Monday 2 August 2021

QUYỀN LỰA CHỌN hay QUYỀN BỊ BÓC LỘT? (Vũ Hoàng Anh Bốn Phương)

 


Quyền lựa chọn hay quyền bị bóc lột?

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

08/01/2021 · by nganlau121212

https://nganlau.com/2021/08/01/quyen-lua-chon-hay-quyen-bi-boc-lot/

 

Các bạn đã nghe giá điện của TX gia tăng không thể nào tưởng tượng trong cơn lạnh và đông đá trong tháng 2 năm 2021. Tại sao thế? Bởi vì ở TX, điện được thả lỏng mà ai cũng có thể nhảy vào mua điện từ nhà sản xuất điện để bán lại cho người dân. Nói chung là đảng Cộng Hòa mang chủ trương không kiểm soát (deregulate) để người sử dụng (consumers) có quyền lựa chọn. Quyền lựa chọn đó ra sao ở TX?

 

Điện ở TX gồm có sự tham dự của công ty sản xuất điện, người mua số nhiều (wholeseller), công ty dẫn điện (power grid), công ty bán điện cho người sử dụng, và người sử dụng. Ngày xưa thì TX chỉ có một công ty bán điện cho người sử dụng. Nhưng khi mà được thả lỏng (deregulate) thì ai cũng có thể nhảy vào thị trường điện để mua từ công ty lớn và bán lại cho người sử dụng điện. Điều đó giải thích lý do người Việt, công ty V247 nhảy vào chuyện làm ăn này trong khi V247 chuyên về điện thoại. Rất nhiều công ty khác nhảy vào chuyện buôn bán điện này ở TX.

 

Nhiều công ty thì sẽ có nhiều sự cạnh tranh và họ dùng sáng tạo, qua tâm lý, để đưa ra những chương trình điện phục vụ cho người dân nghe vẻ như giúp người dân mua giá điện rẻ nhất với chương trình như điện sử dụng cuối tuần không phải trả, điện sử dụng từ sau 8 giờ tối đến 6 giờ sáng không phải trả, giá mỗi tháng giống nhau, hoặc khách hàng sẽ trả giá chẳng (wholesale price). Phải chăng đây là sự lựa chọn hay là tạo điều kiện để các công ty móc tiền túi người dân mà được luật pháp bảo vệ qua cái gọi là “quyền lựa chọn của người sử dụng”?

 

Giá chẳng (wholesale prices)

 

Công ty bán giá chẳng cho người sử dụng duy nhất có ở TX đó là công ty Griddy. Chủ trương của công ty Griddy là tại sao người sử dụng điện phải trả giá lẻ mà không được trả giá chẳng? Chính vì thế mà công ty này ra đời, cung cấp điện cho người dùng với giá chẳng theo giá wholesales của thị trường. Điều kiện là người sử dụng phải trả cho công ty Griddy 10 đồng một tháng gọi là tiền phục vụ (fee) và tiền điện thì công ty Griddy sẽ tính theo giá của thị trường wholesales price. Mà thị trường giá wholesales bị ảnh hưởng của luật cung-cầu. Tức là lúc thời tiết bình thường thì giá rất rẻ nhưng thời tiết bất thường như quá nóng, quá lạnh hoặc nhà sản xuất điện vì phải đóng cửa để thực hiện sửa chửa thì giá điện sẽ gia tăng. Điều này giải thích tại sao công ty này thông báo với khách hàng là hãy tìm cách đổi công ty điện bởi họ biết giá sẽ lên. Mà đổi công ty điện đâu phải là chuyện dễ qua một cú điện thoại hoặc vào mạng để ghi danh với một công ty khác. Phải mất vài ngày. Chưa kể khi mà hoàn bộ hệ thống điện bị mất, cúp điện, cúp nước thì các công ty tại TX cũng bị tê liệt thành ra đổi công ty điện vào cơn lạnh trong tháng 2 là chuyện không khả thi. Cuối cùng những khách hàng của công ty griddy phải trả giá tháng 2 năm ngoái là 200 đô thì trong vòng mấy ngày đông lạnh phải trả 6 ngàn đô bởi giá chẳng gia tăng theo luật cung-cầu (đúng ra là luật cho phép giá điện tăng ở giá khủng, 18 ngàn phần trăm, mà không vi phạm luật price gouging). Vấn đề đặt ra là người sử dụng điện, làm sao bạn biết bạn trả giá wholesales theo đúng giá wholesales của thị trường? Mặc dù công ty Griddy cho bạn phần mềm để theo dõi giá wholesales nhưng bạn có biết chắc là công ty này không chơi mà ma giáo là thay đổi giá wholesales lên vài cents thì họ sẽ làm giàu trên số nhiều? Và nếu bạn có chứng cớ là họ manipulate thì bạn có đủ tiền để mướn luật sư? Phần trăm là người dân thua chắc chắn bởi công ty nắm đằng cán.

 

Giá giống nhau mỗi tháng

 

Một số công ty chiêu dụ khách hàng về chuyện tiền điện mỗi tháng giống nhau. Thực tế là như thế nào?

