Monday, 3 February 2020

EVFTA / IPA TIẾN TRÌNH & ĐỀ NGHỊ HÀNH ĐỘNG (Hoàng Thị Mỹ Lâm - Danlambao)





04/02/2020      3 Comments

1. Con đường hình thành của Hiệp Định Thương Mại Tự Do VN-Liên Âu EVFTA và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư IPA 

Sau 3 năm đàm phán với 14 phiên họp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng Vụ Thương Mại Quốc Tế (Commission of International Trade = Commission of INTA / thuộc Tổng Vụ Âu Châu European Commission) từ 8.10.2012 cho đến ngày 4.8.2015 thì Việt Nam và Liên Âu đã đạt kết thúc cơ bản trong việc đàm phán về EVFTA.


Ngày 2.12.2015 Cựu Chủ tịch Tổng vụ Âu Châu Jean-Claude Juncker và Cựu Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã ra một thông cáo báo chí chung về sự việc kết thúc đàm phán và bắt đầu tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị ký kết Hiệp Định EVFTA. 

Tại thời điểm này hai bên hy vọng Hiệp định EVFTA sẽ được ký kết vào đầu năm 2018. 

Tuy nhiên sau đó xảy ra nhiều biến cố tại Âu Châu như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng 7/2017 và việc 32 Nghị Sĩ Âu Châu gửi thư vào tháng 9/2018 đến các lãnh đạo Liên Âu và bà Cecilia Malmström (Tổng Vụ Thương Mại Liên Âu) góp ý “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam trước khi phê chuẩn EVFTA”. Đồng thời 50 Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Việt Nam cũng gửi thư vào tháng 9/2018 đến các cơ quan quốc tế tố cáo sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của Nhà Nước Việt Nam. 

Theo dõi tiếp tiến trình hình thành hiệp định EVFTA chúng ta biết vào tháng 9/2017 theo quyết định của Tòa án Tư pháp Liên Âu (Court of Justice of the European Union), Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA phải tách ra thành hai hiệp định riêng biệt: hiệp định Thương Mại Tự Do EVFTA (EU-VN Free Trade Agreement) và hiệp định Bảo Hộ Đầu Tư IPA (Investment Protection Agreement). Mãi đến tháng 6/2018 việc tách hiệp định thành hai văn bản mới hoàn thành và ba tháng sau, vào ngày 17.10.2018, Tổng Vụ Âu Châu (European Commission) đã chính thức thông qua EVFTA và IPA. 

Tám tháng sau đó Hội Đồng Âu Châu(European Council), mặc dầu đứng trước sự đối kháng của nhiều Nghị Sĩ và Tổ chức Xã hội Dân sự, cuối cùng cũng đã phê duyệt cho phép hai bên ký kết các hiệp định vào ngày 25.6.2019. Sự kiện ký kết giữa Liên Âu và Việt Nam này đã diễn ra không lâu sau đó, vào ngày 30.6.2019, tại Hà Nội với bà Cecilia Malmström, Tổng Vụ Thương Mại Âu Châu. Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng nhà nước Việt Nam, đã hân hoan phát biểu trong buổi lễ: “...hai hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh mối quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới...” 

2. Nội dung sơ lược của hiệp định EVFTA

Dự thảo văn bản EVFTA có 17 chương, 2 nghị định và một số biên bản ghi nhớ về giao thương hàng hóa dịch vụ, về đầu tư, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ... Khi văn bản có hiệu lực thì 99% mục thuế quan sẽ được bãi bỏ trong 7 năm. Hiệp Định EVFTA khuyến khích Việt Nam xuất khẩu sang EU các sản phẩm viễn thông, quần áo, thực phẩm... và Việt Nam sẽ nhập khẩu từ EU máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất, nông sản... Tổng sản lượng trao đổi doanh thương giữa Liên Âu và Việt Nam sẽ lên đến 50 tỷ Dollar mỗi năm. 

Sau đây là những tóm tắt cụ thể: 

- Giảm thuế quan cho hai bên, đặc biệt là Việt Nam phải chấp nhận giảm thuế nhập khẩu cho Liên Âu. Ví dụ: máy móc phụ tùng hiện tại chịu 35% thuế thì sau 5 năm sẽ miễn thuế; xe hơi hiện tại chịu 78% thuế, sau 10 năm sẽ miễn thuế... 

- Bảo vệ nguồn gốc địa lý của sản phẩm. Ví dụ: phải ghi rõ rượu vang Pháp, cà phê Ban Mê Thuộc... để tránh hàng giả, hàng nhái. 

- Tạo công bằng thương mại tại Việt Nam. Liên Âu có thể đấu thầu với các bộ ngành Việt Nam và các doanh nghiệp nhà nước 

- Bảo vệ tiêu chuẩn xã hội môi trường, thực hiện các công ước Lao Động Quốc Tế, hiệp định môi trường đa phương, thực hiện thương mại phát triển bền vững cả hai bên. 

- Tạo sân chơi bình đẳng cho các công ty EU, cam kết quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là dược phẩm phải được bảo vệ nguồn gốc phát minh sáng chế. 

- 84% mặt hàng từ Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được miễn thuế, sau 7 năm hàng miễn thuế nhập khẩu sẽ lên đến 99%. 

3. Phát biểu của các nhân vật có trách nhiệm với hiệp định EVFTA và IPA 

Không thể làm ngơ trước sự phản đối của các tổ chức Xã Hội Dân Sự quốc nội quốc tế, Người Việt trong và ngoài nước cũng như của các Nghị Viên Âu Châu, ông Peter Berz, Đơn Vị Trưởng vùng Đông Á của Tổng Vụ Âu Châu (INTA/European Commission), phải lên tiếng hai lần với hai văn bản Ares (2018) 6279341-7338229 và Ref. Ares (2019) 6596446-25/10/2019 để khẳng định: “Liên Minh Âu Châu luôn để tâm theo dõi tình hình xã hội dân sự tại VN và ngày càng lo ngại thêm về sự đàn áp bắt bớ và lên án các nhà hoạt động cho nhân quyền...Trong khuôn khổ hiệp ước đối tác và cộng tác Việt Nam-Liên Âu (Partnership and Cooperation Agreement = PCA) chúng tôi đã liên tục và dứt khoát đưa ra những khuyến nghị cải thiện trong các buổi đối thoại với Việt Nam về nhân quyền... Trong dự thảo văn bản Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA giữa Liên Minh Âu Châu và Việt Nam có một chương về Thương Mại Và Phát Triển Bền Vững (Trade and Sustainable Development = TSD) đi kèm với những cam kết ràng buộc về chấp hành và thực thi những điều cơ bản trong Hiệp Ước Lao Động Quốc Tế (International Labor Organisation = ILO)...” 

Bà Cecilia Malmström, Cựu Tổng Vụ Thương Mại Âu Châu, cũng đã tuyên bố: “EVFTA chẳng những truyền bá các tiêu chuẩn cao của hàng hóa Âu Châu vào Việt Nam mà còn tạo ra khả năng thảo luận sâu sắc về quyền con người và bảo vệ công dân...” 

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (Committee of International Trade = INTA) thuộc Quốc Hội Âu Châu, là người có vai trò quan trọng bên cạnh Hội Đồng Âu Châu (European Council) để xét duyệt trước khi đệ trình dự thảo EVFTA lên Quốc Hội Âu Châu hầu lấy biểu quyết cuối cùng, đã khẳng định: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, đặc biệt là quyền người lao động thì sẽ không có hiệp định nào được Quốc Hội Âu Châu thông qua cả.” 

4. Những nỗ lực can thiệp vào EVFTA của người dân Việt trong và ngoài nước 

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động nhân quyền, được mời từ Việt Nam sang điều trần trước INTA Commitee thuộc European Commission ngày 10.10.2018. Ông đã đã đưa ra bốn ý kiến: thứ nhất là EU phải bảo đảm Việt Nam sẽ phê chuẩn và cam kết thực thi ba công ước cơ bản còn lại của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO, thứ nhì là EVFTA sẽ là đòn bẩy để gây sức ép với VN trong các cuộc đàm phán tương lai và giúp VN giảm phụ thuộc vào nước láng giềng lớn hơn (Trung Cộng), thứ ba là Xã Hội Dân Sự (NGO) Việt Nam cần đóng vai trò giám sát EVFTA sau khi thông qua và thứ tư là vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. 

Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập tại Việt Nam, đã viết từ tháng 5/2019: “Chỉ sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền chưa từng được cải thiện của Hà Nội, mãi đến tháng 4 năm 2019 chính thể Việt Nam mới buộc phải nhượng bộ trước EU về ký và phê chuẩn ít nhất Công ước 98 trong số 3 công ước chưa ký.” và viết thêm: “Nhưng vì sao chính thể Việt Nam chỉ ký và phê chuẩn Công ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động? Công ước 87 đã bị phía Việt Nam nhét bỏ đi đâu? Phải chăng chính thể này đang tìm cách qua mặt Liên minh châu Âu, ký cho có để đạt được mục tiêu có được EVFTA?”, ông kết luận “Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn”. Ngày 3.12.2019 nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã gửi một Video đến Liên Âu kêu gọi hoãn phê chuẩn EVFTA. Ông bị khống chế và bị bắt vào ngày 21.12.2019, chỉ một ngày sau khi Quốc Hội Việt Nam thông qua Công Ước 98, vì đã dám chạm đến “tim đen” của nhà cầm quyền Hà Nội, một điều không thể chấp nhận được trong chế độ độc tài độc đảng (!!!). 

Tại hải ngoại, đặc biệt là tại Âu Châu, các tổ chức và đảng phái người Việt cũng rất quan tâm về nội dung và tiến trình của EVFTA và IPA. 

Ngày 12.03.2019 Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức đã đến Tổng Vụ Âu Châu European Commission INTA trao tận tay ông Peter Berz, bản Thỉnh Nguyện Thư “No Human Rights, No EVFTA”

Ngày 10.12.2019 Liên Hội lại đồng hành với các đảng phái và tổ chức tiếp xúc với một số Nghị Viên Âu Châu, đặc biệt là với Nghị Viên Chủ Tịch INTA Bernd Lange, để trình bày về các vi phạm nhân quyền trầm trọng đang tiếp diễn ở Việt Nam, đặc biệt là vụ bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chỉ vì quan điểm khác biệt, và trao Thỉnh Nguyện Thư “No Human Rights No EVFTA” với 5.129 chữ ký ủng hộ. 

5. Sự vận động vòng ngoài của nhà cầm quyền Hà Nội

Sau ngày ký kết hai văn bản EVFTA và IPA tại Hà Nội các lãnh đạo đã có những lời phát biểu ngông nghênh tự mãn. Ví dụ như tuyên bố của ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vào ngày 4.7.2019: “Vị thế đất nước chưa bao giờ được thế giới đánh cao như thế”; hoặc là tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước kiêm Tổng Bí Thư, vào cuối năm 2019: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”

Tuy nhiên sau lưng những phát biểu hùng hồn đó lại là những vận động tiểu xảo và hối lộ trá hình qua hình thức các Liên Minh hay Hội Ái Hữu Việt - Dân Địa Phương mà cầm đầu thường là một nhân vật sở tại thuộc cánh Tả đã về hưu làm việc bên cạnh các “Việt Kiều Yêu Nước”. Từ những nhân vật sở tại này họ tạo Lobby lân la đến các chính trị gia có ảnh hưởng đến các vấn đề mà nhà cầm quyền Việt Nam cần sử dụng. Điển hình là vụ Nghị Sĩ Jan Zahradil phải từ chức phó Chủ Tịch Ủy Ban INTA ngày 10.12.2019 vì bị trang Thông Tin Liên Âu EU Observer khám phá ra chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Tư Vấn của Liên Hiệp Hội Người Việt Nam ở Âu Châu FOVAE trong khi “mục đích của Hội này là quảng bá hình ảnh của nhà nước, do độc đảng lãnh đạo, ít tôn trọng những quyền cơ bản”, ngoài ra ông Zahradil còn chủ trì nhóm “các Nghị Sĩ bạn hữu của Việt Nam” được thành lập năm 2015 tại Brussels. 

Một vụ khác là vào ngày 20.1.2020 nghị sĩ Ellie Chowns (đảng Xanh Châu Âu) lên Twitter tố đại sứ Việt Nam “tặng quà champagne” chỉ một ngày trước khi các Nghị Viên trong Ủy Ban Thương Mại INTA thuộc Quốc Hội Âu Châu thảo luận và bỏ phiếu về khuyến nghị cho bản dự thảo EVFTA/IPA. 

Ngoài ra những gói quà lớn trong túi vải đỏ chói in quốc huy nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nằm trong ngăn tủ văn phòng của ông Bernd Lange mà chúng tôi nhìn thấy nhân buổi tiếp xúc 10.12.2019 làm chúng tôi gợi nhớ đến những túi vải đỏ tương tự cũng nằm trong tủ văn phòng ông Thị Trưởng Mimasaka vào tháng 4/2018 (ông Thị Trưởng này cho đặt tượng ông Hồ trong Viện bảo tàng khu vực). Nghị Viên Bernd Lange, từng công du đến Việt Nam trong vòng đàm phán cho EVFTA vào cuối tháng 10/2019, cảm thấy không thoải mái lắm với tia nhìn tình cờ của chúng tôi và đã cười nhẹ: “họ không tiết kiệm về khoản này đâu”

6. Những nhận định và tiến triển mới về EVFTA

Trong một bài báo đăng trên Deutsche Welle ngày 20.1.2020 (bài báo này được Tuần Báo Focus đăng lại sau đó) ông Erwin Schweisshelm, cựu Giám Đốc cơ sở Friedrich-Ebert- Stiftung (=FES thuộc đảng Xã Hội SPD/ Đức) tại Việt Nam, cho rằng Hiệp Định EVFTA là một bước thứ hai của EU để tiến vào thị trường của khối ASEAN bao gồm 10 quốc gia với tổng dân số trên 6 trăm triệu, điều này nằm trong chiến thuật kinh tế đối đầu với Trung Cộng. Với Singapore, EU đã mở bước đầu Hiệp Định Thương Mại Tự Do; hiện tại các nước Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương cũng đang bắt đầu đàm phán. 

Ông Erwin Schweisshelm cũng nghi ngờ sự hứa hẹn của nhà cầm quyền VN về việc cho phép thành lập Nghiệp Đoàn Độc Lập kể từ ngày 1.1.2021. Tuy Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn xong Tiêu chuẩn 87 (tự do hội họp) của Công Ước Lao Động Quốc Tế ILO vào ngày 20.11.2019, nhưng Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA buộc VN phải chấp nhận tất cả 8 Tiêu chuẩn cơ bản của ILO, nghĩa là còn thiếu tiêu chuẩn 98 (quyền lập hội) và tiêu chuẩn 105 (cấm lao động cưỡng bức). Ông Schweisshelm từng có kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam đã thẳng thắn đưa ra tuyên bố nghi ngại về dự kiến thành lập một Nghiệp Đoàn mà không kết hợp với Công Đoàn Cộng Sản là “một điều cấm kỵ trong hệ thống Lê Nin”, ông phát biểu: “Dù đối thoại tốt đẹp và trên văn bản có nhiều giá trị được chia sẻ giữa EU và Việt Nam, nhưng trên thực hành thì mọi việc có thể diễn biến khác đi”

Vào tháng 11/2019 có 18 tổ chức Xã Hội Dân Sự Việt Nam đã gửi đến Quốc Hội Âu Châu yêu cầu hoãn EVFTA cho đến khi VN thả các Tù Nhân Lương Tâm và chấp nhận Tự Do Báo Chí. Mới đây, vào ngày 15.1.2020 ông Claudio Francavilla thuộc Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền HRW tại Bỉ cũng đòi hỏi việc phê chuẩn EVFTA nên hoãn đến khi Việt Nam có những nhương bộ đáng kể. Ông Schweisshelm cho rằng những yêu cầu tối đa như thế không thuận lợi vì các tổ chức Xã Hội Dân Sự trong nước có thể có được một “sân chơi “ sau khi Hiệp Định được thực thi đứng đắn và với điều kiện EU phải đồng hành kiểm soát nghiêm chỉnh các cam kết trong Hiệp Định. 

Vấn đề khẩn thiết được đặt ra là sự ràng buộc các cam kết đã thỏa thuận trong EVFTA. Kinh nghiệm với Nam Hàn cho thấy mặc dù Nam Hàn đã ký một Hiệp Định Thương Mại Tự Do(FTA) với EU từ năm 2011, thế mà cho đến ngày nay chỉ có một nửa các Tiêu chuẩn Lao động Cơ bản được Nam Hàn phê chuẩn. Vì vậy, theo ông Schweisshelm để tránh sự lôi thôi này thì trong Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA phải quy định rõ rệt quy chế kiểm soát và trừng phạt, từ đó các nỗ lực của những người yêu công bằng xã hội sẽ bước vào giai đoạn mới với mục đích buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong Hiệp Định. 

Thực tế thì trong Hiệp Định EVFTA có một khoản về việc thành lập một Nhóm Tư Vấn (Domestic Advisory Group = DAG) để kiểm soát việc thực thi các thỏa thuận. Trong nhóm DAG bao gồm cả đại diện của giới chủ nhân và công nhân cũng như đại diện các tổ chức dân sự Bảo Vệ Môi Trường. Sẽ có một DAG ở Việt Nam và một DAG ở Âu Châu. Câu hỏi được đặt ra là phía Việt Nam ai sẽ được ngồi vào DAG, các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự và các Nghiệp Đoàn Độc Lập có được phép tham gia DAG không? hay chỉ toàn là đại diện của tổ chức thuộc Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chỉ riêng việc phái đoàn đàm phán Việt Nam đòi hỏi trong văn bản Hiệp Định không được sử dụng danh từ Xã Hội Dân Sự (NGO) đã cho người ta thấy dụng ý của nhà cầm quyền VN. 

Tháng 12/2019 Nghị Viên Bernd Lange trong cương vị Chủ Tịch Ủy Ban INTA viết thư cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phía Việt Nam phải có một văn bản chính thức chấp nhận việc phê chuẩn tất cả các Tiêu chuẩn cơ bản trong ILO, xác định phương thức cho phép Nghiệp Đoàn Lao Động độc lập hoạt động và bảo đảm sự thành lập Nhóm Tư Vấn DAG độc lập trước khi Quốc Hội Âu Châu biểu quyết cho EVFTA. 

Phía Việt Nam đã trả lời nhưng “bỏ qua nhiều chi tiết”. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ Trưởng Bộ Công Thương sẽ phải giải trình các chi tiết này trước khi Ủy Ban INTA nhóm họp lần cuối vào cuối tháng Giêng 2020. 

7. Chúng ta làm và nghĩ gì nếu EVFTA /IPA được Quốc Hội Âu Châu thông qua 

Ngày 21.1.2020 EVFTA được Ủy Ban INTA/QUÂC thông qua với tỷ lệ phiếu 29/6 và 5 phiếu trắng. Hiệp Định IPA cũng được thông qua với tỷ lệ 26/7 và 6 phiếu trắng. 

