12/07/2020
Quốc đảo Singapore luôn
được ngưỡng mộ khắp nơi trên thế giới vì những thành công của họ, dù là thực tế
hay chỉ là qua cảm nhận: sự ổn định về chính trị; pháp luật và trị an; sự thịnh
vượng về kinh tế; các tài năng trẻ; tỷ lệ tội phạm thấp và những đường phố an
toàn.
Thế nhưng, quốc đảo này lại
tồn tại những mặt trái: sự thiếu vắng các quyền tự do dân sự như tự do hội họp
hay tự do ngôn luận; phương thức điều hành vi mô mang tính rập khuôn, độc đoán
đang len lỏi đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hằng ngày.
Một giả thuyết phổ biến ở
Singapore cho rằng những mặt trái đằng sau chỉ đơn giản là cái giá cần phải trả
cho thành công ở phía trước. Dân chủ, các quyền tự do dân sự đi kèm cùng với một
hệ thống đa đảng bị coi là hỗn loạn và không hiệu quả, và nó không lý tưởng cho
nhu cầu phát triển của Singapore.
Đó là một lập luận thuận
tai, không chỉ với người Singapore, mà còn với nhiều nhà quan sát từ các quốc
gia khác, kể cả những nước có truyền thống dân chủ hơn. “Nếu chúng tôi có một
Lý Quang Diệu. Chúng tôi sẽ giống Singapore hơn,” tôi đã nghe điều này từ bạn
bè ở các quốc gia như Philippines hay Ấn Độ. Xét theo khía cạnh bề nổi, điều đó
có lý: vì sao cần dân chủ khi cái mà nó mang lại chỉ là sự hỗn loạn, tham
nhũng, bế tắc và sự kém hiệu quả? Tại sao không cố gắng có được những gì
Singapore đang có?
Bánh mì, bơ sữa…
và chính trị
Chính trị Singapore có xu hướng tập trung vào các vấn đề được gọi là
“bánh mì và bơ sữa”. Việc làm. Chi phí sinh hoạt. Giá nhà đất. Những thứ có tác
động trực tiếp và rõ ràng đến cuộc sống hàng ngày và sự tiện nghi của thành phố.
Các vấn đề khác, chẳng hạn
như dân chủ và nhân quyền, thường bị coi là “không thực tế” hay “quá lý tưởng”,
vì mối liên hệ của chúng với các mối quan tâm hàng ngày của một người là không
rõ ràng. Công bằng mà nói đối với một người dân Singapore bình thường, sự kết nối
này đã không được chú ý gì nhiều nhặn trong nhiều năm; cuộc sống ở quốc đảo
này, nhìn chung, rất thoải mái ngay cả khi không có dân chủ hay các quyền tự do
dân sự.
Nhưng sự tách biệt giữa
các giá trị dân chủ này và các vấn đề “bánh mì và bơ sữa” là một vấn đề lớn, bởi
vì chúng có mối liên hệ phức tạp. Điều này hiện đang được chứng minh với một sự
ảnh hưởng đáng kể từ Hong Kong, một trung tâm tài chính châu Á khác thường được
so sánh với Singapore.
Một người biểu tình
Hong Kong mang “Tấm khiên Tự do”, ngày 24/8/2019. Ảnh: Miguel Candela/SOPA
Images/LightRocket via Getty Images.
Tấm gương Hong
Kong
Các cuộc biểu tình đã diễn
ra ở Hong Kong từ năm ngoái đến nay. Nguyên nhân dẫn đến phong trào phản đối rộng
lớn này ban đầu đến từ một dự luật gây tranh cãi sẽ cho phép dẫn độ người dân sống,
hoặc chỉ ghé thăm từ Hong Kong đến Trung Quốc Đại lục – nơi sự độc lập của nền
tư pháp là rất đáng ngờ và đã từng xảy ra các vụ án oan. Các cuộc biểu tình
ngày càng lan rộng nhằm đòi hỏi trách nhiệm đối với hành vi bạo lực của chính
quyền và kêu gọi quyền phổ thông đầu phiếu. Trong khi các vấn đề “bánh mì và bơ
sữa”, như giá bất động sản và giá thuê nhà cao ngất ngưởng, cũng là một nỗi lo
lắng đáng kể cho người dân Hong Kong, thì mục tiêu của những người biểu tình
không phải là chính sách liên quan đến tài chính, mà là những đòi hỏi về những
quy trình dân chủ, thể chế và giá trị.