 

Công ty 4change Energy cho người sử dụng điện chọn giá giống nhau mỗi tháng. Nếu bạn xài điện mỗi tháng là dưới 1000 kWh thì bạn chỉ trả 83 đô. Tức là 1 kWh là 8.3 cents trong khi đó các công ty khác sẽ tính tiền bạn từ 10 đến 15 cents cho 1 kWh tùy theo số điện bạn xài mỗi tháng 500, 1000, 2000 kWh để họ áp dụng giá vào những con số đó. Nếu bạn sử dụng điện trên 1000 kWh thì bạn phải trả thêm 83 đô nữa cho điện từ 1000 đến 2000 kWh. Tức là tổng cộng bạn phải trả cho tháng đó là 166 đô.

 

Chẳng may trong tháng, bạn sử dụng dưới 500 hoặc tới 1001 kWh thì số tiền mỗi kWh tính ra mắc hơn giá bình thường nhiều lắm. Đây là lợi nhuận mà công ty điện sẽ móc túi từ tiền của bạn bởi họ biết số điện bạn sử dụng sẽ không bao giờ giống nhau mỗi tháng.

 

Không tính tiền điện sau 8 giờ tối

 

Một sáng tạo khác là các công ty quảng cáo là điện sau 8 giờ tối đến 6 giờ sáng sẽ không tính tiền. Thực tế thì họ đã tính giá cao hơn giá bình thường của điện nếu bạn chọn không tính tiền sau 8 giờ tối. Thí dụ hãng TXU giá bình thường là 14.6 cent (cho 1 kWh) cho điện sử dụng dưới 500 kWh, 13.3 cents cho 1000 kWh trở lên và 9.5 cents cho trên 2000 kWh. Nhưng nếu chọn loại sau 8 giờ tối không trả tiền thì giá điện 15.8 cents (cho 1 kWh) cho điện sử dụng dưới 500 kWh, 14.5 cents cho 1000 kWh, và 13.8 cents cho trên 2000 kWh.

 

Là người tiêu thụ làm sao bạn biết số điện ban đêm sử dụng là bao nhiêu ngoài trừ trường hợp mỗi đêm bạn ra xem đồng hồ điện, ghi xuống và sáng hôm sau xem đồng hồ điện chạy bao nhiêu. Và cho dù bạn có làm điều đó nếu hãng điện không có cùng con số với bạn, bạn nghĩ là sẽ thưa họ ra tòa và tốn tiền luật sư, mắc hơn số tiền mà bạn muốn lấy lại từ hãng điện. Họ là công ty có luật sư và nắm đằng cán mà người tiêu thụ luôn luôn là con mồi ngon cho các công ty.

 

Giá theo thị trường

 

Có những người chọn trả tiền theo giá thị trường mà không ký hợp đồng 1 năm hoặc hơn cho giá điện không thay đổi trong suốt khoảng thời gian đó. Giá theo thị trường thì nếu số điện sản xuất quá nhiều thì giá sẽ thấp. Ngược lại nhu cầu điện cao mà sản xuất ít thì giá sẽ gia tăng. Ở trường hợp này thì giá tiền điện cũng lên cao như giá chẳng (wholesale) mà đã nói bên trên.

 

Kết luận

 

Điện, nước và hơi đốt là nhu cầu của đời sống con người ở thế kỷ 21 này. Một hệ thống mở không kiểm soát các công ty thì sẽ tạo ra cơ hội các công ty tìm đủ mọi cách để móc túi, bóc lột người dân thấp cổ bé miệng.

 

Lý thuyết người dân có sự lựa chọn nhưng thực tế người dân hoàn toàn không có sự lựa chọn bởi tất cả những công ty tham gia vào thị trường mở đều mang mục đích lợi nhuận và họ mua điện từ các nhà sản xuất điện cùng giá hoặc theo giá thương thuyết với công ty sản xuất điện. Nhìn tất cả các công ty ở Texas, họ đều tính giá rất cao cho những ai sử dụng điện dưới 500 hoặc 1000 kWh cho mỗi tháng. Giá trên 2000 kWh mỗi tháng thì lúc đó tính giá thành của mỗi kWh mới rẻ còn không thì người tiêu thụ trả giá mắc hơn 30% nếu sử dụng điện dưới 2000 kWh.

 

Chưa kể người dân, đa số đâu phải là những người biết tính toán, để xem cái nào hại cho mình ít nhất bởi tất cả công ty bán điện nhảy vào thị trường mở (open market) bởi lợi nhuận quá dễ dàng trong việc bóc lột người dân. Còn chính quyền cho rằng thị trường mở thì có lợi cho người dân. Với sự cho phép của chính quyền, công ty điện được quyền tăng giá từ 50 đô la lên đến 9 ngàn đô la cho 1000 kWh thì sự bóc lột được luật bảo chứng.

 

Dĩ nhiên sẽ có kỹ sư người Việt làm cho hãng điện cho rằng bài viết này tầm bậy. Điều này cũng giống như ai đó nói về giá khủng của điện vào tháng 2 năm 2021, chứng minh giá điện tăng trên 17,900% mà không bị vi phạm luật price gouging bởi luật pháp cho phép — thì bị người kỹ sư điện đó ở Houston cho rằng tầm bậy. Sự thật vẫn là sự thật. Có chấp nhận sự thật hay không thì sự thật vẫn hiện hữu dù ai đó đưa ra bất cứ lý do nào để đả phá sự thật thì cuối cùng sự thật vẫn thắng tất cả.

 

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 3 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats