BTV
Tiếng Dân
16/07/2020
Báo South China Morning
Post có bài xã luận: Hoa Kỳ cuối cùng cũng đứng về phía Biển Đông – chống lại các
yêu sách của Bắc Kinh. Hoa Kỳ đứng gần hơn với phán quyết của Tòa Trọng
tài năm 2016, khi Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố, đường chín đoạn không có cơ sở
trong luật pháp quốc tế. Trong khi thận trọng, Pompeo không nói rằng liệu
Washington có ủng hộ một nước đòi chủ quyền, để chống lại một nước khác hay
không nhưng cuối cùng Hoa Kỳ cho thấy, họ đứng về phía chống lại Trung Quốc.
Biếm họa của Craig
Stephens/ SCMP
Báo Tuổi Trẻ có bài phân
tích: Hiểu ra sao chuyện Mỹ hết trung lập về Biển Đông? Ông
Greg Poling, giám đốc AMTI nói, một trong những điểm mới trong tuyên bố của Ngoại
trưởng Mỹ hôm 14/7 là gọi các hành động của TQ quấy rối EEZ và thềm lục địa các
nước láng giềng là “phi pháp”. Lâu nay Mỹ chỉ nghĩ rằng các hành động đó là
“phi pháp”, nhưng lần đầu tiên họ sử dụng cụm từ này trong tuyên bố chính thức.
Ông Poling nói: “Các
quan chức Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm cách ra thông điệp với ngôn từ mạnh mẽ hơn tại
các diễn đàn quốc tế và đặt áp lực lên các đồng minh và đối tác của mình để làm
điều tương tự“.
VOA có bài: Tuyên bố ‘không sợ’ Mỹ, Trung Quốc nói ‘Cây muốn lặng mà gió chẳng
dừng’. Trong cuộc họp báo ngày 15/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ
Hoa Xuân Oánh, tuyên bố, nước này “không sợ bất kỳ lệnh trừng phạt nào” và cáo
buộc Washington “kích động và gây bất ổn” trong khu vực.
Bà Hoa Xuân Oánh sử dụng
võ mồm: “Hoa Kỳ nên suy nghĩ cẩn thận về chính sách của mình. Còn nói về biện
pháp trừng phạt, Trung Quốc không sợ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Nếu Mỹ
muốn khuấy động rắc rối thì hãy để bão tố nổi lên mạnh hơn nữa”.
Việt Nam khuyên Trung Quốc: Quay đầu vào bờ để Biển Đông lặng sóng, bài trên báo Đại
Đoàn Kết. Nhưng báo Hoàn Cầu của Trung Quốc: Việt Nam sẽ ‘trắng tay’
nếu đu dây theo Mỹ để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông,
VOA đưa tin. Hoàn Cầu Thời báo, cái loa của Bắc Kinh, đe dọa:
“Hà Nội hy vọng sẽ đu
dây theo Washington để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông. Đây là một lựa
chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra trước nhu cầu về sức mạnh quốc gia và
tình hình khu vực. Nhưng nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng
thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự
phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn
những gì nước này có được”.
VietNamNet đưa tin: Chuyên gia Trung Quốc: Bắc Kinh cần thay đổi ứng xử ở Biển Đông.
Báo SCMP dẫn lời chuyên gia Trần Tương Miểu, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia
Trung Quốc, nhận định, việc kiềm chế căng thẳng với các quốc gia Đông Nam Á hiện
là nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền Bắc Kinh. Ông Trần nói: “Nếu Trung
Quốc có đụng độ hàng hải với Malaysia hay Philippines, thì Mỹ sẽ có cớ nhảy vào
và dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp”.
Mời đọc thêm:
Con đường “đi lên
chủ nghĩa xã hội” ở VN, đi hoài không tới
Hôm qua, báo Thanh Niên
có bài: Ông Võ Văn Thưởng: ‘Làm sáng tỏ hơn nữa con đường lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta’. Ông Thưởng nói, các tham luận đã chỉ rõ: “Nhiệm
vụ của ngành tuyên giáo trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực
tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta“.
Như vậy là mấy chục năm
qua, Đảng dẫn dắt người dân Việt Nam đi trên con đường mà chẳng biết đi đến
đâu? Cũng chẳng biết khi nào mới tới? Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận: “Hiểu đơn giản,
lâu nay dắt díu nhau đi mà không biết con đường đó dẫn tới đâu hay sao ấy. Đi
đêm mà không gậy lẫn chẳng đèn luôn. Liều mạng thật!“
Facebooker
Nguyễn Hoàng Dũng đề nghị, nên bỏ đi chữ “Lên” trước CNXH. “Vì một khi chưa tìm ra được đích
đến XHCN ở nơi đâu, thì làm sao có thể xác định được là ‘Lên’ hay ‘Xuống’, ‘Tới’
hay ‘Lui’, ‘Sang Phải’ hay ‘Sang Trái’… cho được? Nhiều khi tưởng lên cao như
Liên Xô một thời thì hoá ra lại rơi xuống hố thẳm thì sao? Rồi lắm lúc đang
trên con đường rộng thênh thang 8 thước, thì bỗng phát hiện ra trước mắt là đường
cùng, như tình trạng thê thảm của Trung Cộng hiện giờ?“
Tháng trước, ông Trần Hữu
Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đã gây ồn ào khi bàn về chủ
đề: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp
tục làm rõ. Ông Phú cho rằng: “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác –
Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc
lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn”.
Tin nhân quyền
Ông Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền,
cho biết, nhóm Hiến pháp sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 31/7, gần 22 tháng kể từ
khi họ bị bắt cóc hồi đầu tháng 9/2018.
Tám người trong nhóm sẽ bị
đưa ra xét xử, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Ngô Văn Dũng, Đỗ
Thế Hoá, Đoàn Thị Hồng, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương và Lê Quý Lộc. Hai bà
Hạnh và Vang bị buộc tội theo khoản 1, Điều 118, Bộ luật Hình sự, mức án tù có
thể lên đến 15 năm. Sáu người còn lại bị cáo buộc theo khoản 2, Điều 118, mức
án tù cao nhất là 7 năm.
Tình trạng của blogger Lê
Anh Hùng, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình cấp báo, blogger Lê Anh Hùng đang bị ngược đãi trong tù. Những
hình ảnh được gửi ra cho thấy, tại Viện Pháp y Tâm thần, ông Lê Anh Hùng “bị
một y tá tên An đánh đập dã man, bị trói vào giường tiêm thuốc tâm thần”.
Blogger Lê Anh Hùng
bị trói vào giường. Nguồn: FB Nguyễn Vũ Bình
Hôm qua, đài VOA cho hay, chính phủ Mỹ cùng nhiều tổ chức nhân
quyền kêu gọi Chính phủ VN trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Đức Quốc Vượng,
sau khi tòa án ở Lâm Đồng kêu án ông 8 năm tù hôm 7/7, tội “làm,
tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống
Nhà nước XHCN Việt Nam”.
Nguyễn Quốc Đức Vượng
tại phiên toà xét xử ở Lâm Đồng hôm 7/7. Ảnh: AFP
AFP trích lời người phát
ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Bản án nhiều năm tù dành cho ông (Vượng) là
một bản án khác trong một loại các vụ bắt bớ và các bản án đối với các nhà báo,
blogger và các nhà hoạt động nhằm mục đích từ chối (quyền) tự do ngôn luận tại
Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động
và luật pháp của mình, bao gồm cả Bộ luật Hình sự, phải phù hợp với các quy định
về nhân quyền của Hiến pháp Việt Nam và các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của
mình“.