Cách tiếp cận này đã khiến
nhiều người Singapore hoang mang. Tôi đã gặp nhiều người không hiểu tại sao người
Hong Kong lại ra đường hết lần này đến lần khác, tự đặt mạng sống của mình vào
làn hơi cay và đạn cao su, trong khi cơ hội chiến thắng thì dường như rất mong
manh. Một số người nổi tiếng ở Singapore đã nhấn mạnh rằng nguyên nhân của các
cuộc biểu tình liên quan đến giá nhà đất, và nỗi lo của mọi người sẽ được xoa dịu
một khi điều này được khắc phục. Sau cùng, những phân tích như vậy càng cho
chúng ta biết nhiều hơn về tâm lý của người Singapore và sự cố chấp của chúng
tôi trong việc coi trọng “bánh mì và bơ sữa” hơn cả những điều khác, hơn cả các
sự lựa chọn của người Hong Kong.
Đối với người biểu tình ở
Hong Kong, các vấn đề về “bánh mì và bơ sữa” có liên quan chặt chẽ đến sự thiếu
vắng dân chủ và trách nhiệm giải trình. Giá bất động sản có thể tăng hoặc giảm,
nhưng nếu không thể bầu ra một chính phủ quyết định các chính sách của thành phố,
người Hong Kong sẽ luôn phải sống dưới sự điều hành của các chính trị gia không
được dân bầu hoặc các trùm tài phiệt. Đó là lý do vì sao nền dân chủ thực sự cần
phải có trước; sau đó mọi người mới có thể có tiếng nói trong các vấn đề “bánh
mì và bơ sữa”.
Trách nhiệm giải
trình và sự minh bạch
Mối liên hệ giữa dân chủ
và “bánh mì và bơ sữa” cũng cần được nhận diện tại Singapore. Một số vết nứt đã
bắt đầu hiện rõ: nhiều sự cố đã xảy ra trong những năm gần đây đã cho thấy việc
thiếu các thể chế dân chủ, có trách nhiệm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của
người Singapore qua những con đường rất hiện hữu và tức thì.
Đường phố
Singapore. Ảnh: sgsme.sg.
Trong những năm gần đây,
người dân Singapore đã trải qua những bất tiện như sự cố tàu điện, chứng kiến những thảm kịch đau lòng như cái chết của một số quân nhân, các vụ rò rỉ
thông tin cá nhân, và chứng kiến một biến cố trong chính
gia đình thủ tướng.
Tuy nhiên, từ những sự cố
này đã nảy sinh ra vấn đề thiếu trách nhiệm giải trình. Dù các cuộc điều tra đã
được tiến hành cùng với một số hình phạt được đưa ra, nhưng người dân Singapore
vẫn chưa thấy các bộ trưởng, CEO hàng đầu v.v… chịu trách nhiệm hoặc từ chức.
Bên cạnh đó, sự thiếu
minh bạch cũng xuất hiện trong các vấn đề khác. Chẳng hạn, Hà Tinh, vợ của Thủ
tướng Lý Hiển Long, hiện là CEO của quỹ tài sản công Temasek Holdings, nhưng
không ai biết mức lương của bà. Đã có những vấn đề về xung đột lợi ích, chẳng hạn
như việc bổ nhiệm cựu luật sư riêng của Thủ tướng Lý vào vị trí tổng chưởng lý,
hoặc tổng kiểm toán mới là vợ của một bộ trưởng hiện tại. Trong khi những vụ bổ
nhiệm này tự nó không phải là dấu hiệu của tham nhũng, nhưng nó cũng làm dấy
lên nhiều nghi ngờ.
