Wednesday, 8 July 2020

GIỚI TRẺ GỐC VIỆT & CĂNG THẲNG GIA ĐÌNH VÌ BIỂU TÌNH ỦNG HỘ ÔNG FLOYD (Đằng Giao / Người Việt)






July 8, 2020

WESTMINSTER, California (NV) – Cái chết của ông George Floyd, một người da đen, bị một cảnh sát viên da trắng, ông Derek Chauvin, dùng đầu gối chèn cổ đến chết hôm 25 Tháng Năm và từ đó đến nay gây mâu thuẫn trên toàn quốc dẫn đến nhiều cuộc biểu tình về tình trạng kỳ thị chủng tộc. Không những thế, cái chết này còn gây căng thẳng giữa các thế hệ trong gia đình gốc Việt tại Little Saigon.

Một thanh niên trẻ, xin tạm gọi là Việt, chia sẻ với tôi: “Con bị ba mẹ la, không cho con ra khỏi nhà vì con đi biểu tình ‘BLM’ với bạn bè. Con giải thích nhiều mà ba mẹ không hiểu. Chị con bênh con nhưng cũng bị la luôn. Hai chị em con buồn lắm vì không hiểu tại sao ba mẹ lại khó khăn như vậy.”

Vừa nói, em vừa đấm nhẹ tay phải vào lòng tay trái. Trên mu bàn tay trái em còn chữ “BLM” màu đen chưa phai hết.

“BLM” là “key word” của phong trào biểu tình khắp nơi trong nước Mỹ, và toàn cầu, đòi công lý cho ông Floy, nạn nhân mới nhất của tệ nạn sử dụng bạo lực tàn nhẫn của cảnh sát Mỹ.

“BLM” là chữ tắt của khẩu hiệu “Black Lives Matter,” một sự thật đáng lẽ ra không ai cần nhắc lại, một sự thật mà đáng lẽ ra cảnh sát trong một nền tự do dân chủ không được quyền quên.

Sự bực bội, bí bách trong lòng Việt cần được giải tỏa. Việt tiếp: “Xưa nay chị con và con sợ ba mẹ lắm, nhưng kỳ này ba mẹ như không hiểu gì về chuyện ông George Floyd hết mà làm như rất rành nên tụi con rất bực.”

Mặt Việt sầm xuống, em lắc đầu: “Cả hai người cứ la tụi con là ‘lo chuyện bao đồng.’ Mẹ con nói là giả thử người Việt mình bị chết như vậy thì sức mấy ai thèm lên tiếng. Bữa đó, ba con nói, ‘Chính tụi nó (người da đen) cũng kỳ thị mình lắm. Đừng có tưởng.’ Con hỏi họ làm gì mà ba nói họ kỳ thị thì ba nói, ‘Mày im đi. Đừng có hỗn.’”

Việt không nói nữa nhưng sự căng thẳng giữa hai chị em Việt và cha mẹ trở nên trầm trọng hơn. Đến mức em ít nói chuyện với cha mẹ khi ăn cơm.

Cô Nicole Nguyễn (cầm loa), một sinh viên trong ban tổ chức cuộc biểu tình ở Garden Grove. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Theo lời em kể, khi coi tivi, cha mẹ em bắt đầu ồn ào phê phán những người biểu tình đòi công lý là “bọn ngu ngốc” vì đang trong dịch COVID-19, khi mọi người phải tuân theo lệnh “social distancing” mà lại đứng sát nhau biểu tình.

Rồi một người bạn của cha Việt đến nhà chơi, cũng “hùa” theo. Việt kể: “Chú nói cảnh sát Mỹ làm vậy là đúng rồi. ‘Nó’ là một thằng tội phạm (ông Floyd), cặn bã xã hội, vào tù ra khám bao nhiêu lần rồi. Nếu biết suy nghĩ kỹ, ai cũng thấy rõ ràng đây là một vở kịch của đảng Dân Chủ bày ra cho cả nước náo loạn để hại ông Trump mà thôi. Chú còn nói dân Mỹ ngây thơ quá, đi biểu tình bênh vực cho một ‘thằng’ xài tiền giả.”

Rồi cha Việt nói rằng nếu cần đòi công lý thì nên đòi công lý cho những người có tiệm bị “bọn súc vật” xông vô cướp phá.

Chính bản thân tôi cũng nghe những lời bình phẩm của nhiều người chung quanh về chuyện này. Đa số buông một câu sổ toẹt: “Ôi, chuyện Mỹ đen, hơi đâu mình dính vô cho mệt.” Có người còn nặng lời hơn, thẳng thừng buộc tội: “Bọn này làm biếng và du đãng lắm, ở nhà ăn ‘welfare’ rồi hút chích, rồi trộm cướp, rồi bắn giết nhau.”

