DJP,
Sydney
19/07/2020
We had seen a series of cognitive revolutions in
the 20th century, but probably the discovery of living information was the
deepest one. That means we have to know better about the nature of information
if we want to know better about the nature of life!
Chúng ta đã thấy một loạt cuộc cách mạng về nhận thức
trong thế kỷ 20, nhưng có lẽ việc khám phá ra thông tin của sự sống là cuộc
cách mạng sâu sắc nhất! Có nghĩa là chúng ta phải hiểu rõ hơn về bản chất của
thông tin nếu chúng ta muốn hiểu rõ hơn về bản chất của sự sống!
Dưới con mắt của Darwin,
sự sống chỉ là một cỗ máy vật chất thuần túy, tế bào chỉ là một giọt nguyên
sinh chất đơn giản… Mặc dù thuyết tiến hóa ngày nay đã nhận vơ di truyền học
như một khám phá nằm trong truyền thống của mình, nhưng tư tưởng cốt lõi của học
thuyết này vẫn bám theo tư tưởng đã quá lỗi thời của Darwin, do đó vẫn cố gắng
quy giản mọi cơ chế của sự sống về những phản ứng hóa học thuần túy. Nhưng việc
khám phá ra thông tin sinh học đã là một cú choáng trời giáng đối với thuyết tiến
hóa, đẩy thuyết tiến hóa Darwin đến bế tắc, vì:
Thông tin không phải là vật chất – thông tin không
bao giờ nẩy sinh từ vật chất. Một khoa học thuần túy vật chất sẽ không bao giờ
giải thích được bản chất của sự sống!
Đó là quan điểm của Werner
Gitt trong cuốn “In the beginning was information” (Khởi đầu đã có
thông tin) do Master Books xuất bản lần thứ tư năm 2017.
Để thấy rõ sự bế tắc đó,
cần phải đào sâu tìm hiểu khái niệm thông tin. Càng hiểu rõ bản chất của thông
tin bao nhiêu sẽ càng hiểu rõ thông tin của sự sống bấy nhiêu, và do đó càng thấy
rõ bấy nhiêu sự bế tắc của khoa học vật chất thuần túy trong tham vọng giải
thích bản chất của sự sống!
Trong Chương 3,
“Information is a fundamental entity” (Thông tin là một thực thể cơ bản), Gitt
chỉ ra rằng thông tin là một khái niệm phức tạp đến nỗi không thể có một định
nghĩa duy nhất cho nó. Điều này rất phù hợp với Định lý Bất toàn của Gödel:
không có một sự mô tả nào là đầy đủ – nhiều mô tả khác nhau về cùng một đối tượng
sẽ bổ sung cho nhau để làm nên một bức tranh mô tả phong phú hơn, đầy đủ hơn về
đối tượng đó. Áp dụng vào khái niệm thông tin, có thể đưa ra nhiều định nghĩa
khác nhau về thông tin, tùy theo nhu cầu và mục đích thực tế.
Trong Chương 4, “The Five
Levels of the Information Concept” (Năm cấp độ của Khái niệm Thông tin), Gitt
tiếp tục trình bày khái niệm thông tin theo nhiều góc nhìn dưới nhiều cấp độ –
từ cấp độ thấp nhất là quan tâm đến thông tin theo khía cạnh số lượng thuần túy
đến cấp độ cao nhất là quan tâm đến mục đích của thông tin. Đây là bước chuẩn bị
rất quan trọng để hiểu thông tin của sự sống. Câu chuyện của Gitt trong chương
này bắt đầu từ “Phiến đá Rosetta”
Phiến đá Rosetta
Hình sau đây là một ảnh
chụp một phiến đá trên các lăng mộ của các pharaohs Ai Cập cổ đại.
Câu hỏi đặt ra là: Những
hình vẽ trên đó có ý nghĩa gì vậy? Đó chỉ là những hình vẽ trang trí thuần túy
hay một thông điệp gì đó? Để kiểm tra xem đó có phải là một thông tin mà các
pharaohs muốn gửi gắm tới hậu thế hay không, Gitt đề nghị tiến hành kiểm tra những
điều kiện (ĐK) sau đây:
ĐK1: Một số ký hiệu nhất
định đã được sử dụng để thiết lập nên một thông tin. ĐK này dường như được thỏa
mãn, vì từ hình trên có thể nhận ra một số hình được sử dụng lặp đi lặp lại như
một ký hiệu.
