Wednesday, 17 July 2019

TRUNG QUỐC MUỐN CƯỚP NGUỒN DẦU KHÍ VIỆT NAM NGOÀI KHƠI BIỂN ĐÔNG (tổng hợp)




17/07/19

Bãi Tư Chính và lô 06-01 : Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
BBC tiếng Việt, 17/07/2019
Một tổ chức nghiên cứu của Mỹ vừa công bố thông tin chi tiết về hoạt động "quấy nhiễu" của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Biển Đông trong mấy tuần qua.

Asia Maritime Transparency Initiative mô tả tàu Trung Quốc Haijing 35111 quấy rối hai tàu Sea Meadow 29 và Crest Argus 5 phục vụ giàn khoan Hakuryu-5

Thông tin do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative), trực thuộc CSIS ở Washington DC, công bố ngày 16/7.
Thông tin từ Asia Maritime Transparency Initiative làm lộ ra có hai diễn biến trong vài tuần qua.
Một là hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, mà đã được hé lộ qua Twitter và Facebook mấy ngày vừa rồi.
Hai là sự đe dọa của một tàu hải cảnh Trung Quốc quanh lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.

'Đe dọa' dự án Nam Côn Sơn
Theo trung tâm nghiên cứu này, tàu Haijing 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc, kể từ ngày 16/6, đã đi tuần ở khu vực cách bờ biển đông nam Việt Nam 190 hải lý.
Các chuyến đi của tàu Haijing 35111 xoay quanh lô 06-01, ở phía tây bắc Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh, Vanguard Bank).
Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn, là dự án thành lập lần đầu năm 2000 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tập đoàn BP và Tập đoàn Statoil.
Năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ 2 của hợp doanh.
Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK.
Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam.
Tại lô 06-01, hiện có giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan.
Theo thông tin trước đây của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, lô 06.01, bao gồm mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ, nằm ngoài khơi phía Đông Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cách bờ khoảng 370km.
Cần biết rằng vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung Quốc từng gây đe dọa, buộc Việt Nam sau đó ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol, công ty Tây Ban Nha.
Nhưng Rosneft của Nga vẫn tiếp tục thăm dò ở mỏ khí Lan Đỏ và Phong Lan Đại, cũng thuộc lô 06-01.
Theo Asia Maritime Transparency Initiative, vào tháng 5/2019, Rosneft giao cho giàn khoan Hakuryu-5 đào một mỏ khác trong lô 06-01, bắt đầu làm từ ngày 18/5.
Tàu Sea Meadow 29 và tàu Crest Argus 5 - là loại tàu AHTS chuyên dụng, cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí - đã đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06-01 từ tháng Năm để phục vụ giàn khoan Hakuryu-5.
Asia Maritime Transparency Initiative cho hay tàu Trung Quốc Haijing 35111 đã có hành vi "đe dọa gần các tàu này nhằm ra oai với họ".
Ví dụ, ngày 2/7, trong khi hai tàu kéo rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 "đi vào giữa hai tàu với tốc độ cao, cách mỗi tàu khoảng 100 mét và chỉ cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý".
Tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 tiếp tục hoạt động quanh giàn khoan Hakuryu-5, nhưng hoạt động khoan vẫn tiếp tục.
Diễn tiến hiện nay cũng làm bộc lộ lợi thế của các đảo nhân tạo do Trung Quốc đơn phương xây ở Trường Sa thời gian qua. Sau khi vây quanh lô 06-01 gần một tháng, tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đã đi về căn cứ của Trung Quốc ở Đảo Đá Chữ Thập từ 12/7 đến 14/7, có lẽ để tiếp vận, rồi lại trở lại bao vây giàn khoan Hakuryu-5.

Xuất hiện tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8
Vào ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, bắt đầu thăm dò ở một khu vực gần lô 06-01.
Hoạt động của tàu này đã được những người như ông Ryan Martinson ở U.S. Naval War College và nhiều người khác công bố trên Twitter và Facebook.

Tàu Việt Nam và Trung Quốc 'vờn nhau' quanh hai lô Riji 03 và Riji 27

Tàu Haiyang Dizhi 8 đang làm hoạt động thăm dò ở hai lô Riji 03 và Riji 27.
Hồi năm 2012, Trung Quốc tuyên bố mời thầu với hai lô này cùng 7 lô nữa ngoài khơi Việt Nam, nhưng không công ty nào tham gia.
Asia Maritime Transparency Initiative đánh giá hai lô Riji 03 và Riji 27 nằm trong 200 hải lý của Việt Nam.
Ít nhất 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi theo bảo vệ tàu Haiyang Dizhi 8.
Để phản ứng lại tàu Haiyang Dizhi 8, Việt Nam đã cử tàu cảnh sát biển đi theo sát tàu Trung Quốc.
Ít nhất hai tàu Việt Nam, KN 468 và KN 472, đã rời Vịnh Cam Ranh, đi theo phía Trung Quốc từ ngày 4/7.
Asia Maritime Transparency Initiative đánh giá tình hình hiện thời tạo ra rủi ro "đụng độ ngẫu nhiên mà có thể làm tăng căng thẳng".
Cũng đang có sức ép đòi Trung Quốc và Việt Nam ngừng im lặng mà phải thừa nhận vấn đề đang xảy ra.
Ngày 16/7, người phát ngôn Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói :
"Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình".
"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam".

*****************

Bãi Tư Chính : Việc truyền thông Việt Nam im lặng 'là bình thường' ?
Ben Ngô, BBC, 17/07/2019

Một nhà quan sát nói với BBC rằng việc chính phủ và truyền thông Việt Nam không đề cập gì về vụ bãi Tư Chính "là chuyện bình thường".

Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 4/2018

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước tin do tờ South China Morning Post của Hong Kong loan báo.
Theo đó, Trung Quốc và Việt Nam đang có đối đầu căng thẳng liên quan tàu 'khảo sát' của Trung Quốc triển khai tới một rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông.
"Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tuần tại khu vực một rạn san hô ở Biển Đông, sự kiện có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong năm năm trở lại đây, tờ báo này cho biết hôm 12/7/2019.
Đối đầu có thể gây ra một làn sóng tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam chưa từng thấy, kể từ năm 2014, khi một giàn khoan dầu của Trung Quốc (HD-981) tới khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước," tờ báo của Hong Kong tường thuật.
Tính đến chiều 15/7, chưa thấy các báo Việt Nam đưa tin về vụ này, trong lúc một thư ký tòa soạn báo ở Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ẩn danh, xác nhận với BBC rằng "có lệnh không đưa tin về vụ bãi Tư Chính".
'Cách tiếp cận'
Hôm 15/7, trả lời BBC, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói :
"Theo phán đoán của tôi, South China Morning Post có lẽ là trích lại thông tin của ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc, trong khi bản thân ông Ryan có thông tin về vụ bế tắc này thông qua quá trình theo dõi các tàu của Trung Quốc trên các công cụ định vị tàu biển."
"Cho nên nếu tờ báo này có trích dẫn sai sót gì đó thì cũng không phải điều gì quá lạ lẫm, quan trọng là họ có đính chính sau đó hay không. Dù sao thì South China Morning Post vẫn được xem là báo tư nhân, và là báo có trụ sở không phải ở đại lục".
"Tuy nhiên cũng cần lưu ý, ông Ryan Martinson không phải là bên đầu tiên đánh tín hiệu là đang có chuyện xảy ra ở Biển Đông".
"Từ theo dõi của tôi thì bên đầu tiên nói bóng gió về việc có va chạm xảy ra là một fanpage có cảm tình với quân đội Việt Nam, không loại trừ khả năng là thành phần của lực lượng 47".
"Hiện nay tuy truyền thông dòng chính ở Việt Nam không đề cập, truyền thông mạng và các nhóm thân chính phủ trên không gian mạng vẫn được phép đề cập, dù không hay không thể, không được, đề cập quá chi tiết".
"Việc chính phủ Việt Nam, và truyền thông dòng chính Việt Nam không đề cập gì là chuyện bình thường".
"Đối với báo chí chính thống, họ sẽ phải chờ thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao, rồi sau đó mới đưa tin được. Còn Bộ Ngoại giao thường thì sẽ chỉ có thông báo sau khi sự việc sắp kết thúc hoặc đã kết thúc".
"Cách tiếp cận "không xác nhận cũng không bác bỏ" sẽ là cách tiếp cận chính trong thời điểm hiện tại. Theo tôi, có mấy lý do sau :
- Tránh đánh động dư luận, gây ra các vụ biểu tình bạo động lớn như vụ giàn khoan HD-981 năm 2014.
- Nếu xảy ra bạo động thì cũng không có lợi. Thứ nhất cho kinh tế, và thứ hai cho ngoại giao, vì điều này sẽ gây sức ép lớn lên quá trình giải quyết tình hình trên thực địa.
Chính phủ Việt Nam cho thấy họ ưu tiên ổn định đối nội. Kiểm soát thông tin là để thực hiện mục tiêu đó. Kiểm soát thông tin là một chuyện, các chính sách thực địa là một chuyện khác và không đánh đồng hai chuyện này với nhau được.
Ông Thế Phương cũng phân tích thêm :
"Tham vọng của Trung Quốc hiện tại và tương lai là không thay đổi : Độc chiếm Biển Đông. Vì thế, các vụ va chạm lẻ tẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển vẫn rất hay thường xuyên xảy ra. Điều này không mới, và trong tương lai cũng sẽ như thế".
"Tuy nhiên vụ bãi Tư Chính được cho là nghiêm trọng nhất kể từ sự kiện giàn khoan HD-981, đơn giản là sự kiện này lặp lại kịch bản của vụ HD-981 : Đội tàu Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và tàu khảo sát của Trung Quốc được một đội tàu hộ tống đông đảo đi kèm (gồm tàu cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu dân quân biển".
"Vậy lý do tại sao Trung Quốc lại làm vậy ? Theo tôi, có hai lý do :
- Phép thử : Trung Quốc muốn thử xem quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích lớn tới đâu cũng như Việt Nam triển khai lực lượng đối phó như thế nào. Việc thử nghiệm này sẽ được thực hiện thường xuyên. Tần suất thì khó có thể đoán trước được.
- Đẩy lửa ra bên ngoài : một số ý kiến cho rằng vụ bãi Tư Chính lần này là Trung Quốc đang đẩy sự chú ý ra bên ngoài. Chiến tranh thương mại, các khó khăn kinh tế bắt đầu nảy sinh, các áp lực đặt lên vai Tập trong bối cảnh xuất hiện chia rẽ liên quan tới các chính sách kinh tế của ông (Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa thể diễn ra kể từ tháng 11/2018. Tuy nhiên, phải theo dõi xem truyền thông Trung Quốc nói gì về sự kiện này thì mới khẳng định được lý do này chính xác hay không".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 12/7/2019 tại Bắc Kinh