Với nhiều chuyện xảy ra ở
hậu trường như vậy, thật khó để các công dân bình thường thực sự biết hệ thống
dân chủ của chúng tôi thực sự chống đỡ được đến mức nào. Và không có các quyền
tự do dân sự cũng như các quyền chính trị như tự do hội họp, tự do ngôn luận
cùng với các kỳ bầu cử thực sự tự do và công bằng, người dân có rất ít lựa chọn
trong việc kiểm soát những người có quyền lực.
Có nhất thiết phải
đánh đổi hay không?
Bên cạnh việc coi trọng
kinh tế và những vấn đề liên quan đến “bánh mì và bơ sữa” hơn các vấn đề dân chủ
và tự do dân sự, còn có một câu hỏi khác thậm chí còn quan trọng hơn: liệu
có nhất thiết phải đánh đổi không?
Ý tưởng về một “sự đánh đổi”
cho rằng nền dân chủ và tính hiệu quả/sự thịnh vượng vốn không tương thích với
nhau. Tuy nhiên, có những ví dụ rõ ràng cho thấy điều ngược lại. Ví dụ, các quốc
gia Scandinavia như Na Uy và Thụy Điển thường xếp hạng cao về dân chủ cũng như
chất lượng cuộc sống. Không có lý do để tin rằng bất cứ ai cũng cần phải lựa chọn
giữa cái này hay cái khác.
Nhiều người ở các quốc
gia khác nhìn vào sự hào nhoáng của Singapore và tự hỏi liệu quốc gia họ có nên
đánh đổi giữa nền dân chủ và tự do cho sự thịnh vượng và ổn định kinh tế hay
không. Nhưng họ nên nhớ rằng: mặc dù có thể có một số lợi ích ngắn hạn, một hệ
thống được xây dựng trên một sự đánh đổi không cần thiết như vậy là rất bấp
bênh, nó khiến mọi người phải chiều theo ý chí tùy tiện của những kẻ có quyền.
***
Kirsten Han đóng góp bài viết này cho Luật Khoa theo
dự án hợp tác giữa Luật Khoa và tạp chí New Naratif của Singapore.
Kirsten Han là một nhà báo tự do người Singapore và là người quản lý thư tin We, The Citizens. Cô nhận được Giải thưởng Danh dự của tổ chức World Justice Project cho hạng mục Báo chí Pháp quyền Đặc biệt năm 2018, và Giải thưởng Báo chí Nhân quyền (Human Rights Press Award) cho các tác phẩm chính luận của cô về “tin giả” và tự do biểu đạt năm 2019. Tiểu luận của cô, “The Silhouette of Oppression”, được Epigram Books xuất bản thành sách năm 2019. Kirsten cũng là sáng lập viên của We Believe in Second Chances, một tổ chức vận động bãi bỏ án tử hình ở Singapore.
Hoang Nguyen dịch bài viết gốc của Kirsten Han (tiếng Anh) sang tiếng Việt.
Kirsten Han là một nhà báo tự do người Singapore và là người quản lý thư tin We, The Citizens. Cô nhận được Giải thưởng Danh dự của tổ chức World Justice Project cho hạng mục Báo chí Pháp quyền Đặc biệt năm 2018, và Giải thưởng Báo chí Nhân quyền (Human Rights Press Award) cho các tác phẩm chính luận của cô về “tin giả” và tự do biểu đạt năm 2019. Tiểu luận của cô, “The Silhouette of Oppression”, được Epigram Books xuất bản thành sách năm 2019. Kirsten cũng là sáng lập viên của We Believe in Second Chances, một tổ chức vận động bãi bỏ án tử hình ở Singapore.
Hoang Nguyen dịch bài viết gốc của Kirsten Han (tiếng Anh) sang tiếng Việt.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment