Thursday, 16 July 2020

HIỂU RA SAO CHUYỆN MỸ HẾT TRUNG LẬP VỀ BIỂN ĐÔNG? (Tuổi Trẻ Online)




Tuổi Trẻ Online
16/07/2020 08:19 GMT+7

TTO - Washington cho biết sẽ không tiếp tục tự nhận trung lập trong các vấn đề Biển Đông, đồng thời không loại trừ khả năng trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan tới "điểm nóng" này.


Không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chính thức về lập trường của Washington đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông ngày 14-7 (giờ Việt Nam), trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á David R. Stilwell đã tiếp nối bằng những tuyên bố đáng chú ý.

Những điểm mới

Tại một hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức ngày 14-7, ông Stilwell thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc về việc yêu sách, bắt nạt và kiểm soát trên biển. Mô tả cách hành xử của Trung Quốc thời gian qua, ông Stilwell khẳng định "chúng tôi sẽ không còn cho rằng mình trung lập nữa" và không loại trừ khả năng trừng phạt những quan chức Trung Quốc tham gia các hoạt động mà Mỹ cho là phi pháp ở Biển Đông.

Trên thực tế, qua động thái gần đây, các chuyên gia cho rằng đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ ở Biển Đông. Nhưng để nói về sự "không trung lập" của Mỹ, sẽ còn vài vấn đề cần làm rõ.

Từ lâu nay Mỹ đã không công nhận yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc và đây là lập trường không thay đổi của Washington. Nhưng thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14-7 là lần đầu tiên Washington khẳng định rõ rằng Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo.

Phân tích về điểm "mới" trong tuyên bố của Mỹ, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Greg Poling lưu ý rằng cái Mỹ đang phản đối là quyền hàng hải, quyền khai thác trên biển mà Trung Quốc đang đòi hỏi từ các thực thể mình đang chiếm đóng, tôn tạo.

Chính vì vậy, khi căn cứ vào phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines năm 2016, Mỹ khẳng định Trung Quốc không thể tuyên bố EEZ hay thềm lục địa bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo. Từ đó, Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở những vị trí nằm xa bờ biển Trung Quốc và dĩ nhiên khi đó Trung Quốc không thể đòi quyền EEZ hay thềm lục địa ở những khu vực như bãi Tư Chính của Việt Nam, vì bãi Tư Chính rõ ràng nằm trong EEZ của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Điểm "mới" thứ hai cho thấy sự "không trung lập" của Mỹ là khái niệm "phi pháp". Lâu nay Mỹ đã phản đối yêu sách hàng hải của Trung Quốc thông qua các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOPs), tức nhắm vào các vấn đề như tự do đi lại. Đối với vấn đề về biển như việc Trung Quốc tiến hành đánh cá, thăm dò dầu khí và quấy rối EEZ của các nước láng giềng, Mỹ thường chọn chỉ trích bằng những từ ngữ như "gây bất ổn" hoặc "hung hăng" chứ không dùng từ "phi pháp".

Theo ông Poling, lâu nay Mỹ có nghĩ rằng các hành động của Trung Quốc trong việc quấy rối EEZ và thềm lục địa các nước láng giềng là "phi pháp", nhưng đến nay mới công khai sử dụng từ này.

Cú hích lớn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia, học giả Mỹ cho rằng tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ chưa hẳn mang tới thay đổi trực tiếp nào. Nhưng xét về vấn đề ngoại giao, đây là cú hích lớn cho một sự thay đổi và cam kết lâu dài.

Ông Poling lấy ví dụ, sẽ dễ dàng hơn nhiều khi Mỹ muốn tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nếu chống lại một hành động "phi pháp" của Trung Quốc, thay vì chỉ chống lại thái độ hung hăng hay hành động gây bất ổn. "Các quan chức Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm cách ra thông điệp với ngôn từ mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn quốc tế và đặt áp lực lên các đồng minh và đối tác của mình để làm điều tương tự" - ông Poling nói.

Theo giám đốc AMTI, việc tố cáo Trung Quốc "phi pháp" cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải lo lắng về uy tín của mình, trong bối cảnh nước này muốn ngồi ở vị trí lãnh đạo toàn cầu. Ngược lại, khi đã chính thức chọn lập trường hiện nay, kể cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không tái đắc cử, chính quyền sau của Mỹ cũng khó rút lại lập trường cứng rắn này. Các nước Đông Nam Á trong khi đó cũng sẽ có thời cơ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong trường hợp bị tàu thăm dò, khảo sát hay tàu cá Trung Quốc quấy nhiễu.

"Mỹ sau cùng đang nhận ra những tuyên bố phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những thành tố của một chiến dịch rộng lớn hơn trong việc theo đuổi sự thống trị trong khu vực và có lẽ trên toàn cầu. Do đó, Trung Quốc phải được đề cập một cách toàn diện, bao gồm sự đe dọa và cưỡng ép của Bắc Kinh ở Biển Đông" - TS James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ), nói với Tuổi Trẻ.

Theo nhận định của ông Poling, cách tiếp cận mới của Mỹ, bao gồm những gì ông Stilwell nói, có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài áp lực rộng lớn hơn, có sự tham gia của cộng đồng quốc tế và Đông Nam Á nói riêng, sẽ có thể thuyết phục Trung Quốc tiến tới một thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận. "Và điều này sau cùng sẽ là cơ hội tốt nhất để xử lý các tranh chấp ở Biển Đông" - ông nói.

Việt Nam lên tiếng

Về tuyên bố Biển Đông của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 15-7 nêu rõ Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

"Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này" - bà Hằng khẳng định.

                                                        ***
Ông Pompeo: Mỹ ủng hộ các nước bị Trung Quốc vi phạm chủ quyền

Trong thông điệp đáng chú ý tối 15-7 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington sẽ ủng hộ các quốc gia cho rằng "Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông".

Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, ông Pompeo nhấn mạnh sẽ đưa ra sự ủng hộ như trên ở các diễn đàn đa phương và diễn đàn pháp lý.

"Chúng tôi sẽ sử dụng những công cụ sẵn có và chúng tôi sẽ ủng hộ các quốc gia trên khắp thế giới cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của họ" - Ngoại trưởng Mỹ nói với báo giới.

"Chúng tôi sẽ cung cấp cho những quốc gia này sự hỗ trợ mà nước Mỹ có thể làm, dù đó là ở các tổ chức đa phương, ở ASEAN, hay thông qua các phản ứng pháp lý. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ mà chúng tôi có thể có" - ông Pompeo nhấn mạnh.

Trước đó, trong tuyên bố rạng sáng 14-7 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Pompeo cho rằng các yêu sách quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp" và "chiến dịch bắt nạt" để kiểm soát các tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết khu vực Biển Đông là phi pháp.

Tuyên bố lập trường mới về Biển Đông của Washington được giới quan sát cho là đã bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc và mang đến một cục diện có lợi cho các quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

DIỆU AN

------------------------------

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 15-7 tuyên bố Bắc Kinh sẽ không sợ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ vì vấn đề Biển Đông, và kêu gọi Washington "đừng tiếp tục đi sai đường".

NHẬT ĐĂNG






No comments:

Post a Comment

View My Stats