Đám đông quỳ xuống 8 phút 46 giây để tưởng niệm cái chết phi lý của ông George Floyd. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chị em Việt đã phải giải thích cho cha mẹ là những người trẻ tuổi biểu tình đòi công lý là một nhóm khác và những người bất lương lợi dụng tình hình để hôi của là khác, nhưng hai người khăng khăng buộc tội là hai em hư đốn, cãi lời cha mẹ.

Với tôi, sự kiện đáng buồn của ông Floyd đã gây nhiều xung đột trong cộng đồng chúng ta giữa các ý thức hệ cũng như giữa các thế hệ.

Giữa các khuynh hướng chính trị với nhau, phe phù Trump cho rằng ông ta là đúng khi gọi những người biểu tình ở Minneapolis, Minnesota, đòi công lý cho ông Floyd là “thugs,” là đồ du côn, là bọn khủng bố khi họ đốt Sở Cảnh Sát Minneapolis và hăm dọa sẽ bắn những người hôi của khi tweet, “When the looting starts, the shooting starts.” Trong lúc ấy, phe không phù Trump cho rằng một người trị quốc anh minh không thể phát biểu một cách vô trách nhiệm như vậy vì chính những từ ngữ và thái độ ông chọn đã khiêu khích quần chúng hơn là xoa dịu họ.

Nhưng trong phạm vi bài này, tôi không dám lạm bàn đến chuyện chính trị bao la khi những thống đốc  như J.B. Pritzker ở Illinois, Gretchen Whitmer ở Michigan, Charlie Baker ở Massachusetts hay Jay Inslee ở Washington không đồng ý với quan điểm của Tổng Thống Trump mà chỉ dám bày tỏ suy nghĩ hạn hẹp của mình trước một sự căng thẳng trong gia đình em Việt thôi.

Thật đáng buồn khi Việt muốn biểu tình để nói lên sự ủng hộ của mình cho một nạn nhân của một bất công xã hội mà lại bị cha mẹ cho là hỗn hào.

Việt than: “Cháu không hiểu sao mà nói chuyện với ba mẹ lại khó quá. Mà cháu hỏi ba là người da đen làm gì mà ba nói họ kỳ thị thì có hỗn không? Hỗn ở chỗ nào?”

Thanh niên gốc Việt ủng hộ biểu tình dọc đường. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Khi biết năm nay Việt 23 tuổi và gia đình em sang Mỹ được tám năm, tôi thấy ngay được sự khó khăn mà em đang gặp phải ở nhà. Cha mẹ em chưa ở đây lâu đủ để có cách suy nghĩ thoáng hơn và chính em cũng chưa ở đây lâu đủ để có sự tự tin để nói chuyện với cha mẹ một cách mạch lạc.

Tôi chỉ dám khuyên Việt rằng nhiệm vụ của em bây giờ chỉ là tìm cách giải thích cho cha mẹ rằng thứ nhất em không hề dám hỗn với họ mà chỉ muốn hỏi để hiểu biết vì sao cha em lại nghĩ là da đen kỳ thị. Nhưng dù có được cha em giải thích cặn kẽ thì đó cũng chỉ là bước đầu.

Bước kế tiếp, quan trọng hơn, là sao cho cha em hiểu được việc em ủng hộ cho công lý không chỉ cho mình ông Floyd mà cho cả chính hai chị em em, cho cha mẹ và cho cả những người thuộc sắc dân thiểu số khác trên đất nước này.

Tôi nói: “Chuyện làm sao cho cha mẹ con hiểu con là một điều rất khó khăn vì dân chủ thật sự (chứ không là một chiêu bài tranh cử hoặc mị dân) là một cái gì còn quá mới đối với người gốc Việt, nhất là khi gia đình em mới qua Mỹ có tám năm.”

Thật khó cho Việt để giải thích cho cha mẹ em thấy được mỗi lá phiếu là một viên gạch xây dựng tòa nhà dân chủ và mỗi người xuống đường biểu tình ôn hòa cũng đang dùng tiếng nói của mình như một lá phiếu vậy.

Thật khó cho Việt để giải thích cho cha mẹ em thấy được rằng trong một nền dân chủ, một công dân gương mẫu không chỉ cứ cúi đầu tuân theo luật lệ mà đôi khi, bổn phận của một công dân là góp phần thay đổi những gì sai trái để đạt được công bình xã hội.

Đây cũng chính là tinh thần của những tiền nhân Hoa Kỳ khi họ thắc mắc trước cách đối xử không công bằng của chính phủ Anh Quốc cách nay 243 năm.

Biểu tình cho ông Floyd trên toàn quốc đã giảm rồi. Mong Việt sớm được cha mẹ cho ra ngoài thăm bạn bè. [qd]

—-
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats