22/06/2020
Gần đây không hiểu sao
tôi lại cảm thấy sợ người đồng hương. Sống xa cộng đồng người Việt, tôi cũng
thèm gặp gỡ bạn bè và người thân. Gặp nhau để thăm hỏi, hàn huyên, chia sẻ,
nhưng thế sự nóng bỏng lúc nào cũng dẫn đến hai đề tài "nhạy cảm" là
đại dịch Covid-19 và nạn kỳ thị chủng tộc. "Nhạy cảm" là bởi vì thế
nào cũng chạm đến nhà lãnh đạo quyền thế và nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay là
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cứ đụng đến ông là người đồng hương của tôi gân cổ
cãi cho đến cùng.
Cứ 10 người Việt tỵ
nạn ở Úc mà tôi có dịp trao đổi, thì có đến 8, 9 người ủng hộ Tổng thống Trump
hết mình.
Theo cuộc thăm dò bỏ túi
của tôi, cứ 10 người Việt tỵ nạn ở Úc mà tôi có dịp trao đổi, thì có đến 8, 9
người ủng hộ Tổng thống Trump hết mình. Luận cứ chung mà người đồng hương của
tôi đưa ra để bênh vực, bảo vệ và ngay cả sống chết cho Tổng thống Trump là : ông là nhà lãnh đạo duy nhứt
trên thế giới dám "đánh" Trung Cộng và chỉ có một mình ông mới có thể
đánh gục Trung Cộng và như vậy chế độ cộng sản ở Việt Nam mới sụp đổ. Thòng theo luận cứ ấy là một bản án rất rạch ròi : đã chống
cộng mà chống Trump thì chỉ có Việt cộng nằm vùng !
Về phần những người đồng
đạo công giáo của tôi, lời biện hộ dành cho Tổng thống Trump thường xoay quanh
tam đoạn luận : phá thai
và đồng tính luyến ái là tội ác, tổng thống Trump chống lại hai tội ác này, vậy
phải ủng hộ ông.
Trong cuộc tranh luận, thỉnh
thoảng tôi có trích dẫn nhận định của Đạt Lai Lạt Ma là người đã khẳng định rằng
Tổng thống Trump là người "không có một nguyên tắc đạo đức nào cả".
Tôi cũng không quên lập lại lời của Giáo hoàng Phan Xi Cô khi ngài nói về chủ
trương xây tường biên giới của Tổng thống Trump : "Một người chỉ nghĩ đến
việc xây tường, dù ở bất cứ nơi nào, chớ không phải xây cầu, không phải là tín
hữu Kitô" (1).
Câu nói về Tổng thống
Donald Trump của Giáo hoàng Francis
Những lời như thế của các
nhà lãnh đạo tinh thần xem ra chẳng có giá trị nào đối với nhiều người đồng đạo
công giáo của tôi ở Úc. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của họ dành cho tổng thống thứ 45
của Mỹ được xây dựng trên một niềm tin không thể lay chuyển là : ông là người được Thiên Chúa tuyển
chọn và sai đến cho nên dù ông có vô đạo đến đâu vẫn được Ngài che chở, phù hộ
!
Xa lắc xa lơ tận "Miệt
Dưới" mà người đồng hương của tôi còn say mê tổng thống Trump như thế thì
huống gì ngay trên đất Mỹ. Theo dõi phản ứng của nhiều người Việt ở Mỹ mỗi khi
có một tin bất lợi cho Tổng thống Trump, tôi thấy khiếp quá ! Trên một số báo mạng
Việt ngữ như CaliToday và Người Việt... những người ủng hộ ông buông ra những lời
bình luận mà tôi không dám đọc chớ đừng nói tới chuyện chép lại nguyên văn ở
đây. Chưa bao giờ ngôn ngữ
Việt Nam lại rơi vào tình trạng hạ cấp, đê tiện và bẩn thỉu đến thế !
Suy nghĩ về hiện tượng đa
số người Việt tỵ nạn ủng hộ Tổng thống Trump đến mức cuồng nhiệt như thế tôi
thường liên tưởng đến câu châm ngôn tiếng Pháp học được thời Trung học :
"Hãy nói cho tôi biết bạn thường chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn
là ai" (Dis-moi qui tu hantes, je te dirai qui tu es). Ngưu tầm ngưu,
mã tầm mã. Ai mà chả muốn làm bạn với những người có cùng suy nghĩ, quan điểm,
niềm tin, sở thích... giống mình.
