Bùi
Thư
BBC News Tiếng Việt
21 tháng 7 2020
Khi các vụ mua bán dâm bị phát hiện ở Việt Nam, người
phụ nữ, tức bên bán, thường bị nêu tên và trở thành mục tiêu cho công chúng dè
bỉu, trong khi danh tính người mua hầu như không được biết tới.
Vụ mua bán dâm 30.000 đôla
vừa bị triệt phá tại TP HCM một lần nữa làm dấy lên tranh luận xung quanh chủ đề
được gọi là nhạy cảm này ở Việt Nam.
Sau khi công an thông tin
vụ việc, hai đối tượng được đề cập nhiều nhiều nhất là người tổ chức, môi giới
mua bán dâm và người bán dâm. Một trong những bức ảnh do công an công bố cho thấy
hình ảnh một cán bộ công an đang lấy lời khai một phụ nữ ngay trong phòng khách
sạn. Dù trong cảnh chụp này, người phụ nữ quay lưng về phía ống kính, nhưng
hình ảnh phát tán vẫn tạo ra những lời đàm tiếu nhằm vào các phụ nữ bán dâm.
Các thông tin nhận diện
như "hoa hậu bán dâm", "người mẫu bán dâm"… được đề cập rộng
rãi trên báo chí. Thậm chí có không ít tờ báo, dù không nêu rõ tên, còn cung cấp
những thông tin nhận diện cụ thể hơn, ví dụ cô hoa hậu ấy đến từ đâu, nổi tiếng
thế nào.
Đây chỉ là một trong vô số
lần tên tuổi, danh dự hoặc các thông tin nhận diện về người phụ nữ, tức bên bán
dâm, được công bố hoặc bằng cách nào đó được phát tán sau khi công an phá án
mua bán dâm. Và cũng như mọi khi, tên tuổi hoặc các thông tin nhận diện bên mua
luôn được giấu kín.
'Người bán dâm
cũng có gia đình'
Vì sao không công bố danh
tính, hình ảnh của người mua dâm mà chỉ công bố danh tính, hình ảnh của người
bán dâm? Thực ra, vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm trước chứ không phải đến
nay mới được quan tâm.
Trên thực tế, theo bộ luật
Hình sự hiện hành, hành vi mua và bán dâm đều không phải là hành vi tội phạm,
chỉ có hành vi tổ chức, môi giới mại dâm mới là tội phạm. Các hành vi mua và
bán dâm được xem là các vi phạm hành chính theo quy định luật pháp hiện nay.
Trong một giải thích trên
báo Thanh
Niên trước đây, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn
xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói: "Việc công bố danh tính
người mua dâm có thể ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình.
Cách đây mấy năm, một tỉnh phía nam đã xử lý kỷ luật và công bố danh tính một số
cán bộ mua dâm. Mục đích của việc công bố mang tính răn đe, lên án hành vi vi
phạm đạo đức. Tuy nhiên, hậu quả sau đó để lại là gia đình tan nát, con cái xấu
hổ bỏ bê học hành, thậm chí có người còn tự tử…".
Các chuyên gia luật độc lập
và các nhà vận động bình đẳng giới cho rằng điều này có nhiều điểm chưa hợp lý.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công
ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói:
"Theo lý giải của giới chức Việt Nam thì không
công bố danh tính người mua dâm có hai lý do: (i) Hành vi mua dâm không phải
hành vi tội phạm theo quy định pháp luật nên công bố danh tính là vi hiến. Hành
vi mua dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính; (ii) Việc công bố danh tính người
mua dâm có thể ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình. Hậu quả
có thể dẫn đến là gia đình tan nát, con cái xấu hổ bỏ bê học hành, thậm chí có
người còn tự tử..."
"Với lý giải này, suy ngược lại, chúng ta có thể
hiểu lý do mà giới chức cho công bố danh tính, hình ảnh người bán dâm là vì:
(i) hành vi bán dâm là hành vi tội phạm nên việc công bố danh tính, hình ảnh
không ảnh hưởng đến bí mật đời tư; (ii) không gây hậu quả gia đình tan
nát,..."
Từ đó, luật sư Phùng
Thanh Sơn cho rằng cách lý giải như trên là là không thỏa đáng. Bởi lẽ
"hành vi bán dâm cũng không bị xem là hành vi tội phạm theo quy định của Bộ
luật hình sự hiện hành. Hành vi này chỉ bị xử lý hành chính. Hiện tại chỉ có
hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm mới bị xem là tội phạm; (ii) Người bán
dâm cũng có gia đình, cũng có cha mẹ, anh chị em, thậm chí là có con cái",
ông lập luận.
Luật sư Sơn nói rằng địa
vị, uy tín của mỗi người là khác nhau nhưng nhân phẩm của mọi người là như
nhau. Ai cũng có quyền được coi trọng, tôn trọng và được đối xử có đạo đức.
"Theo tôi, luật pháp nên quy định rõ là nghiêm
cấm cơ quan chức năng liên quan tiết lộ danh tính, hình ảnh của người bán dâm
cho bên thứ ba, kể cả báo chí, ngay cả khi báo chí có viết tắt tên, làm mờ hình
ảnh", ông đề xuất.
'Chế tài người mua
dâm'
Từ quy định của luật pháp
và cách làm đã trở nên phổ biến của công an cũng như cách đưa tin trên báo chí,
dường như công chúng Việt Nam đã hình thành thói quen tập trung sự chú ý vào
người bán dâm.
Sau mỗi vụ "bán dâm
nghìn đô" được công bố, trên mạng thường xuất hiện nhiều lời bàn tán về
"các người đẹp". Người ta còn vẽ tranh châm biếm, viết các mẩu truyện
cười nhắm vào đối tượng này. Trong khi đó, hầu như không có thông tin nào dẫn tới
sự nhận diện bên mua.
Chia sẻ với BBC News Tiếng
Việt, một nhà báo tự do từng nhiều năm viết mảng nội chính cho các báo chính thống
tại TP HCM đưa ra lý giải: "Về quy định luật pháp, cả bên mua và bên
bán đều có hành vi vi phạm hành chính như nhau, nhưng người ta thường tập trung
sự chú ý vào bên mua hơn. Theo tôi, có lẽ về mặt báo chí, các từ khóa như 'hoa
hậu bán dâm', 'người mẫu bán dâm' thu hút người đọc nhiều hơn. Thêm vào đó, người
mua dâm trong các vụ này thường là người nhiều tiền, nghĩa là người có thế lực.
Đụng tới những người có thế lực luôn khó hơn đụng những người ít có khả năng
kháng cự, tức các cô gái bán dâm".
Ông còn lưu ý thêm rằng
có một vài lần hiếm hoi tên tuổi người mua dâm được đề cập tới, đó là lúc có sự
đấu đá liên quan đến sắp xếp nhân sự trước các kỳ đại hội, bầu bán.
Luật sư Phùng Thanh Sơn
cho rằng, nếu giới chức Việt Nam thực sự muốn phòng chống mại dâm một cách hiệu
quả thì hãy tập trung vào chế tài đối với người mua dâm.
"Có người mua dâm thì mới có người bán dâm. Mại
dâm cũng không nằm ngoài quy luật cung - cầu. Nghĩa là cầu quyết định cung chứ
không phải cung quyết định cầu. Những quy định pháp luật hiện nay chỉ tập trung
xử lý phần ngọn (người bán dâm) chứ không tập trung xử lý phần gốc (người mua
dâm)", ông nói.
Ý kiến của luật sư Phùng
Thanh Sơn khá gần gũi với điều đã được áp dụng tại Thụy Điển từ năm 1999 và sau
đó là một số nước khác. Theo "mô hình Bắc
Âu", việc giải quyết vấn đề mại dâm dựa trên bốn trụ cột: hình sự hóa
hành vi mua dâm; phi hình sự hóa hành vi bán dâm; hỗ trợ người bán dâm bỏ nghề;
giáo dục và tăng cường nhận thức của công chúng về mua bán dâm. Mô hình này,
trước hết, được cho là nhằm tác động vào cầu, khiến cầu giảm, từ đó dẫn tới giảm
hoạt động mua bán dâm nói chung.
Sự tiên phong của Thụy Điển
trong việc áp dụng "mô hình Bắc Âu" đã tạo ra nhiều thay đổi, ít nhất
là trong nhận thức của công chúng. Theo điều tra xã hội, vào năm 1996, có 45%
phụ nữ và 20% đàn ông ủng hộ việc đưa điều khoản cấm hành vi mua dâm vào luật.
Tới năm 2008, tỉ lệ này lần lượt là 79% và 60%. Một
nghiên cứu khác cũng cho biết vào năm 1999, có 12,5% đàn ông mua dâm;
tới năm 2014, con số này là 7,7%.
Phố Đèn Đỏ nổi tiếng
ở Amsterdam - một biểu tượng văn hóa của thành phố và là biểu tượng tự do tình
dục. GETTY IMAGES
Bên cạnh các tranh cãi về
việc có nên công bố nhân thân người mua dâm, bán dâm hay không, một trong những
tranh luận thường gặp sau khi các vụ mua bán dâm "nghìn đô" được công
bố đó là "có nên hợp
pháp hóa mại dâm". Đây là chủ đề đã được bàn thảo, tranh luận công
khai, và có khi được nêu ra trên các diễn đàn chính thức của nhà nước, nhưng đến
nay quan điểm cấm mua bán dâm vẫn đang thắng thế, với những quy định trong pháp
luật hình sự và dân sự.
Mới đây, trong khuôn khổ
tọa đàm Kích cầu du lịch Đà Nẵng- vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí về đêm
được tổ chức tại Đà Nẵng, ý
tưởng mở "phố đèn đỏ" lại được đề xuất. Ý tưởng này không mới,
hồi năm 2013, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó là Nguyễn Xuân Anh cũng từng đưa
ra gợi ý tương tự.
Về vấn đề này, luật sư
Phùng Thanh Sơn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: "Về quan điểm cá
nhân, tôi ủng hộ hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Bởi giải tỏa sinh lý là một
nhu cầu tự nhiên và không thể ngăn cấm được. Do đó, hoạt động mại dâm là một hoạt
động tất yếu, không thể xóa bỏ được. Một khi hợp pháp hóa hoạt động mại dâm thì
chúng ta mới có được hành lang pháp lý hữu hiệu bảo vệ quyền lợi chính đáng và
căn bản của người bán dâm, giảm thiểu tình trạng bóc lột tình dục hiện
nay".
----------------------
Tin liên quan
·
Phố đèn đỏ ở Hà Lan đang
nảy ra tranh luận liệu có nên tiếp tục hợp pháp hóa nghề mại dâm hay nên phạt
tiền khách làng chơi.
26 tháng 4 năm 2019
·
Vụ tự sát của một phụ nữ
Trung Quốc trẻ từng làm nghề mại dâm ở London là nguồn cảm hứng cho bộ phim mới
về những mảng đời ngầm.
27 tháng 6 năm 2017
·
Không ít phụ nữ mại dâm
chấp nhận bị khách hàng đối xử tàn tệ, bị lạm dụng hay quịt tiền, vì họ cần tiền
và trên hết, họ lo sợ bị cảnh sát bắt.
24 tháng 6 năm 2020
·
Đa số phụ nữ Việt sang
Singapore làm nghề mại dâm xuất thân từ đồng bằng sông Cửu Long, một nhà
nghiên cứu tại Singapore cho biết.
20 tháng 6 năm 2020
·
Ý kiến nói việc lập khu
đèn đỏ ở Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc 'rất táo bạo, nhưng khó khả thi'.
13 tháng 9 năm 2017
·
Ý kiến nói hợp pháp hóa mại
dâm ở Việt Nam chính là việc giúp bảo vệ các phụ nữ hành nghề này tránh ngược
đãi, bạo hành và tội phạm.
4 tháng 4 năm 2018
No comments:
Post a Comment