Vì những vướng mắc chi tiết từ phía Việt Nam nên Ủy Ban INTA/ QHAC sẽ một buổi họp quan trọng của INTA vào cuối tháng Giêng/đầu tháng Hai 2020 trước khi Quốc Hội Âu Châu họp bỏ phiếu biểu quyết cho Hiệp định EVFTA/IPA vào giữa tháng Hai 2020. Vì thủ tục hành chánh phức tạp nên cho dù EVFTA/IPA được thông qua thì hiệp định chỉ có thể có hiệu lực sau tối thiểu 6 tháng. Riêng Hiệp định Bảo Hộ Đầu Tư IPA sẽ được phê chuẩn bởi mỗi Quốc Hội của 27 Quốc Gia và sẽ cần nhiều thời gian. Việc phê chuẩn Hiệp định Bảo Vệ Đầu Tư IPA tại Đức sẽ không diễn tiến đơn giản trước sự đối kháng kịch liệt của Đảng Xanh, một Đảng đang càng ngày càng được thêm nhiều dân chúng tại Đức ủng hộ. 

Tóm lại Hiệp định EVFTA không phải là miếng mồi hoàn hảo cho nhà cầm quyền Việt Nam. Tuy quy định Nhân Quyền thiếu vắng trong văn bản này, nhưng chỉ riêng việc thực thi các Tiêu Chuẩn 98, 87, 105 của ILO và sự thành lập Nhóm Tư Vấn DAG theo đòi hỏi của EU cũng đủ cho đảng Cộng Sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn. 

Có thể nhà cầm quyền Việt Nam đã ranh mãnh nhìn thấy gương Nam Hàn nên sẽ liều mạng ký kết rồi “muối mặt” không thực hiện các cam kết. Tuy nhiên các nhân vật phương Tây cũng đã nhận ra điều này nên họ đang ép buộc phía Việt Nam phải ra văn bản chính thức về các thỏa thuận ILO cũng như về việc chấp nhận thành lập nhóm Tư Vấn DAG. 

Như ông Schweisshelm đã kết luận, nếu EVFTA được thông qua thì công cuộc vận động của chúng ta sẽ ngả theo chiều hướng mới. Đó là việc theo dõi việc thực thi các cam kết trong EVFTA và vận động Nhóm Tư Vấn DAG Âu Châu quan sát chặt chẽ DAG Việt Nam để có thể đưa ra những nhận xét trung thực dẫn đến các biện pháp trừng phạt của EU sau này. 

Ông Nghị Viên Bernd Lange là đảng viên đảng Xã Hội SPD tại Đức, ông có liên hệ mật thiết với Friedrich-Ebert-Stiftung là một tổ chức ngoại vi của đảng SPD, trong đó có ông Erwin Schweisshelm. Ông Lange đã có những tuyên bố dứt khoát về 8 Tiêu chuẩn căn bản của ILO và sự thành lập Nhóm Tư Vấn độc lập DAG. Phương cách làm việc của ông Lange đã hài hòa phần nào những yêu cầu của các tổ chức người Việt trong và ngoài nước, đại diện tiêu biểu là yêu cầu của nhà vận động nhân quyền Nguyễn Quang A và của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, qua việc thúc đẩy thành lập Nghiệp Đoàn Lao Động Độc Lập (ILO) và xây dựng vị thế cho Xã Hội Dân Sự Việt Nam(nhóm Tư Vấn DAG). 

Sự tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho dân tộc Việt Nam là một một con đường dài và mỗi thành công nhỏ nào cũng góp một đoạn đường vào con đường dài đó. Nghiệp Đoàn Lao Động Độc Lập để bảo vệ quyền người lao động Việt Nam là một viên gạch cơ bản đầu tiên. 

Hoàng Thị Mỹ Lâm

***

Tìm hiểu về Liên Minh Âu Châu (European Union) 

Lời phi lộ: Hiệp Định Thương Mại Tự Do EVFTA và Bảo Hộ Đầu Tư IPA đang hoàn thành những thủ tục để tiến gần quyết định tối hậu. Để hiểu cơ quan nào trong Liên Âu có tác động chính lên hai Hiệp Định này chúng tôi xin mạo muội phổ biến bài này hầu làm sáng tỏ phần nào vấn đề mọi người đang quan tâm. 

Liên Minh Âu Châu là một Cơ Quan Siêu Quốc Gia liên minh kinh tế chính trị 28 quốc gia tại Châu Âu (sau Brexit là 27 Quốc Gia) trải rộng 4 triệu cây số vuông và bao gồm 5 trăm triệu dân. Liên Minh Âu Châu được chính thức thành lập từ ngày 1.11.1993 tại Maastrich Hòa Lan do 6 Quốc Gia lập nên là Đức,Pháp, Ý, Hòa Lan, Bỉ và Lục Xâm Bảo với cả thảy là 12 thành viên khởi đầu. 

Liên Minh Âu Châu có trụ sở chính ở Brussels. Tại Strasbourg họ chỉ làm việc 12 tuần mỗi năm. 

Liên Minh Âu Châu là một bộ máy hành chánh phức tạp với 50 ngàn nhân viên (trong đó có 32 ngàn người phục vụ trong Ủy Ban Liên Âu = European Commission). 

Ở đây chúng ta chỉ nêu lên bảy Cơ Quan (Institutions) chính của Liên Minh Âu Châu: 

1) Tổng Vụ Âu Châu (European Commission) = cơ quan Hành Pháp gồm Chủ Tịch Tổng Vụ, hai Phó Chủ Tịch Tổng Vụ và 24 Tổng Vụ Chuyên Ngành, tương đương với Thủ Tướng và Nội Các trong một Quốc Gia: 

Bà Tiến Sĩ Ursula von der Leyen là Chủ Tịch Tổng Vụ Âu Châu nhiệm kỳ 2019-2024; tiền nhiệm của bà là ông Jean-Claude Juncker, là người đã ký với cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bản thông cáo báo chí chung ngày 2.12.2015 về sự việc kết thúc đàm phán và bắt đầu tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị ký kết Hiệp Định EVFTA. 

Hiện tại ông Phil Hogan giữ trách nhiệm Tổng Vụ Thương Mại (Commission INTA), tiền nhiệm của ông chính là bà Cecilia Malmström, là người đã qua Hà Nội ngày 30.6.2019 ký kết Hiệp Định EVFTA. Một nhân vật quan trọng nữa trong Tổng Vụ Thương Mại INTA có liên hệ đầu mối với EVFTA là ông Peter Berz, Trưởng Đơn Vị vùng Đông Nam và Nam Á, Úc, Tân Tây Lan (Head of Unit South and South East Asia, Australia, New Zealand / Direktorat-General for Trade) 

2) Quốc Hội Âu Châu (European Parliament) = cơ quan Lập Pháp. Sau Brexit gồm có 705 Nghị Viên. Nước Đức chiếm 96 ghế (nhiều nhất), kế đó là Pháp 74 ghế, Ý 73 ghế... 

Quốc Hội Âu Châu có 7 đảng phái: 

- EVP (European People’s Party = bảo thủ), 

- S&D(Progressive Alliance of Socialists and Democrats = Xã Hội), 

- Renew(Renew Europe =Tự Do), 

- Green-EFA (Greens-European Free Alliance = Đảng Xanh), 

- ID (Identity and Democracy = Cực Hữu), 

- EKR (European Conservatives and Reformists = Bảo thủ và Cải tiến), 

- Ngoài ra có Đại Diện Không Đảng Phái = Non-Inscrits.