Châm ngôn này lại càng có
giá trị hơn trong quan hệ vợ chồng. Vợ chồng là bạn đời của nhau. Không phải chỉ
có hợp nhãn mà còn phải hợp nhau trong rất nhiều phương diện mới có thể ăn đời ở
kiếp với nhau. Cho tới nay tôi vẫn cứ thắc mắc không hiểu sao cặp vợ chồng Mỹ
Conway vẫn còn có thể sống với nhau. Là cố vấn của Tổng thống Trump, bà vợ
Kellyanne Conway bênh vực ông chủ của mình cho tới cùng, ngay cả sẵn sàng bóp
méo sự thật, trong khi đó ông chồng George Conway thì lại là người kịch liệt
công kích Tổng thống Trump. Tôi vẫn không hiểu họ chia sẻ cho nhau điều gì trên
bàn ăn, trong phòng ngủ và nhứt là dạy dỗ con cái họ như thế nào.
"Hãy nói cho tôi biết bạn thường chơi với ai,
tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai". Châm ngôn này cũng đúng trong việc chọn mặt gởi vàng. Tôi ủng hộ một
nhà lãnh đạo vì tôi nhìn thấy trong ông hay bà những giá trị mà tôi trân quý.
Tôi chạy theo một nhà lãnh đạo vì nơi ông hay bà tôi thấy phản ảnh những điều
tôi đang ôm ấp trong lòng mà không dám nói ra hay không làm được. Tôi thích giải
quyết vấn đề bằng bạo lực cho nên tôi chọn những nhà lãnh đạo có chủ trương cai
trị bằng bàn tay sắt. Tôi có óc kỳ thị đối với một số cộng đồng thiểu số cho nên
tôi bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo nào có chủ trương như tôi... Hay biết đâu vì sống
theo nguyên tắc "cứu cánh biện minh cho phương tiện" cho nên tôi cũng
sống chết cho nhà lãnh đạo nào biết gian dối, lưu manh, miễn là đạt được mục
đích mà tôi cũng đang hướng tới.
Với tôi, nhà lãnh đạo nào, nhứt là lãnh đạo quốc gia, cũng phải là một
tấm gương cho tôi noi theo, bởi lẽ nhà lãnh đạo được coi là người đại diện
cho những giá trị cao quý nhứt của một quốc gia. Là tấm gương để tôi noi theo, nhà lãnh đạo
cũng là "tấm gương" để tôi soi mình. Xét cho cùng, trong một nhà lãnh
đạo mà tôi ủng hộ và nhứt là tôn thờ, tôi cũng nhận ra chính mình. Tôi ủng hộ
nhà lãnh đạo nào thì tôi là người như thế hay muốn được như thế. Hitler không phải tự nhiên trở thành một nhà độc tài khát
máu. Ông cũng chẳng có ba đầu sáu tay để có thể tàn sát 6 triệu người
Do Thái. Ông đã được người dân Đức bỏ phiếu bầu lên. Chủ trương thù hận đối với
người Do Thái của ông đã âm ỉ ngay trong lòng nhiều người dân Đức. Nhiều người
Đức đã nhận diện được chính mình trong con người của Hitler. Họ "biết
mình" xuyên qua tấm gương soi là Hitler.
Tôi thường đo lường chiều
sâu của tình bạn qua hai chữ "tri kỷ". Trong cuộc sống, chẳng có gì
quý giá bằng có được một người bạn tâm giao "biết mình", hiểu mình.
Dĩ nhiên, cần được người khác "biết mình" là một nhu cầu quan trọng.
Nhưng tự mình "tri kỷ", tự mình biết mình có lẽ còn quan trọng hơn.
Và nhà lãnh đạo nào, dù là chính trị hay tinh thần, cũng đều là tấm gương soi để
tôi nhận ra chính mình.
Tôi vẫn nhớ mãi lần đi
thăm một người bạn thời tỵ nạn hiện đang sống ở Mỹ. Với bằng cấp và công việc
ông đang làm, tôi xếp ông vào hạng trí thức trong xã hội. Ông có một cô con gái
rượu vừa mới tốt nghiệp đại học. Bầu khí gia đình, nhứt là trên bàn ăn, lúc nào
cũng nóng lên vì cuộc tranh luận chính trị : bạn tôi ủng hộ Tổng thống Trump hết
mình, nhưng cô con gái thì lại chê bai ông Trump thậm tệ. Lẽ ra tôi nên đứng ở
thế trung lập để làm trọng tài, nhưng không hiểu sao một hôm tôi lại đứng về
phía cô con gái và đưa ra một số nhận định về tư cách của Tổng thống Trump. Thế
là ông bạn tôi lại cho nổ tung một trái bom tấn : "Bộ anh tưởng người Mỹ
chúng tôi "ngu" cả sao khi ủng hộ Tổng thống Trump". Tôi chỉ biết
đáp trả bằng sự thinh lặng, để mặc cho hai cha con họ tiếp tục cuộc đấu khẩu. Tự
nhiên tôi lại nghe văng vẳng bên tai câu nói của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu : "Cũng
bởi thằng dân ngu quá lợn, cho nên quân nó dễ làm quan".
