Sunday, 12 July 2020

KỲ TÍCH 91 ( Võ Xuân Sơn)





Bệnh nhân 91 được xem là một kỳ tích y khoa của Việt nam. Là một bác sĩ, đã nhiều lần gặp, và tham gia cứu chữa cho những ca bệnh khó, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên.

Nhưng nếu những ai đã trải qua công việc khám chữa bệnh ở những nơi mà cái sống, cái chết chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc, thì đều có thể thấy, trường hợp như bệnh nhân 91 hoàn toàn không phải là cá biệt. Ở những nơi như những nơi mà bệnh nhân 91 được khám và điều trị tại Việt nam, có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng vạn bệnh nhân như vậy. Chỉ có điều, chẳng ai chú ý đến họ, cũng chẳng ai chú ý đến những người cứu chữa họ, nên không mấy ai trên đời này biết đến những kì tích y khoa đang xảy ra hàng ngày ngay xung quanh mình.

Công bằng mà nói, việc cứu sống bệnh nhân 91 được nhiều người thần thánh hoá, có một phần xuất phát từ chính những sai lầm của ngành y Việt nam, hoặc có sự may mắn từ trên trời rơi xuống. Không dưới một lần bệnh nhân 91 được cho là không thể qua khỏi, thậm chí, còn có lúc người ta bảo là phải ghép phổi cho ông ấy. Cuối cùng thì những dự đoán hoặc quyết định đấy hoàn toàn không đúng. Vậy là, hoặc dự đoán sai, hoặc quyết định ghép phổi là sai, hoặc là có sự may mắn từ trên trời rơi xuống.

Hồi đó bệnh viện tôi có qui định bất thành văn, rằng chỉ bác sĩ trưởng tua trực mới được mổ cấp cứu cho bệnh nhân nước ngoài. Xin mở ngoặc, bệnh nhân nước ngoài là bệnh nhân Âu, Mỹ, hoặc Nhật, Hàn… chứ người Campuchia thì hình như không phải là người nước ngoài. Cá nhân tôi không đồng ý với qui định này. Dù là trưởng tua trực, nhưng tôi vẫn để cho anh em mổ. Tôi cho rằng, nếu anh em đã mổ được bệnh nhân Việt nam, thì hoàn toàn có thể mổ được bệnh nhân nước ngoài.

Rồi một lần, trong lúc anh em đang vui vẻ, tôi hỏi sếp lớn nhất về chuyện này. Sếp nói, rằng mấy bệnh nhân đó thường được báo chí chú ý, và họ lại hay có các hãng bảo hiểm bươi móc đủ thứ chuyện. Nếu có chuyện gì xảy ra, thì dù sao trưởng tua trực, người được coi là chuyên môn cao nhất, mổ, thì cũng ít ai đặt vấn đề về sai sót.

Thì ra là vai trò của truyền thông trong khám chữa bệnh nó lớn như vậy. Hồi đó, chúng tôi cũng biết, truyền thông quan tâm đến những bệnh nhân như thế nào. Chẳng ai quan tâm đến những ca mà về chuyên môn thuộc hàng cực kì “đáng quan ngại” cả.

Các nhà báo luôn quan tâm đến những ca kiểu như người nổi tiếng, dù người ấy chỉ bị cảm cúm hay trúng thực. Họ cũng quan tâm đến những ca mang tính thời sự, hoặc người nước ngoài, hoặc có gì đó rùng rợn… Do vậy, khi có những ca như vậy, chúng tôi gọi cho các nhà báo, thế là bệnh nhân của mình, hoặc đôi khi là bản thân mình, trở thành nổi tiếng.

Bệnh nhân 91 hội đủ các yếu tố trên. Đó là bệnh nhân nước ngoài, mà lại là nước ngoài da trắng, đến từ nước Anh, một trong những đất nước có nền y học phát triển nhất thế giới. Căn bệnh mà bệnh nhân 91 mang lại là một căn bệnh mang tính thời sự. Và nó cũng có chút rùng rợn, vì người ta chết vì nó như ngả rạ trên toàn thế giới.

Tất nhiên, khi bệnh nhân 91 trở thành tâm điểm của truyền thông, thì sẽ có nhiều người muốn mình cũng được dự phần. Thế là thăm hỏi dập dìu, diễn đủ thứ dưới ống kính của các nhà báo. Để phục vụ cho nhu cầu đó, người ta đã sắp đặt lễ lạt nọ kia. Và khi bệnh nhân 91 không đáp ứng, thì họ cay cú mà buông những lời lẽ hằn học với ông ta.

Tôi tin rằng những thầy thuốc, từ bác sĩ, y tá đến hộ lí, trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân 91, đều tôn trọng quyết định của ông ấy. Tôi tin là chẳng ai trong số họ hằn học với ông ấy về việc ông ấy từ chối lễ lạt và trả lời phỏng vấn cả. Nếu có, thì tôi tin, những người đó cố tỏ ra là mình có tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân này mà thôi.

Tính tôi đôi khi lẩn thẩn. Có lúc tôi nghĩ, nếu bệnh nhân 91 đồng ý cho người ta làm lễ xuất viện, thì ai sẽ đứng gần ống kính nhất nhỉ. Chắc chắn là những bác sĩ, y tá, hộ lí trực tiếp chăm sóc cho ông ấy nhiều nhất, sẽ đứng cách xa ống kính, để nhường chỗ cho các lãnh đạo, và các thể loại, giống như ông gì ở Liên đoàn bóng đá Việt nam hồi nào.







No comments:

Post a Comment

View My Stats