04/02/2020
Đảng
Cộng sản Việt Nam, bằng Quy định 214, đang nói với dân chúng rằng dân chúng
không đủ “sáng suốt” để bầu ra người lãnh đạo đất nước và hãy chấp nhận những
“tinh hoa chính trị” mà đảng cử ra.
Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng
10/2018. Ảnh: Gia Hân/Thanh Niên.
Ngày 02/02/2002, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt
Nam chính thức công
bố Quy định 214 về Khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (“Quy định 214”).
Theo đó, Bộ Chính trị sửa đổi, đồng thời bổ sung những quy định cụ thể về
phẩm chất và năng lực cần có của các chức danh quan trọng trong nội bộ đảng.
Hiểu đơn giản, Quy định 214 giống như một bảng mô tả
công việc và yêu cầu vị trí mà chúng ta thường thấy được đăng tải trong các
thông tin tuyển dụng. Như đối với Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Quy định 214 yêu cầu “cần phải là người tiêu biểu về bản lĩnh chính trị,
phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi
đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng”. Còn nếu là thành viên của Bộ
Chính trị và Ban Bí thư thì phải là “ủy viên chính thức Ban Chấp hành
Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở
các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh”.
Song sẽ không có gì đáng nói nếu Quy định 214 không
đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, vốn là những vị trí nhà nước, về mặt lý thuyết
không phải là các vị trí mang tính đảng, và vì vậy nằm ngoài tầm ảnh hưởng của
nội bộ đảng. Theo đó, vị trí Chủ tịch nước được quy định phải là người có “uy
tín cao”, là “trung tâm đoàn kết”, có tài năng “nổi trội,
toàn diện”; còn Thủ tướng Chính phủ, thì phải “nổi trội toàn diện …
trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh;
tư duy nhạy bén, năng động, quyết đoán…”.v.v. Tất thảy đều là những lời có
cánh cho một kiếp người.
Hiển nhiên, có thể hiểu rằng Đảng Cộng sản Việt Nam
đang tự đề ra những tiêu chuẩn để các thành viên của mình xem xét để có cơ sở
mà ứng cử, giới thiệu và bình bầu, lựa chọn người “xứng đáng” cho kỳ bầu cử Quốc
hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào năm 2021 tới đây. Tuy vậy, với cơ chế bầu cử
ở nước ta, hoàn toàn có thể hiểu Quy định 214 của đảng sẽ quyết định các chức
danh lãnh đạo trong nhà nước Việt Nam, nhưng lại được một nhóm vỏn vẹn 17 người
trong Bộ Chính trị nghị sự và tự quyết với nhau.
Vậy những quy định đẹp đẽ ở trên có đủ để thay thế bởi
phiếu bầu phổ thông và công khai từ phía người dân? Hay chúng ta có thể cho rằng
giới bình dân Việt Nam quá kém hiểu biết nên phải trao thẩm quyền cho một tầng
lớp tinh hoa (như Đảng Cộng sản) lựa chọn người lãnh đạo?
Một cuộc họp của Bộ Chính trị – Đảng Cộng sản Việt
Nam, tháng 5/2019. Ảnh: TTXVN.
Chính trị tinh hoa
Tồn tại một lập luận và phép biện minh cho cơ chế bầu
chọn lãnh đạo của Đảng Cộng sản rằng dân chúng Việt Nam có dân trí thấp, dễ bị
kích động, không phù hợp để tiến hành bầu cử dân chủ. Vậy nên tốt hơn cả là để
cho một thiểu số tinh hoa chọn ra người lãnh đạo, và thiểu số tinh hoa đó hiện
nay đang được cho là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cũng không phải chỉ ở nước ta mới có kiểu lập luận
như vậy. Các học thuyết về kỹ trị (technocracy – hệ thống cho rằng chỉ có các
chuyên gia mới có đủ thẩm quyền lãnh đạo và kiến thức để đưa ra các quyết định
chính sách) và tri dân chủ (epistocracy – một hệ thống cho rằng chỉ những công
dân có “phẩm chất” mới có đủ thông tin và thẩm quyền chính trị để tham gia ứng
cử và bầu cử) thật ra không phải là những phát kiến mới mẻ.
Triết gia lừng danh thế kỷ 19 John Stuart Mill từng ủng
hộ một hệ
thống bầu cử dựa trên giai tầng và công việc chuyên môn của cử
tri. Cử tri là chuyên gia và những ngành nghề đòi hỏi kiến thức, kỹ năng phức tạp
sẽ có sáu phiếu bầu, nông dân và thương gia có ba hoặc bốn phiếu, lao động có
tay nghề nắm hai phiếu và lao động phổ thông nắm một phiếu.
Hay gần đây, Jason Brennan với tác phẩm Against
Democracy cũng khuyến khích một môi trường chính trị nơi mà chỉ
có những công dân có phẩm chất, có kiến thức mới nên được phép bầu cử hay ứng cử.
Ông viết rằng hầu hết các câu hỏi chính trị trong đời sống đương đại hiện nay
đã trở nên quá phức tạp để cho các cử tri thông thường có thể hiểu, họ quá ưa
thích những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi phức tạp. Tệ hơn nữa, không
chỉ họ không biết, mà thậm chí các cử tri này nghĩ rằng mình biết rõ và biết
đúng. Điều này khiến cho hầu hết các quyết định chính trị của cử tri vừa thiếu
hiểu biết, vừa ngờ nghệch. Brennan không đề xuất mô hình phiếu bầu dựa trên bằng
cấp và trình độ như Mill, mà đề xuất một bài kiểm tra năng lực chính trị thực tế
của cử tri trước khi cho phép họ bầu cử.
Cơ chế bầu cử của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không
nằm ngoài quy luật và định hướng của hai học thuyết kỹ trị và tri dân chủ nói
trên:
·
Các đảng viên được xem là những công dân có “phẩm chất”
để thực hiện những quyết định đầu tiên về bộ máy nhân sự nhà nước, thông qua động
tác bình bầu trong nội bộ đảng tạo lập nên những ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng. Rồi những ủy viên Trung ương Đảng, những công dân có phẩm chất bậc
cao này, lại tiếp tục chọn nên những thành viên “ưu tú” để ngồi vào ghế Bộ
Chính trị và Ban Bí thư, đồng thời cũng được “quán triệt” trở thành những nhà
lãnh đạo nhà nước, bất kể kết quả bầu cử phổ thông địa phương.
·
Trong khi đó, Bộ Chính trị, với tư cách là những nhà
kỹ trị bậc thầy, tự mình định ra những quy chuẩn cần có đối với lớp lãnh đạo kế
nhiệm, rồi cũng tự mình giới thiệu, đề bạt nhân sự vào bộ máy lãnh đạo trong
tương lai.
Đúng là một sân chơi của những anh tài.
Khiếm khuyết của các cuộc bầu cử dân chủ
Các cuộc bầu cử dân chủ rõ là không làm hài lòng hết
tất cả mọi người, nếu không muốn nói là chúng đang khiến nhiều người thất vọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ.
Ông Donald Trump và phu nhân đi bầu vào tháng
11/2016. Ảnh: Getty Images
Trong quá trình bầu cử nội bộ đảng (primary
election) để chọn ra ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa để đối đầu với ứng
cử viên từ Đảng Dân chủ hay các đảng phái độc lập khác trong cuộc bầu cử tổng
thống chính thức năm 2016, có đến 50 đảng
viên kỳ cựu của đảng này viết thư công khai phản đối việc tiếp
tục để Donald Trump tham gia hoặc bỏ phiếu cho ông này.
Cụ thể, tướng Michael Hayden (tướng bốn sao, nguyên
Giám đốc CIA và NSA) cho rằng Trump không có đúng khí chất, tính cách, sự kiên
nhẫn, văn minh, kiến thức, hay thậm chí là sự tò mò, ham học hỏi… những tố chất
cần có để xứng đáng với chức danh tổng thống. Với ngôn ngữ tương tự, David
French, một cây bút quen thuộc của Dispatch và Times, chưa hề giấu giếm rằng
mình thuộc phong trào “Chống – Trump”, khẳng định mạnh
mẽ rằng tính cách chính là định mệnh của một người. Khí chất, kiến thức và sự
chính trực của một người sẽ định hình hành vi của anh ta. Chúng ta có thể hy vọng
rằng sức nặng của thể chế dân chủ và vai trò của các cố vấn chuyên môn sẽ định
hình và kiểm soát một vị tổng thống có quá nhiều thiếu sót, song những sai lầm
vẫn sẽ bùng phát, đặc biệt đối với một kẻ cứng đầu như Trump.
Nhưng đến cuối cùng, với chiến thắng trong cuộc bầu
cử 2016, ông này vẫn cho thấy mình được một bộ phận không nhỏ cử tri Hoa Kỳ đón
nhận, bất kể bao nhiêu lời thị phi rằng mình không “xứng đáng” hay không đủ “phẩm
chất”. Không chỉ vậy, giữa tâm bão bị luận tội, tỉ lệ ủng hộ Trump không chỉ ổn
định, mà còn tăng
mạnh.
Người viết sẽ không đi vào quá sâu việc bình luận về
Trump, bởi việc đánh giá ông này vẫn còn rất nhiều tranh cãi, kể cả giữa người
Việt Nam với nhau. Nhưng
có một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra: người dân bầu chọn cho những người
được xem là không xứng đáng.
Một nghiên cứu khá chi tiết của Pew
Research về quan điểm của cử tri về chất lượng ứng cử viên cho
các vị trí dân cử của Hoa Kỳ cho thấy họ không đánh giá cao phẩm chất và năng lực
của những ứng cử viên. Chỉ có 47% cho rằng chất lượng của các ứng cử là tốt, và
thậm chí chưa tới 5% đánh giá phẩm chất, năng lực của các ứng cử viên là rất tốt.
52% còn lại đều có cái nhìn tiêu cực. Riêng về vị trí tổng thống, đến 58% khẳng
định họ không hài lòng với những lựa chọn ứng cử viên mà họ có.
Đồ họa
Không chỉ vậy, cũng theo Pew,
dân chúng tại 12 quốc gia dân chủ điển hình đại diện cho hầu hết các đại lục đều
không hài lòng với cách mà nền dân chủ quốc gia họ đang vận hành. Danh sách này
bao gồm cả những quốc gia dân chủ cấp tiến có máu mặt suốt hàng thế kỷ như Hoa
Kỳ, Vương quốc Anh hay Nhật Bản. Đồng biến với hàm này, quan điểm của người dân
các quốc gia này dành cho những quan chức do chính họ bầu chọn cũng không phải
là cao. Nếu tại Hy Lạp, có đến 90% dân số tin rằng những chức danh dân cử không
quan tâm gì đến ý chí, quan điểm và nguyện vọng của một người bình dân; cũng
hơn 58% dân số Hoa Kỳ chia sẻ ý kiến này. Thậm chí, dù các chỉ số về minh bạch
và xử lý tham nhũng tại Hoa Kỳ luôn được đánh giá khả quan bởi các tổ chức độc
lập, có đến 69% người tham gia khảo sát đồng tình với quan điểm các chính trị
gia nước này đều tham nhũng và suy đồi…
Với những con số rõ như ban ngày như vậy, và thực tế
rằng ở các quốc gia châu Phi, nơi mà những cuộc bầu cử dân chủ đang bị biến
thành cuộc chơi chi tiền và lèo lái một đám đông thiếu thông tin, điều gì còn
khiến cho thế giới vẫn duy trì cơ chế bầu cử dựa trên phổ thông đầu phiếu như
thế? Tại sao cả thế giới vẫn chưa từ bỏ chúng để tiến đến việc giao quyền chính
trị cho một bộ phận tinh hoa, có hiểu biết, có học thức, và quan trọng nhất là
có “phẩm chất lãnh đạo”, những người rõ ràng ở vị thế tốt hơn để lãnh đạo và
lèo lái đất nước?