Đảng Xanh (Green-EFA) tại Quốc Hội Âu Châu, đại diện là hai bà Nghị Viên Saskia Bricmont và Anna Cavanizzi, đã thẳng thắn chống việc thông qua EVFTA vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam diễn biến càng ngày càng tồi tệ. 

Các Nghị viên trong Quốc Hội được chia ra 20 Ủy Ban (Committees) và 2 Tiểu Ban (Subcommittees). Ủy Ban Thương Mại INTA với 41 Nghị Viên và Nghị Viên Chủ Tịch INTA Bernd Lange là những nhân tố quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị bỏ phiếu thông qua EVFTA /IPA. 

Dưới đây là bảng liệt kê Ủy Ban và Tiểu Ban và số Nghị Viên trực thuộc trong Quốc Hội Âu Châu: 

AFET - Foreign Affairs (Ủy Ban Đối Ngoại): 71 
AGRI - Agriculture and Rural Development (UB Nông Nghiệp): 48 
BUDG - Budgets (Ủy Ban Ngân Sách): 41 
CULT - Culture and Education(UB Văn Hóa Giáo Dục): 31 
DEVE - Development(Ủy Ban Phát Triển): 26 
ECON - Economic and Monetary Affairs(UB Kinh Tế Tiền Tệ): 60 
EMPL - Employment and Social Affairs(UB Công Nhân Xã Hội): 55 
ENVI - Environment, Public Health and Food Safety(MT, SKCĐ, ATTP)*: 76 
IMCO - Internal Market and Consumer Protection(TTNĐ BVNTT)**: 45 
INTA - International Trade (UB Thương Mại): 41 
ITRE - Industry, Research and Energy (CN, Nghiên Cứu, Năng Lượng): 72 
JURI - Legal Affairs (Ủy Ban Pháp Lý): 25 
LIBE -Civil Liberties, Justice and Home Affairs (TDDS, TP và Nội Vụ)***: 68 
REGI - Regional Development (UB Phát Triển Khu Vực): 43 
TRAN - Transport and Tourism(UB Giao Thông Vận Tải): 49 
AFCO - Constitutional Affairs (UB Hiến Pháp): 28 
PECH - Fisheries (Ủy Ban Ngư Nghiệp): 28 
PETI - Petitions (UB Thỉnh Nguyện Thư): 35 
FEMM - Women’s Rights and Gender Equality(Quyền Phụ Nữ và BĐGT)****: 35 
CONT - Budgetary Control (UB Kiểm Tra Ngân Sách): 30 
DROI - Human Rights (Subcommittee =Tiểu Ban Nhân Quyền): 30 
SEDE - Security and Defence (Subcommittee=TB An Ninh Phòng Thủ): 30 

* Môi Trường, Sức Khỏe Cộng Đồng, An Toàn Thực Phẩm 
** Thị Trường Nội Địa Bảo Vệ Người Tiêu Dùng 
*** Tự Do Dân Sự,Tư Pháp và Nội Vụ 
**** Quyền Phụ Nữ và Bình Đẳng Giới Tính 

3) Tòa Án Tư Pháp Liên Âu (Court of Justice of the European Union) = cơ quan Tư Pháp. 

4) Dịch Vụ Đối Ngoại Âu Châu (European External Action Service) = Bộ ngoại giao của Liên Minh Âu Châu. 

5) Hội Đồng Liên Minh Âu Châu (Council of the European Union) Hội Đồng các Bộ Trưởng 27 nước, tùy đề tài buổi họp: kinh tế quốc phòng... mà 27 Bộ Trưởng của 27 quốc gia về chuyên ngành đó sẽ họp lại. 

6) Hội Đồng Âu Châu (European Council) thường bị nhầm lẫn với Hội Đồng Liên Minh Âu Châu,là Hội Đồng của 27 Nguyên Thủ Quốc Gia thường họp 4 lần một năm. 

7) Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (European Central Bank) 

04.02.2020







No comments:

Post a Comment

View My Stats