Friday, 10 July 2020

TỐI CAO PHÁP VIỆN HOA KỲ CHO PHÉP NEW YORK ĐÒI DONALD TRUMP NỘP BẢN KHAI THUẾ (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 10/07/2020 - 12:12

Một thất bại đối với tổng thống Donald Trump : Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 09/07/2020 quyết định rằng công tố viên New York có quyền đòi hỏi bản khai thuế của ông Trump.

Trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ tại Washington ngày 03/05/2020. REUTERS - Will Dunham

Tuy nhiên cơ quan tư pháp cao nhất nước Mỹ vẫn tạm thời ngăn không cho Hạ Viện tiếp cận các tài liệu về tài chính của ông chủ Nhà Trắng.

Yêu cầu của công tố viên Cyrus Vance được đưa ra trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ một nữ diễn viên phim khiêu dâm nhận tiền để giữ im lặng về quan hệ với ông Trump trước đó.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :

 « Không có một công dân nào và ngay cả tổng thống có thể tránh né việc cung cấp các tài liệu trong trường hợp bị điều tra hình sự » - Tòa án Tối cao quyết định như trên. Nhưng cơ quan tư pháp tối cao của nước Mỹ vẫn cho phép ông Donald Trump phản biện trước tòa, việc này có thể kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên tổng thống vẫn đòi hỏi phải được quyền miễn trừ toàn bộ. Ông tức giận, tố cáo một quyết định mang ý đồ chính trị.
Ông Donald Trump tuyên bố : « Đó là một cuộc săn đuổi phù thủy mang tính chính trị, chưa từng thấy bao giờ. Một cuộc săn phù thủy đơn thuần, một trò dàn dựng hoàn toàn chính trị. Trò săn phù thủy này vẫn tiếp tục, và nó đã bắt đầu từ trước khi tôi đặt chân vào đây, khi Obama, Biden và những người khác dọ thám chiến dịch tranh cử của tôi một cách bất hợp pháp. »

Trong phán quyết thứ nhì, tòa tối cao không chấp nhận đòi hỏi của Hạ Viện do phe Dân Chủ chiếm đa số - yêu cầu tổng thống Donald Trump phải cung cấp các bản khai thuế - mà chuyển xuống các tòa án cấp thấp hơn. Như vậy các bí mật về tài chính của ông Donald Trump chắc chắn sẽ không bị tiết lộ trước kỳ bầu cử tổng thống.

Joe Biden hứa bơm 700 tỉ đô la vào nền kinh tế nếu đắc cử

Trong khi đó đối thủ của ông Trump hôm qua trình bày một kế hoạch tái thúc đẩy đầy tham vọng với 700 tỉ đô la. Cựu phó tổng thống Joe Biden, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, muốn tung cú đòn lớn sau ba tháng chật vật với chiến dịch tranh cử trong đại dịch.

Kế hoạch « Build Back Better » (Tái thiết tốt hơn) của Biden dành 400 tỉ đô la để mua sản phẩm và thiết bị nhằm hiện đại hóa hạ tầng, tái lập kho dự trữ để bảo đảm an toàn ; và 300 tỉ đô la cho nghiên cứu phát triển, sáng tạo công nghệ. Chương trình này hy vọng giúp 18 triệu người thất nghiệp vì dịch virus corona tìm được chỗ làm, đồng thời tạo thêm 5 triệu việc làm mới nhờ đầu tư công ồ ạt trong 4 năm.

Ông bảo đảm tiền từ ngân sách Nhà nước sẽ được dùng để mua hàng Mỹ và hỗ trợ công ăn việc làm của người Mỹ. Để tài trợ cho kế hoạch và giữ chân sản xuất tại Mỹ, Joe Biden dự kiến tăng gấp đôi thuế lợi tức với các công ty đặt ở nước ngoài. Đưa sản xuất trở về nước, chống lại thương mại bất công với Mỹ : Joe Biden sử dụng cùng một lý lẽ đã giúp Donald Trump chiến thắng năm 2016, nhưng theo Biden thì ông Trump « là một người tệ hại để lãnh đạo đất nước ».

-------------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.

-----------------------------------------------

Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 03/07/2020 - 14:20

Quan hệ Mỹ - Trung vẫn luôn thu hút sự quan tâm của báo Pháp. Đáng chú ý là bài viết của cây bút thời luận nổi tiếng Alain Frachon trên Le Monde : « Tập Cận Bình bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump ». Ủng hộ phe Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã trở thành truyền thống của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc, ngày 09/11/2017. AP - Andrew Harnik

Theo cây bút thời luận Alain Frachon, đó không chỉ là nhằm tôn vinh việc tổng thống Richard Nixon (1913-1994) bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung với Mao Trạch Đông, không chỉ là vì đảng Cộng Hòa thường ít « lên lớp » Trung Quốc về nhân quyền hơn so với phe Dân Chủ Mỹ, mà chủ yếu vì đảng Cộng Hòa nói chung thực tế hơn trong chính sách đối ngoại, nhất là về việc làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận.  

Đối với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 cũng vậy. Theo Alain Frachon, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ « giơ cả hai tay » ủng hộ Donald Trump. Mặc dù ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc … nhưng điều đáng nói là cách hành động của Trump không mang lại gì đáng kể cho Mỹ. Bắc Kinh vẫn có thể « ăn miếng trả miếng ». Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hồi tháng Giêng 2020, hai bên đã « tạm đình chiến ».

Mặc dù phe của tổng thống Trump sau đó lại tiến hành « chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc », coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh : thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, tổng thống Trump có hai « phẩm chất » quan trọng : không nhất quán và thiếu năng lực.

Biết đánh vào « cái tôi » rất lớn của nguyên thủ Mỹ, khi đón tiếp tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, chủ tịch Trung Quốc đã hết lời tâng bốc ông Trump và giành được sự biết ơn của tổng thống Mỹ. Donald Trump gọi Tập Cận Bình là « chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc » và « nể nang », không đả động đến hồ sơ nhân quyền.

Nhưng Trump còn mang lại một lợi thế khác cho Bắc Kinh : ông Trump một mình tiến hành chính sách chống Trung Quốc, đối xử trịch thượng, coi thường hoặc chê bai các đồng minh châu Âu và châu Á. Nếu Joe Biden làm tổng thống, ông ấy sẽ làm điều ngược lại. Khi xác định và áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân Chủ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ. Một cựu thành viên của phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc gần đây nói với Bloomberg là việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Donald Trump thì phá hủy các liên minh.  

Còn đối với công luận Trung Quốc, những phát biểu của ông Trump trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chiến lược hung hăng bài Trung Quốc càng cho thấy Bắc Kinh có lý khi nói là phương Tây thù hằn Trung Quốc. Trump còn phục vụ cho công tác tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc bằng cách làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Trong cuộc chiến của Trung Quốc nhằm hạ thấp nền dân chủ tự do và hợp pháp hóa chế độ chính trị chuyên chế, nước Mỹ dưới thời Donald Trump với hệ thống y tế suy yếu, xã hội tổn thương do phân biệt chủng tộc … như vậy đã mang lại một lợi thế lớn cho Bắc Kinh.


----------------------------------
.
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 29/06/2020 - 18:08

Les Echos hôm nay 29/06/2020 có bài viết lý giải « Vì sao Bắc Kinh bầu cho ông Trump ». Theo thông tín viên của tờ báo, nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, Trung Quốc không mấy buồn lòng vì sẽ lợi dụng được việc Mỹ co cụm để dấn tới trên trường quốc tế, trong khi Joe Biden có thể liên kết được các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ.


TT. Donald Trump bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản ngày 28-29/06/2019. AFP/Brendan Smialowski


Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ đều muốn đối đầu với Trung Quốc

Ông Trump trong bốn năm qua đã liên tục đối địch với Trung Quốc, tố cáo thâm hụt thương mại lớn lao, chỉ trích việc xử lý đại dịch « virus Trung Quốc », cáo buộc Hoa Vi (Huawei) đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều lần Donald Trump tuyên bố « Không ai cứng rắn với Trung Quốc như tôi », nói rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách khiến ông thất cử và mô tả đối thủ Joe Biden là một người nhu nhược trước Bắc Kinh. Tuy nhiên cuốn sách gây bão của cựu cố vấn an ninh John Bolton vẽ lên một chân dung ngược lại : một ông Trump muốn Trung Quốc mua nông sản Mỹ để ông có thể tái đắc cử, và làm ngơ trước các trại cải tạo Tân Cương.

Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), viện trưởng Viện quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân Trung Quốc, cũng cho rằng « đó là ứng cử viên đỡ tệ hại nhất cho Trung Quốc ». Đối với các chuyên gia, rõ ràng là quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xuống cấp, cho dù ông chủ sắp tới của Nhà Trắng là ai đi nữa. Tín Cường (Xin Qiang), phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, giải thích : « Có một sự đồng thuận chiến lược giữa Cộng Hòa và Dân Chủ về việc Trung Quốc là một địch thủ cần phải kìm hãm lại ».

Trong những tháng gần đây, Quốc Hội Mỹ đã vượt qua những bất đồng nội bộ để gần như là đồng thuận trong việc tố cáo việc Bắc Kinh siết lại tự do của Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Đại dịch do virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra chỉ làm cho quan điểm của phía Mỹ thêm cứng rắn.


Trump tái đắc cử : Đồng minh chia rẽ, Bắc Kinh thủ lợi

Với một Donald Trump bất định, đành rằng chế độ Bắc Kinh phải tiếp tục chịu áp lực về thương mại và những tuyên bố bốc đồng, nhưng có thể lợi dụng chủ trương cô lập của Mỹ để gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế và các định chế đa quốc gia. Coi đây là « cơ hội cho Trung Quốc », ông Tín Cường cũng cho rằng « một doanh nhân thực dụng như ông Trump không thực sự có quan điểm về ý thức hệ, và không quan tâm lắm đến nhân quyền ».

Ngược lại, phe Dân Chủ được cho là thiên về bảo vệ các giá trị dân chủ. Tuy Joe Biden có thể cố gắng nối lại đối thoại với Trung Quốc về khí hậu, khủng bố hay nguyên tử Iran, Bắc Kinh lo rằng ông Biden tìm cách liên kết các quốc gia, đặc biệt là châu Á và châu Âu, vốn đang quan ngại trước sự hung hăng của Trung Quốc.

Les Echos kết luận, vào lúc đại dịch corona làm tăng sự nghi ngại của phương Tây trước Bắc Kinh, một tổng thống Mỹ đoàn kết được nhiều nước trong một mặt trận chung là trở ngại cho Trung Quốc, còn việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ mở ra một đại lộ cho Bắc Kinh tung hoành.



.


No comments:

Post a Comment

View My Stats