Trong các thứ hiểu biết,
biết mình là thứ biết quan trọng nhứt và trong các thứ ngu, có lẽ ngu nhứt là
không biết mình ngu hay ảo tưởng về mình. Câu chuyện "Triết lý Tri kỷ"
của thi hào Mỹ gốc Lebanon Kahlil Gibran (1883-1931) gợi lên cho tôi ý nghĩ ấy.
Sau khi đọc bài đối thoại về thuyết "tri kỷ" của nhà hiền triết Hy Lạp
Socrates, một thanh niên nọ mới thấy cần phải đi sâu vào tận đáy lòng để biết
mình. Đứng trước tấm gương, anh nhìn thẳng vào con người xấu xí của mình, suy
nghĩ về hình thù cái đầu, khuôn mặt và tứ chi của thân thể anh. Điều lạ lùng là
bất kỳ nét xấu xí nào trong người của anh cũng đều có sự tương đồng nơi các bậc
vĩ nhân trong nhân loại. Người anh lùn, nhiều bậc vĩ nhân cũng lùn. Trán anh thấp,
nhiều bậc vĩ nhân cũng có trán thấp. Mũi anh dài và gãy, nhiều bậc vĩ nhân cũng
có cái mũi như thế. Mắt anh sâu, nhiều bậc vĩ nhân cũng có mắt sâu vậy. Môi anh
dày có khác chi nhiều bậc vĩ nhân. Hai cái tai dài của anh, tuy trông hợp với đầu
của một con thú, lại cũng giống như tai của biết bao nhiêu bậc vĩ nhân. Má anh
lõm ư ? Nhiều bậc vĩ nhân cũng thế thôi. Cằm anh lẹm thì đã sao ? Nhiều bậc vĩ
nhân cũng thế thôi.
Đó là xét về thể lý. Còn
nói về một số thói quen, người thanh niên tự nhận xét : đôi khi anh để bốn năm
ngày không rửa tay chân mặt mày. Anh bảo có khác gì Beethoven đâu. Anh cũng
thích nghe lỏm chuyện ngồi lê đôi mách của các bà các cô. Mà đã sao ? Một số bậc
vĩ nhân cũng thế thôi. Nói gì đến tật tham ăn, anh đâu có thua gì nhiều bậc vĩ
nhân !
Suy nghĩ một lúc, người
thanh niên "đưa những đầu ngón tay nhơ bẩn sờ lên trán rồi tiếp tục nói :
"Đây chính là ta. Đây là con người thật của ta ! Ta có tất cả những đức
tính của các bậc vĩ nhân từ đầu lịch sử tới bây giờ. Một thanh niên như ta có
những đức tính ấy, cốt để hoàn thành những công việc lớn".
Thi sĩ Kahlil Gibran kết
thúc bài thơ ngụ ngôn như sau : "Sau đó, hắn để nguyên bộ đồ hôi hám ngả
lưng trên mặt giường nhơ bẩn rồi ngủ thiếp đi ngay, tiếng ngáy vang động khắp bầu
trời mưa" (2).
Tôi không biết tổng thống
thứ 45 của Mỹ có biết bài thơ này không. Nhưng xem chừng nơi người thanh niên
trong bài thơ tôi lại thấy phảng phất vài nét nơi tổng thống Trump khi ông
tuyên bố mình là một "thiên tài ổn định", là người thông minh nhứt,
là người cái gì cũng nhứt hết... Nhìn qua tấm gương lãnh tụ này, biết đâu những
người ủng hộ và sùng bái ông lại chẳng nhận ra bản thân họ.
Người thanh niên trong
bài thơ của thi sĩ Kahlil Gibran khi đọc thuyết tri kỷ của Socrates có lẽ quên
mất rằng chính nhà hiền triết này cũng đã từng nói : "Tôi biết rằng tôi chẳng
biết gì". Phải chăng ông chẳng muốn nói rằng cái biết thực sự là biết mình
ngu.
Sống suýt soát cùng một
thời kỳ với Socrates, một nhà hiền triết của Châu Á là Lão Tử dường như cũng muốn
dạy cùng một điều khi ông nói : "Quân tử thịnh đức dung mạo như ngu"
: bậc quân tử có đức hạnh thường khiêm cung như kẻ ngu đần.
Chu Văn
22/06/2020
-------------------
No comments:
Post a Comment