ĐK2: Các ký hiệu không được
kết nối theo chu kỳ điều hòa, tức là các hình vẽ không có mục đích trang trí
thuần túy. Dễ thấy ĐK này cũng được thỏa mãn.
ĐK3: Các ký hiệu được
trình bày theo một trật tự có thể nhận ra được, chẳng hạn theo hàng hay theo cột…
Dễ nhận thấy hình ảnh trên là những ký hiệu được trình bày theo hàng.
Cả 3 điều kiện đều được
thỏa mãn, Gitt kết luận hình ảnh trên ắt phải là một thông tin gì đó của các
pharaohs, và dãy ký hiệu trên ắt phải là một thứ ngôn ngữ nào đó mà người Ai Cập
cổ đại sử dụng để diễn đạt các thông điệp của họ.
Vâng, đó chính là một
ngôn ngữ viết của người Ai Cập cổ đại. Nếu đọc được, hiểu được thứ chữ viết ấy,
chúng ta sẽ biết người Ai Cập cổ đại nghĩ gì, nền văn minh của họ ra sao. Không
phải chúng ta, mà nhân loại từ 2000 năm trước đã muốn đọc và hiểu được thứ chữ
đó, nhưng không ai hiểu. Nói cách khác, trong một thời gian dài khoảng 2000
năm, kể từ khi người ta nhìn thấy những chữ viết đó đến trước khi hiểu được nó,
thứ ngôn ngữ cổ Ai Cập này bị coi như một “tử ngữ”!
Bí mật ấy chỉ được khám phá vào ngày 19 tháng 7 năm 1799, nhờ một phiến
đá đã đi vào lịch sử ngôn ngữ học với cái tên “Phiến đá Rosetta” (Rosetta
Stone).
Bài báo “1799 July 19
Rosetta Stone found”[1]
(Ngày 19/07/1799 tìm thấy phiến đá Rosetta) kể lại như sau:
Ngày 19/07/1799, trong
chiến dịch Ai Cập của Napoléon Bonaparte, một người lính Pháp phát hiện ra một
phiến đá ba-zan màu đen ở gần thị trấn Rosetta, khoảng 35 dặm về phía đông của
thành phố Alexandria, trong đó ghi chép một văn bản cổ xưa. Hòn đá có hình dạng
bất thường chứa những đoạn văn được viết bằng ba thứ chữ khác nhau: chữ Hy Lạp,
chữ tượng hình Ai Cập cổ đại và chữ Demotic của Ai Cập. Đoạn văn tiếng Hy Lạp cổ
đại trên Phiến đá Rosetta nói với các nhà khảo cổ rằng nó được khắc bởi các
linh mục tôn vinh nhà vua Ai Cập, Ptolemy V, vào thế kỷ thứ hai trước C.N. Đáng
ngạc nhiên hơn, đoạn văn Hy Lạp đã thông báo rằng ba chữ viết đều có ý nghĩa giống
hệt nhau. Do đó, cổ vật này nắm giữ chìa khóa để giải câu đố về chữ tượng hình
Ai Cập cổ đại, một thứ ngôn ngữ viết đã bị chết trong gần 2.000 năm.
Khi Napoléon, vị hoàng đế
nổi tiếng vì quan điểm khai sáng về giáo dục, nghệ thuật và văn hóa, trên đường
hành quân xâm chiếm Ai Cập vào năm 1798, đã đi cùng với một nhóm các học giả và
bảo họ hãy thu giữ cho nước Pháp tất cả các hiện vật văn hóa quan trọng mà họ
thấy trên đường đi. Pierre Bouchard, một trong những người lính của Napoléon,
nhận thức rõ tầm quan trọng của mệnh lệnh của vị hoàng đế, nên đã cất giữ rồi nộp
lên cấp trên phiến đá ba-zan anh trông thấy – một phiến đá dài gần bốn feet, rộng
hai feet rưỡi, tại một pháo đài gần Rosetta, trên đó khắc nhiều thứ chữ và hình
vẽ. Khi người Anh đánh bại Napoleon vào năm 1801 ở Ai Cập, họ đã chiếm hữu Phiến
đá Rosetta.
Một số học giả, bao gồm cả
nhà ngôn ngữ học người Anh là Thomas Young đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những
nghiên cứu phân tích đầu tiên về chữ tượng hình Ai Cập cổ đại trên Phiến đá
Rosetta. Nhưng người đạt được thắng lợi quyết định là nhà Ai Cập học người Pháp
Jean-Francois Champollion (1790-1832) – một người tự học các ngôn ngữ cổ, cuối
cùng đã bẻ được khóa mật mã và giải mã thành công chữ tượng hình Ai Cập cổ đại
bằng cách sử dụng kiến thức của ông về ngôn ngữ nói chung, trong đó tiếng Hy Lạp
là nguồn chỉ dẫn. Champollion khám phá ra rằng chữ tượng hình Ai Cập cổ đã sử dụng
hình ảnh để thể hiện các đối tượng, âm thanh và các nhóm âm thanh. Sau khi bản
khắc Phiến đá Rosetta Stone được dịch thành công, cánh cửa bước vào thế giới bí
mật của nền văn minh Ai Cập cổ đại đã được mở toang! Đây là một trong những
thành tựu vĩ đại nhất của ngôn ngữ học, diễn ra vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ
19.
Bây giờ xin trở lại với
câu chuyện về thông tin mà Gitt đang muốn nói. Vì ý nghĩa của toàn bộ văn bản
trên Phiến đá Rosetta đã được khám phá, chúng ta có thể kết luận rằng văn bản ấy
là một thông tin!
Ngôn ngữ học và khoa học
computer ngày nay đã phát triển tới mức có thể dịch thuật ngôn ngữ cổ Ai Cập
sang bất kỳ một thứ ngôn ngữ nào khác và ngược lại. Điều này nói lên rằng cùng
một thông tin có thể diễn đạt bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Vậy bản chất của
thông tin là ý nghĩa của bản thông điệp, thay vì các ký hiệu diễn đạt nó. Nói
cách khác, ký hiệu là cái vỏ của thông tin, hoặc những mã để trình bày thông
tin, hoặc thông tin ở cấp độ hình thức. Còn cái lõi của thông tin là ý nghĩa của
nó. Với nhận thức như thế, Gitt chỉ ra 5 tầng biểu lộ khái niệm thông tin.
5 tầng
khái niệm thông tin
Tầng thấp nhất – Thông tin như
một số lượng các bits
Đó là thông tin nhìn theo
quan điểm thống kê thuần túy – thông tin chỉ xét về mặt số lượng, đo bằng
“bit”, như trong lý thuyết của Claude Shannon. Thí dụ khi xem một cuốn sách, một
chương trình computer, hoặc bộ gene của con người… chúng ta có thể quan tâm đến
những câu hỏi sau đây:
·
Có bao nhiêu chữ cái, hoặc
con số, hoặc từ ngữ trong toàn bộ văn bản đó?
·
Văn bản đó sử dụng bao
nhiêu chữ cái, chẳng hạn a, b, c… hoặc A, G, T, C?
·
Tần suất xuất hiện của mỗi
chữ cái hoặc từ ngữ là bao nhiêu?
Khi đặt những câu hỏi như
thế, chúng ta chỉ quan tâm tới lượng thông tin chứa đựng trong văn bản, mà
không quan tâm tới nội dung ý nghĩa của thông tin. Nói cách khác, trong trường
hợp này, chúng ta không quan tâm tới thứ tự của các ký hiệu. Khi đó, bất kỳ một
chỉnh hợp nào của một tập hợp các ký hiệu cũng có thể xem như một thông tin. Chẳng
hạn, với 3 chữ cái A, B, C có thể có 3! = 6 thông tin.
Với cách nhìn đó, lượng
thông tin sẽ tăng lên khi số ký hiệu được sử dụng tăng lên. Càng nhiều ký hiệu,
càng nhiều thông tin.
Hình như các nhà xuất bản
ở Việt Nam hiện nay tính tiền nhuận bút cho tác giả theo thông in ở tầng thấp
nhất này, tức thông tin theo quan điểm số lượng của Claude Shannon – nhuận bút
viết sách được tính theo số trang sách. Việc này có thể không làm thỏa mãn các
tác giả viết sách, nhưng khổ một nỗi là ngoài cách định lượng thông tin theo kiểu
Shannon, hiện không có cách nào khác.
Phương pháp định lượng
thông tin kiểu Shannon là nhu cầu bức thiết trong việc phát triển công nghệ
thông tin – công nghệ thông tin đòi hỏi phải đo lường được lượng thông tin lưu
trữ trong các bộ nhớ, lượng thông tin được xử lý trong một đơn vị thời gian
trong một cỗ máy xử lý, hoặc lượng thông tin chuyển tải trên các đường truyền…
Đó là lý do để Lý thuyết Thông tin của Claude Shannon ra đời, tạo nên cuộc cách
mạng về khoa học và công nghệ thông tin từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay.
Tầng thứ 2 – Thông tin là một
tập hợp ký hiệu tuân thủ một cú pháp (Syntax)
Ngôn ngữ của con người là
một dạng thông tin điển hình. Bất kể ngôn ngữ nào của con người cũng có những
quy tắc về cú pháp nhất định. Thí dụ tiếng Việt có quy tắc ghép vần các chữ cái
thành một từ và quy tắc kết hợp các từ thành một câu.
Theo Wikipedia, bảng chữ
cái tiếng Việt gồm 29 chữ cái. Để có thể viết tiếng Việt, phải có một quy tắc
ghép các chữ cái thành một từ. Thí dụ: “Việt”, “ngữ”, “đẹp”…
Rõ ràng là các chữ cái
không thể ghép với nhau một cách tùy tiện ngẫu nhiên được. Việc ghép tùy tiện
ngẫu nhiên sẽ tạo ra những từ vô nghĩa. Thí dụ: “bgrtg”.
Ở tầng thấp nhất thì từ
“bgrtg” có thể được coi là một thông tin, vì nó chứa đựng một lượng thông tin
nhất định, đo bằng số bits.
Nhưng ở tầng 2 của thông
tin, từ “bgrtg” không thể xem là một thông tin, vì các chữ cái được ghép với
nhau tùy tiện, không tuân thủ quy tắc ghép vần trong tiếng Việt. Nói cách khác,
từ “bgrtg” chỉ là một thông tin ở cấp độ 1 – cấp độ thấp nhất.
Khi mở TiVi không đúng
kênh, ta sẽ có một đám nhiễu trên màn hình. Đám nhiễu ấy chứa một lượng thông
tin ở tầng thấp nhất, nhưng không phải một thông tin ở tầng 2.
Mọi ngôn ngữ của con người
còn đòi hỏi các từ được kết nối hoặc xâu chuỗi theo một trật tự xác định để tạo
thành một câu, tức một thông tin xác định. Nói cách khác, mọi ngôn ngữ phải có
một ngữ pháp – một bộ luật sắp xếp các từ theo một thứ tự xác định. Thí dụ:
“Anh yêu em nhiều lắm!”. Ngữ pháp ở đây là thứ tự chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng
ngữ. Vậy ở tầng 2 của thông tin, một tập hợp các chữ cái hoặc tập hợp các từ ngữ
được xếp đặt theo một thứ tự xác định sẽ cho một thông tin.
Tóm lại, thông tin ở tầng
2 đòi hỏi 2 thành phần:
·
Mã (Code): một tập hợp
các ký hiệu xác định được sử dụng.
·
Một cú pháp chính xác: mối
quan hệ nội tại giữa các ký hiệu
Định nghĩa mã: Mã là một
tập hợp các ký hiệu cần thiết để trình bày thông tin ở tầng 2 (trở lên).
Ngoài các mã quen thuộc
như các chữ cái trong các ngôn ngữ của con người, còn có các hệ mã khác như mã
điện tín (Morse), các nốt nhạc, các mã xử lý dữ liệu trong khoa học computer,
mã gene (genetic codes), mã chữ nổi cho người mù (chữ Braille), mã ký hiệu bằng
tay cho người câm điếc…
Số lượng các ký hiệu khác
nhau của một hệ mã tùy thuộc vào mục đích sử dụng của nó. Thí dụ:
·
Hệ mã nhị phân [1, 0] được
sử dụng cho công nghệ computer.
·
Hệ mã tứ phân (Quaternary
code), sử dụng 4 ký hiệu, được sử dụng cho các tổ chức sống! Khoa học thông tin
và sinh học đã chứng minh rằng hệ tứ phân là hệ mã tối ưu cho sự sống!
·
Bảng chữ cái tiếng Việt
là hệ mã 29 chữ cái
·
Bảng chữ cái tiếng Anh là
hệ mã 26 chữ cái
·
Bảng chữ cái tiếng Pháp
giống bảng chữ cái tiếng Anh, nhưng phát âm khác nhau.
·
Bảng chữ cái tiếng Do
Thái là hệ mã 22 chữ cái.
·
Bảng chữ cái tiếng Trung
Quốc là hệ mã > 50.000 ký hiệu (vì mỗi chữ là một từ tượng hình, buộc người
học phải thuộc tất cả các chữ, mỗi chữ là một ký hiệu).
·
Bảng chữ cái dành cho người
mù (chữ Braille) là hệ mã 26 chữ cái.
·
Ngoài ra còn có những hệ
mã bát phân (Octal code), hệ mã ngũ phân (Quinary code), hệ mã thập phân
(Decimal code), hệ mã thập lục phân (Hexadecimal code)…
Liên quan đến thông tin ở
tầng 2, Werner Gitt nêu lên một loạt các định lý sau đây[2]:
Định lý 6: Mã là điều kiện nhất thiết phải có để thiết lập một thông tin
Định lý 7: Việc gán ý nghĩa cho các ký hiệu là một quá trình thuộc về tinh thần
tùy thuộc vào quy ước.
Định lý 9: Một thông tin chỉ được giải mã khi hệ mã phải được cả người gửi lẫn
người nhận cùng biết.
Định lý 10: Chỉ những cấu trúc dựa trên một hệ mã mới có thể trình bày một thông
tin. Đây chỉ là điều kiện cần để thiết lập một thông tin.
Định lý 11: Một hệ mã luôn luôn là kết quả của một quá trình thuộc về tinh thần,
đòi hỏi một nguồn trí tuệ thông minh hoặc một nhà phát minh.
Định lý 12: Mọi thông tin đều có thể trình bày bởi bất kỳ một hệ mã nào được chọn.
Tầng thứ 3 – Thông tin là một
thông điệp có ý nghĩa (Semantics)
Khi ta đọc một cuốn sách,
chúng ta không quan tâm tới số chữ trong cuốn sách, cũng không quan tâm tới cú
pháp được sử dụng để viết cuốn sách đó, mà chủ yếu ta quan tâm tới ý nghĩa và nội
dung của nó. Cú pháp rất cần thiết để trình bày nội dung của cuốn sách, nhưng
điều làm cho chúng ta ghi nhớ một cuốn sách không nằm ở cú pháp hoặc kích cỡ của
nó, mà nằm ở nội dung tư tưởng hoặc ý nghĩa của nó – đó là thông tin ở tầng thứ
ba! Thông tin ở tầng này không liên quan với việc lưu trữ hoặc chuyển giao
thông tin. Chẳng hạn, chi phí gửi một bức điện tín không phụ thuộc vào nội dung
và ý nghĩa của bức điện, mà chỉ phụ thuộc vào số chữ của nó.
Định lý 13: Bất kỳ một thông tin nào cũng được gửi đi từ một người gửi nào đó và
có ý nghĩa đối với một người nào đó.
Định lý 14: Bất kỳ một thực thể nào được coi như một thông tin ắt phải có ý nghĩa.
Ý nghĩa là khía cạnh chủ
yếu của thông tin vì ý nghĩa là cái không thay đổi của thông tin. Trong khi đó,
lượng thông tin và cú pháp của thông tin có thể thay đổi. Chẳng hạn một bản tin
tiếng Anh được dịch ra tiếng Việt thì số lượng “bits” và cú pháp của thông tin
sẽ thay đổi, nhưng ý nghĩa của thông tin không thay đổi.
Định lý 15: Truy ngược tiến trình chuyển giao một thông tin luôn luôn dẫn tới một
nguồn trí tuệ thông minh.
Định lý 16: Nếu một chuỗi ký hiệu chỉ chứa đựng một chuỗi ký tự xuất hiện ngẫu
nhiên và vô nghĩa, nó sẽ không phải là một thông tin đúng nghĩa.
Tất cả những cách thức nhằm
biểu lộ ý nghĩa của thông tin đều được gọi là ngôn ngữ. Thông tin có thể được
truyền đi hoặc lưu trữ trong một vật liệu trung gian nào đó chỉ khi nó đã được
trình bày dưới dạng một ngôn ngữ.
Về lý thuyết, thông tin
hoàn toàn không thay đổi trong các hệ thống chuyển giao thông tin (âm thanh,
quang học, điện tử) cũng như trong hệ thống lưu trữ thông tin (bộ não, sách, hệ
thống xử lý dữ liệu, các băng từ…). Tính bất biến này là hệ quả của bản chất
phi vật chất.
Có rất nhiều dạng ngôn ngữ
khác nhau, Thí dụ:
·
Ngôn ngữ tự nhiên được sử
dụng để thông tin liên lạc: hiện có khoảng 5100 ngôn ngữ sống trên trái đất.
·
Ngôn ngữ liên lạc nhân tạo
và ngôn ngữ dùng để đánh tín hiệu: ngôn ngữ dành cho người câm điếc, tín hiệu
giao thông, mã cờ (flag codes)…
·
Ngôn ngữ hình thức nhân tạo:
ngôn ngữ logic toán học, nốt nhạc, các ký hiệu hóa học, ngôn ngữ thuật toán,
ngôn ngữ lập trình như BASIC, C, C++, Fortran, Pascal…
·
Ngôn ngữ đặc biệt tìm thấy
trong các tổ chức sống: ngôn ngữ di truyền (mã DNA), ngôn ngữ của loài ong,
ngôn ngữ pheromones của nhiều loài sâu bọ, các hệ tín hiệu trong các mạng nhện,
ngôn ngữ của cá heo,…
Tầng thứ 4 – Thông tin có công
dụng như một chỉ thị hướng dẫn (Pragmatics)
Định lý 17: Thông tin luôn luôn đưa đến một hệ quả thực tế. Thí dụ một chương trình
computer, thông tin hướng dẫn các hoạt động trong tế bào, một mệnh lệnh trong
quân đội…
Định lý 18: Thông tin có thể kích thích người nhận thông tin thực hiện một hành động
nào đó. Chức năng này có thể tác động trong cả những hệ vô sinh (như computer
hoặc các máy tự động) lẫn trong các tổ chức sống (hoạt động trong tế bào, hành
động của động vật, hoạt động của con người).
Chữ “pragmatics” bắt nguồn
từ tiếng Hy Lạp: “pragmatike” = nghệ thuật làm một việc đúng đắn. Thí dụ: Thông
tin của DNA hướng dẫn các acid amin kết hợp lại với nhau theo đúng thứ tự thiết
kế; Chương trình computer hướng dẫn một tên lửa vũ trụ hoạt động đúng như kế hoạch
đã vạch sẵn…
Có một thông tin khổng lồ
đóng vai trò hướng dẫn con người hành động đúng đắn, đó là cuốn Kinh Thánh.
Gitt nhận xét: “Nhiều người sau khi đọc Kinh Thánh đã bắt đầu hành động theo những
cung cách hoàn toàn mới”. Rồi ông dẫn lời Blaise Pascal nói:
“Trong Kinh Thánh có đủ
những đoạn an ủi con người về mọi phương diện trong đời sống, và cũng có đủ những
đoạn làm cho con người sợ hãi (giáo dục con người)” (There are enough passages
in Scripture to comfort people in all spheres of life, and there are enough
passages that can horrify them) (trang 74, sách đã dẫn).
Tầng thứ 5 – Thông tin có mục
đích (Apobetics)
Định lý 19: Mọi thông tin đều có một mục đích nhất định.
Thí dụ:
● Mọi chương trình
computer đều có mục đích rất rõ ràng: Win10 để điều hành, Microsoft Word để soạn
văn bản, Photoshop để biên tập hình ảnh…
● Thông tin của sự sống
có mục đích rõ ràng: hướng dẫn vật chất trong tế bào hoạt động đúng theo thiết
kế đòi hỏi, để sự sống được duy trì và sinh sôi nẩy nở.
● Thánh Giô-an, một trong
4 tác giả của Kinh Phúc Âm (Tân Ước) viết:
“Đức Giê-su đã làm nhiều
dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép
trong sách này” (Giô-an 20:30).
Mục đích của thông tin
này là báo cho chúng ta biết rằng ngoài những phép lạ đã được kể trong sách,
Chúa Jesus còn làm nhiều phép lạ khác nữa, không thể ghi chép hết được.
● William Shakespeare
nói: “Love looks not with the eyes but with the mind, And therefore is winged
Cupid painted blind” (Tình yêu không nhìn bằng mắt mà bằng tâm hồn, và vì thế
thần ái tình có cánh được vẽ nhắm mắt). Dường như Shakespeare muốn nhắc những
người đang yêu rằng tình yêu đích thực đến từ tâm hồn chứ không từ con mắt. Đó
là điều Shakespeare muốn khuyên bạn, còn bạn có đồng ý hay không lại là chuyện
khác.
● Hình ảnh sau đây muốn
nói rằng tư duy duy lý không thể nhận thức được chân lý toàn phần, chỉ có thể
nhận thức được chân lý cục bộ. Mọi tham vọng biết được cái toàn bộ hoặc nguồn gốc
tận cùng của sự vật là điều bất khả. Vì thế những cấu trúc trong hình này được
gọi là “cấu trúc bất khả” (impossible structures).
● Cuốn “Định lý Gödel: Nền
tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại” của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức xuất bản
năm 2019, trang 237, chứa đựng thông tin sau đây:
“Định luật Pasteur về Tạo
Sinh tự động bác bỏ Học thuyết Darwin về Phi Tạo Sinh” (The Pasteurian Law of
Biogenesis automatically refuted Darwinian Doctrine of Abiogenesis).
Thông tin ấy có mục đích
rõ ràng là loan báo cho mọi người biết một sự thật ít người để ý hoặc không hề
biết: Học thuyết Darwin về Phi Tạo Sinh trái với một định luật tự nhiên đã được
toàn thế giới thừa nhận, đó là Định luật Tạo Sinh – định luật khẳng định rằng sự
sống chỉ ra đời từ sự sống!
Thực tế trong sinh học hiện
nay lưu hành hai lý thuyết mâu thuẫn với nhau, loại trừ nhau: đó là Biogenesis
(Tạo Sinh) và Abiogenesis (Phi Tạo Sinh).
Có một Giáo sư biện luận
rằng Định luật Tạo Sinh chỉ có thể kiểm tra được trong một thời hạn ngắn, không
thể kiểm tra được trong một thời hạn dài hàng tỷ năm. Đây là một ý kiến nực cười,
vì thực tế không hề có một lý thuyết nào kiểm tra được với thời hạn hàng tỷ
năm. Lịch sử loài người đến này cũng chỉ có ngót 10 ngàn năm. Khảo cố học cho
thấy con người xuất hiện cũng chỉ mới có vài triệu năm. Ý ông GS này muốn nói
Thuyết Phi Tạo Sinh có thể đúng với thời hạn hàng tỷ năm (!!!). Thật nực cười
–chính ông vừa nói Định luật Tạo Sinh không thể kiểm tra được trong thời hạn
dài hàng tỷ năm, vậy làm thế nào để kiểm tra Thuyết Phi Tạo Sinh trong thời hạn
đó? Đây rõ ràng là một ngụy biện nhằm bảo vệ niềm tin của mình!
Về mặt khoa học, nếu bạn
muốn bác bỏ Định luật Tạo Sinh, bạn phải chỉ ra ít nhất một trường hợp định luật
ấy sai. Chừng nào bạn không tìm thấy bất kỳ một ngoại lệ nào, bạn buộc phải chấp
nhận định luật ấy. Học thuyết Darwin về Phi Tạo Sinh hiển nhiên là trái với Định
luật Tạo Sinh, vậy nó ắt phải sai! Đó chính là lý do đầu tiên trong 9 lý do
khoa học để tạp chí New Scientist ngày 24/01/2009 – năm kỷ niệm 200 năm ngày
sinh của Darwin và 150 năm ra đời cuốn “Về nguồn gốc các loài” của ông – đã
tuyên bố trên trang bìa: “DARWIN WAS WRONG” (DARWIN SAI).
● Bài viết này – bài viết
bạn đang đọc – cũng là một thông tin có mục đích rõ ràng. Mục đích ấy đã được
nói ngay từ đầu, trong phần “abstract” – tóm tắt chủ đề của bài viết – rằng
“chúng ta phải hiểu rõ hơn về bản chất của thông tin nếu chúng ta muốn hiểu rõ
hơn về bản chất của sự sống!”.
Định lý 20: Mục đích của thông tin là khía cạnh quan trọng nhất của thông tin, vì
nó thể hiện rõ ý muốn của người gửi tin.
Định lý 23: Không có bất kỳ một định luật tự nhiên nào cho thấy vật chất đẻ ra
thông tin. Điều đó không thể xảy ra trong bất kỳ một quá trình vật lý nào hoặc
một hiện tượng vật chất nào đã biết.
Thí dụ:
·
Thông tin của cuốn “Cuộc
đời của Pi” xuất phát từ tư tưởng và tình cảm của Yann Martel.
·
Thông tin của một chương
trình computer xuất phát trí tuệ của nhà lập trình.
·
Thông tin của bản nhạc
“Hoa Đỗ Quyên”[3]
xuất phát từ cảm xúc của người sáng tác ra bản nhạc này.
·
Thông tin của bức tranh
“Chân dung bà Rimsky Korsakov”[4]
xuất phát từ cảm xúc của họa sĩ Franz Xaver Winterhalter.
Định lý 23B (một cách phát biểu khác của Định lý 23): Mọi thông tin đều bắt nguồn
từ một trí tuệ thông minh!
Hệ quả của Định lý 23: Thông tin của sự sống ắt phải bắt nguồn từ một
nguồn trí tuệ thông minh!
KẾT LUẬN
Từ những phân tích và lập
luận nói trên, có thể rút ra những kết luận quan trọng sau đây:
1.
Không thể cài đặt, lưu trữ,
và chuyển giao thông tin mà không sử dụng một mã xác định nào đó.
2.
Không thể có một mã mà
không có một quy ước chung.
3.
Không thể có một thông
tin không bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh hoặc một ý chí.
4.
Mọi thông tin đều có 5 cấp
độ biểu lộ: thống kê, cú pháp, ngữ nghĩa, công dụng, mục đích
5.
Thông tin là một thực thể
phi vật chất, nhưng nó cần môi trường vật chất để lưu trữ và chuyển giao.
6.
Vật chất và thông tin là
điều kiện cần của sự sống, nhưng chưa đủ.
Sinh học cổ điển coi sự sống
chỉ là một cỗ máy vật chất thuần túy. Đến nay, quan điểm ấy đã được chứng minh
là SAI.
Đại diện cho quan điểm lỗi
thời đó là phát biểu của Jean Baptiste Lamarck (1744 – 1829):
“Sự sống chỉ là một hiện
tượng vật lý. Tất cả mọi biểu hiện của sự sống đều dựa trên những nguyên nhân
cơ học, vật lý, và hóa học, những nguyên nhân này mang tính chất vật chất hữu
cơ” (Life is merely a physical phenomenon. All manifestations of life are based
on mechanical, physical, and chemical causes, being properties of organic
matter)[5]
(trang 82, sách đã dẫn).
Quan điểm coi sự sống là
cỗ máy vật chất thuần túy của Lamarck cũng là quan điểm của Darwin, thậm chí là
quan điểm của nhiều nhà khoa học hiện nay. Đó là quan điểm của chủ nghĩa tự
nhiên (naturalism) và chủ nghĩa duy vật (materialism) trong khoa học.
Dưới ánh sáng của khoa học
về thông tin, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật đã trở nên quá lỗi thời,
vì thông tin không phải là vật chất.
Thế mới biết Lord Kelvin
là một thiên tài, vì ngay từ cuối thế kỷ 19, ông đã khẳng định:
“Tôi cần phải nói công
khai rằng sự khởi đầu và sự duy trì sự sống trên trái đất hoàn toàn vượt quá phạm
vi của mọi phỏng đoán hợp lý trong khoa học động lực. Đóng góp duy nhất của
khoa học động lực cho sinh học lý thuyết là sự phủ định tuyệt đối về sự khởi đầu
tự động hoặc sự duy trì tự động của sự sống” (I need scarcely say that the
beginning and maintenance of life on earth is absolutely and infinitely beyond
the range of all sound speculation in dynamical science. The only contribution
of dynamics to theoretical biology is absolute negation of automatic
commencement or automatic maintenance of life)[6].
Nói gọn lại, Kelvin khẳng
định:
Khoa học vật chất thuần
túy không thể giải thích được sự hình thành và sự duy trì sự sống!
Rõ ràng là Kelvin, với trực
giác thiên tài, từ hơn 120 năm trước, đã cảm thấy có một “cái gì đó” nằm ngoài
khả năng tác động của vật lý và hóa học nhưng lại đóng vài trò quyết định trong
sự hình thành của sự sống.
Ngày này chúng ta biết
“cái gì đó” chính là thông tin – THÔNG TIN CỦA SỰ SỐNG!
DJP,
Sydney 19/07/2020
[2]
Bài viết này không liệt kê tất cả các định lý trong sách của Werner Gitt, mà chỉ
nêu lên những định lý phục vụ trực tiếp cho chủ đề đang thảo luận.
[4]
https://curiator.com/art/franz-xaver-winterhalter/barbe-dmitrievna-mergassov-madame-rimsky-korsakov
[5]
Nguồn dẫn nguyên thủy: Philosophie Zoologique, Paris, 1809, Vol. 1, p.
104 f.
No comments:
Post a Comment