'Bưng bít'
Hôm 16/7, blogger, phóng viên tự do Thanh Ngọc nói với BBC :
"Những ngày này, người dân sục sôi trước việc vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam tại bãi Tư Chính bị tàu hải dương Haiyang Dizhi của Trung Quốc xâm phạm cả tuần lễ, hải quân Việt Nam ngăn chặn".
"Thông tin quan trọng vậy mà chẳng có một tờ báo chính thống nào của Việt Nam lên tiếng, trong khi dân mạng hóng lề trái và sục sôi, nhưng chỉ mỗi tờ South China Morning Post viết những dòng ngắn ngủi".
"Bưng bít kiểu ấy đừng trách sao báo lề phải mãi mãi lẹt đẹt so với lề trái trong cuộc đua thông tin, khi hiện nay báo chí tiếng nước ngoài rất dễ tiếp cận, và khả năng ngoại ngữ cũng như thẩm thấu thông tin của người dân cao lên rất nhiều".
"Cùng lúc ấy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng im bặt, không lên tiếng "quan ngại" như mọi lần. Chính sự im lặng của giới chức càng tạo điều kiện cho tin đồn có cơ hội bùng phát, khi chức năng định hướng thông tin của báo chí lề phải bị "tê liệt".
"Chính sự im ắng hàng bao nhiêu năm mà Việt Nam đã mất ải Nam Quan, mất một phần thác Bản Giốc, mất đảo Gạc Ma, biên giới bị lấn chiếm... Là người dân, ai mà không xót xa, nóng ruột khi thấy tấc đất cha ông mất lần mất hồi. Thông tin chủ quyền quốc gia là quyền chính đáng của công dân, nay bị "mũ ni che tai", khó tránh khỏi việc dân tình đồn đoán, nghi ngờ và mất niềm tin vào chính đảng lãnh đạo."
"Cách đây ít lâu, một thông tin xuất hiện trên báo chính thống và nhanh chóng bị xóa link, đại loại các báo "lề phải" cho rằng nếu không bị kiểm duyệt gắt gao, báo lề phải không bao giờ thua lề trái. Và họ gọi đó là thiếu "cạnh tranh công bằng". Thông tin này làm tôi rất buồn cười khi nghĩ về vụ bãi Tư Chính mà các báo "quên đưa".
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được báo VietnamNet hôm 12/7 dẫn lời trong lúc bà được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Bắc Kinh :
"Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước. Hai bên cần tuân thủ nghiêm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được ; kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 ; xử lý tốt vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân ; duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông ; thúc đẩy phân định và hợp tác cùng phát triển theo lộ trình đã thống nhất, cố gắng tạo đột phá trong đàm phán phân định vùng điển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm 2020".

