiện hữu? Phải chăng chỉ
là âm mưu kích động đám dân bất mãn vì lý do riêng tư mà không được chính quyền
giải quyết? Vũng lầy (swamp) là gì? Nếu không phải là những chính trị gia “cổ
thụ” (ngồi quá lâu). Nhưng đó là những người có kinh nghiệm. Tại sao khi đi xin
việc làm, chỗ nào cũng hỏi “bạn có kinh nghiệm trong nghề không?” Còn nếu bất
mãn vì đó là tầng lớp ưu tú (elite) thì thử hỏi các hãng xưởng, công ty, đại
ngân hàng đều mướn các chủ tịch điều hành (CEO) là tầng lớp ưu tú thì mới phát
triển, có lời. Vậy thì chính quyền có nhân tài ưu tú thì dân mới được hưởng.
Còn chuyện bè phái thì lưỡng đảng ăn chia với nhau (hay phiên cầm quyền) tất
nhiên có hại cho dân nhưng chưa tai hại bằng chọn một người như Trump lên làm
lãnh đạo. Tất nhiên đại nạn xảy ra, cả nước chịu.
Khi Trump đòi hỏi các viên chức nội các phải
trung thành với tổng thống thay vì hiến pháp và thái độ khi tuyển người thì
khen bốc trời nhưng khi đuổi người thì chửi thậm tệ cho thấy cá tính
(characters) của Trump là người như thế nào. Nhưng dân Mỹ ủng hộ Trump đã bất cần.
Vì sao? Vì đa số là dân có màu kỳ thị. Lòng ái quốc, dân chủ, tự do, nhân quyền
chỉ là cớ che đậy mà thôi (tại sao đòi hỏi nhân quyền trên thế giới mà lại ngăn
cấm quyền bầu cử của người da màu và quyền phá thai của phụ nữ?).
Thống kê dân số cho thấy dân da màu, thiểu số
ngày càng tăng và có khuynh hướng bầu cho đảng Dân Chủ trong khi dân da trắng
có khuynh hướng bầu cho đảng Cộng Hòa ngày càng giảm. Kinh tế Mỹ chỉ có lợi cho
dân nhà giàu, dân da trắng lao động (blue collars) không vươn lên nổi, lại bị mất
việc khi các hãng, công ty chuyển việc làm ra nước ngoài. Khi chính trị gia Cộng
Hòa mượn di dân bất hợp pháp để tố ván bài “công ăn việc làm” đã khơi dậy máu kỳ
thị. Thực tế cho thấy di dân bất hợp chỉ làm những công việc mà người bản xứ
chê bỏ.
Khi những chính trị gia Cộng Hòa bất tài thì lấy
sự đe dọa ra che giấu sự kỳ thị qua kinh tế: việc làm, di dân bất hợp
pháp; an ninh trật tự (law and order); đối ngoại (trade war, socialist). Bằng
chứng rõ rệt nhất là luật y tế (death penalty) và ngân sách (debt to my
children): khi Cộng Hòa thắng thì chi tiêu quốc phòng bất kể nợ, hoang phí
nhưng khi phe Dân Chủ nắm quyền thì kêu than là nợ con cháu, chia tiền cho phe
đảng (Blue state vs Red state), pork barrel. Cũng như biến cố 1/06/2021 phe Cộng
Hòa không đòi điều tra biến cố mà chỉ kêu gọi xí xóa (move on) thì có khác gì
Trump phê phán cuộc xung đột kỳ thị chủng tộc tại Charlottesville, Virginia
(8/16/2017) là hai phía đều là người tốt? Phe Cộng Hòa thường bị gán khẩu hiệu
là: “bản tính, súng (sức mạnh), Thượng đế” (God- Guns- Guts). Vậy thì khi “bản
tính” kỳ thị không thể che giấu được thì dùng sức mạnh (đeo súng ra đường, biểu
tình) rồi khi bế tắc không thể lý luận để bào chữa thì đổ thừa cho Thượng đế
(God). Nhưng khi thượng đế bỏ đi vì những kẻ lãnh đạo tôn giáo mượn tôn giáo để
thỏa mãn tình dục thì nền tảng đạo đức của đảng Cộng Hòa sụp đổ.
Sự lạm dụng tình dục trong tôn giáo đã khiến
niềm tin tôn giáo sụp đổ và đó là căn cứ của đảng Cộng Hòa trên tinh thần bảo
thủ. Cùng lúc đó với kinh tế suy thoái, dân nghèo lại càng nghèo thêm, tội ác
gia tăng, vấn đề kiểm soát súng đạn lại càng đổ dầu vào lửa vì đảng Cộng Hòa
cho rằng chính quyền muốn loại bỏ tu chính thứ 2 trong Hiến Pháp về quyền giữ
súng (để chống bạo quyền, bảo vệ tự do của dân). Sự chống đối về đồng tính luyến
ái cũng là giá trị của đảng Cộng Hòa thì nay lộ ra là chính các chính trị gia Cộng
Hòa là người tham dự (xem It was all a lie. Stuart Stevens).
Chuyện các tiểu bang miền Trung Tây (Midwest)
và Nam do đảng Cộng Hòa nắm đa số đã sửa luật để hạn chế dân da màu đi bầu, cắt
giảm an sinh xã hội, y tế cho dân nghèo, kiểm soát và trục xuất di dân lậu (cho
dù đa số tiểu thương phát triển nhờ bóc lột thành phần này), hạn chế ngân sách
cho việc phá thai… tất cả chỉ tạo thêm chia rẽ trong quần chúng.
Tệ hại hơn nữa là mỗi khi thay đổi thống đốc từ
Cộng Hòa sang Dân Chủ thì quốc hội tiểu bang do phe Cộng Hòa giữ ra luật hạn chế
quyền hành của thống đốc.
Tất cả sự kiện trên cho thấy đảng Cộng Hòa
không còn nhân tài hay không còn chú tâm đến phục vụ nước Mỹ mà chỉ tìm cách
phân hóa để thủ lợi. Thói xấu của phe Công Hòa là khi thắng thì chà đạp, đổi luật
chơi (chọn Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện) phe thua tối đa nhưng khi thua thì lươn
lẹo (truy tố Trump lần thứ 2. McConnell: tại sao không làm khi Trump còn tại chức?
Trong khi chính McConnell không ủng hộ truy tố vào thời gian đó).
Hãy lấy một thí dụ về sự ngoan cố của tinh thần
bảo thủ (Cộng Hòa) qua biến cố mùa đông 2021 tại Texas khi hệ thống điện nước sụp
đổ vì bão tuyết chỉ vì tinh thần chống chính quyền trung ương (liên bang). Cựu
thống đốc Texas kiêm cựu bộ trưởng bộ năng lượng Perry tuyên bố: dân Texas thà
chịu bão tuyết chứ không chịu luật lệ của trung ương (liên bang) [“Texans would
be without electricity for longer than three days to keep the federal government
out of their business,” Perry said.
“Try not to let whatever the crisis of the day is take your eye off of having a
resilient grid that keeps America safe personally, economically and
strategically.”]
Năm 2018, đảng Dân Chủ lấy lại đa số Hạ Viện.
Trump và đảng Cộng Hòa bị đe dọa sẽ thảm bại mùa bầu cử 2020 nhưng Thượng Viện
và Trump vẫn không đồng ý về chính sách. Trump tăng cường chiến dịch tung tin
nhảm và kích động các nhóm cực đoan chuẩn bị bạo động.
Năm 2020, Trump thất cử nhưng không chấp nhận
thua cuộc mà còn tố cáo gian lận cho dù không có bằng chứng và hơn 60 vụ kiện
trước tòa đã bị bác.
Con người Trump lộ ra bộ mặt nguy hiểm của một
nhà độc tài thời đại 2000 khi xuất hiện trước cuộc biểu tình ngày 6 tháng 1 để
kích động số người ủng hộ đi đến bạo động tại Quốc Hội.
