Thursday, 16 July 2020

VIỆT NAM PHẢN HỒI TUYÊN BỐ CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN CỦA MỸ VỀ BIỂN ĐÔNG (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
16/07/2020

Liên quan đến tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bày tỏ lập trường của nước này về Biển Đông và các yêu sách của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản hồi trong thông cáo báo chí phát đi chiều 15/7.

Theo đó, Việt Nam "hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế," người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay trong thông cáo.

Việt Nam cũng "chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương."

"Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó."

Việt Nam cũng khẳng định hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam kêu gọi các nước "nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế." Đồng thời nhấn mạnh rằng bản thân Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

Quan điểm của Mỹ

Hôm 14/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức lên tiếng bày tỏ lập trường của Mỹ về các vấn đề trên Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc.

Trong tuyên bố này, Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp"

Mỹ nêu rõ rằng "chiến dịch bắt nạt để kiểm soát" vùng biển tranh chấp của Bắc Kinh là sai trái.

Thông cáo của Hoa Kỳ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là "phán quyết cuối cùng" và "mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên".

Theo đó, Hoa Kỳ nêu rõ lập trường của mình về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông với phán quyết của Tòa Trọng tài trong ba điểm sau:

• Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải - bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.

• Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Bao gồm: vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này - hay đơn phương thực hiện các hành động đó - đều là bất hợp pháp.

•Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của CHND Trung Hoa là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc". Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20 mét) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.

------------------------------------

Tin liên quan
.
Tiến sĩ Ketian Vivian Zhang phân tích chính phủ Mỹ hiện nay phát biểu mạnh mẽ chưa từng có về Biển Đông nhưng vẫn mơ hồ về hành động cụ thể.
14 tháng 7 năm 2020

.
Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền với các tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông "hoàn toàn bất hợp pháp", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
14 tháng 7 năm 2020






No comments:

Post a Comment

View My Stats