*****************

Việt - Trung : Căng thẳng xảy ra "suốt một tuần" ở Bãi Tư Chính
Quốc Phương, BBC, 13/07/2019

Trung Quốc và Việt Nam đang có đối đầu căng thẳng liên quan tàu 'khảo sát' của Trung Quốc triển khai tới một rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin.

Hải quân Trung Quốc trong một cuộc trình diễn lực lượng vào năm 2018

Các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tuần tại khu vực một rạn san hô ở Biển Đông, sự kiện có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong năm năm trở lại đây, tờ báo này cho biết hôm 12/7/2019 .
Đối đầu có thể gây ra một làn sóng tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam chưa từng thấy, kể từ năm 2014, khi một giàn khoan dầu của Trung Quốc (HD-981) tới khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước.
Sáu tàu bảo vệ bờ biển được trang bị vũ khí hạng nặng - hai của Trung Quốc và bốn của Việt Nam - đã 'gườm gườm' nhìn nhau trong các cuộc tuần tra quanh khu vực bãi Tư Chính trong nhóm đảo Trường Sa kể từ tuần trước.
Có tin khoảng một chục tàu đã hiện diện trong khu vực lân cận, theo các trang mạng theo dõi hàng hải từ hôm thứ Năm, 11/7. Diễn biến xảy ra bất chấp cam kết hồi tháng 5/2019 của các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam để giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán.
Hôm thứ Tư tuần trước, 03/7, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để "thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn", Ryan Martinson, Phó Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ tại Newport, Rhode Island, cho biết trong một thông điệp trên trang Twitter vào thứ Sáu, trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu biển, tờ SCMP cho hay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 12/7/2019 tại Bắc Kinh

Các tàu hộ tống của tàu này bao gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang trọng tải 12.000 tấn, số hiệu 3901, kết hợp với máy bay trực thăng và tàu bảo vệ bờ biển 2.200 tấn số có hiệu 37111.

'Không xác nhận và khuyên hợp tác'
Hôm thứ Sáu, 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết thêm.
"Chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan," người phát ngôn này nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm của bà tới Trung Quốc tuần này rằng "hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định hàng hải bằng các hành động cụ thể".
Trước đó vào thứ Sáu, người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc, ông Lật Chiến Thư cũng nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam rằng "cả hai bên nên hợp tác với nhau về một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông."
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam từng xuống ở mức thấp nhất trong một thập kỷ vào tháng 5/2014, khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc điều giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng biển gần Hoàng Sa. Việt Nam đã gửi tàu đến để ngăn chặn giàn khoan này khoan xuống đáy biển, các tàu hộ tống của Trung Quốc đã đối đầu lại với các tàu việt Nam.
Bắc Kinh và Hà Nội cáo buộc nhau "cho phép tàu bè đâm đụng" vào tàu bên kia. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra khắp Việt Nam, và ở tỉnh Bình Dương, thuộc Đông Nam Việt Nam, 14 nhà máy thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị tấn công, vẫn theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Căng thẳng giảm bớt vào tháng 7/2014, khi Trung Quốc nói giàn khoan đã hoàn thành công việc và được rút khỏi vùng biển tranh chấp.
Kể từ đó, hai nước đã nỗ lực cải thiện quan hệ. Vào tháng 5/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đến thăm Hà Nội, cam kết với người đồng cấp Việt Nam rằng cả hai quốc gia sẽ duy trì sự ổn định ở Biển Đông.
Bãi Tư Chính là rạn san hô ở cực tây của Trường Sa và nằm trong phạm vi những gì Hà Nội tuyên bố là 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế. Yêu sách này bị tranh chấp bởi cả Bắc Kinh và Đài Loan, tờ báo này cho hay.