VOA cũng nhận xét rằng: “Đây
là một trong số ít những lần chính phủ Mỹ lên tiếng về vấn đề nhân quyền Việt
Nam gần đây”. Còn AFP nhận định: “Mỹ thường xuyên tấn công hồ sơ nhân
quyền của Trung Quốc nhưng có mối quan hệ tương đối nồng ấm với Việt Nam, dù là
cựu thù trong chiến tranh, và đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Hà Nội khi đối
mặt với một Bắc Kinh đang trỗi dậy”.
LS Lê Quốc Quân đăng tải ba clip, cho thấy sự đối đầu giữa các viên công an với một
cặp vợ chồng, rồi sau đó nhân vật chính phía công an nhờ người gọi điện thoại,
năn nỉ cặp vợ chồng này gỡ bỏ clip, vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tới “sự nghiệp
thăng tiến” của anh ta (clip cuối):
LS Quân bình luận: “Không
một ai có thể đánh người, bóp cổ rồi lấy chìa khoá xe của người vi phạm (nếu
có) vứt đi và sau đó cãi cùn. Nghiêm trọng hơn, đại diện công quyền mà húc thẳng
xe vào người ta. Nhục hơn nữa là sợ ảnh hưởng thăng hàm mà nhờ bạn học gọi điện
đến xin gỡ video“.
Làm sao Đảng có thể
chọn được người “vừa hồng, vừa chuyên”?
Đại hội 13 đang đến gần,
sự đổi mới cơ chế chính trị như các văn kiện so với những kỳ đại hội trước, dường
như vẫn không có tia hy vọng, rằng đảng CSVN sẽ thay đổi theo
như mong đợi của người dân.
Mới đây, trong cuộc phỏng
vấn của đài VOV, ĐBQH
Nguyễn Lân Hiếu đưa ra dẫn chứng thực tế ngành của mình: “Bệnh
viện Đại học Y của chúng tôi muốn bổ nhiệm một Giáo sư ở nước ngoài về làm trưởng
khoa. Tuy nhiên, với quy định hiện nay thì rất khó bởi giáo sư đó phải học
trung cấp, rồi cao cấp chính trị.
Theo tôi, những yêu cầu đó đang là rào cản đối với đối
tượng cán bộ không tham gia lĩnh vực lý luận chính trị của Đảng, hay xây dựng
thể chế, xây dựng lý luận mà làm ở lĩnh vực chuyên môn. Các nhà khoa học sẽ ngần
ngại, khó đóng góp hết mình cho đất nước. Một giáo sư ở nước ngoài về nếu yêu cầu
họ phải bỏ ra 2 năm để học cao cấp chính trị thì tôi nghĩ chả vị nào muốn về”.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu.
Ảnh: Trần Khánh/ VOV
Trong một cơ chế độc tài,
không minh bạch và không có báo chí tự do, việc chọn ra một nhân vật “phải
là người không tai tiếng, đặc biệt là tham nhũng, lợi ích nhóm” như ông Hiếu
mong mỏi là bất khả thi. Mà cho dù có lựa chọn được, thì khi vào trong guồng
máy hoạt động của tổ chức đảng, cũng khó giữ được mình, nếu không muốn nói là sẽ bị
nghiền nát.
Hà Nội, hay TP Hồ Chí
Minh đều chỉ có một ghế ủy viên Bộ chính trị, nên việc phân chia ghế chắc chắn
sẽ khốc liệt. Đương nhiên là giờ này ngoài việc phải lo cho đội “gà nhà”, lo cho việc lái xe, thư ký
riêng, những người được cho là nắm giữ nhiều thông tin “chết người” của lãnh đạo,
thì lấy đâu ra tâm trí để quan tâm đến tiếng kêu than của dân nữa,
và cũng mặc cho thủ đô ô nhiễm hàng đầu thế giới này tiếp
tục ngập ngụa trong rác.
TP Hà Nội ngập rác.
Ảnh: internet
Mời đọc thêm:
- Thái Nguyên: Công tác nhân sự đại hội Đảng ở Đại Từ: Lựa chọn chặt chẽ, công
tâm (Báo TN).
No comments:
Post a Comment