Bầu cử phổ thông vẫn là giải pháp tốt nhất
Sẽ có nhiều điều để bàn về cái hay và cái dở giữa những
người “được bầu” và những người có “phẩm chất” lãnh đạo; song ngộ nhận trước
tiên của những người phản đối bầu cử phổ thông mà người viết thấy cần chỉ ra,
là họ cho rằng đại đa số quần chúng sẽ chọn sai người, nhưng cùng lúc đó tin tưởng
một giai tầng “tinh hoa” bé nhỏ lại chọn ra đúng người phục vụ lợi ích đại
chúng mà không chịu ảnh hưởng từ các nhóm lợi ích, ưu tiên cá nhân hay các yếu
tố “hậu cung” khác. Một niềm tin hoàn toàn vô căn cứ.
Vì sao, theo mô hình phân chia giai cấp như của
Mill, một luật sư lại nên có số phiếu gấp ba lần số phiếu của một công nhân có
tay nghề, trong khi chính trị và các vấn đề an sinh thật ra chỉ là một phần
chuyên biệt rất nhỏ trong các chuyên ngành luật, vốn không phải luật sư nào
cũng đủ hiểu biết để bàn về nó, chưa nói đến là đúng hay sai? Đến cuối cùng, bản
thân Mill cũng nhận thấy ông cần xây dựng một hệ thống phản ánh đầy đủ các quan
điểm trong xã hội, và ý tưởng về một nội các chỉ toàn các nhà kinh tế học khiến
ông phải hãi hùng.
Còn mô hình kiểm tra năng lực cử tri của Jason
Brennan, như nhận
định của giáo sư chính trị David Runciman của trường Đại học
Cambridge, chỉ đang đẩy câu hỏi của mình về điểm bắt đầu và không trả lời thêm
được bất kỳ điều gì. Ai sẽ được cho là đủ năng lực để soạn bài kiểm tra?
Các giáo sư đại học? Bản thân họ cũng có những lợi
ích và quan điểm chính trị riêng.
Các nhà kinh tế học? Họ có thể thao thao bất tuyệt về
hàng loạt những quy luật thị trường, nhưng ít khi thấy họ đoán đúng điều gì về
tương lai của thị trường.
Và Brennan, với tư cách là một giảng viên đại học,
có lẽ cũng đã từng thấy sinh viên nhồi nhét kiến thức để vượt qua các kỳ thi,
thời điểm mà bản thân họ cũng đã hình thành nên những định kiến và điểm mù của
riêng mình.
Những người ủng hộ mô hình “tri dân chủ” cũng phải đối
mặt với sự thật rằng giới có học thức, giới tinh hoa gì đấy thật ra cũng chịu ảnh
hưởng của đám đông và thiên kiến nhóm tương tự như mọi thành phần khác trong xã
hội, mà đôi khi còn hơn thế. Như hai nhà khoa học Larry Bartels và Christopher
Achen từng chỉ
ra: Lịch sử cho thấy những nhóm trí thức, dù tinh hoa hay không, đều
có thể bị lệch lạc về đạo đức chính trị và tư duy chính trị như bất kỳ ai
khác.
Người viết nhìn thấy được những khuyết điểm và vấn đề
của mô hình dân chủ đại diện và bầu cử hiện đại ngày nay, nhưng điều này không
đồng nghĩa với việc nó là một mô hình tồi, xét theo cả hiệu quả cuối cùng lẫn
công bình xã hội. Như trong hôn nhân, ai cũng có thể chọn sai bạn đời, tương tự
như cách mà chúng ta bầu sai người. Song với thể chế dân chủ, người ta vẫn còn
những cơ chế kiểm soát, vẫn có thể bầu lại, giống như cách chúng ta có thể ly dị
và cưới lại. Còn khi mà quyền quyết định của người dân bị tước đoạt trong những
cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mọi thứ câu từ hoa mỹ sơn son thiếp
vàng như “năng lực”, “phẩm chất”, “tinh hoa”, “kỹ trị” hay “tri dân chủ” đều chỉ
là những phép biện minh vụng về mà thôi.
No comments:
Post a Comment