Phủ nhận cáo buộc và thách thức
Thứ sáu tuần trước, hôm 5/7, trong một diễn biến liên quan Trung Quốc ở Biển Đông, Reuters đã loan tin Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của Hoa Kỳ về các vụ thử tên lửa ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ rằng quân đội Trung Quốc gần đây đã thực hiện các vụ thử tên lửa ở Biển Đông đang tranh chấp, thay vào đó họ (Trung Quốc) chỉ tổ chức các cuộc tập trận thường xuyên liên quan đến việc bắn đạn thật, vẫn theo hãng tin Anh.
Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ ba tuần trước rằng vụ phóng tên lửa này đã gây xáo trộn và trái với cam kết của Trung Quốc rằng họ sẽ không quân sự hóa con đường giao thông trên biển có vị chí chiến lược.
Một quan chức Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết rằng theo thông tin ban đầu, Trung Quốc dường như đã thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm vào cuối tuần trước đó, vẫn theo Reuters.
Hôm 13/7, bình luận với BBC Tiếng Việt về diễn biến đang gây chú ý này ở khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore) nêu quan điểm :
"Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào vùng quanh Tư Chính của Việt Nam là hành động vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật Việt Nam và vi phạm các thảo thuận song phương về hợp tác ở biển Đông mà hai bên đã ký và công bố.
"Việc này xảy ra trước và trong khi có chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch Quốc hội Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Ngân, là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực chính trị Việt Nam.
"Nó cho thấy Trung Quốc tự coi thường các thỏa thuận mà họ đã ký và cam kết thực hiện với Việt Nam, đồng thời coi thường giới lãnh đạo Việt Nam. Hành động đưa tàu thăm dò kể trên vào vùng Tư Chính cũng thách thức dư luận quốc tế, thách thức các nỗ lực thực thi pháp luật trên biển của tất cả các quốc gia có lợi ích ở biển Đông, có đi lại trong, qua vùng biển Đông.

Đơn lẻ hay có ý đồ ?
Trước câu hỏi liệu đây chỉ là một sự kiện xảy ra đơn lẻ, hay nằm trong một chỉnh thể ý đồ của một bên nào đó, để có thể gây tác động tới an ninh, chính trị, bang giao quốc tế ở khu vực, hoặc đơn giản là đem lại lợi thế cho chính trị nội bộ trong quốc gia của bên đó, nhà nghiên cứu chính trị và quan hê quốc tế Hà Hoàng Hợp đáp :
"Đây không phải là hành động đơn lẻ. Đây là một loại hành động được tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm khằng định trên thực địa tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn biển Đông (giới hạn bởi đường Lưỡi Bò hay còn gọi là đường 9 khúc).
"Như tất cả đã biết, lúc này Trung Quốc tự coi mình là siêu cường. Nên họ có thể làm những việc bất chấp luật pháp quốc tế như một số siêu cường khác đã từng làm trước đây. Mục tiêu của Trung Quốc lúc này là tiếp tục đẩy Mỹ ra khỏi mọi nỗ lực liên quan đến biển Đông.
"Nói cách khác, Trung Quốc muốn xây dựng một hình thái quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ như chính họ nói, cụ thể hóa việc chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng ở Châu Á - Thái Bình dương, trước hết bắt đầu từ biển Đông.
"Việc làm này nhất quán với chính sách của Trung Quốc từ năm 2001, 2002, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần đường Lưỡi Bò."

Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông

Đánh giá về phản ứng của phía Việt Nam trong diễn biến căng thẳng mới xảy ra, người đồng thời là thành viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - Anh quốc), nói :
"Phản ứng của Việt Nam lần này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với nội dung DOC mà Trung Quốc đã ký với Asean, hành động của các tàu cảnh sát biển Việt Nam lần này tương đối nhẹ nhàng.
"Cảnh sát biển Việt Nam liên lạc với phía Trung Quốc yêu cầu rút tàu thăm dò khỏi vùng biển Việt Nam có chủ quyền. Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang tự kiềm chế, chưa sử dụng quyền của mình để áp chế tàu vi phạm Trung Quốc phải rút."
Cảnh sát biển Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp hợp pháp mạnh mẽ hơn, nếu phía Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu hợp pháp của Việt Nam, vẫn theo nhà nghiên cứu này và ông lưu ý thêm :
"Nên nhớ là bộ quy tắc CUES chỉ áp dụng cho hải quân, cho nên, khả năng va chạm với tàu cảnh sát biển rất cao, vì không có quy tắc nào. Nhìn về bản chất, đây là sự kiềm chế của cảnh sát biển Việt Nam," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 13/7.





No comments:

Post a Comment

View My Stats