Cuộc bạo loạn tại Quốc Hội ngày 6 tháng 1 tuy
chấn động dư luận trong và ngoài nước nhưng hậu quả không ngừng ở đó. Hậu quả
lâu dài là đa số các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa vẫn ủng hộ dư luận của
Trump về bầu cử gian lận trong khi đang biểu quyết kết quả cử tri đoàn là Biden
thắng cử. Đó là sự đánh mất
linh hồn của đảng Cộng Hòa vì bám víu vào số người ủng hộ Trump để lấy phiếu
cho kỳ bầu cử kế tiếp. Mà Trump có vị thế đó là nhờ xuyên tạc tin tức và
sự bất tài của các chính trị gia Cộng Hòa muốn “mượn gió” Trump để “bẻ măng” bầu
cử. Nhưng ác giả, ác báo: hung thần Trump đã thoát ra khỏi bóng tối và hiện
hình xiết chặt số cử tri Cộng Hòa, cô lập thành phần ưu tú đã ăn trên ngồi trước
bao nhiêu năm trong nghị trường như TNS McConnell.
Nguy hiểm hơn nữa là thành phần quá khích
(extremist), tự vệ (militia, Proud Boys, Oath Keepers) với các tổ chức ngụy
tạo tin tức (QAnon) thêu dệt các âm mưu huyền hoặc (conspiracy) để kích động dân
quê thiếu ý thức, tưởng rằng họ đang sống thời kỳ 1776 phải đứng lên giành độc
lập, bảo vệ tổ quốc. Trong khi các cơ chế dân chủ cho phép họ tranh đấu trong
ôn hòa, trật tự đã bị xuyên tạc bởi chính những đại diện (Cộng Hòa) do họ chọn
vào Quốc Hội. Bất mãn cùng cực, họ đặt niềm tin vào Trump: Một tay nhà giàu điếm
đàng (con-man) và 4 năm hỗn loạn xảy ra, kết thúc bằng cơn đại dịch.
Hệ thống lưỡng đảng có thể sụp đổ nếu đảng Cộng
Hòa phân hoá thành 2 đảng. Nếu đảng Dân Chủ cầm quyền quá lâu cũng không tốt vì
sẽ hủ bại vì thiếu đoàn kết hơn phe Cộng Hòa.
Trong trường hợp đảng Cộng Hòa chia hai thì đảng
theo Trump có làm được gì không? Vì Trump chỉ là kẻ phá thối chứ không phải là
người có lý tưởng chính trị. Còn dư đảng Cộng Hòa còn lại có tìm ra nhân tài để
phục hồi lý tưởng “bảo thủ” đã lỗi thời và đường lối ôn hòa (moderate) có lôi
kéo số người quá khích theo Trump quay về con đường xưa hay không?
Đây cũng là bài học cho các đảng phái VN sau
này. Đường lối (tư tưởng) sẽ tạo ra chính sách. Mà đường lối, tư tưởng là do
con người suy nghĩ ra. Nếu là do người còn sống suy nghĩ ra thì lại nói rằng sẽ
thủ lợi cho cá nhân, phe đảng. Nếu là do người đã chết để lại thì có phù hợp với
tình thế xã hội đương thời hay không? Nếu một xã hội với hệ thống chính trị không
nuôi dưỡng con người một cách tốt đẹp mà chỉ lợi dụng như công cụ làm giàu thì
chúng ta sẽ có rất nhiều “Trump” hay đại diện đảng như McConnell.
Hình như chúng ta đang trở lại vấn đề: “con
người làm ra tư tưởng rồi cũng từ tư tưởng làm lại con người” (chuyện quả trứng
và con gà). Tư tưởng dân chủ, tự do đã có rồi, vậy thì con người “tự do, dân chủ”
đâu rồi? Phải chăng chỉ là lợi dụng dân chủ (freedom of speech) để phá hoại cơ
chế dân chủ?
Bạn có ý kiến khác chăng?
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2021 (Việt lịch 4900)
No comments:
Post a Comment